Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Ba-Diem-Trong-Yeu-Doi-Voi-Nguoi-Lam-Chung-Trong-Ban-Viet-Tay-Cua-Dai-Su-An-Quang-Ghi

Ba Điểm Trọng Yếu Đối Với Người Lâm Chung Trong Bản Viết Tay Của Đại Sư Ấn Quang Ghi
Pháp Sư Tín Nguyện | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Giác Qủa

Cõi trần thế thật là bi thảm! Bất cứ ai cũng phải đối diện với cái chết, từ thế hệ này đến thế hệ khác chẳng ai có may mắn thoát được cái chết ấy. Do vậy, ai là người có Lương tri muốn Tự lợi – lợi Tha thì không thể không sớm tư duy để tìm ra phương án cho vấn đề này.

Thật ra, chữ “Chết” chỉ là một giả danh, do nghiệp lực đời trước chiêu cảm nên có thân này, đến khi nghiệp báo chấm dứt thì sẽ bỏ thân này để chiêu cảm một thân thể khác. Nếu không thông hiểu Phật pháp thì chẳng có phương án gì để giải quyết mà chỉ lưu chuyển thuận theo nghiệp lực mà thôi. Giờ đây, chúng ta được biết đức Như Lai đã dạy Pháp môn Tịnh Độ để cứu độ mọi người, mọi chúng sanh; thế thì, chúng ta cần vận dụng Tín – Nguyện – Hạnh (Niệm Phật) làm tư lương, dự bị cho sự vãng sanh, để đoạn tận sự khổ đau huyễn mộng của sanh tử luân hồi, chứng ngộ Niết – bàn thường trú thường lạc. Khi gặp trường hợp Cha Mẹ, Anh Em hay Bà con quyến thuộc lâm trọng bệnh khó có thể bình phục, thì nên phát tâm từ bi, hiếu thuận khích lệ họ niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc; đồng thời, cần trợ niệm giúp họ, giả như bệnh nhân lâm chung trong giờ phút này thì sẽ được vãng sanh Tịnh Độ. Pháp môn có lợi ích thiết thực như thế nên cần được giới thiệu.

Dưới đây xin nêu lên ba điểm trọng yếu làm cơ sở cho người lâm chung đạt được sự vãng sanh. Ngôn ngữ được trình bày dù thô thiển nhưng xuất phát ý nghĩa trong kinh Phật, người nào có duyên bắt gặp được thì nên thực hành cụ thể. Ba điểm trọng yếu đó là: Thứ nhất, tế nhị Khai Đạo, an ủi giúp bệnh nhân phát khởi Chánh tín; thứ hai, Bà con thân hữu luân phiên niệm Phật, trợ duyên cho bệnh nhân được Chánh niệm; thứ ba, không được khóc than, đụng chạm thân thể bệnh nhân, nhằm đề phòng hậu quả tai hại. Nếu thực hành đúng ba điểm này thì chắc chắn bệnh nhân sẽ được tiêu trừ những nghiệp chướng các đời trước, sẽ được tăng trưởng những chủng tử thanh tịnh và sẽ được đức Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Khi được vãng sanh chính là thời điểm thoát khỏi cõi Phàm – tục nhập vào cõi Thánh – Hiền, đoạn tận sanh tử, từ đây tinh tấn tu tập dần dần viên mãn quả vị Phật-Đà. Có được lợi ích thiết thực này hoàn toàn là nhờ vào năng lực trợ niệm của Bà con thân hữu. Người nào thường thực hành đối với Cha Mẹ như vậy, gọi là hiếu thảo chân chính; đối với Anh hay Em, Chị gái hay Em gái, gọi là hoà thuận chân chính; đối với Con cái, gọi là thương yêu chân chính; đối với Bạn bè gọi là tình nghĩa chân chính; đối với Bà con làng xóm, gọi là giúp đỡ chân chính. Với hành động hiền thiện như thế sẽ bồi đắp chủng tử thanh tịnh cho tự thân và tạo đức tin cho mọi người, cứ thực hành lâu ngày như vậy sẽ trở thành phong cách của mình. Bây giờ, chúng tôi sẽ lần lượt giải thích ba điểm trên để thuận tiện khi đối diện với sự lâm chung.

