Home > Khai Thị Phật Học > Cong-Duc-Dac-Thu-Cua-Bo-Tat-Dia-Tang
Công Đức Đặc Thù Của Bồ Tát Địa Tạng
Đại Sư Thích Ấn Thuận | Mạt Nhân Đạo Quang, Việt Dịch


1. Thị hiện vào thế giới nhơ bẩn

Tất cả Bồ tát, như Bồ tát Quán Thế Âm, thị hiện cứu độ chúng sinh ở thế giới này, mang hình tướng của người cư sĩ tại gia, như tướng Bạch Y Đại Sĩ, hoặc thị hiện tướng người, trời…; Bồ tát Văn thù Sư lợi thị hiện tướng đồng tử; Bồ tát Phổ Hiền cũng thị hiện tướng người cư sĩ tại gia. Duy chỉ có Bồ tát Địa Tạng thị hiện tướng người xuất gia li dục. Vấn đề này, rất ít ai để ý đến. Vậy tại sao Bồ tát Địa Tạng lại thị hiện tướng người xuất gia li dục? Để nói rõ vấn đề này, tôi xin lấy hai nghĩa “thị hiện vào thế giới dơ bẩn và thị hiện tướng Thanh văn” để nói. Tuy Bồ tát Địa Tạng thị hiện khắp tất cả thế giới trong mười phương, độ thoát chúng sinh, nhưng Ngài đặc biệt từ bi thị hiện đến thế giới xấu xa, dơ bẩn này, độ chúng sinh tội khổ. Kinh Thập Luân  quyển 1 ghi: “Bồ tát Địa Tạng đã từ vô lượng vô số đại kiếp, ở trong thế giới ngũ trược, ác thế, không có Phật, cứu thoát chúng hữu tình”. Bồ tát Địa Tạng phát tâm vô lượng vô biên kiếp, đều ở trong thế giới xấu ác cứu độ chúng sinh, thế giới càng xấu ác thì càng muốn vào cứu, chúng sinh càng khổ não càng muốn độ. Ngài còn thị hiện đến thế giới không có Phật pháp, nơi chúng sinh khổ nạn nhiều nhất, để làm lợi ích cho họ. Nguyện lực của chư Bồ tát không giống nhau, đại nguyện từ bi của Bồ tát Địa Tạng, chú trọng đến cứu độ chúng hữu tình trong thế giới xấu ác. Kinh Thập Luân quyển 1 ghi: “Con nay học theo đức Thế Tôn phát nguyện như vậy, vào thế giới dơ xấu đắc Vô Thượng Bồ đề”. Đức Phật Thích ca Mâu ni thị hiện vào thế giới dơ xấu, lại còn thị hiện thành Phật ở thế giới này nữa. Bồ tát Địa Tạng muốn theo đức từ phụ Thích ca Mâu ni Phật, phát nguyện thành Phật trong thế giới dơ xấu này, cứu độ chúng sinh trong thế giới dơ xấu này, có thể thấy Ngài là vị chân chính kế thừa tinh thần của đức Thích ca Mâu ni Như Lai.

