Home > Khai Thị Phật Học
Hiếu Hạnh
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Phàm nói đến sự cứu khổ chúng sinh trong đạo Phật, không một đại thừa tín đồ nào không liên tưởng đến một vị Bồ tát đầy từ bi, luôn quán tưởng đến mọi âm thanh khổ đau và kêu cứu của tất cả chúng sinh. Do quán âm thanh bao gồm hai loại âm thanh là động và tĩnh, nên bất luận nỗi khổ phát ra tiếng khóc than hay cầu cứu, thậm chí nhẫn khổ không thốt ra lời, mọi âm thanh động tĩnh này đều được tâm đại từ đại bi nghe không sót. Do đó tín đồ đại thừa Phật giáo mỗi khi thọ khổ hoặc muốn cứu khổ thường xung danh hiệu vị Bồ tát đại từ đại bi “Nam mô Linh cảm ứng, tầm thanh cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm bồ tát”.

A.  Vì sao thế nhân cầu nguyện Bồ tát cứu khổ?

“Nhân sinh thị khổ”, không một chúng sinh nào dễ dàng tránh né được khổ, không một ai chưa từng chiến đấu với khổ. Khổ ở trong ta, khổ ở ngoài ta, khổ có mặt ở bất cứ chỗ nào, bất kể giờ giấc.

Có thể nói rằng nguyên nhân khiến con người khởi mọi tham dục, sân khuể hay ngu si cũng đều do khổ ra. Vì sợ khổ mà tham, sân hay si đó là do khổ gián tiếp gây ra. Vì khổ quá mà sinh tham, sân, si đó là do khổ trực tiếp gây nên.

Phàm được gọi là chúng sinh, tất nhiên hàm nghĩa đang trôi lăn trong sinh tử bằng cỗ xe vọng nghiệp, do chính chúng sinh tạo tác, cỗ xe này rong ruổi qua các nẻo đường sinh tử, thương ghét, đắc thất, thành bại, thủ xả và khổ lạc, những thứ này giữ chân chúng sinh và cỗ xe vọng nghiệp, nên cứ luẩn quẩn với những thứ này hằng bao đời, không biết chán đủ, vì vậy gọi là si mê không biết đường ra. Hay nói đúng hơn nghiệp chúng sinh nghiện những thứ này, như gã nghiện cần sa, biết khổ nhưng cảm giác hư ảo của cần sa vẫn không cho phép gã lìa chúng, nên chấp nhận khổ để được trung thành với cái ảo giác khoan khoái.

Chấp nhận mọi khổ não nặng nề của nghịch cảnh, để được những thứ ảo giác “lạc” mong manh từ thuận cảnh, nêu rõ lý do vì đâu chúng sinh thọ khổ, và cũng vì khổ nhiều hơn vui, nên chúng sinh thường hay cầu nguyện. Tôn giáo có một điểm chung, đó là “cầu nguyện”, ngay tín đồ Phật giáo cũng không ngoại lệ, nhất là cầu “Quán Thế Âm bồ tát”. Thế nhưng trong 3 cửa giải thoát (tam giải thoát môn) của Phật giáo có cửa không cầu (Vô cầu môn). Vậy thì bản thân Phật giáo là cầu hay vô cầu? Chúng ta sẽ mổ xẻ vấn đề này, thông qua quá trình phân tích về bản chất của sự “cầu nguyện”. Ở đây chúng ta chỉ thảo luận trong phạm vi “cầu nguyện” của Phật giáo đồ.

B.  Có mấy loại cầu nguyện?

Ta có thể phân cầu nguyện làm 2 loại. Cầu nguyện theo thế gian và xuất thế gian. Thế gian lại phân thành 2 hạng.