– Thứ nhất: Tế nhị Khai Đạo, an ủi giúp bệnh nhân phát khởi Chánh tín.

Điều thiết thực là khuyên bệnh nhân hãy xả bỏ hết thảy mọi thứ trong đời chỉ thuần nhất niệm Phật mà thôi. Trường hợp có những dữ kiện cần phải giao phó thì nên giao phó gấp, sau khi đã giao phó thì mọi việc hãy bỏ ngoài tâm để tập trung vào việc hiện tại, là làm cho mình được theo đức Phật vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Thật ra, tất cả những hiện tượng trong đời, như sự Giàu sang, sự Khoái lạc, Bà con thân thích nội ngoại… chính là những nhân duyên gây nên phiền não để phải chịu những hậu quả xấu ác; vì thế, không nên khởi lên một tư tưởng luyến tiếc. Chúng ta nên hiểu rằng, Chơn Tánh của mình vốn không bao giờ chết (không sanh tử), cái được gọi là “Chết” chỉ là sự kiện từ bỏ thân này để thọ nhận một thân mới khác, nếu không niệm Phật thì tùy theo nghiệp lực Thiện hay Ác của mình để sanh về một trong hai đường thiện ác ấy(16); ngược lại, vào thời điểm lâm chung mà mình nhất tâm chí thành niệm “Nam-mô A-Di-Đà Phật”, nhờ tâm tha thiết niệm Phật này, chắc chắn sẽ cảm ứng đến Tâm Đại từ bi của đức Phật để Ngài trực tiếp đến tiếp dẫn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta không nên nghi ngờ rằng, mình là kẻ phàm phu đang bị nghiệp lực trói buộc, thì làm sao chỉ niệm Phật trong chốc lát mà có thể thoát ly sanh tử, vãng sanh Tây Phương? – Điều này chúng ta nên hiểu rằng, đức Phật là vị Đại Từ Đại Bi, dù những người tạo các tội rất nặng như Thập ác(17), Ngũ nghịch(18), khi lâm chung cảnh Địa Ngục hiện ra trước mắt, lúc này nếu gặp được Thiện tri thức khuyên niệm Phật, bệnh nhân vâng lời hoặc niệm Mười niệm hay chỉ Một niệm vẫn được đức Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Làm sao những người nghiệp chướng sâu dày như thế, chỉ niệm ít câu danh hiệu đức Phật vẫn được vãng sanh mà không nghi ngờ được? – Điều này chúng ta cần hiểu rõ rằng, tất cả mọi người đều sẵn Chơn Tánh (Phật tánh) như chư Phật, song hiện tại mọi người đang bị nghiệp chướng sâu dày ngăn che nên không thể sử dụng được, giờ đây hết lòng đem sinh mạng nương tựa đức Phật, tương tự như Con trẻ bỏ nhà đi hoang lưu lạc giang hồ, nay được gặp Cha để trở về nơi chôn nhau cắt rốn thì đâu có gì lạ! Hơn nữa, thuở xưa đức Phật A-Di-Đà đã từng phát nguyện rằng: “Nếu chúng sanh nào được nghe danh hiệu của Ta, hết lòng vui thích tin tưởng, dù chỉ niệm Mười niệm mà không được vãng sanh, thì Ta nguyện không thành Chánh – Giác (Phật)”. Qua đó, hết