Home > Khai Thị Phật Học > Tam-Tong
Tâm Tông
Hòa Thượng Thích Trí Quảng


Trong kinh Pháp hoa, Phật nói Bồ tát Nguyệt Quang quán sát chúng sanh bằng đôi mắt bình đẳng. Ta tu Pháp hoa, nghĩ đến Bồ tát Nguyệt Quang, phải nghĩ đến điều đặc biệt này trước tiên.

Đôi mắt bình đẳng của ngài nhìn mọi người tốt hay xấu không có tình cảm ủy mị, thương ghét, phán đoán khác nhau. Đối với mọi người, ngài đều trải tình thương giống nhau. Thể hiện ý này, kinh Hoa nghiêm ca ngợi hạnh đức của Bồ tát Nguyệt Quang như sau:

Bồ tát Thanh Lương Nguyệt
Thường du tất cánh không
Chúng sanh tâm cấu tịnh
Bồ tát ảnh hiện trung.

Nghĩa là Bồ tát Nguyệt Quang còn có tên là Thanh Lương Nguyệt vì tâm của ngài giống như ánh trăng trong sáng, êm dịu tác động đến tâm chúng sanh sạch hay dơ, tốt hay xấu, nhưng khi nghĩ đến Bồ tát Nguyệt Quang, ngài cũng chiếu ánh quang vào lòng họ, khiến họ trở thành tốt.

Thật vậy, thực tế mình thấy người không tốt và họ cũng tự biết họ không tốt, nên họ thường nghĩ đến Bồ tát Nguyệt Quang và thực tu một thời gian, lần lần tâm họ cũng tốt. Điều này cho thấy Nguyệt Quang đã rọi vào lòng họ. Đương nhiên nếu tâm mình sạch và nghĩ tới Nguyệt Quang thì ánh quang của ngài soi rọi vào lòng mình giúp mình dễ dàng thăng hoa trên bước đường tu. Nếu tâm mình xấu mà nghĩ đến ngài, ánh quang của ngài cũng chuyển hóa cho tâm mình dần dần tốt.

Bồ tát Di Lặc cũng vậy, ngài có nụ cười hiền lành, dễ thương, dù mình thương hay ghét ngài, ngài cũng đối xử với mình bằng tâm từ bi, tâm bình đẳng. Đức Phật Thích Ca chọn Di Lặc là người thừa kế, sau khi Ngài vào Niết bàn và giáo pháp của Ngài hoại diệt, Đức Di Lặc ra đời sẽ làm Phật.

Từ ý này, chúng ta niệm Di Lặc là Long Hoa Giáo chủ đương lai hạ sanh Di Lặc Tôn Phật. Sau này ngài hạ sanh làm Giáo chủ hội Long Hoa, nhưng còn lâu lắm. Dù Di Lặc chưa hạ sanh, nhưng trong nhân gian có người nghĩ đến ngài, thấy hình tượng ngài và khởi tâm hoan hỷ thì tâm Di Lặc cũng rọi đến làm họ hoan hỷ theo.

Điển hình là Hòa thượng Hư Vân hành đạo ở thời Mao Trạch Đông mới thống nhất Trung Quốc, tình hình lúc đó rất phức tạp, phiền hà. Một số Tăng Ni bị hoàn tục, một số chùa bị phá hủy, một số người bị bỏ tù. Ngài Hư Vân cũng chịu cảnh tù giống như tất cả những người khác.

Nhưng ngài nghĩ đến Di Lặc thì ngài xuất thần, lên được cung trời Đâu Suất, nghe Di Lặc giảng kinh. Và Di Lặc nói với ngài rằng duyên của ông ở trần thế chưa hết, ông phải trở lại làm việc của mình xong mới trở về Đâu Suất được.

Trong giấc mơ, ngài thấy như vậy và nghe pháp ở Đâu Suất xong, ngài trở lại trần gian, cảm thấy vui lạ thường giống như Di Lặc vậy, vui đến mức độ người chấp pháp phải sợ và kính trọng ngài. Đó là điểm đặc biệt của Bồ tát Di Lặc gia bị tới ngài Hư Vân.

Chúng ta tu Pháp hoa, chọn bảy vị Bồ tát là Quan Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi, Dược Vương, Nguyệt Quang, Di Lặc, Phổ Hiền làm biểu tượng để chúng ta nương theo tu hành.

