Phật dạy rằng sự sanh tử của chúng sanh, cứ tương tục luân chuyển trong bao số kiếp mà không ngừng nghỉ, chỉ vì niệm niệm vọng tưởng phan duyên, chưa hề dứt đoạn. Vì vọng tưởng không đoạn, nên sanh tử không cùng tận, rồi bị lôi kéo luân chuyển không dừng. Phật thuyết bao phương pháp chế ngự tâm, đều là muốn bánh xe luân hồi dừng lại. Pháp môn tuy nhiều, mà chúng sanh trần cấu nặng nề, tâm thức mê muội khó nhiếp nhập, nên chỉ có pháp môn niệm Phật là thẳng tắt và cần yếu nhất. Thế nên bảo rằng nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền và tương lai, nhất định thấy Phật. Tất cả vọng kiến của chúng sanh đều nương nơi sanh tử. Do đó, đơn độc chỉ có chánh kiến thấy được Phật là pháp xuất khỏi sanh tử. Do có lòng nhớ đến, nên mới thấy được chư Phật.
Lúc vọng niệm ngày đêm không gián đoạn, phải dùng niệm Phật để đoạn trừ chúng. Đây là cách thức mà liên xã của ngài Huệ Viễn thường hành trong sáu thời khắc tại Lô Sơn. Đương thời, trong liên xã có một trăm hai mươi người, mà chỉ có mười tám vị được xưng là cao hiền, tức là những vị chân thật niệm Phật; những vị còn lại đa số chưa đắc được nhất tâm niệm Phật. Hiện nay, xem thấy người niệm Phật thường thuộc hàng mạt phẩm. Sao không chân thật nhận biết!
Đời cận đại, người người thường lấy trâu núi làm hạnh niệm Phật, và lấy việc luyện ma làm danh; nghĩa là kềm chế quá cứng chắc. Tuy ngày đêm niệm Phật không gián đoạn, nhưng chỉ trong ba mùa đông là thối thất. Người người tu hành chẳng giống nhau. Hiếm có ai tâm tu hành dài lâu. Tuy ngày đêm có bốn thời, mà tối đến lại hôn mê. Tu hành thiếu sự liên tục! Thật phí cho những lời cảnh tỉnh.
Nay pháp sư Phật Thạch Huyền Tân, phát tâm trong mười hai thời thường thưa thỉnh. Pháp này phải liên tục tu trì. Trong động tịnh như lúc ăn uống rất khó niệm đến nhất tâm. Nếu điều phục chừng mực, thì mới niệm thành thục được. Đối với quy chế xưa nay, Pháp sư muốn thỉnh vấn. Lão nhân vì thế mà thiết lập quy chế, giá sự không phức tạp, để nhân tâm tập trung, mà hành diệu hạnh vi mật. Những quy chế giáo điều này chỉ là phụ trợ. Phàm kiến lập pháp hội niệm Phật, phải tùy theo người và tùy theo nguyện, rộng hẹp không đồng. Nếu có nhiều người thì lập ra nhiều pháp đường. Nếu có ít người thì chỉ cần lập một pháp đường. Song, không luận là người nhiều ít, phải phân thành sáu nhóm; ngày đêm mỗi nhóm hành hai thời, thay phiên dâng hương; lúc ra ngoài thì lễ bái tụng kinh, hành đạo sám hối; những thời gian còn lại đều ngồi tĩnh tọa, rồi nương theo âm thanh mà mặc niệm, hoặc tập môn quán tưởng; người nào thích gì thì tùy theo đó mà hành. Nơi đây phải tĩnh lặng nhiều mà động ít; không khẩn trương không loạn động, và tiếng niệm Phật không gián đoạn, thì vọng tưởng không thể sanh khởi, như vừa kêu gọi; không mê không tán loạn; lúc nhập vào chánh niệm thì động tịnh như nhau; mình người không hai không khác; thức ngủ thường tỉnh giác. Được như thế, thì không cần rời khỏi tòa ngồi, bèn thấy được Phật A Di Đà. Đây chính là diệu hạnh như ý bậc nhất. Lúc ăn uống cũng phải như pháp mà điều phục. Lúc làm việc, trong ngoài đều nhất như, tức là nhân và ngã đều mất, thị phi đều lặng. Đạo tràng vắng lặng tịch tĩnh, cũng chưa vi diệu bằng như thế.
Lão nhân suy nghĩ sâu xa về pháp này, tự thẹn gót chân chưa vững, nên vẫn chưa toại ý, nhưng đặc biệt nói ra những lời này. Đa phần tâm niệm chỉ rong ruỗi chạy đó đây. Ngày nào thấy nghe được chúng, thì nơi nơi đều an lạc, rồi đem tông Tịnh Độ phổ biến khắp nơi. Đây là niềm hy vọng của lão nhân.