thảy mọi người khi lâm chung nên khởi tâm chí thành niệm Phật cầu sanh Tây Phương, vì chẳng có trường hợp nào mà đức Phật chẳng từ bi tiếp dẫn. Thế nên, chúng ta hãy đừng bao giờ hoài nghi, nếu hoài nghi là tự tạo lỗi lầm cho mình để phải đón nhận tai họa không phải là nhỏ, huống hồ xa lìa thế giới khổ đau để được vãng sanh về thế giới Cực Lạc, thì đó là điều rất vui sướng cần được phát tâm hoan hỷ. Mặt khác, đừng bao giờ “Sợ chết”; hơn nữa, dù sợ chúng ta cũng không thể thoát chết mà còn trái với nhân duyên vãng sanh Tây Phương, do tâm chúng ta không khế hợp với tâm Phật, mặc dầu đức Phật luôn sẵn Tâm Đại từ bi cũng không làm sao cứu độ được những người không thực hành theo lời đức Phật dạy. Danh hiệu đức Phật A-Di-Đà chứa đựng vô lượng vô biên công đức thâm diệu ví như “Lò lửa cực lớn”, còn những người tạo nhiều nghiệp chướng như “Miếng tuyết”; kẻ phàm phu mang nhiều nghiệp chướng nhờ niệm Phật mà nghiệp chướng tiêu diệt tương tự như “Miếng tuyết” ở cạnh “Lò lửa cực lớn” thì lập tức tiêu mất. Khi nghiệp chướng đã tiêu trừ thì thiện căn hẳn nhiên tăng trưởng một cách thù thắng, như vậy tại sao có thể nghi ngờ không được vãng sanh và đức Phật không đến tiếp dẫn? Với sự Khai Đạo, an – ủi dịu dàng tế nhị như vậy thì bệnh nhân sẽ khởi tâm Chánh tín, sự Khai Đạo này rất hệ trọng đối với bệnh nhân. Nếu chúng ta là người chân thành chí hiếu, trong những trường hợp này không nên tin theo những tập tục thường tình, là cầu khẩn Quỷ, Thần chỉ dạy thuốc thang chữa trị; bởi lẽ, khi thọ mạng đã hết thì thuốc thang của Quỷ, Thần làm sao cứu người khỏi chết được! Nếu thuận theo thường tình làm những việc vô ích như vậy, thì làm sao sự niệm Phật được thành khẩn để cảm ứng đến đức Phật? Trong đời này có nhiều người khi Cha Mẹ lâm chung không tiếc tiền của để tìm mời rất nhiều thầy thuốc đến thăm hỏi, điều này gọi là “mua danh hiếu thảo” để mong cầu mọi người ca ngợi mình là người đại hiếu với Cha Mẹ; song họ không biết rằng, tâm địa của mình như thế nào thì Trời – Đất – Quỷ – Thần đều rõ hết. Do vậy, khi lo lễ tang cho Cha Mẹ mà làm những việc sai lầm, sai với Đạo lý, thì không gặp tai họa do Trời cũng gặp hoạn nạn bởi Người. Đã làm người thì cần chú trọng đến thần thức của Cha Mẹ, làm sao giúp thần thức của Cha Mẹ được thanh tịnh, an lạc. Chúng ta cần ghi nhớ rằng, điều mà người Thế tục ca ngợi thì người Hiền trí chẳng tán đồng; huống nữa, điều ước vọng lớn nhất của con người là lo sợ mình phạm phải trọng tội “đại bất hiếu vậy”!