1.  Hai hạng cầu nguyện thế gian

Chính do vì sợ khổ hoặc quá khổ nên cầu bồ tát Quán Thế Âm. Sợ khổ nên thường cầu nguyện Bồ tát bảo hộ, khổ quá thì cầu nguyện Bồ tát giúp mình thoát khổ. Do đó ta thấy khi nào khổ tới, phàm nhân mới tha thiết cầu nguyện, bỏ hết mọi sự chỉ thành tâm cần cầu, và khi nạn khổ đã qua thì không còn chí thành nữa, mà buông bỏ hết sự cầu Bồ tát, để toan tính mưu toan việc đời, bởi khi đó giải quyết mọi viêc đời mới là chuyện trừ khổ. Song phàm nhân luôn giải quyết mọi việc đời bằng tham sân si, và như thế tất không dám nhờ bồ tát can thiệp vào. Như vậy những người này chưa hiểu thế nào là “nhân sinh thị khổ” và chưa biết sự trừ khổ của bố tát. Quả như câu nói “nhàn thời bất thiêu hương, cấp lai bão Phật cước” (lúc nhàn nhã chẳng buồn đốt hương, lúc nguy thì ôm chặt chân Phật, tụng kinh cầu nguyện không nghỉ). Đó là tinh thần cầu nguyện rất phổ biến trong hàng ngũ tín đồ phổ thông. Một phần tín đồ biết đề phòng nạn khổ nên thờ phụng và thường niệm danh hiệu bồ tát, bất kể lúc an hay khi nguy, để cầu được thường an lành. Qua sự cầu nguyện ta dễ dàng nhận ra mức độ của đức tin vào bồ tát. Hàng thường cầu nguyện để phòng bệnh khổ, là hàng tin tưởng vào năng lực tránh khổ hay diệt khổ của bồ tát, hơn là hàng cùng đường mới ôm chân bồ tát. Cũng tựa như người thường niệm Phật cầu sinh cõi Phật, tất nhiên tin vào Phật và cảnh giới của ngài hơn kẻ sắp chết cùng đường mới chịu xưng danh niệm Phật, do đó may lắm kẻ cùng đường được sinh hạ phẩm, nếu chúng ta biết rõ điều này, tất nhiên những kẻ cùng đường mới ôm chân bồ tát, may ra được cứu với trình độ hạ phẩm, tức không thể cứu viên mãn được, mà chỉ được phần nào giảm thiểu khổ ách.

Tóm lại ta có thể phân sự cầu nguyện bồ tát Quán Thế Âm của Phàm nhân có hai hạng :

-Hạng thứ nhất vì sợ khổ, nên thờ cúng và cầu nguyện Bồ tát, hạng này biết phòng bệnh khổ, có tin tâm thuộc trung phẩm

-Hạng thứ hai vì đang chịu khổ nên thờ cúng và cầu nguyện Bồ tát, hạng này chỉ biết chữa bệnh khổ hơn là phòng bệnh khổ, có tín tâm thuộc hạ phẩm.

So sánh hai hạng này, ta thấy rằng biết phòng bệnh vẫn cao hơn chỉ chữa bệnh. Thế nên hàng thứ nhất cao cấp hơn hàng thừ hai.

2.  Loại cầu nguyện xuất thế gian:

Một khi nhận được sự khai thị Phật tri kiến, hành giả nhận biết “nhân sinh thị khổ”, bởi đặc tính của kiếp nhân sinh này vốn huyễn hóa vô thường, chúng sinh chấp cho là thật hữu, nên tạo tác mọi nghiệp tham sân si, kết quả, chỉ có nghiệp quả hiện hữu còn cái quả chúng sinh tạo tác mong cầu thì không bao giờ thật hiện hữu. Dụ như thấy vàng ngọc ra tay cướp đoạt về mình, chung cục chỉ có nghiệp cướp về với mình, còn vàng ngọc rốt cuộc vẫn vuột khỏi tầm tay. Thế nên hành giả nhận chân “cảm giác thì mất mà nghiệp thì còn”, vì vậy bất tất phải chạy theo cảm giác để tạo tác vọng nghiệp.

Do đó hành giả nhận chân chỉ có cứu pháp mới cứu ta và người được, song cứu pháp đó ai ai cũng có đủ, nếu phát tâm cứu tất chúng ta sẽ cứu được các chúng sinh khác từ người đến vật, song vì không bao giờ phát tâm cứu, nên tâm này bị chôn vùi dưới hàng đống thứ vị kỉ tham lam, oán giận, và mê muội, vì vậy phát tâm cứu là chuyện rất khó làm (nan hành), có phát nổi tâm cứu trong giây lát cũng phải nhờ đến động lực của lòng tham dục hay ngoại duyên, tức vì cầu cho bản thân điều khao khát nào đó mới chịu phát tâm cứu.

Hành giả biết rằng khi tâm ta là cứu pháp, tất tâm này không còn chút vị kỉ tham sân, mê muội, tức chẳng còn ngã chấp. Không ngã thì không chỗ thọ khổ. Không tham sân si thì không có khổ để thọ, nói như thế có nghĩa cái ngã vị kỉ năng thọ, cũng như các pháp sở hữu tham sân si sở thọ kia đều chẳng còn, năng sở tiêu ma, đó là pháp cứu chân chính.

Như vậy ngay khi hành giả niệm Bồ tát cầu cứu, tất cầu sự cứu vĩnh hằng chân chính, đó là cầu ngài gia trì cho ta phát được tâm cứu, một khi tâm cứu chân chính được phát, thì ngay lúc đó ta đã được cứu, qua hành động cứu chúng sinh, mà hết thẩy chúng sinh sẽ được ân triêm qua tâm cứu này của ta. Tâm cứu tất không thọ khổ, tâm cầu cứu hay tâm mê muội không biết khổ để cầu cứu mới luôn chịu khổ. Hành giả đào xới tham sân si, khai quật tâm cứu, một khi tâm cứu hiển lộ sẽ xóa tan mọi cấu nhiễm của tham sân si, nhờ vậy mà khổ tan biến.

Làm sao người cầu nguyện dứt trừ thực sự mọi khổ, khi tâm cứu của họ còn bị chôn vùi dưới lớp bê tông tham sân si kiên cố của bản ngã. Chỉ khi nào phàm phu thực sự nhận chân “tâm cứu” là bảo vật diệt khổ hữu hiệu duy nhất, khi ấy mới có cơ may dùng pháp niệm Bồ tát dùng niệm Phật, niệm bồ tát làm cuốc để phá vỡ lớp bê tông tham sân si kiên cố, cho tâm cứu hiển bầy, tâm cứu vừa hiện, ta và chúng sinh đều được cứu.

Một khi tâm cứu hiện hữu, hành giả trở thành một cánh tay, một con mắt của Bồ tát, nói khác hơn chính là hóa thân của Bồ tát. Chúng ta không nhận ra 32 ứng tùy hình, vô lượng hóa thân đều từ tâm cứu phát sinh đó ư?
“Ưng dĩ hà thân đắc độ giả tức hiện hà thân nhi vị thuyết pháp”.

Đã được khai thị Phật tri kiến, biết thế nào là pháp diệt khổ, nên hiểu rằng, niệm Phật cầu vãng sinh là hình thức tránh cảnh khổ Ta bà, niệm Bồ tát cứu khổ tức hình thức trừ khổ quả đang hiện tiền, nhưng các hình thức này vẫn chưa phải là bản hoài của chư Phật muốn khai thị, nói đúng hơn chưa phải là thật pháp nhất thừa “vừa tự cứu là đã tha cứu rồi”.

Tứ Y và Cứu pháp.

Như Lai thuyết pháp như cơn mưa, chúng sinh tùy theo căn cơ mà hiểu biết thọ nhận, thế nên khi Như Lai khai thị, phàm nhân hiểu theo tham dục của bản ngã, tức cái nào có lợi cho ngã thì tiếp nhận, nên nghe Bồ tát và Phật cứu khổ, tiếp dẫn chúng sinh, nên từ căn tính chúng sinh chấp trước vào tính chúng sinh của mình mà cầu được cứu khổ và tiếp dẫn theo thức tình, câu cú và y vào nhân (người phát nguyện cứu tức Phật và Bồ tát), nên không liễu nghĩa, tức không thành tựu được sự cứu vĩnh hằng liễu nghĩa. Trí giả y vào trí, nghĩa, và pháp cứu của Phật và Bồ tát, nên được liễu nghĩa tức chứng được cứu cánh diệt tận khổ cho ta và chúng sinh. Do đây chúng ta nhận chân thành tựu pháp cứu tức thành Phật, không thể lìa sự độ sinh tức cứu độ nhất thiết chúng sinh. Vì vậy phát bồ đề tâm chính là đã nhận được sự khai thị và đang tiến bước vào cảnh giới ngộ nhập. Phát bồ đề tâm cũng chính là phát tâm cứu, phát bồ đề tâm là giới định huệ vì diệt trừ tham sân si.

