Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Quan-The-Am-Bo-Tat-Do-Nhan-Duyen-Gi-Ten-La-Quan-The-Am...?

Quán Thế Âm Bồ Tát Do Nhân Duyên Gì Tên Là Quán Thế Âm...?
Đại Lão Hòa Thượng Thích Diễn Bồi | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Chánh kinh:

Nhĩ thời, Vô Tận Ý Bồ Tát tức tùng tòa khởi, thiên đản hữu kiên, hiệp chưởng hướng Phật, nhi tác thị ngôn: - Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ Tát dĩ hà nhân duyên danh Quán Thế Âm?

(Lúc bấy giờ, Vô Tận Ý Bồ Tát liền từ tòa ngồi đứng dậy, trật vai áo phải, chắp tay, hướng về đức Phật, bạch như thế này: - Bạch Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ Tát do nhân duyên gì tên là Quán Thế Âm?)

 
Kinh văn toàn phẩm chia thành hai phần lớn: một là Trường Hàng, tức là thể văn xuôi ghi lại những ý nghĩa được tuyên nói trong kinh; hai là Kệ Tụng, tức là thể văn vần ghi chép những nghĩa lý được tuyên nói trong kinh. Trường Hàng và Kệ Tụng nội dung không khác biệt nhau nhiều lắm, chẳng qua là sử dụng thể tài văn tự bất đồng mà thôi. Trong hai phân đoạn lớn này, trước hết giảng phần Trường Hàng, sau đó mới giảng Kệ Tụng.

Hai chữ “nhĩ thời” có nhiều cách giải thích khác nhau. Phần trước, tôi đã từng nói, phẩm này là phẩm thứ hai mươi lăm trong kinh Pháp Hoa, trước phẩm này là phẩm hai mươi bốn, tên là Diệu Âm Bồ Tát Phẩm. Nói “nhĩ thời” nghĩa là lúc vừa mới nói xong phẩm Diệu Âm Bồ Tát, bèn nói ngay phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn này.

Trong phẩm Diệu Âm Bồ Tát, cuối cùng là mấy câu: “Thuyết thị Diệu Âm Bồ Tát lai vãng phẩm thời, tứ vạn nhị thiên thiên tử đắc Vô Sanh Nhẫn, Hoa Đức Bồ Tát đắc Pháp Hoa tam-muội” (Lúc nói xong phẩm Diệu Âm Bồ Tát lai vãng này, bốn vạn hai ngàn thiên tử đắc Vô Sanh Nhẫn, Hoa Đức Bồ Tát đắc Pháp Hoa tam-muội). Do đây biết là khi đức Phật nói phẩm Diệu Âm Bồ Tát, có rất nhiều người được hưởng pháp ích (lợi ích nơi pháp). Do đại chúng nghe pháp được lợi ích, bởi thế lại mong cầu Phật tiếp tục giảng thêm diệu pháp; như vậy có thể hiểu “nhĩ thời” là lúc rất nhiều chúng sanh mong mỏi Như Lai thuyết pháp.

Theo như kinh Pháp Hoa giới thiệu, Diệu Âm Bồ Tát (Mañju-ghosha Boddhisattva) là một đại Bồ Tát trong cõi nước Nhất Thiết Tịnh Quang Trang Nghiêm ở phương Đông. Quán Âm Bồ Tát như mọi người đều biết rõ là một đại Bồ Tát thuộc Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đông phương Diệu Âm Bồ Tát đã đắc Hiện Nhất Thiết Sắc Thân Tam Muội, bởi thế có thể tự tại hiện thân theo từng loại để giáo hóa chúng sanh trong đời, tức là cần phải biến hiện thân tướng nào để giáo hóa chúng sanh, Ngài liền có thể biến hiện thân tướng ấy. Tây phương Quán Âm Bồ Tát như trong phần sau phẩm này sẽ giới thiệu: “Ưng dĩ hà thân đắc độ giả, tức hiện hà thân nhi vị thuyết pháp” (Nên dùng thân nào để đắc độ, liền hiện thân ấy để thuyết pháp); có thể nói là Quán Âm Bồ Tát cũng đắc Hiện Nhất Thiết Sắc Thân Tam Muội giống hệt như thế. Bởi thế, cổ đức gọi hai phẩm kinh này là “những phẩm chị em”, hàm ý chúng có ý nghĩa và giá trị gần giống nhau.