– Thứ hai: Bà con thân hữu luân phiên niệm Phật, trợ duyên cho bệnh nhân được Chánh niệm.

Vừa rồi đã Khai Đạo giúp bệnh nhân khởi tâm Chánh tín; tuy vậy, tâm lực bệnh nhân rất yếu kém; hơn nữa, trước đây bệnh nhân đâu phải là người thường xuyên niệm Phật, mà bây giờ phải chú tâm duy nhất vào việc niệm Phật là điều rất khó thực hiện; chính vì thế, chỉ nhờ vào sự niệm Phật trợ duyên của người xung quanh mới có kết quả tốt đẹp. Thế nên, Bà con quyến thuộc đều nên phát tâm từ bi, tâm hiếu thảo vì bệnh nhân mà niệm Phật trợ niệm. Trường hợp bệnh nhân chưa lâm chung, thì cần chia thành ba nhóm, mỗi nhóm quy định bao nhiêu người để luân phiên trợ niệm. Khởi đầu điểm một tiếng chuông, nhóm thứ nhất niệm (lớn tiếng),  nhóm thứ hai và ba thầm niệm trợ duyên; khi nhóm thứ nhất hết phiên điểm hai tiếng chuông, thì nhóm thứ hai thay thế, nhóm thứ nhất và ba lại thầm niệm trợ duyên; cứ tuần tự thay phiên nhau như thế để trợ niệm cho bệnh nhân. Những người trong hai nhóm bên ngoài nếu có việc lặt – vặt cần giải quyết, thì vẫn thầm niệm để trợ duyên, riêng nhóm đang trực thì cần thành tâm với sự trợ niệm không nên rời chỗ. Niệm liên tục như vậy có thể kéo dài hết ngày sang đêm, cho đến khi chấm dứt (bệnh nhân đã lâm chung), nhưng đừng bao giờ tỏ ra mệt mỏi, khổ nhọc. Người trợ niệm nên rõ rằng, đã phát tâm trợ niệm kẻ khác có Chánh niệm để được vãng sanh, thì chắc chắn sẽ được phước báo là kẻ khác sẽ trợ niệm cho mình; điều cần lưu tâm tại đây, là đừng bao giờ tuyên bố rằng: “Vì Cha Mẹ nên phải hết lòng như thế”, nếu nói như vậy, sẽ trở thành một người rất tầm thường. Bên cạnh, cũng cần nắm rõ rằng, phát tâm trợ niệm cho kẻ khác không chỉ làm lợi cho người, mà trên sự thật, cũng chính là làm lợi cho mình, nghĩa là, sẽ làm cho phước báo của mình tăng gấp đôi và thiện căn càng vững mạnh; đồng thời, giúp một người được vãng sanh Tịnh Độ chính là giúp một chúng sanh trở thành một vị Phật, công đức này thật khó nghĩ bàn được!

Trở lại, ba nhóm luân phiên niệm, đừng để tiếng niệm Phật bị gián đoạn nhằm giúp cho bệnh nhân dựa vào đây để có thể niệm nhỏ theo; nếu bệnh nhân không thể niệm thành tiếng được, thì hãy chú tâm lắng nghe thật rõ từng chữ từng câu, đừng để tâm niệm bị phân tán, thực hiện được như vậy là khế hợp với sự cứu độ của đức Phật. Về vấn đề niệm Phật, không nên niệm với giọng quá cao sẽ tổn hại khí lực và không thể niệm lâu được; đồng thời, cũng không nên niệm với giọng quá thấp vì sẽ làm bệnh nhân nghe chẳng rõ ràng. Lại nữa, không nên niệm quá nhanh vì bệnh nhân nghe không kịp để niệm theo, cũng không nên niệm quá chậm vì bệnh nhân hơi không đủ. Do vậy, không nên niệm quá cao hay quá thấp, quá nhanh hay quá chậm, mà nên niệm với mức độ trung bình, làm sao mỗi chữ mỗi câu thật rõ ràng giúp bệnh nhân dễ tiếp nhận ghi vào trong tâm thức.

Về Pháp khí dùng để niệm Phật, chỉ nên dùng khánh, các loại khác không nên dùng. Khánh có âm thanh trong trẻo, khi nghe tâm thức bệnh nhân dễ được thanh tịnh; còn âm thanh của mõ thì trầm đục, không nên sử dụng để trợ niệm khi lâm chung. Ngoài ra, khi bắt đầu niệm Phật thì niệm sáu chữ, sau đó nên niệm bốn chữ “A-Di-Đà Phật”, vì ít chữ sẽ dễ niệm hơn và giúp bệnh nhân dễ niệm theo hoặc dễ ghi nhận và tâm thức làm tâm thức được tỉnh táo. Cần được niệm liên tục, chứ không nên niệm một lát rồi nghỉ, nghỉ một lát rồi niệm, niệm như thế sẽ làm tâm thức bệnh nhân bị gián đoạn sự giao cảm với Tâm từ bi của đức Phật. Đến giờ dùng cơm thì hãy thay phiên nhau đi ăn, không nên để tiếng niệm Phật bị gián đoạn. Khi bệnh nhân sắp tắt thở thì cả ba nhóm đều trợ niệm, khi đã tắt thở lại chia ba nhóm để luân phiên trợ niệm, đến khi kết thúc thì điểm ba tiếng chuông, sau đó theo Đạo lý mà tổ chức tang lễ. Về vấn đề trợ niệm, hoặc do Bà con quyến thuộc đảm trách hoặc Bà con cùng các thân hữu được mời, dù nhiều hay ít người cũng cần áp dụng những điều đã nói ở trên. Một điều quan trọng nữa cần chú ý là, trong khi đang niệm Phật trợ duyên không nên để Bà con, thân hữu đến gần bệnh nhân thăm hỏi việc này điều kia. Những người đã có thiện cảm đến thăm thì không nên gây trở ngại cho sự niệm Phật, có như thế mới là những người có tình thương chân chính đem lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân; ngược lại, nếu xuất xử theo tình cảm thế tục thì chính việc này đã vô tình xô đẩy bệnh nhân rơi vào bể khổ trầm luân. Thật ra, việc thăm hỏi là biểu hiện tình cảm tốt đẹp, nhưng trên sự thật là hành động gây tai họa đáng thương tâm; do thế, người chủ động trong gia đình bệnh nhân cần trao đổi rõ với Bà con đến thăm, để họ đừng trực tiếp đến chào hỏi bệnh nhân, nhằm khỏi gây tai họa làm cho bệnh nhân bị phân tâm mà không được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