Cần lưu ý rằng, dù cầu nguyện theo thức tình hay trí đều có hiệu quả, tuy nhiên chúng sinh cầu theo thức tình, y cú, y nhân nên không liễu nghĩa vì vậy hôm nay cầu chuyện này, rồi mai lại cầu chuyện nọ, miên viễn không có lời cầu cuối cùng. Trí giả khởi trí, y pháp liễu nghĩa khởi cầu liền thành tựu hạnh vô cầu, chỉ cứu mà không cầu cứu, nên một lần nguyện cầu là muôn thuở vô cầu, nhờ vậy trở thành chỗ cầu nương vào của tha nhân, đó không phải là nhân địa tu hành của chư Phật và Bồ tát đó sao?

Tóm lại y pháp bất y nhân, y trí bất y thức, y nghĩa bất y cú, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa kinh là nhận được sự khai thị nhất thừa nên phát bồ đề tâm tu tập thẳng tiến đến sự ngộ nhập vào cảnh giới nhất thừa. Pháp của Như Lai được hiểu theo thức hoặc hiểu theo trí, theo trí là thật pháp, theo thức là quyền pháp.

Bồ đề tâm và cứu pháp

Chúng ta tuy được khai thị nhưng còn phải tu tập để ngộ nhập, nên cần đến sự gia trì của Phật và Bồ tát, nhung không sự gia trì nào mạnh mẽ và hữu hiệu hơn đưọc sự thể nhập tâm ta vào pháp cứu của quý ngài, vì thế kể từ khi quy y nơi ngài, con nguyện khởi trí y vào pháp liễu nghĩa của ngài mà khải phát tâm cứu. Cứu vì nguyện cứu để cứu ta và chúng sinh mà không bằng tham sân si. Đó là phát bồ đề tâm.

Tuy nhiên cần phải tu tập pháp cứu bất thối chuyển, bất thối chuyển đồng nghĩa với nhất tâm bất loạn, tức giới định huệ. Phàm nhân tu hạnh cứu luôn cần đến ngoại duyên (một hình thức phan duyên), tức thấy người làm thì ta làm theo, người nghỉ thì ta nghỉ, hoặc vì gia duyên hữu sự cần đến thiện pháp để cầu nguyện nên hành, nếu bình yên thì cất tâm cứu vào góc lãng quên. Tu hạnh cứu không thể lúc hành lúc không, mà cần phải hành bất kể ta trong hoàn cảnh nào, hành ngày này qua ngày nọ, cho đến cuối đời, nguyện đời sau không vong thất, tiếp tục sự cứu cho đến khi nào tâm ta với cứu pháp là một, bấy giờ tâm pháp bất thối chuyển, không cần dụng công cũng tự động quán sát thấy biết mọi nỗi khổ của chúng sinh để cứu độ. Bấy giờ bồ đề tâm thành tựu bồ đề quả.

C.  Kết Luận

Tóm lại cứu pháp có hai, đó là quyền cứu pháp và thật cứu pháp, phàm nhân y thức cầu cứu nên tự chọn “quyền cứu pháp”, đó là pháp cứu không viên mãn, tạm thời. Trí giả y trí cầu cứu nên tự chọn “thật cứu pháp”. Phàm nhân thường y thức tự chọn quyền cứu pháp, song lại muốn được cứu viên mãn, quả thật là mê muội, họ nào hay bỏ thức y trí, bỏ cú y nghĩa, bỏ nhân y pháp, bỏ bất liễu nghĩa y liễu nghĩa tất sẽ được cứu viên mãn. Phật chỉ tịnh độ, nhưng chúng sinh phải niệm Phật, Phật không thể mang chúng sinh về cõi tịnh mà không cần chúng sinh phát tâm niệm Phật cầu cứu ra khỏi Ta bà. Chư Phật chỉ pháp cứu còn ta tự lựa chọn thứ quả cứu nào ta thích hợp, song le phàm nhân thích hợp với thức, cú, nhân, bất liễu nghĩa cho đến tham sân, trí giả thích hợp với trí, nghĩa, pháp, liễu nghĩa, cho đến giới định huệ. Do đó điều tiên quyết để trạch pháp, không phải là chọn theo pháp thích hợp với vọng thức, mà chính là chúng ta cần phải tôi luyện cho bản thân thích hợp với thật pháp liễu nghĩa, và đừng trung thành với truyền thống thức tình của bao đời để lại. Hãy học tập, giữ gìn và truyền thừa, truyền thống cần thiết nhất cho ta và tất cả cha mẹ trong bao đời, cũng như tất cả chúng sinh nói chung, đó là truyền thống phát bồ đề tâm.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Hiếu Hạnh