Cuối cùng là Phổ Hiền mười hạnh rạng ngời tâm tông. Trong kinh Hoa nghiêm ghi Bồ tát Phổ Hiền có mười đại hạnh, nếu ta tu Pháp hoa thực hiện mười hạnh này cũng được Phổ Hiền gia bị. Và trong mười hạnh của ngài, ngài nói: “Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm chung, trừ hết tất cả các chướng ngại. Tận mặt gặp Phật A Di Đà, liền được vãng sanh cõi Cực lạc”, nghĩa là người tu mười hạnh Phổ Hiền muốn vãng sanh cũng được vãng sanh về Cực lạc. Và ‘Tôi đã vãng sanh cõi kia rồi. Hiện tiền thành tựu nguyện lớn này. Cả thảy tròn đủ không thừa thiếu. Lợi lạc tất cả loài hàm thức. Chúng hội Di Đà đều thanh tịnh. Tôi từ hoa sen nở sanh ra. Thân thấy Đức Phật Vô Lượng Quang. Liền thọ ký tôi đạo Bồ đề”. Như vậy, khi mình về Cực lạc, từ hoa sen sanh ra.

Mình ở đây từ thai mẹ sanh, nên mình có nghiệp của cha mẹ. Dù là Bồ tát hiện lại, mang thân người cũng có nghiệp, nghiệp trước mắt là ai cũng phải ăn uống, ngủ nghỉ, đó là nghiệp căn bản, đòi hỏi của thân tứ đại và còn nhiều nghiệp khác nữa. Mỗi người có nghiệp nặng nhẹ khác nhau, là nghiệp của ta do tâm chúng ta mang tới cộng với nghiệp của cha mẹ, nên chúng ta có đủ phiền não, trần lao, nghiệp chướng.

Trong khi Đức Phật Thích Ca chỉ có nghiệp của cha mẹ thôi, nhưng vua Tịnh Phạn bảy đời hiền lành và hoàng hậu Ma Gia thánh thiện. Như vậy, Phật có nghiệp của cha mẹ nhưng là thiện nghiệp, còn bản thân Ngài không có nghiệp. Thật vậy, mang thân người có đói khát nóng lạnh, nhưng đói khát nóng lạnh đối với Ngài không quan trọng, nên Ngài tu dễ dàng.

Khi còn là thái tử, vua cha xây cho Ngài ba tòa lâu đài mà khắp thiên hạ đều trầm trồ ưa thích, nhưng Ngài lại nghĩ không nên hưởng thụ, vì biết bao người bỏ công của xây dựng và còn biết bao người canh gác, giữ gìn. Ta tu theo Phật phải nhìn giống Phật một chút là thấy phước mình đang hưởng nặng quá. Mình làm được gì mà hưởng nhiều, đến khi hết phước, quả khổ sẽ tới. Thực tế ở Việt Nam nổi tiếng công tử Bạc Liêu giàu có, tiêu xài phung phí, hưởng thụ không ai bằng. Nhưng đến đời cháu nội của ông phải đạp xích lô để sống.

Phật tử tu hành nên nhớ là làm ít hưởng nhiều, mau hết phước. Ngay như trời Đế Thích hưởng hết phước còn bị đọa làm con bò. Nhưng ông còn có căn lành, trước khi bị đọa, còn biết lạy Phật, lúc đó Phật đang nhập Tam muội. Ông chui vô bụng con bò thì con bò bị sẩy thai, ông được hoàn kiếp lại, trở về trời Đế Thích. Như vậy, chúng ta thấy công đức của Phật quá lớn, nghĩ đến Phật, niệm Phật mà giải được nghiệp, thay vì làm con bò, nhưng trời Đế Thích chỉ vô bụng con bò rồi chết liền, thời gian trả nghiệp quá nhanh.

Đức Phật khác chúng ta, Ngài chỉ có nghiệp của cha mẹ, nhưng cha mẹ Ngài thiện nghiệp nhiều, làm vua. Còn người có cha mẹ làm thuê ở mướn, trộm cướp, cờ bạc, họ phải gánh nghiệp của cha mẹ nặng quá, cộng với nghiệp của họ đời trước cũng cờ bạc nên đầu thai vô cha mẹ như vậy thì gánh cái nghiệp quá nặng, tu rất khó. Có tu cũng bị nghiệp lôi kéo ra.

