Chấp trì Thánh hiệu nhất tâm,
Đời nay quyết định không lầm vãng sinh.
Có người hỏi: “Chấp trì Thánh hiệu có thể đạt được nhất tâm hay không? Niệm Phật có chắc chắn được vãng sinh hay không?”. Trong Kinh A Di Đà yếu giải có nói: “Tán loạn xưng danh gieo giống Phật, chấp trì danh hiệu đăng bất thối”. Bạn phải biết rằng Phật có công đức không thể nghĩ bàn, danh hiệu A Di Đà Phật cũng có công đức không thể nghĩ bàn. Nếu bạn niệm Phật tâm bị tán loạn sẽ tạo thành chủng tử. Như trong Kinh Pháp Hoa có nói: “Nếu người tâm tán loạn, đi vào trong bảo tháp, nhất tâm xưng niệm Nam Mô Phật, đều được thành Phật đạo”. Do đó có thể biết, lấy tâm tán loạn mà xưng niệm danh hiệu Phật công đức còn thù thắng, hà huống gì là chấp trì danh hiệu Phật được nhất tâm bất loạn, công đức lớn lao biết dường nào!
Kỳ thật, có được vãng sinh Cực Lạc hay không, tất cả đều phụ thuộc nơi bạn. Nếu bạn có hỏi tôi: “Tôi có thể vãng sinh hay không?”. Tôi cũng xin thành thật trả lời với bạn rằng: “Điều đó hoàn toàn phụ thuộc nơi bạn”. Chỉ cần bạn chân thật nhận thức và có quyết tâm: “Thân này đời nay không độ, đời sau làm sao độ được thân”, đồng thời tin sâu, nguyện thiết, cầu vãng sinh Tây phương thì nhất định đời nay quyết định được vãng sinh. Cho nên, bạn không cần phải phân vân tán tâm hay nhất tâm, chỉ cần bạn thường biết an phận, xưng niệm danh hiệu Phật cho thành tâm là tốt rồi.
Thường hằng chấp trì đăng bất thối
Tóm lại, bạn chỉ cần “chấp trì” danh hiệu Phật không quên là tốt rồi. Thế nào gọi là “chấp trì”? Giống như việc bạn nắm một vật quý giá trong tay, chẳng những bạn phải nắm giữ cho chắc, mà tâm phải trông chừng nó không cho nó rơi rớt, nếu rớt e rằng sẽ bị bể. Cho nên đòi hỏi bạn phải chú ý, tập trung gọi là “trì”. Nói tóm lại, chấp trì chính là “niệm niệm tương tục không gián đoạn”. Trước ngọ cũng niệm Phật, sau ngọ cũng niệm Phật; ngày nay niệm Phật thì ngày mai cũng niệm Phật, đó chính là chấp trì. Bình thường phải niệm, đến khi có bệnh hay gặp khó khăn cũng phải niệm, cứ niệm Phật cho đến khi nào giải thoát hết mọi khổ nạn mới dừng.
Nếu bạn không niệm Phật, tham, sân, si, trong tâm của bạn sẽ khởi lên. Song, trong tâm bạn có niệm Phật thì tham, sân không thể nào khởi lên được. Vì bản chất của tam độc không phải là chân hữu, mà chúng chỉ là pháp huyễn tưởng, hư vọng mà thôi. Duy chỉ có niệm Phật mới là công đức chân thật. Những pháp hư huyễn làm sao có công đức được. Vì vậy, bạn không cần phải quan tâm đến việc tán tâm hay nhất tâm, mà chỉ cần bạn tin sâu, nguyện thiết, chấp trì một câu A Di Đà Phật. A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật… không kể là đi, đứng, nằm, ngồi, hoặc may vá hay ăn uống. Từ sớm đến chiều, một câu Phật hiệu không cho gián đoạn, dù có bệnh khổ hoành hành, hay dù gặp việc bất như ý, chỉ có một lòng niệm Phật, bạn cần gì phải lo sợ có được vãng sinh hay không.
Như thế nào mới là người chân chính chấp trì danh hiệu? Giống như có người khen bạn tốt, bạn đáp “A Di Đà Phật”, hoặc có người đến phá hoại bạn, hoặc chửi bới bạn, bạn cũng đáp lại “A Di Đà Phật”. Không kể gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh, cứ một câu A Di Đà Phật bạn chấp trì đừng cho gián đoạn, thì không bao giờ bị hoàn cảnh dẫn dắt, lại giữ được chánh niệm vãng sinh Tây phương.
Không những bạn phải bảo trì mà còn phải nhậm trì nữa. Nhậm tức là chỉ cho trạng thái tự nhiên, để tâm tự nhiên mà niệm Phật. Lúc bình thường bạn chấp trì, dần dần lâu ngày sẽ tự nhiên trở thành nhậm trì, tức là không niệm mà niệm. Chấp trì danh hiệu là “nhân”, vãng sinh Tây phương là “quả”. Một khi bạn được sinh Tịnh độ rồi thì không còn sợ thối chuyển nữa. Vì vậy, nếu có người nào hỏi tôi: “Tôi có được vãng sinh hay không?”. Tôi cũng xin hỏi lại bạn: “Bạn có niệm Phật hay không?”. Nếu bạn có niệm Phật thì có vãng sinh, bằng ngược lại không có thì không được vãng sinh. Định luật nhân quả quy định rõ ràng như vậy.