Home > Khai Thị Phật Học
Giải Thích Sơ Lược Tựa Đề Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm
Đại Lão Hòa Thượng Thích Diễn Bồi | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Phẩm này mang tên “Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm”, tổng cộng tám chữ. Quán Thế Âm Bồ Tát là Nhân (người), Phổ Môn Phẩm là Pháp. Quán Âm là người năng chứng, Phổ Môn là pháp được chứng. Bởi thế, phẩm này dùng Nhân và Pháp để đặt tên.

Trong năm chữ dùng Nhân để đặt tựa, ba chữ đầu là biệt danh, chỉ mình ngài Quán Thế Âm là có thể xưng hô như thế, hai chữ sau là tên gọi chung. Phàm những ai phát Bồ Đề tâm, hành Bồ Tát đạo, đều có thể gọi là Bồ Tát, chứ chẳng phải chỉ để gọi riêng một ai.

Quán Thế Âm là đức hiệu của Bồ Tát; có lúc còn gọi là Quang Thế Âm[5], có khi gọi là Quán Tự Tại, có lúc gọi tắt là Quán Âm. Danh xưng Quán Thế Âm là do ngài Tam Tạng La Thập phiên dịch, còn Quang Thế Âm là do ngài Tam Tạng Trúc Pháp Hộ phiên dịch. Quán Tự Tại là do ngài Tam Tạng Huyền Trang phiên dịch. Ngài còn được gọi là Quán Thế Tự Tại hoặc Thánh Quán Tự Tại. Thánh là từ ngữ tán thán.

Theo bản Tâm Kinh Lược Sớ của ngài Pháp Tạng, chữ Quán Tự Tại có hai nghĩa:

1) Ước theo trí giải thoát, thì với trí huệ của Quán Âm, Ngài đã thấy cảnh sự lý vô ngại, đạt đến mức tự do, tự tại, chẳng còn chút chướng ngại mảy may nào.

2) Ước theo bi giải thoát thì đối với những cơ nghi đáng được hóa độ, thường hiện ra trước cứu giúp, lòng đại bi của Quán Âm cũng đã đạt đến mức tự do, tự tại, chẳng còn nhận thấy có gì bó buộc, xem xét thế giới, tự tại dẹp khổ, ban vui, nên gọi là Quán Thế Tự Tại.

Còn ý nghĩa chữ Quán Thế Âm do ngài La Thập dịch thì đến phần giải thích kinh văn sau này sẽ giảng tường tận.

Tuy có các danh xưng bất đồng, kỳ thực là một người. Nếu so giữa cách dịch của ngài La Thập và ngài Huyền Trang thì: một đằng chú trọng dịch ý, một đằng chú trọng dịch thẳng, cho nên mới dịch khác nhau, chẳng thể nói ai dịch đúng, ai dịch sai. Chẳng qua người trong đời thường quen xưng niệm là Quán Thế Âm Bồ Tát hoặc Quán Âm.

Bồ Tát là tiếng Ấn Độ gọi tắt, nói đủ là Bồ Đề Tát Đỏa, Hán dịch là Giác Hữu Tình, tức là đại tâm chúng sanh thượng cầu Đại Giác, hạ hóa hữu tình. “Thượng cầu đại giác” là tác dụng của đại trí. “Hạ hóa hữu tình” là tác dụng của đại bi. Bởi thế, phàm là Bồ Tát thì đều là bi trí song vận (vận dụng cả bi lẫn trí). Bất quá, chữ Bồ Tát trong Phật giáo không chuyên chỉ các vị đại Bồ Tát được thờ trong điện đường, mà còn chỉ những người phát tâm [Bồ Tát] và những vị Bồ Tát sống trong nhân gian thật sự hành Bồ Tát đạo.

Bây giờ tôi nói tiếp về ba chữ dùng Pháp để đặt tựa, Phổ Môn Phẩm. Phẩm có nghĩa là Loại, tức là loại nào xếp theo loại nấy, nghĩa là vật được gom thành từng loại thì gọi là Phẩm. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, hết thảy mọi chuyện về Quán Thế Âm được đức Phật quy kết giảng tại đây, nên gọi là Phẩm.