Hoặc có thể nói là đại chúng nghe những công đức thù thắng của Diệu Âm Bồ Tát ở phương Đông xong, nghĩ đến Bồ Tát Quán Âm ở phương Tây cũng là một vị đại Bồ Tát rất phi thường, nhưng công đức tự chứng, sự hóa độ người khác của Ngài rốt cuộc ra sao, đại chúng trong pháp hội vẫn chưa biết; bởi vậy, họ ngưỡng vọng đức Thế Tôn giảng cho hành trạng của đức Quán Âm. Chính ngay lúc đại chúng ngưỡng vọng đức Thế Tôn tuyên thuyết như thế, bèn gọi là “nhĩ thời”.

“Vô Tận Ý Bồ Tát” là vị đại biểu vấn pháp trong phẩm này. Ngay khi đức Phật giảng xong phẩm Diệu Âm Bồ Tát, có vị Vô Tận Ý Bồ Tát (Aksaya-mati Boddhisattva) bèn đứng ra thỉnh pháp. Vô Tận Ý là vị đại Bồ Tát ở thế giới Bất Thuấn nơi phương Đông, giáo chủ của thế giới Bất Thuất là Phổ Hiền Như Lai. Trong tương lai, Quán Âm Bồ Tát kế thừa A Di Đà Phật thành Phật trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Cần biết rằng ngài Vô Tận Ý trong tương lai sẽ kế thừa Phổ Hiền Như Lai làm Phật trong thế giới Bất Thuấn ở phương Đông.

Vô Tận Ý là vị đại Bồ Tát ở phương Đông, vì sao lại đến thế giới Sa Bà nghe Phật Thích Ca thuyết pháp? Là do tuân lệnh đức Phổ Hiền Như Lai (Samantabhadra Tathāgata) mà đến. Lúc đức Phật thuyết kinh Pháp Hoa, chính là diễn bày trực tiếp bản hoài, bởi thế mười phương chư Phật đều phái những bậc thượng thủ Bồ Tát của mình đến nghe đức Phật nói diệu pháp. Kể từ lúc Phật bắt đầu nói kinh Pháp Hoa cho đến lúc này, Vô Tận Ý Bồ Tát ngồi tại chỗ lặng lẽ nghe giảng; đến lúc Phật nói xong phẩm Diệu Âm Bồ Tát, vì muốn thỉnh pháp, Ngài bèn “tức tùng tòa khởi” (từ tòa ngồi đứng dậy).

Thánh hiệu của Phật và Bồ Tát đều được an lập từ tất cả công đức. Sở dĩ Vô Tận Ý mang tên Vô Tận Ý là do dựa theo công đức nào mà an lập? Ở đây, có thể dựa theo ba phương diện thế giới, chúng sanh, bi nguyện mà thuyết minh. Trên phương diện thế giới, trước hết phải hiểu rõ: Có nhiều vô cùng vô tận, vô lượng, vô biên những thế giới to như thế giới Sa Bà, kinh Phật gọi là “vô lượng vô biên thế giới”. Trong những thế giới nhiều như thế ấy, chỉ nói riêng người trong Nam Thiệm Bộ Châu của thế giới Sa Bà này đã nhiều vô kể; nếu nói gộp tất cả số người trong bốn đại châu lẽ đương nhiên càng nhiều hơn. Ngoài nhân loại còn có những chúng sanh khác, chúng sanh thật là nhiều chẳng thể tính đếm nổi. Chẳng riêng gì chúng sanh trong một thế giới này là như thế, chúng sanh trong mỗi một thế giới đều như thế; bởi thế nói “chúng sanh vô tận”. Lúc vị Bồ Tát này vận dụng trí huệ quán sát thế giới, nhận thấy có vô tận thế giới. Trong vô tận thế giới, có vô tận chúng sanh hoạt động. Đúng là mỗi chỗ có một thế giới, mỗi thế giới có một thế giới chúng sanh, nhưng các chúng sanh đều bị phiền não sai khiến, trôi nổi, đọa lạc trong biển nghiệp, chìm đắm luân hồi, bị các thứ khổ bức bách, trọn không có lúc nào giải thoát! Vô Tận Ý Bồ Tát chẳng nỡ thấy vô cùng vô tận chúng sanh chịu các khổ não lâu dài, bèn từ tận đáy lòng sâu thẳm, phát khởi bi nguyện vô tận, nguyện độ vô tận chúng sanh trong vô tận thế giới, khiến cho vô tận chúng sanh thành Phật, sau đó chính mình mới thành Phật; bởi thế hiệu là Vô Tận Ý.

Giải thích danh hiệu Vô Tận Ý, cổ đức dùng bốn câu kệ để hình dung:

Thế giới vô biên trần nhiễu nhiễu,
Chúng sanh vô tận nghiệp mang mang,
Ái hà vô để lãng thao thao,
Thị cố hiệu vi Vô Tận Ý.

(Thế giới vô biên mờ mịt bụi,
Chúng sanh vô tận nghiệp bời bời,
Sông ái không đáy sóng cuồn cuộn,
Bởi thế hiệu là Vô Tận Ý)

Ý nói: Thế giới là vô tận, chẳng sai! Nhưng trong vô tận thế giới lại có thế giới thanh tịnh, có thế giới uế ác. Thế giới uế ác nhiều hơn thế giới thanh tịnh. Bởi thế, vô cùng vô tận thế giới nói chung là dơ bẩn bị trần cảnh khuất lấp khó kham, uế ác bất tịnh! Những chúng sanh trong các thế giới ấy bất luận nhiều đến đâu, đại đa số ở trong biển nghiệp mênh mông, bị nghiệp lực lôi kéo! Nghiệp lực lôi quý vị lên thiên đường, quý vị sẽ lên thiên đường; nghiệp lực lôi quý vị xuống địa ngục, quý vị sẽ đọa địa ngục, tự mình chẳng tự chủ được mảy may gì! Sở dĩ chúng sanh ở trong biển nghiệp mênh mông không chỗ nương về, căn bản là do vì chìm đắm trong sông ái dục không đáy, sóng vỗ cuồn cuộn bất tuyệt. Bởi thế, biển khổ vô biên; chúng sanh tuần hoàn chẳng ngơi trong Hoặc nghiệp như thế. Vì vậy, tâm Bồ Tát suy tưởng: Chúng sanh chịu khổ như thế, nếu ta chẳng phát tâm cứu độ, giáo hóa, còn đợi ai làm chuyện này nữa đây? Bởi thế, liền phát vô tận bi nguyện, muốn độ vô tận chúng sanh. Do vậy hiệu là Vô Tận Ý.

Vô Tận Ý và các đại chúng vì muốn hiểu rõ công đức của Quán Âm Bồ Tát, thấy không có ai khác thỉnh vấn, nên Ngài bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, thay mặt đại chúng thỉnh vấn đức Phật. Câu “tức tùng tòa khởi” (từ tòa ngồi đứng dậy) nếu giải thích theo mặt chữ sẽ rất đơn giản, nhưng nếu dùng quán tâm để giải thích như ngài Thiên Thai thì lại mang những ý nghĩa sâu sắc. Chữ “tòa” ở đây chẳng phải là chỗ ngồi thông thường, mà có nghĩa là Pháp Không Tòa, cũng như kinh Pháp Hoa đã chép: “Chư pháp Không vi tòa” (lấy các pháp Không làm tòa). Lấy “các pháp Không” làm tòa, không chỉ là chẳng chấp trước vào các pháp, mà ngay cả các “pháp Không” cũng chẳng chấp trước. Nếu chấp trước nơi Không, sẽ không thể thật sự liễu giải Không.

Ngài Vô Tận Ý từ tòa đứng dậy, biểu thị Ngài chẳng nhiễm trước nơi Không, bởi thế mới nói “lấy các pháp Không làm tòa”. Tuy chẳng nhiễm Không, nhưng chẳng phải là chẳng có cái gì; Bồ Tát từ tòa “pháp không” đứng dậy vấn pháp là một minh chứng. Nếu như thật sự chẳng có cái gì hết cả, cần gì phải đứng lên hỏi nữa? Cần gì phải giảng kinh thuyết pháp? Do bởi Không nhưng Bất Không, cho nên mới từ tòa Pháp Không đứng dậy, thỉnh Phật khai thị. Như vậy, câu “tức tùng tòa khởi” hàm nghĩa: Chẳng chấp vào Không hay Hữu, vượt khỏi cả Không lẫn Hữu, chánh thức chứng đắc thâm nghĩa diệu pháp Thật Tướng.

“Thiên đản hữu kiên” (trật áo vai phải) là nghi thức nhất định phải dùng của hàng Phật tử xuất gia đứng dậy vấn pháp. Lúc Phật tại thế, tỳ-kheo mặc ca-sa giống như cách tăng đoàn Phật giáo Nam Truyền mặc. Theo quy củ nhà Phật, lúc bình thường, tỳ-kheo không lễ Phật, không thuyết pháp, cả hai vai áo đều phủ kín, chẳng lộ ra ngoài. Lúc thấy Phật, lễ Phật, nhằm biểu thị lòng cung kính, bèn đặc biệt lộ vai phải ra. Vô Tận Ý Bồ Tát muốn vấn pháp, nhằm tỏ lòng tôn trọng đức Phật, nên buông vạt ca-sa mặc trên thân xuống, để lộ vai phải của mình ra.

Nếu giải thích theo quán tâm thì lộ vai phải, che giấu vai trái cũng có ý nghĩa sâu xa. Người tu học Phật pháp đạt đến trình độ khá, sẽ có hai thứ trí huệ:

- Một là Chân Thật Trí chứng ngộ chân lý “tánh các pháp là Không”, chẳng thể dùng ngôn ngữ để diễn tả được nổi, bởi thế che vai trái chẳng để lộ ra ngoài.

- Hai là Phương Tiện Trí phát xuất từ Chân Thật Trí, có thể quán sát hết thảy thế tục, có thể vì các chúng sanh thuyết pháp, có thể chỉ ra một con đường tu hành. Trí này còn gọi là Quyền Xảo Trí. Bởi thế để lộ vai hữu ra cho mọi người được thấy rõ ràng.

Phương Tiện Trí như vai phải, Chân Thật Trí như vai trái. Một bên che giấu, một bên hiển lộ, rất thích hợp để biểu thị hai trí Quyền và Thật. Vô Tận Ý là một vị đại Bồ Tát, che kín vai trái biểu thị Ngài có Chân Thật Trí chứng ngộ Thật Tướng các pháp, để lộ vai phải biểu thị Ngài có thể vận dụng Phương Tiện Trí quyền xảo. Phương Tiện Trí hóa độ cõi tục, Chân Thật Trí khế hợp Chân Đế. Vận dụng cả hai trí hiển thị Chân chính là Tục, Tục chính là Chân, đạt đến cảnh giới “Chân Tục viên dung” tối cao.

“Hợp chưởng hướng Phật” (chắp tay hướng về Phật): Chắp hai bàn tay lại, mặt hướng về đức Phật, đây là một lễ nghi thông thường để chào hỏi người trên và chào hỏi nhau của người Ấn Độ. Nếu giải thích theo quán tâm thì: Hai bàn tay có mười ngón, nếu tách riêng từng ngón sẽ tượng trưng cho mười pháp giới đã nói ở phần trên. Nay đem mười ngón áp lại, đặt trước ngực, biểu thị mười pháp giới trong một niệm tâm của chúng ta, chẳng thể lìa một niệm tâm mà có.