– Thứ ba: Không được khóc than, đụng chạm thân thể bệnh nhân, nhằm đề phòng hậu quả tai hại.

Khi bệnh nhân sắp lâm chung chính là thời điểm mà các Thánh, Phàm, Người, Quỷ… đến tiếp nhận đem về trú xứ của mình, đây là thời điểm rất khẩn thiết như sợi tóc treo ngàn cân; vì vậy, chỉ thuần nhất niệm danh hiệu đức Phật để Khai Đạo cho thần thức bệnh nhân. Điều quan trọng là không được tắm rửa, thay y phục hay dời bệnh nhân sang chỗ khác, bệnh nhân đang trong tư thế nào thì nên giữ nguyên như vậy, không nên sửa đổi bất cứ hình thức gì; đồng thời, trước mặt bệnh nhân không nên biểu lộ nét mặt bi thương sầu khổ hay khóc – lóc than thở. Ở thời điểm này thân thể bệnh nhân đang biến hoại, nếu đụng chạm vào bất cứ chỗ nào cũng đều làm cho bệnh nhân rất đau đớn, khi bị đau đớn bệnh nhân sẽ khởi tâm sân hận làm cắt đứt nhân duyên đang giao cảm với đức Phật, liền thuận theo tâm sân hận ấy mà đọa lạc vào các loài ác dữ, đây là điều rất đáng hãi sợ. Mặt khác, khi thấy nghe sự bi thương, sầu khổ, khóc than… của những người xung quanh, bệnh nhân sẽ khởi dậy tâm luyến ái, cũng sẽ cắt đứt sự giao cảm với đức Phật, rồi cũng thuận theo sự luyến ái ấy để đời đời kiếp kiếp trôi lăn trong bể sanh tử luân hồi khó mong giải thoát. Thế nên, để được lợi ích một cách hoàn hảo, sự niệm Phật trợ duyên phải được thực hiện thật nghiêm túc để khỏi gây tai họa lớn cho bệnh nhân; bên cạnh, Bà con quyến thuộc bệnh nhân cũng không được gây nên lỗi lầm, như khóc than hay đụng chạm đến thân thể bệnh nhân, làm bệnh nhân khởi dậy tâm luyến ái hay sân hận, thì việc vãng sanh Tây Phương Cực Lạc khó có hy vọng.