Phổ nghĩa là “phổ biến”, Môn nghĩa là “có thể đi qua, thông suốt”. Như trước mặt chúng ta đây thấy một cái cửa lớn, có cái cửa lớn như vậy ai cũng đều có thể ra vào qua lại tự tại. Nếu như cái nhà này không có cái cửa đó, muốn từ ngoài vào trong, cố nhiên chẳng có cách nào; muốn từ trong đi ra ngoài, cũng giống vậy, chẳng có cách gì!

Nói đến chữ Môn trong Phật pháp, thì từ địa ngục đến khi thành Phật, tổng cộng có mười cánh cửa. Chìa khóa của mỗi cửa đều nằm trong tay chúng ta. Chúng ta muốn tiến vào cửa nào, phải mở được cánh cửa ấy. Chẳng mở được thì chẳng tiến vào được. Nêu thí dụ: Ví dụ như cửa địa ngục vốn khóa rất chắc, sao có thể tiến vào được? Vấn đề rất đơn giản, chỉ cần quý vị tạo tội nghiệp Ngũ Nghịch, Thập Ác, quý vị bèn có được chìa khóa cửa địa ngục. Có chìa khóa ấy rồi, tùy thời bèn mở được cửa địa ngục, tự nhiên đi vào địa ngục. Nếu như không có chìa khóa đó, dù có muốn tiến vào đến đâu đi nữa, kết quả vẫn chẳng thể vào trong cửa ấy được.

Từ ngoài cửa tiến vào trong cửa, những sự khổ - vui bên trong cửa thật khác xa nhau. Nói theo thế gian: Có những cửa bên trong thật là khoái lạc, như thiên đường thường ngụp lặn trong dục lạc và định lạc; có những cửa bên trong khá thống khổ, như ba đường ác, hoặc chịu nỗi thống khổ nóng lạnh, hoặc chịu nỗi khổ tàn sát, hoặc chịu nỗi khổ đói khát. Bất quá, mọi chìa khóa nằm trong chính tay mình, muốn tiến vào cái cửa nào, hoàn toàn do mình quyết định.

Chẳng qua, mười pháp giới tuy có mười cánh cửa, nhưng chỉ có một cánh cửa Phật đạo được gọi là Phổ Môn. Như cánh cửa sáu đường trong thế gian thuộc về cửa hữu lậu, muốn thông với vô lậu, tự nhiên là chẳng được, bởi thế nó chẳng được gọi là Phổ Môn. Cửa xuất thế của Nhị Thừa thông thường gọi là Không Môn, đối với sanh tử phiền não chỉ có thể giải thoát một nửa, cho nên cửa này chẳng được gọi là Phổ Môn. Đến như cửa Bồ Tát, rớt vào hai bên Không và Hữu, chẳng thể Không - Hữu viên dung, nên cũng chẳng thể gọi là Phổ Môn.

Phật đạo sở dĩ gọi là Phổ Môn là vì sau khi thành đạo, Phật vốn vì đại bi nguyện lực, tiến vào địa ngục giáo hóa chúng sanh. Tuy nói là cửa địa ngục đóng rất chặt, nhưng do sức bi nguyện, muốn tiến vào liền được, chẳng trở ngại chút nào. Vào cửa địa ngục là như thế, vào các cửa ngạ quỷ, súc sanh v.v… cũng giống như thế, nói chung là xuất nhập tự tại, vô ngại tự tại, cho nên gọi là Phổ Môn.

Ở đây, có lẽ có kẻ muốn hỏi: “Đã phải thành Phật mới có thể xưng là Phổ Môn, Quán Âm là Bồ Tát còn chưa thành Phật, sao có thể xưng là Phổ Môn?” Ở đây, chẳng ngại gì nói về hai phương diện Bản và Tích. Từ Bản mà nói, Quán Âm đã sớm thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, đã có đủ bi nguyện của Phật, đương nhiên có thể xưng là Phổ Môn. Nếu nói theo Tích, Quán Âm tuy còn chưa thành Phật, nhưng đã ở địa vị Nhất Sanh Bổ Xứ, đã đủ công đức Phật, có thể vào trong các cửa độ sanh, cho nên có thể gọi là Phổ Môn.

