Đức Phật trụ thế, thuyết pháp lợi sanh, khiến bốn chúng đều được đắc độ. Ngài tùy cơ giáo hóa, mỗi mỗi đều có phương tiện quyền xảo, khiến tất cả mọi loài đều được lợi ích. Thí như trời mưa, cỏ cây đều được thấm nhuần, tùy theo loại lớn nhỏ mà được sung túc, sanh trưởng. Thế nên tuy pháp môn có thiên sai vạn biệt, nhưng quay về nguồn thì không hai. Nếu dùng Phật tánh mà quán sát chúng sanh, thì không có loài nào mà chẳng được độ. Dùng tự tâm mà quán xét Phật tánh, thì ai ai cũng đều tu được cả. Song, chúng sanh tự mê muội mà không biết điều này. Lại nữa, vì không có thiện tri thức chân chánh dẫn dắt chỉ dạy, nên phải cam chịu trầm luân, uổng thọ bao khổ não. Vì vậy, lúc Tổ Huệ Năng vừa đến, ngũ Tổ Hoàng Mai liền hỏi: “Ngươi là người xứ nào?” Huệ Năng đáp: “Con là người xứ Lĩnh Nam”. Ngũ Tổ nói: “Người Lãnh Nam mọi rợ lại có Phật tánh ư?”. Huệ Năng đáp: “Người có phân nam bắc, nhưng Phật tánh chẳng hề có hai”. Lời này lưu bố khắp nhân gian, như tiếng sấm nổ, khiến loài sâu bọ phải khiếp đảm. Vùng Lãnh Nam trở thành cội nguồn của thiền đạo Phật Pháp, khiến xuất sanh bao bậc trí giả và ngộ đạo. Từ khi Lục Tổ hoằng hóa, đạo pháp được lưu truyền khắp Trung Nguyên.
Ngày nay, trước cửa môn đình, cảnh tượng tiêu điều, cỏ dại mọc khắp nơi cả ngàn năm. Nhiều người đàm luận cho rằng đó chẳng phải là vùng đất của thiện căn. Đây thật là chưa đạt được ý chỉ Phật tánh. Tôi mong từ ân (của nhà vua) chuyển đến Lôi Dương vào mùa xuân năm Bính Dần. Đến mùa thu năm đó thì đến Ngũ Dương. Trong thành tôi chú giải hoàn toàn bộ kinh Lăng Già. Mùa hè năm Mậu Tuất diễn giảng cho chư đệ tử. Trong mỗi lần ngồi tọa, thấy chư thiện nam tử hậu bối cố gắng mà đến, nên tôi rất mực khen ngợi. Lại có hơn mười vị thiện sĩ lễ bái, khấn cầu thọ năm giới của Ưu bà tắc. Tôi vui mừng chấp thuận, nên làm pháp Yết Ma. Họ tự quy tâm ngày một tín thành, và dốc lòng lắng nghe Phật Pháp. Tôi thương cho họ chưa liễu ngộ và chưa biết cách tấn tu công phu tự độ. Vì vậy, tôi dùng niệm Phật tam muội, dạy họ chuyên tâm nơi tịnh nghiệp, tức là chán chường duyên khổ, mà quy hướng Cực Lạc. Trong kỳ hội mỗi tháng, lập ra quy chế; trong ba thời tu hành xưng danh lễ bái tụng đọc sám hối. Vì muốn tín tâm ngày càng khẩn thành, tội chướng ngày càng tiêu bớt, nên phải phát khởi nguyện vãng sanh. Nếu quả tình hành theo pháp môn này, thì tuy thân tại trần lao, mà có thể bảo rằng sống không hư, chết không phóng túng. Chẳng phải là công hạnh chân thật sao! Phật là giác, tức là Phật tánh của chúng sanh. Vì mê mà làm chúng sanh. Nếu ngộ thì gọi là Phật. Ngày nay niệm Phật, tức tự tánh Di Đà. Cầu vãng sanh cõi Tịnh Độ, tức duy tâm Cực Lạc.
Quý vị nếu thường niệm niệm mà chẳng quên mất, thì tâm tâm Di Đà sẽ xuất hiện, và từng bước lần hồi sẽ vê đến quê hương Cực Lạc. Cần gì vọng mong nơi ngoài mười vạn ức cõi nước, còn có cõi Tịnh Độ để quy hướng! Thế nên, tâm tịnh thì cõi nước thanh tịnh. Tâm cấu uế thì cõi nước uế trước. Do đó, một niệm ác vừa dấy khởi, thì rừng kiếm cây đao liền vung dậy. Một niệm lành sanh, thì đất báu hồ sen liền hiện rõ. Thiên đường địa ngục, sao lại ngoài tâm này ư! Chư thiện nam tử! Xin hãy suy nghĩ chín chắn; phải luôn thống niệm sanh tử đại sự, vô thường mau chóng. Một khi mất thân này, thì muôn kiếp khó hoàn phục lại. Mặt trời mặt trăng luôn xoay chuyển, và thời gian chẳng đợi mình. Nếu phụ duyên này, thì lỡ mất cơ hội. Khi đại hạn đến, hối hận chẳng kịp. Quý vị mỗi mỗi hãy nỗ lực. Trân trọng! Trân trọng!