Hạnh Phổ Hiền có mười điều, Phật tử nên nhớ. Một là lễ kính chư Phật. Phổ Hiền dạy lễ thế nào? Đương nhiên có Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai. Muốn tu hạnh lễ kính chư Phật, chúng ta phải thấy tất cả mọi người ai cũng là Phật tương lai.

Còn lên chùa thấy tượng Phật, mình lạy, nhưng thấy người, chúng ta không ưa là nghiệp chúng ta còn, quả báo sẽ tới. Ta nghĩ họ ác xấu tội lỗi và đem ý ác này vô lòng chúng ta làm nhân thì sau này kết thành quả là chúng ta sẽ làm việc giống như người mình chê, chúng ta sẽ bị người khác chê. Vì vậy, Phật dạy những hình ảnh chúng ta không thích đừng đưa vào lòng thành nghiệp. Sợ nhất đem điều ác xấu vào lòng, không quên được thì tu gì cũng đọa. Không thấy, không nghĩ, không nghe những gì xấu ác. Chỉ nghe pháp Phật, nghĩ đến Phật, thấy Phật, lần lần phước sanh.

Nhớ năm 1963, thời pháp nạn, lúc đó tôi còn trẻ nên ưa tranh đấu, xuống đường, bị bắt vô Tổng nha, Họ vừa mở cửa khám đường, lòng tôi không nghĩ nhà giam, tội nhân, nhưng tôi nghĩ tới Phật, thấy Phật, bấy giờ, người chấp pháp dẫn tôi đi, nhìn tôi thấy thương, nên nói trong này hết chỗ, ông thầy ngồi ở ngoài đỡ, nhưng đừng chạy nhe. Đó là kinh nghiệm của tôi, thay vì đẩy tôi vô phòng giam như người khác, nhưng vì mắt tôi thấy Phật, lòng tôi nghĩ Phật khiến họ thương mình lập tức. Quý vị nên nhớ nếu mình thấy họ ác, nghĩ họ ác và chửi thì họ đánh mình, giết mình liền.

Tu hành, mình nhìn ai cũng giống Phật, lần người ta sẽ thương quý mình. Tôi được nhiều người thương vì nhìn thấy ai cũng là Phật, là quyến thuộc Bồ đề cùng giúp đỡ nhau tu đến thành Phật.

Bảy vị Bồ tát tôi chọn trong sám Pháp hoa mà mình nương theo tu đạt đến chân linh, thấy Phật thiệt được, mình sẽ vô thế giới Thường Tịch Quang của chư Phật. Vì vậy, người tu thiền không sợ chết, vì thấy mình bất tử mới thấy Phật hiện ra. Còn mình sống khó thấy Phật, vì thấy bằng nhục nhãn, nhưng chết mình thấy Phật bằng mắt của niềm tin. Nhắm mắt, nghĩ tất cả là Phật, thấy tất cả là Phật, nhưng mở mắt ra thấy chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não, nên phần nhiều nghĩ mình chết có thể thấy Phật được. Thật vậy, theo kinh nghiệm của tôi khi khó khăn, không sống được thì dễ thấy Phật. Còn bây giờ mình nghĩ bình an và sống với cái bình an này.

Hòa thượng Thiện Hoa nói ý này là sơn cùng thủy tận, nghĩa là cùng đường thì Quan Âm hiện ra. Lúc đó tự lòng tôi nghĩ như vậy, thấy có Quan Âm, Thế Chí dẫn đường, Văn Thù khai thị, Dược Vương cứu đời, thấy Nguyệt Quang Di Lặc tuyệt vời và thấy có Bồ tát Phổ Hiền trợ giúp khiến mình cảm thấy an lành.

Trên bước đường tu, nếu quý vị có niềm tin sẽ tìm được an lành trong thế giới không an là thế giới tâm. Lúc đó tôi tụng kinh Pháp hoa, nói rằng nếu người tu Pháp hoa thiệt mà gặp người ác thì Phổ Hiền sẽ giữ ác ma, khiến ác ma hộ trì Chánh pháp. Từ niềm tin đó, tôi nghĩ những người hợp tác với tôi để thành lập đạo tràng Pháp hoa. Đó là những năm khó nhất về kinh tế, chính trị, khó đủ thứ, nhưng đạo tràng Pháp hoa làm được việc kỳ diệu một cách nhẹ nhàng là tôi đi giảng kinh, có Phật tử theo nghe pháp, bố thí, cúng dường. Kỳ diệu vì giai đoạn đó rất nghèo đói mà có người tốt đến giúp.

Đó là lực tác động của bảy vị Bồ tát thể hiện trong cuộc sống để hỗ trợ tôi làm Phật sự suốt mấy chục năm. Làm Phật sự cần phải có tiền của, công sức, nhưng tiền của ở đâu, công sức ai hợp tác, làm sao có. Lúc đó tôi học ở Nhật mới về, quyến thuộc không có, nhưng tôi có niềm tin mãnh liệt và tự động hàng hàng lớp lớp người không quen đến với tôi. Vì tôi tu Pháp hoa thấy họ là Phật, nên họ tốt với tôi. Đó là điều quan trọng mà Phật tử cần nhớ và thực tập.

Câu kế của sám Pháp hoa; Quyết lòng độ tận chúng sanh. Tam đồ bát nạn trở thành Lạc bang. Khi mình quyết lòng làm vì Phật, không sợ, dù chết chóc tù đày không ngán. Vì mình quyết lòng xây dựng tình người, xây dựng Cực lạc ở ngay tại Ta bà, ngay trong lòng mình. Tâm mình có an lạc rồi, người tới mới thấy an lạc. Thật vậy, sau ngày đất nước giải phóng, không làm gì được, mỗi ngày một mình tôi tụng kinh Pháp hoa trên chánh điện, nhưng tôi cảm giác có nhiều người lắm, có nhiều Bồ tát, Hộ pháp Long thiên tạo thành thế giới an lành. Thế giới an lành của nội tâm mình rất quan trọng.

Phật tử tụng kinh, trì kinh, tu hành, nhưng lòng không an thì công đức không sanh. Dù ở chỗ nguy hiểm, nhưng lòng mình có niềm tin, thấy an, công đức tự nhiên sanh. Cuộc sống mình bình an vì tham sân si hết, mình không ham muốn, buồn phiền, có gì ăn đó, ăn khoai vẫn sống khỏe. Nhờ vậy, mình hiểu thêm rằng cơ thể không đòi hỏi nhiều như tâm tưởng mình tham. Kinh nghiệm tu như vậy đến bây giờ trải qua mấy chục năm, tôi vẫn hạn chế ăn, chỉ ăn nửa chén cơm, ăn nhiều, dư thành bệnh. Như vậy là mình hạn chế được tâm ham muốn.

Tâm mình an lạc thì xây dựng được thế giới an lạc trong tâm là quý nhất, vì tâm an lạc sẽ giúp cho thân khỏe mạnh, tâm bất an sanh nhiều bệnh lắm. Phật nói hạnh phúc nhất của con người là tâm an lạc. Ta tu cố xây dựng Lạc bang là thế giới nội tâm mình cho an lạc.

Suốt thời gian dài cho đến bây giờ, tôi trên 80 tuổi, ít bệnh nhờ tâm an lạc. Phật tử nên suy nghiệm điều này mà tu. Chúng ta có thể thiếu ăn mặc, chỗ ở, nhưng tâm an lạc là hạnh phúc nhất. Phật nói Tỳ kheo không tài sản, nhưng hạnh phúc vì không ham muốn. Quý vị không ham muốn có cũng vậy, không có cũng vậy, vì biết mình có là do phước mà có, còn không có vì mình không có phước. Người không có của nhưng không ham muốn cũng có hạnh phúc giống như người có của hạnh phúc, hạnh phúc của hai người này giống nhau, không khác. Nhưng người có của mà ham muốn nhiều thì vẫn khổ đau và người có quyền thế còn khổ hơn người không có quyền thế.

Vì vậy, chúng ta hiểu và xây dựng Lạc bang là thế giới an lành trong tâm. Khi tâm được an lạc thì thân khỏe mạnh và trí sáng là ba điều quan trọng của thế giới Cực lạc. Ba điều này là tài sản quý nhất của con người, nhưng không biết mà bỏ mất ba điều quý báu này, lại tìm khổ não mang vô sẽ làm cho thân bệnh và đầu óc u tối.

Riêng tôi từ khi mới phát tâm tu thường khẳng định rằng tất cả mọi việc nhường cho thiên hạ, trừ học vấn không nhường, vì phải học. Phật đã nhắc chúng ta rằng hiểu biết là quan trọng nhất. Người bất hạnh là người kém hiểu biết, là vô minh dễ tạo tội lỗi bị đọa.

Theo Phật, ta nhận thức rõ điều này nên không vào chỗ tội lỗi và giữ cho thân khỏe mạnh, tâm an lạc là hạnh phúc quá rồi. Mỗi người tự xây dựng an lạc cho chính mình thì ai tới thăm mình cũng được an lạc. Thật vậy, Phật tử tới chùa thấy tôi an lạc, họ cũng cảm nhận an lạc theo, tạo thành thế giới an lạc.

Có người nói chết tới nơi sao thầy không sợ? Vì anh thấy chết tới nơi nên sợ. Còn tôi thấy sống chết là việc bình thường. Sống là thân tứ đại sống hay Pháp thân sống. Theo Phật, Pháp thân quan trọng hơn, mình phải giữ gìn. Thân tứ đại không cần lo giữ, vì giữ cũng không được. Người đời nói: “mầy liệu hồn” là hồn quan trọng hơn, hồn mất thì xác không sống được. Nhưng xác mất, hồn còn sẽ đầu thai vô chỗ tốt. Vì vậy, trước khi Phật vào Niết bàn, Phật biết phải bỏ xác, Ngài liền nhập Sơ thiền.

Xác có đau nhức, bệnh hoạn, nhưng nhớ đừng để linh hồn bị đau nhức, bệnh hoạn để mình sanh vô thế giới an lành. Nhớ lúc sắp chết, hai điều quan trọng là thân không bệnh và tâm không buồn. Thân không bệnh là Pháp thân mình không bệnh, còn thân tứ đại bệnh, chết, nhưng mình cố gắng an trụ vào Pháp thân không bệnh và tâm không buồn.

Trước khi chết rơi vô ảo ảnh, mắt mờ không thấy gì, thấy hình ảnh lung tung là nghiệp hiện ra, lúc sống tạo bao nghiệp ác thì nghiệp ác xuất hiện, tu bao nghiệp lành thì nghiệp lành sẽ hiện ra. Thí dụ hàng ngày tu, mình nhìn tượng Phật, Bồ tát, tiềm thức của mình đã lưu giữ hình ảnh Phật, Bồ tát thì hình ảnh này hiện ra.

Vượt qua giai đoạn này, nếu đắc Sơ thiền, ta vào Sơ thiền. Người chưa đắc Sơ thiền thì sau ảo ảnh này gọi là hoa mắt thì chúng ta thấy toàn màu đen. Thấy màu đen là thấy bằng “Thức”, nhưng sau màn đen này, mình qua thế giới chết rồi là thế giới không có thân tứ đại, tức qua kiếp khác thì sáng trở lại, bấy giờ mình thấy bằng linh hồn mình, không thấy bằng thân vật chất nữa.

Kiểm nghiệm điều này để mình biết, đó là trong giấc ngủ, mình chiêm bao thấy tất cả mọi vật bằng linh hồn, thấy tất cả mọi người kể cả thấy người chết. Lúc đó, mình là linh hồn và họ cũng là linh hồn, nên mình thấy họ được và nói chuyện với họ được. Nhưng mình là linh hồn, tức mình chết rồi, mà họ là thể xác, tức họ còn sống, thì mình muốn nói chuyện với họ không được.

Trên bước đường tu, tôi quyết lòng xây dựng được thế giới an lành trong thân tâm tác động cho những Phật tử hữu duyên tìm đến tu học tại đạo tràng Bổn môn. Với tôi, quý vị là quyến thuộc Bồ đề, tới đây quên khổ thế gian để có một ngày hưởng an lành trong chùa, đó là Cực lạc mà tôi xây dựng.

“Cầu xin Bồ tát Kim Cang, tồi tà phụ chánh khai đàn Pháp hoa. Cầu xin đại tướng Dược Xoa, đừng cho tà giáo ác ma đến gần”. Chùa mình có thờ hai vị Kim Cang, Mật Tích. Tôi mong những người có căn lành với Phật thì Bồ tát Kim Cang khiến họ tới nghe pháp, tu hành. Với những người có tâm ác xấu, muốn gây chuyện, trộm cắp, xin các Ngài đưa họ đi.

Tóm lại, tâm nguyện của chúng ta chỉ lo tu, cuộc sống hoàn toàn an lành nhờ trên có Phật, Bồ tát và chư vị Hộ pháp Long thiên che chở, giữ gìn để chúng ta tu tạo công đức làm hành trang về với Phật.