“Nhi tác thị ngôn” (bèn nói như sau): Sau khi ngài Vô Tận Ý thể hiện các lễ nghi cần phải có xong, Ngài bèn nói những lời như dưới đây, thỉnh Phật khai thị về hành trạng của đức Quán Âm Bồ Tát.

Những câu trên đây thật ra biểu thị các hoạt động thân, ngữ, ý. “Từ chỗ ngồi đứng dậy” là thân nghiệp; “bèn nói như sau” là khẩu nghiệp; “chắp tay hướng Phật” là ý nghiệp. Trong lúc ấy, chuyên tâm nhất ý, bề ngoài tưởng chừng là thân nghiệp, nhưng thật ra thuộc về ý nghiệp. Mỗi cá nhân đều có hoạt động nơi ba nghiệp, vấn đề là hướng theo phương diện hoạt động nào thì mới là hoạt động hợp lý chánh đáng. Về đại thể, ba nghiệp của chúng sanh là hướng theo phương diện hoạt động ác, dẫu có lúc hướng thiện cũng vẫn thuộc hữu lậu. Ba nghiệp hoạt động của ngài Vô Tận Ý, bất luận là đến mười phương thế giới gặp Phật nghe pháp, bất luận là vì tùy từng loài chúng sanh hóa hiện thuyết pháp, đều là thanh tịnh vô nhiễm, thuần thiện vô lậu.

“Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ Tát dĩ hà nhân duyên danh Quán Thế Âm?” (Bạch Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ Tát do nhân duyên gì tên là Quán Thế Âm?): Vô Tận Ý chánh thức nêu vấn đề. Vấn đề này ngay cả người bình thường mới học Phật cũng có thể hỏi được. Chẳng hạn như những kẻ mới tin Phật, khuyên họ phát tâm niệm nhiều thánh hiệu Quán Âm, họ thường hay hỏi: “Bảo tôi niệm nhiều thánh hiệu đương nhiên là rất hay, nhưng sao lại kêu tôi niệm Quán Thế Âm Bồ Tát?” Vô Tận Ý là bậc Bổ Xứ Đại Sĩ, chẳng lâu sau sẽ thành Phật, lẽ đâu chẳng hiểu thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát? Sở dĩ Ngài nêu lên câu hỏi này là thay mặt những người chưa hiểu rõ công đức của Quán Âm Bồ Tát, đặc biệt là hỏi thay cho chúng sanh trong thời đại Mạt Pháp. Như chúng ta hiện tại hiểu rõ sự vĩ đại và bi nguyện sâu rộng của Quán Âm Bồ Tát là do Vô Tận Ý ngay khi đó đã thỉnh vấn.

“Thế Tôn” là một trong các đức hiệu của Phật Đà, có nghĩa là đức đại thánh Phật Đà được thế gian lẫn xuất thế gian cùng tôn trọng, bởi thế gọi là Thế Tôn. Vì thỉnh đại pháp, trước hết xưng một tiếng “Thế Tôn”. Đại danh Quán Âm Bồ Tát chúng con thường nghe qua, nhưng vị Quán Thế Âm Bồ Tát rốt ráo là do nhân duyên gì mà gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát? Hiện tại đại chúng trong pháp hội đối với điều này vẫn còn chưa biết, kính thỉnh Phật Đà vì đại chúng khai thị sơ lược!
 
Trích từ: Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Lược Giảng, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
2 Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
5 Vãng Sanh Tịnh Ðộ Luận Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Nhất Chân Tải Về
6 A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
9 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
10 Phật Giáo Và Cuộc Sống, Thượng Tọa Thích Hạnh Bình Tải Về

Quán Thế Âm Bồ Tát
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Quán Thế Âm Và Cứu Pháp
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Quán Thế Âm Bồ Tát
Hòa Thượng Thích Trí Thủ