Chỉ quy Tịnh Độ: Chỉ tức ý chỉ tu hành; quy tức quy về cõi Tịnh Độ. Đức Thế Tôn nhiếp hóa quần sanh, thuyết ra bao loại pháp môn, phương tiện chẳng có một, mà pháp yếu thuỷ chung vốn có hai tông tánh và tướng. Vì căn cơ có đại tiểu, nên giáo có thi thiết đốn tiệm. Người sau phân hai môn thiền giáo. Giáo tức là nhiếp cả ba căn. Thiền tức là đốn ngộ nhất tâm. Như cả Đại tạng kinh Đại Thừa, cùng một ngàn bảy trăm công án, thì hướng về cái nào! Pháp môn Tịnh Độ, bao trùm ba căn, đốn tiệm đều được cứu độ; không có căn cơ nào mà chẳng nhiếp thọ. Vì vậy bảo rằng siêu vượt ra ba cõi, đây là pháp môn tối thắng nhất.
Từ trên chư tổ, dưới đến các bậc đại sĩ liễu ngộ chân tâm, chưa từng có ai không quy hướng vào đó. Bồ tát Long Thọ, Mã Minh, cực lực xiển dương, tán thán. Có người bảo rằng pháp môn này chỉ vì những người căn cơ trung hạ, tức là họ không biết yếu chỉ Tịnh Độ. Tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới, cùng chánh báo y báo, tuy có khác biệt về sự hơn kém tịnh uế, mà đều do từ một tâm cảm hiện ra. Vì vậy, bảo rằng tâm tịnh tức cõi nước tịnh, nên gọi duy tâm tịnh độ; cõi tịnh độ này không ngoài tâm. Thanh tịnh tâm do nhất tâm bất loạn. Các vị chưa liễu ngộ được chân tâm, sao không muốn an cư nơi Tịnh Độ!
Thiền gia thượng thượng căn, chưa từng có ai không quy về tịnh độ. Các bậc trung hạ căn, tu trì tịnh giới, chuyên tâm chú niệm, quán niệm tương tục, lâm chung sẽ được vãng sanh. Tuy có tướng đến đi, mà tướng hảo Di Đà, đài hoa rừng báu, thật do tự tâm cảm hiện ra. Ví như những việc trong mộng, chẳng từ ngoài vào. Những kẻ ngu phu ngu phụ, thường tu thập thiện, tinh trì năm giới, chuyên tâm niệm Phật, lúc sắp lâm chung, tất được vãng sanh. Đây là nhờ Phật lực gia trì, và hành nhân niệm tưởng được tăng ích thù thắng. Những niệm tưởng thù thắng kia do đại nguyện mà có. Nguyện cùng niệm giao tiếp, và tự tâm cùng Phật thầm mặc tương ưng. Tuy cảnh tịnh độ chưa hiện, mà công phu vãng sanh đã thành, thật do lực của tự tâm thầm cảm nên, mà chẳng từ ngoài vào.
Những kẻ thường gieo mười điều ác, thì lúc lâm chung sẽ bị nghiệp lôi kéo, và bao việc khổ trong địa ngục hiện ra trước mắt. Vì khổ quá bức bách, nên mới có tâm thiết tha muốn thoát khổ. Tâm này cộng với ý cùng cực khổ não mà thành niệm lực, nên khởi tâm thiết tha sám hối. Tâm sám hối đã thiết tha, thì ngay nơi ấy toàn thể ý niệm chuyển biến, nên trong một niệm, bèn tương ưng với chư Phật. Nhờ Phật lực gia trì, cảm ứng, khiến núi đao hóa thành rừng châu báu, và vạc lửa biến thành ao sen, nên những kẻ ác này cũng được vãng sanh. Cảnh Tịnh Độ do toàn thể công lực của tự tâm chuyển biến, chứ chẳng do từ ngoài mà được. Vì vậy quán thấy, vạn pháp trong ba cõi, chẳng có pháp nào mà không xuất sanh từ tâm. Cảnh tịnh uế, chẳng có cảnh nào là không do tâm hiện. Thế nên, pháp môn Tịnh Độ, không luận là người đã ngộ hay chưa ngộ, bậc thượng trí hay kẻ hạ ngu, nếu tu thì tất định sẽ được vãng sanh; tất cả đều do tự tâm, tức là ý chỉ duy tâm tịnh độ, trắng đen rõ ràng. Thể tánh của chư Phật như hư không. Tự tâm lặng lẽ thanh tịnh, thì ứng hợp với chư Phật. Tuy giả lập khởi một niệm nguyện lực trang nghiêm, mà cảnh giới tịnh độ liền hiện, chứ không cần vay mượn công huân. Đó là bậc thượng thượng, chẳng phải là việc mà kẻ trí hẹp hay lòng tin cạn cợt có thể đạt đến. Các vị trung căn hạ căn, hãy nên liên tục quán xét tâm niệm, chớ để duyên ái hay tập nghiệp làm khuynh đảo. Căn tuy khiếm khuyết, mà chí thật thượng thượng. Việc tu khó, chỉ vì khó đoạn ái căn.
Những kẻ ác được vãng sanh lại còn khó hơn. Tuy bảo rằng đới nghiệp vãng sanh, nhưng thật ra do tập khí của thiện căn trong bao đời đã huân tập mà phát khởi. Tuy căn tánh xấu xa thấp kém, nhưng nếu phát khởi một tâm niệm dũng mãnh, thì siêu vượt lên bậc thượng thượng. Vừa bỏ dao đồ tể, bèn làm Phật sự, còn gì thù thắng bằng! Song, chúng sanh mỗi mỗi không giống nhau. Thế nhân nếu mong đợi cầu vãng sanh thì là sai lầm. Căn tánh không lớn nhỏ; cứu cánh chỉ do một niệm hướng thượng mà thành tựu. Vì vậy pháp môn này, há chẳng phải đặc biệt quyền thiết cho trung hạ căn thôi sao!
Tông chỉ của Tịnh Độ Chỉ Quy là dựa vào kinh mười sáu phép quán, và phát minh những chỗ khó hỏi, để hiển lộ yếu chỉ của pháp môn tịnh độ. Kế đến dẫn các thuyết từ Liên Tông cùng Long Thư, để biểu thị tín nguyện chánh hạnh. Thứ đến, liệt kê tiểu sử từ ngài Huệ Viễn, xuống tới hai mươi sáu vị khác, để dùng làm thật chứng. Sau đó, diễn giảng khuyến khích, cùng phát huy nghĩa lý niệm Phật, hay dẫn dụ nhân quả, hầu mong hành giả tiến bước tu hành, và chân thành chú tâm nơi pháp môn này. Tôi gọi là tập chỉ nam của Tịnh Độ. Lý và sự đêu phải tu; lý nhân quả đều hiển lộ. Người xem lấy đây làm nơi nương tựa. Đó là cảnh giới diệu lạc, sáng soi tâm mắt. Cần gì phải cầu ngoài muôn quốc độ, mới thọ được sự an lạc vi diệu thù thắng! Những điều này, hiển hiện ngay trong công việc hằng ngày, chứ không đợi quả báo đến hay lúc thần thức đã siêu sanh, mà sau mới thật chứng. Lợi ích của bài này là làm chiếc thuyền từ bi trên biển khổ, và làm ánh đuốc huệ trong đêm dài tăm tối. Chớ coi là việc nhỏ!