Home > Khai Thị Niệm Phật > He-Niem-Phat-Lien-Niem-Lon-Tieng
Hễ Niệm Phật Liền Niệm Lớn Tiếng
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Ðại sư Chánh Thành thời Dân Quốc, họ Châu, người huyện Qua Dương, tỉnh Giang Tây. Nhà nghèo, Sư thường niệm Phật cầu sanh Tây phương. Cho đến lúc không phải phụng dưỡng ai, chôn cất vợ xong xuôi, tuổi đã sáu mươi tám, Ngài mới đem con đi xuất gia, tu trì cật lực. Ở trong núi suốt mười ba năm, Sư chưa hề nằm xuống giường.

Hễ niệm Phật là Ngài niệm lớn tiếng, thường niệm đến lúc toàn thân ướt đẫm mồ hôi rồi mới ngưng. Người khác ghét Ngài niệm oang oang thường hay quở mắng. Bạn đồng tu thường khuyên Ngài niệm nhỏ tiếng để khỏi bị người khác ghét, Ngài chỉ cười, bảo đúng. Ðến lúc niệm Phật vẫn niệm lớn tiếng như cũ mà chẳng tự biết.

Ngài thường niệm Phật bên gốc tùng trong chùa hoặc tịnh tọa trước ngọn núi. Mỗi khi Ngài thấy tượng Phật đứng trên đỉnh núi thường hay gọi người khác đến xem. Ai đến thì chẳng thấy nữa.

Ngài chợt biết thời giờ đã đến, bèn nói kệ, ngồi ngay ngắn niệm Phật mà hóa. (theo Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục Tam Biên)

Nhận định:

Do niệm Phật, tâm chuyên chú, đã đạt đến cảnh giới Nhất Tâm nên lúc niệm Phật chỉ biết niệm Phật, không còn niệm nào khác; tiếng niệm Phật lớn hay nhỏ có làm phiền người khác hay không Ngài cũng chẳng hay! Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt và Ðại Trang Nghiêm Kinh Luận đều bảo lớn tiếng niệm Phật có mười công đức:

1. Một là bài trừ chướng ngại mê ngủ.

2. Hai là thiên ma kinh sợ.

3. Ba là tiếng vọng khắp mười phương.

4. Bốn là tam đồ được dứt khổ.

5. Năm là những tiếng động bên ngoài chẳng lọt vào.

6. Sáu là khiến cho tâm chẳng tán loạn.

7. Bảy là dũng mãnh tinh tấn.

8. Tám là chư Phật hoan hỷ.

9. Chín là tam muội hiện tiền.

10. Mười là vãng sanh Tịnh Ðộ.

Những điều ấy là những chứng cớ khiến ta càng thêm tin tưởng.