6. Giải thích riêng chữ Phổ Môn

Trong phần giải thích tên phẩm, tuy đã giải thích sơ lược hai chữ Phổ Môn, nhưng vẫn còn có ý nghĩa trọng yếu cần phải giải thích riêng. Bởi thế, tôi lại giải thích như sau:

6.1. Từ Bi Phổ Môn:

Từ Bi là pháp môn trọng yếu nhất trong Phật pháp, cũng là điều thường được nhắc đến nơi cửa miệng của đệ tử Phật. Như xin người nào đó giúp đỡ mình, nếu như người ta nói không rảnh, ta thường nói: “Xin anh từ bi”, hoặc người khác thỉnh cầu đệ tử Phật, cũng nói: “Quý vị đệ tử Phật lấy từ bi làm gốc, tin rằng sẽ đáp ứng điều tôi cầu xin”. Từ bi còn được vận dụng trong nhiều hoàn cảnh khác. Từ bi là trung tâm của Phật pháp, với ý nghĩa căn bản: “Dẹp khổ ban vui”. Tuy cùng gọi là Từ Bi, nhưng trình độ có sâu hoặc cạn. Về đại thể, Phật pháp chia Từ Bi thành ba loại:

a) Ái Kiến Từ Bi:

Có kinh còn gọi là Sanh Duyên Từ Bi. Có thể nói là người nào trong thế gian cũng có lòng từ bi này; như làm cha mẹ yêu thương, che chở con cái, có thể nói là một biểu hiện của lòng từ bi. Nhưng lòng từ bi ấy chẳng thể phổ biến rộng lớn, trong đó vẫn hàm chứa tánh nhiễm ô và tâm phân biệt, chẳng thể cứu tế rộng khắp hết thảy chúng sanh, còn có hạn lượng; cho nên chẳng thể gọi là Phổ Môn.

b) Pháp Duyên Từ Bi:

Lòng từ bi này chẳng phải ai trong thế gian cũng có được, mà là lòng từ bi của bậc thánh giả Nhị Thừa. Thánh giả Nhị Thừa hiểu rõ vạn hữu chư pháp và mạng thể của chính mình đều là do các nhân duyên, điều kiện hợp thành, duyên sanh vô tánh, pháp nào cũng đều không. Thế nhưng các Ngài chỉ biết đến cái Không, chưa biết Bất Không, chỉ có thể tùy duyên hóa độ, chẳng thể giáo hóa khắp hết thảy chúng sanh, bởi thế lòng từ bi này vẫn chưa phải là Phổ Môn.

c) Vô Duyên Từ Bi:

Đây là lòng từ bi của Phật, Bồ Tát, thật sự có thể gọi là Phổ Môn từ bi. Lòng từ bi như thế, nếu nói tách rõ ra là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Bất luận là Phật hay Bồ Tát đều hiểu rõ đạo lý sau đây: Chúng sanh là chúng sanh trong tâm của Phật, Bồ Tát. Trong mắt của Phật, Bồ Tát, chúng sanh và chính mình vốn là một thể, nên tất cả thống khổ của chúng sanh chính là tất cả thống khổ của mình. Chúng sanh chưa được sướng vui, khác nào chính mình chưa được sướng vui. Nếu nói theo Nho gia Trung Quốc thì: “Ưu kỳ sở ưu, lạc kỳ sở lạc” (Lo cái lo của người, vui với niềm vui của người). Đứng trên lập trường của Phật, Bồ Tát, vốn không có lo khổ mà cũng chẳng có sướng vui. Chỉ vì thấy chúng sanh đau khổ, nên tự biết là khổ, do thấy chúng sanh sướng vui, trong tâm tự sướng vui. Thấy chúng sanh giải thoát, hệt như chính mình được giải thoát. Trong con mắt của Phật, Bồ Tát, chỉ thấy có chúng sanh, nào có chính mình.

Vì thế, Phật, Bồ Tát tuyệt đối chẳng thấy có tướng ta - người sai biệt, cho nên suốt ngày độ sanh, chẳng thấy một ai được mình độ; tự mình và chúng sanh đã hòa hợp dung thông thành một thể, thật sự chẳng thể phân ra ai là người hóa độ, ai là người được độ. Tuy chẳng thấy có người độ và kẻ được độ, nhưng vẫn liên tục không gián đoạn, tinh tấn chẳng lười, hóa độ tất cả hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới, không một chúng sanh nào chẳng được Phật, Bồ Tát cứu độ. Đó là Vô Duyên Đại Từ, Đồng Thể Đại Bi, mà cũng chính là Từ Bi Phổ Môn chân chánh.

Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi, tất cả sự cứu khổ cứu nạn từ bi của Quán Âm Bồ Tát đều là vô duyên từ bi. Chính vì Bồ Tát có tâm từ bi rộng lớn như thế, nên ở trong thế giới Sa Bà này, vận dụng lòng từ bi đó hóa độ hết thảy những chúng sanh đáng được độ, bởi thế, cũng được xưng là Phổ Môn Từ Bi.

6.2. Thuyết pháp Phổ Môn

Phật, Bồ Tát xuất hiện trong thế gian, chẳng hề vì mình, mà đa phần là vì chúng sanh, vì muốn thuyết pháp cho chúng sanh. Phật vì chúng sanh thuyết pháp rất nhiều, nào là đại pháp, tiểu pháp, không pháp, hữu pháp, quyền pháp, thật pháp, các pháp sai khác nhau. Người bình thường khi thuyết pháp độ sanh, do chẳng có trí huệ phân biệt căn tánh của chúng sanh nên lúc giảng đại pháp chẳng thể kiêm giảng tiểu pháp; còn lúc giảng tiểu pháp, chẳng thể kiêm giảng đại pháp. Giảng các pháp không, hữu, quyền, thật cũng thế. Thuyết pháp chẳng được phổ biến thì chẳng được gọi là Phổ Môn! Quán Âm Bồ Tát có đủ trí huệ thâm diệu, lúc thuyết pháp, trong cùng một pháp hội, Ngài nói ra các pháp bất đồng, khiến cho mỗi thính chúng hiện diện đều hiểu rõ hệt như Ngài đối trước chính mình thuyết pháp, đều được thọ dụng thật sự nơi Phật pháp, bởi thế gọi là Thuyết Pháp Phổ Môn.

Thêm nữa, những ngôn từ sử dụng trong lúc thuyết pháp giữa phàm phu và Bồ Tát rất khác biệt. Mỗi địa phương ngôn ngữ lại bất đồng, lục đạo cũng khác biệt. Như tôi chẳng nói được các phương ngôn Quảng Đông, Phước Kiến v.v… lúc thuyết pháp cho người xứ Việt (Quảng Đông), phải dịch thành tiếng Quảng, lúc vì người xứ Mân (Phước Kiến) thuyết pháp phải dịch sang tiếng Mân. Nếu không, những ai thuộc các địa phương đó chẳng hiểu tôi đang nói gì. Bởi thế, chẳng được gọi là Phổ Môn.

Quán Âm Bồ Tát đã đắc Ngữ Ngôn Tam Muội, “có thể dùng một âm thanh diễn nói pháp, chúng sanh tùy loại đều được hiểu”, đấy phải đâu là chuyện dễ! Âm thanh Bồ Tát thốt ra chỉ là một, nhưng mỗi một loại chúng sanh sai khác đều nghe như Ngài nói tiếng của chính mình, chẳng hạn như người Mân Nam nghe thành tiếng Mân Nam, người Quảng Đông nghe thành tiếng Quảng Đông, thiên long bát bộ nghe thành tiếng của thiên long bát bộ, chẳng phải là Phật, Bồ Tát, sao có thể làm được như thế? Đấy là Thuyết Pháp Phổ Môn.
 
Trích từ: Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký