Home > Khai Thị Phật Học > Danh-Duc-Cua-Bo-Tat-Dia-Tang
Danh Đức Của Bồ Tát Địa Tạng
Đại Sư Thích Ấn Thuận | Mạt Nhân Đạo Quang, Việt Dịch


1 Giải thích danh nghĩa

Trong Phật pháp, Bồ tát y theo đức lập tên, không giống như tên của người thường, chẳng liên quan gì đến tâm hạnh của bản thân. Người Trung Quốc biết rất rõ bốn vị đại Bồ tát, nên đều có lời văn ca ngợi thánh hiệu của mỗi Ngài, như: “Đại trí Văn thù Sư lợi”, “đại hạnh Phổ Hiền”, “đại bi Quán Thế Âm”, “đại nguyện Địa Tạng”. Nguyện lực của Bồ tát Địa Tạng hết sức sâu rộng. Trong hệ thống kinh điển Phật giáo Phát triển có “Đại Tập kinh”, lúc đức Như Lai diễn nói giáo pháp giải thoát của Ngài, đại chúng 10 phương vân tập trong đại pháp hội, do đó mà có tên gọi. Trong đại pháp hội, chư Bồ tát phần lớn lấy chữ “Tạng” làm tên, như Nhật Tạng, Nguyệt Tạng, Hư Không Tạng, Kim Cang Tạng, Tu di Tạng, Địa Tạng… Sao gọi là Địa Tạng? “Địa” là đất nước, thế giới, cũng là “địa đại”; “Tạng” nghĩa là chứa đựng, phục tàng, như mỏ vàng, mỏ bạch ngân, mỏ than, mỏ sắt… Chữ “tạng” trong Phật giáo, chỉ cho vật cất chứa trong kho. Hàm nghĩa của danh từ “địa tạng”, một mặt là nói “từ đất”: Địa là một trong tứ đại (địa, thủy, hỏa và phong), có khả năng đảm đương tất cả, hết thảy núi non, vạn vật đều tồn tại trên đất; tất cả dụ cho công đức của Bồ tát, có khả năng làm hết thảy những việc khó làm cho chúng sinh. Mặt khác, đất cũng còn có nghĩa “nương nhờ”, hết thảy cỏ cây, đều nương vào đất mà có, nhờ đất sinh trưởng, ngụ ý tất cả công đức tự lợi lợi tha, đều nương nơi vị Bồ tát này mà tồn tại và phát triển. Bồ tát Địa Tạng có khả năng hàm chứa hết thảy mọi công đức, nguồn gốc sản sinh ra hết thảy công đức, làm việc khó làm, cứu độ chúng sinh, cho nên có tên Địa Tạng. Người ta thường gọi Ngài là Địa Tạng Vương, trong kinh chỉ có tên Địa Tạng không có chữ “Vương”, có lẽ Tì kheo Địa Tạng là con của quốc vương Tân la, do đó thêm chữ “Vương” để tôn xưng?

2. Tán thán công đức

Địa Tạng của Cửu Hoa Sơn, chỉ là ứng hóa thân của Bồ tát Địa Tạng, chúng ta cần tìm hiểu công đức chân thật của Ngài. Kinh Chiếm Sát ghi: “Từ khi phát tâm đến nay, đã trải qua vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn A tăng kì kiếp, lâu xa như Tát bà nhã hải, công đức viên mãn, nhưng bởi vì thừa bản nguyện, phương tiện khéo léo hóa hiện khắp cả mười phương thế giới”. Theo như kinh văn, từ khi Bồ tát Địa Tạng phát tâm tu hành đến nay, đã rất lâu xa vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn A tăng kì kiếp. Công đức và trí tuệ so với đức Như Lai không hai không khác. Tát bà nhã chỉ cho nhất thiết trí Phật trí. Tát bà nhã hải hình dung cho đại giác ngộ, đại trí tuệ của Phật, sâu rộng như đại dương mênh mông. Bồ tát Địa Tạng đã trải qua vô lượng vô biên kiếp tu hành, sớm đạt được biển trí tuệ của Phật, công đức viên mãn, tròn đầy, đáng ra thành Phật từ lâu. Nhưng Bồ tát phát nguyện cần phải độ tận chúng sinh, cho nên giấu đi công đức chân thật của Ngài, dùng đại lực bổn nguyện, thần thông tự tại, thị hiện đến khắp nơi để tuyên giảng phương pháp giải thoát của Phật đà, cứu độ người, trời. Kinh Lăng Già ghi: Có Bồ tát tấm lòng đại bi, vĩnh viễn không chịu thành Phật. Đây chẳng phải do trình độ còn non kém, hoặc giải đãi trên lộ trình giác ngộ, mà do nguyện lực đại bi, phát nguyện độ tận hết thảy chúng sinh, cho nên công đức sánh ngang bằng Phật, mà không thị hiện thân Phật, vẫn hiện thân Bồ tát, để độ thoát chúng sinh trong thế giới mười phương.

Công đức của Bồ tát Địa Tạng bằng với Phật, cho nên kính tin công đức của Bồ tát cũng đã không thể nghĩ bàn. Như kinh Thập Luân quyển 1 ghi: “Đối với chư đại Bồ tát, chí tâm quay về nương tựa trong trăm kiếp, xưng tán, tụng niệm thánh hiệu, lễ bái cúng dường, nguyện cầu, không bằng có người chỉ trong khoảnh khắc, chí tâm quay về nương tựa, xưng tán tụng niệm thánh hiệu, lễ bái cúng dường Bồ tát Địa Tạng, cầu nguyện điều gì, cũng đều được toại ý… Giống ngọc Như Ý, cũng như phục tàng”. Kinh còn ghi: Nếu chí thành quay về nương tựa chư đại Bồ tát, như Văn thù Sư lợi, Di lặc…, xưng niệm thánh hiệu, lễ bái cúng dường, cầu nguyện, như cầu khỏe mạnh, sống lâu, giàu sang, hoặc cầu đoạn trừ phiền não…; cầu nguyện với chư đại Bồ tát cả trăm kiếp, không bằng có người trong khoảng bữa ăn trong thời gian ngắn chí tâm quay về nương tựa Bồ tát Địa Tạng, xưng niệm thánh hiệu, kiền thành kính lễ đại công đức của Ngài, nếu có nguyện cầu điều chi, cũng đều được viên mãn, đạt thành sở nguyện. Đây là hoằng dương pháp môn của Bồ tát Địa Tạng, cho nên đặc biệt tán thán công đức thù thắng của Ngài. Giống như ngọc Như Ý, tức ngọc Ma ni, bảo châu này có khả năng sinh ra tất cả mọi thứ, đáp ứng đầy đủ những gì mình mong cầu. Bi nguyện cứu độ của Bồ tát Địa Tạng, cũng đáp ứng đầy đủ sở nguyện của chúng sinh. Như người nghèo khổ gặp kho báu, lập tức trở nên giàu sang, cái gì cũng có. Nếu chúng sinh nào gặp nhiều gian khổ, không được tự tại, thực tập pháp môn Địa Tạng, tự nhiên tất cả đều được vừa ý. Ngoài ra, theo kinh Địa Tạng Thập Luân, Bồ tát Địa Tạng giống như Bồ tát Quán Thế Âm, thị hiện vô lượng thân ở khắp mười phương thế giới, diễn nói vô lượng pháp môn tu tập, đưa chúng sinh thoát khỏi vô lượng khổ nạn.

Bồ tát Địa Tạng còn một công đức đặc thù, được phát xuất từ tên gọi của Ngài. Kinh Thập Luân quyển 1 ghi: “Có khả năng giúp cho hết thảy cỏ, cây… hoa trái trên đất, đều được sinh trưởng”. Người dân ở quê, mong muốn của họ là mùa màng bội thu. Bồ tát Địa Tạng có khả năng đáp ứng đầy đủ sở nguyện của chúng sinh, nuôi dưỡng tất cả hoa trái, cây cối, những gì sinh trưởng trên đất, đều được thu hoạch dồi dào. Kinh này được phiên dịch, do ít ai giảng dạy, công đức đặc thù này của Bồ tát Địa Tạng ít người chú ý. Hiểu được điều này, người nông dân nên chí thành cầu nguyện và cảm ơn Ngài.

Bồ tát Địa Tạng còn trị lành bệnh tật. Kinh Tu Di Tạng ghi: “Thầy (Bồ tát Địa Tạng) nên làm vị thầy thuốc lớn, thầy thuốc hay cho hết thảy chúng sinh. Vì sao? Vì thân thầy là thuốc lớn vi diệu”. Thuốc của ngày xưa, chủ yếu là cây cỏ trên đất và khoáng vật trong lòng đất, do đó công đức của Bồ tát Địa Tạng, chẳng khác nào đức Phật Dược Sư. Không chỉ là đại dược vương, mà còn là đại diệu dược, có khả năng giúp tăng trưởng tinh thần, sức khỏe dồi dào, tẩy trừ bệnh tật cho chúng sinh. Nếu được thấy Bồ tát, gần gũi Ngài, thì tất cả bệnh thân bệnh, tâm bệnh, sinh tử phiền não bệnh đều được tiêu trừ, tất cả công đức đều được đầy đủ.

Cuối cùng, chính là điều mà chúng ta đã biết, theo kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Công Đức: “Địa ngục chưa hết người thề không thành Phật”. Theo kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Bồ tát Địa Tạng nguyện phải độ hết chúng sinh trong địa ngục. Chúng sinh chịu nhiều thống khổ nhất phải kể đến chúng sinh trong địa ngục, Bồ tát phát đại nguyện, càng phải ra sức cứu độ những chúng sinh chịu nhiều thống khổ này.

Trích từ: Thánh Đức Và Sự Linh Ứng Của Bồ Tát Địa Tạng

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Bồ Tát Địa Tạng Thánh Đức Hỏi - Đáp, Cư Sĩ Lý Viên Tịnh | Thích Giác Nguyên, Việt Dịch
2.    Địa Tạng Bồ Tát Bản Tích Linh Cảm Lục, Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
3.    Địa Tạng Bồ Tát Bốn Nguyện Kinh Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
4.    Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú, Đại Sư Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Địa Tạng Bồ Tát Thánh Đức Đại Quan, Đại Sư Hoằng Nhất | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
6.    Kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Luân, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang | Thích Nữ Huệ Thanh, Việt Dịch
7.    Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Thiển Thích, Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
8.    Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Tam Tạng Sa Môn Thật Xoa Nan Đà | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
9.    Kinh Địa Tạng Dịch Giải, Tam Tạng Sa Môn Thật Xoa Nan Đà | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, Việt Dịch
10.    Phổ Khuyến Đạo Hữu Tịnh Độ Trì Tụng Kinh Địa Tạng, Pháp Sư Tâm Nhiên | Hòa Thượng Thích Pháp Chánh, Việt Dịch
11.    Sự Tích Linh Nghiệm Của Ngài Bồ Tát Địa Tạng, Pháp Sư Tâm Nhiên | Hòa Thượng Thích Pháp Chánh, Việt Dịch
12.    Từ Bi Địa Tạng Bảo Sám, Ni Sư Hải Triều Âm
13.    Ý Nghĩa Chữ Không Trong Trung Quán, Đại Sư Thích Ấn Thuận | Thượng Tọa Thích Hạnh Bình, Việt Dịch