2. Thị hiện Thanh Văn

Bồ tát Địa Tạng là vị đại Bồ tát, công đức ngang với Phật, đã đạt đến viên mãn cứu cánh. Trong pháp hội của đức Thích ca Mâu ni Như Lai ở thế giới Ta bà, Ngài thị hiện tướng xuất gia li dục, kinh Thập Luân quyển 1 ghi: “Dùng năng lực thần thông, thị hiện thân Thanh văn”. Thanh văn là những vị xuất gia đệ tử Phật, đây là điểm đặc thù của Bồ tát Địa Tạng. Kinh điển Phật giáo Phát triển ghi: Một số thế giới thanh tịnh không có pháp Tiểu thừa, cũng không có chúng xuất gia li dục. Đức cha lành Thích ca Mâu ni Thế Tôn thị hiện thành Phật ở thế giới xấu ác này, thị hiện tướng xuất gia li dục; Phật pháp ở cõi xấu ác có quan hệ mật thiết với chúng xuất gia li dục. Bồ tát Địa Tạng noi gương đức Thích ca Mâu ni Thế  Tôn, cũng thị hiện tướng xuất gia li dục, phát nguyện thành Phật ở thế giới xấu ác. Phật pháp trong thế giới xấu ác, có chúng xuất gia, có thể nói rất thích hợp với thời đại, mà còn có khuynh hướng thiện lành. Mặt khác, điều này có ý nghĩa đặc thù rất tích cực: Trong thế giới xấu ác này, chúng sinh từ sáng đến tối, nếu không tranh danh, thì cũng giành lợi, cuộc sống bận rộn, vội vàng, tìm cầu lợi ích cá nhân…, xã hội đầy dẫy tội ác, đen tối. Trong thế giới đen tối ô uế, nên cho họ ánh sáng và niềm hi vọng, đức Phật Thích ca Mâu ni mới thị hiện vào thế giới này, xuất gia thành Phật. Kinh Thập Luân ghi: Tăng tướng của những bậc xuất trần, là tướng thanh tịnh mẫu mực của thế giới xấu ác. Trong xã hội không mấy lý tưởng này, xây dựng tăng đoàn thanh tịnh, làm cho mọi người nhìn vào, thấy sự thanh tịnh của các thầy, thân tâm của họ cũng được thanh tịnh theo. Phật pháp thích ứng với xã hội, muốn hoằng dương chính pháp trong thế giới xấu ác, cần phải có chúng xuất gia thanh tịnh li dục, hiện tướng giải thoát trang nghiêm thanh tịnh. Đức Thích ca Mâu ni Phật và Bồ tát Địa Tạng, thị hiện tướng xuất gia trong thế giới xấu ác, chính ý này. Xuất gia không có vật sở hữu riêng, lấy việc khất thực để duy trì thân giả tạm, hầu trưởng dưỡng pháp thân tuệ mạng, không vì hưởng thụ, cũng giảm thiểu những hậu quả rắc rối do vấn đề kinh tế đem lại. Thứ nữa, thị hiện hình tướng xuất gia, người nam không lấy vợ, người nữ không lấy chồng, không giống người thế tục, vì sợi dây ràng buộc vợ chồng phát sinh biết bao cuộc tranh chấp khổ đau. Tội ác vô biên của đời ác năm trược, chủ yếu do sự chiếm hữu nam nữ và kinh tế gây ra. Hình tướng xuất gia, tức đề xuất giải quyết khó khăn, thống khổ của thế giới xấu ác, tiến đến thiết lập phương án giải thoát mọi ô nhiễm và ràng buộc thân tâm. Giả sử không đạt được mục đích mong muốn, cũng đã biết được phương hướng chân chính giải thoát nỗi khổ niềm đau. Cho nên, Phật pháp trong thế giới xấu ác, đặt trọng tâm là chúng xuất gia li dục; riêng cõi Tịnh độ có thể không có chúng xuất gia, vì họ không còn đau khổ. Bồ tát Địa Tạng thị hiện thân tướng xuất gia  độ thoát chúng sinh trong cõi Ta bà, có ý nghĩa đặc thù, cho nên chúng sinh trong thế giới xấu ác này hết sức gần gũi với Bồ tát Địa Tạng. Ngài không chỉ đề xướng hiếu đạo, độ thoát cha mẹ, mà còn thị hiện thân Thanh văn, cứu độ chúng sinh trong thế giới xấu ác, đây là nguyên nhân tại sao chư đại đức thời xưa đặc biệt kính ngưỡng Ngài.
 

Trích từ: Thánh Đức Và Sự Linh Ứng Của Bồ Tát Địa Tạng

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Bồ Tát Địa Tạng Thánh Đức Hỏi - Đáp, Cư Sĩ Lý Viên Tịnh | Thích Giác Nguyên, Việt Dịch
2.    Địa Tạng Bồ Tát Bản Tích Linh Cảm Lục, Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
3.    Địa Tạng Bồ Tát Bốn Nguyện Kinh Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
4.    Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú, Đại Sư Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Địa Tạng Bồ Tát Thánh Đức Đại Quan, Đại Sư Hoằng Nhất | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
6.    Kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Luân, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang | Thích Nữ Huệ Thanh, Việt Dịch
7.    Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Thiển Thích, Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
8.    Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Tam Tạng Sa Môn Thật Xoa Nan Đà | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
9.    Kinh Địa Tạng Dịch Giải, Tam Tạng Sa Môn Thật Xoa Nan Đà | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, Việt Dịch
10.    Phổ Khuyến Đạo Hữu Tịnh Độ Trì Tụng Kinh Địa Tạng, Pháp Sư Tâm Nhiên | Hòa Thượng Thích Pháp Chánh, Việt Dịch
11.    Sự Tích Linh Nghiệm Của Ngài Bồ Tát Địa Tạng, Pháp Sư Tâm Nhiên | Hòa Thượng Thích Pháp Chánh, Việt Dịch
12.    Từ Bi Địa Tạng Bảo Sám, Ni Sư Hải Triều Âm
13.    Ý Nghĩa Chữ Không Trong Trung Quán, Đại Sư Thích Ấn Thuận | Thượng Tọa Thích Hạnh Bình, Việt Dịch