Ngoài ra, khi bệnh nhân vừa qua đời, nếu hơi nóng ở nửa phần trên của thân thể đó là hiện tượng siêu thăng về các Thiện xứ, hơi nóng ở nửa phần dưới của thân thể đó là hiện tượng đọa lạc xuống các Ác xứ. – Cổ Đức bảo rằng: “Nóng ở đỉnh đầu sanh về cõi Thánh, nóng ở mắt sanh lên cõi Trời, nóng ở ngực (tim) tái sanh làm Người, nóng ở bụng đọa làm Ngạ Quỷ, nóng ở đầu gối đọa làm Súc Sanh, nóng ở bàn chân đọa xuống Địa Ngục”. Dù vậy, nếu Bà con thân hữu chí thành trợ niệm thì bệnh nhân chắc chắn được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, không nên chú tâm đến việc phải rờ xem bệnh nhân nóng ở chỗ nào; bởi lẽ, nếu thần thức bệnh nhân chưa xuất khỏi thân thể thì hành động này sẽ làm bệnh nhân khởi phát phiền não, sân hận gây trở ngại rất lớn cho việc vãng sanh, tội lỗi này thật vô lượng, vô biên! Qua đó, mong rằng tất cả Bà con thân hữu của bệnh nhân, mỗi người hãy chí thành tha thiết niệm Phật, chẳng cần phải xem người lâm chung nóng ở chỗ nào để biết sẽ đi về đâu. Đã nhân danh là Người thì phải chú tâm minh bạch điều này, đó mới gọi là sự hiếu thảo chân chính; nếu hành động theo cảm tính thế tục thì chính đó là động thái chẳng hề thương tiếc xô đẩy người thân của mình rơi vào bể khổ trầm luân, nhằm mong cầu hạng người vô trí ngợi khen mình là kẻ đại hiếu thảo, lòng hiếu thảo này cũng tương tự như lòng thương người của Nữ La-Sát. Khế Kinh ghi rằng: “Nữ La-Sát ăn thịt người nói: Tao thương mầy nên mới ăn thịt của mầy”. Hành động hiếu thảo làm người thân của mình bị đọa đày khổ sở của những kẻ vô trí cũng không khác gì với Nữ La-Sát vì thương người mà ăn thịt người vậy!

Cần nói rõ thêm rằng: “Nóng ở đỉnh đầu sanh về cõi Thánh, nóng ở mắt sanh lên cõi Trời…”; nghĩa là, khi bệnh nhân đã tắt thở, toàn thân đều lạnh, độc nhất chỉ nóng ở đỉnh đầu, đó là hiện tượng siêu Phàm nhập Thánh, xa lìa sanh tử, nếu chỉ nóng ở mắt hay trán là sanh lên cõi Trời, chỉ nóng ở ngực hay tim thì tái sanh làm Người, chỉ nóng ở bụng thì đọa làm Ngạ Quỷ, chỉ nóng ở đầu gối thì đọa làm Súc Sanh, chỉ nóng ở bàn chân thì đọa xuống Địa Ngục. Có kết quả này do bởi khi đang sống mỗi người làm Thiện, làm Ác khác nhau, nên khi lâm chung chiêu cảm các cảnh giới sai khác như thế, chứ không do bất cứ một uy lực nào, một vị Thần linh nào sắp đặt như vậy. Thế nên, trong giờ phút lâm chung nếu bệnh nhân chí thành niệm Phật, cộng thêm năng lực trợ niệm của Bà con thân hữu, chắc chắn sẽ mang nghiệp (đới nghiệp) vãng sanh, siêu Phàm nhập Thánh; chứ không cần phải chú ý đến việc kiểm tra xem người qua đời nóng ở chỗ nào mà làm hỏng việc lớn!

Những điểm được trình bày trên chỉ mong muốn mọi người ai cũng thành thật hướng thượng để cầu nguyện những người qua đời đều được vãng sanh, những người đang sống đều được phước đức, nhằm được toại nguyện tâm niệm “máu huyết tình thâm” của Con hiền Cháu thảo… Đây là điểm mà bất cứ ai yêu thương chân chính người thân của mình, không thể không tiếp nhận! – Xin chân thành trao đến quý vị.
Trích từ: Lợi Ích Thù Thắng Của Khai Thị Trợ Niệm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
2 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
3 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
4 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về
5 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
6 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
7 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
8 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về

Ba Điều Tối Quan Trọng Lúc Lâm Chung
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang

Niệm Phật Phải Dự Bị Lúc Lâm Chung
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Phàm Phu Nghịch Ác Khi Lâm Chung Cũng Có Thể Vãng Sanh
Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần