Home > Khai Thị Phật Học > Ma
Ma
Đại Lão Hòa Thượng Thích Diễn Bồi | Sa Môn Thích Trí Minh, Việt Dịch


Ma tiếng Ấn Ðộ gọi là Ma La, Trung Quốc dịch là Sát Giả; nghĩa là nó có khả năng sát hại huệ mạng của chúng sanh, khiến cho thân tâm của chúng sanh không thể được tự tại.

Phật pháp không đề cập đến Ma thì thôi, nếu đề cập đến thì đều nhắm vào ý nghĩa không tốt. Vì các thứ này hay nhiễu loạn sự tu hành của hành giả. Nếu căn cứ vào bản ý của Thiên Ma mà nói thì yêu cầu tối đại của chúng là muốn cho tất cả chúng sanh đều thành quyến thuộc của chúng.

Nếu chúng sanh nào cứ mải lặn ngụp trong tam giới, không có ý niệm nghĩ đến pháp xuất ly thì chúng ma đối với chúng sanh ấy rất là khách khí (tử tế, cung kính, khiêm nhường, vị nể...). Nếu người đó có yêu cầu việc chi thì Ma có khả năng cung cấp cho đầy đủ. Nếu muốn hưởng thọ sự khoái lạc, nó cũng đem sự khoái lạc cấp cho.

Nhưng nếu chúng sanh nào có tâm niệm mong cầu thoát ly tam giới, ly khai khỏi quyền hạn của Ma, không chịu làm quyến thuộc của chúng; lúc đó, chúng sẽ bắt đầu lộ ra bộ mặt dữ tợn, cực lực ngăn trở và phá hoại, không chút vị nể, làm cho chúng sanh ấy không còn cách nào có thể thoát ly tam giới, vĩnh viễn ở trong quyền quản chưởng của chúng.

Phật giáo nói đến Ma đương nhiên là rất nhiều. Nhưng khi Ðức Phật ở trong cung của Thiên Vương giảng kinh Ma Thọ Hóa, chủ ý của Ðức Phật là khắc phục chúng Ma. Nghĩa là: Dùng các thứ ngôn giáo để chỉ dạy chúng Ma và cảm hóa Ma chúng, khiến cho chúng tiếp thọ được sự giáo hóa của Phật, không còn làm những việc nhiễu loạn các hành giả trong Phật pháp.

Ðức Phật ở trong cung của thiên vương nói kinh Ma Thọ Hóa xong, khiến các Ma chúng tiếp thọ được sự giáo hóa của Ngài rồi, sau đó, Ðức Phật mới hạ sanh xuống Nhân gian và ở nơi thế gian này thành Phật.

Nơi đây, có một vấn đề cần phải giải thích rõ: Thông thường nói khi Ðức Phật ở dưới cội Bồ Ðề hàng phục được chúng Ma rồi thành đạo. Tại sao hiện tại, kinh này [Kinh Phạm Võng] nói Ðức Phật ngự trong cung của thiên vương nói kinh Ma Thọ Hóa? Nếu Ma ở trong cung của thiên vương đã tiếp thọ sự giáo hóa của Phật rồi thì khi đức Thích Tôn thành Phật ở nhân gian, sao lại còn phải hàng phục Ma nữa? Lại còn có Ma gì để hàng phục?

Ðể giải đáp nghi vấn này, chúng ta nên biết:

- Ma có rất nhiều, không phải là một hay hai con Ma mà thôi, nên biết rằng: phía trước, phía sau, hai bên của hành giả, không lúc nào là không có ma.

- Ma luôn ở sát bên để dòm ngó. Cho nên, trong cung của Thiên Vương dù đã hàng phục Ma vương, nhưng đến khi xuất hiện ở thế gian, trước khi thành Phật, Ðức Phật vẫn còn phải hàng phục chúng Ma.

Tuyệt đối không nên nói rằng Ðức Phật ở trong cung của Thiên Vương đã khiến cho Ma Vương tiếp thọ được sự giáo hóa thì lúc ở nhân gian thành Phật, Phật không cần hàng phục chúng Ma nữa! Phật biết rằng ở nhân gian cũng có chúng ma cần phải khắc phục. Ngay khi Ðức Phật ở dưới cội Bồ Ðề đã hàng phục ma rồi, nhưng không thể nói là ở nhân gian do vậy mà không còn Ma.

Sự thật vẫn còn rất nhiều Ma, bằng chứng là sau khi Phật diệt độ, lúc quý đệ tử kiết tập Pháp Tạng, vẫn từng bị Ma xuất hiện quấy rối. Nếu như tất cả các chúng ma bị hàng phục rồi, thì lúc kiết tập Pháp Tạng, chư đệ tử Phật đâu còn bị Ma đến quấy phá nữa. Tuy rằng, các ma ở cung thiên vương cũng như dưới cội Bồ Ðề đã được Ðức Phật vận dụng sức đại từ bi, đại trí huệ, đại tinh tiến mà hàng phục chúng. Cho nên dù có đến đời vị lai, Ma vẫn còn xuất hiện để phá rối. Ðó là những chúng Ma chưa được Phật giáo hóa.

Riêng về kinh Ma Thọ Hóa, Phật giảng ở trong cung thiên vương; về mặt nội dung, Phật giảng những gì chúng ta không biết được vì chưa được truyền sang Trung Quốc.

Nói đến Ma thì có nhiều thứ Ma, không phải chỉ Ma ở bên ngoài. Y cứ theo trong Du Già Bồ Tát Giới giảng rõ rằng: “Bao nhiêu những thứ lợi dưỡng, danh dự, cung kính, phóng dật, keo kiết, bỏn xẻn, ham muốn, tức giận, giả dối, kiêu ngạo v.v... đều là Ma”.

Ngoài ra trong Pháp Tướng Duy Thức Học cũng nói rõ có nhiều thứ Ma như:

- Tham, sân, si: Ba thứ này trong kinh thường gọi là Tam Ðộc, vì nó làm hại tất cả thiện căn của chúng sanh. Nó là ba thứ tương phản với ba thứ thiện căn: vô tham, vô sân, vô si.
- Mạn (ngã mạn).
- Nghi (không quyết định được chân giả, phải trái).
- Ác kiến (chủng loại này chia làm năm thứ: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ).

Sáu thứ ma vừa kể trên thuộc về Ma căn bản, còn hai mươi thứ sau đây thuộc về ma chi mạt (chi mạt: cành, ngọn cây), bao gồm:

1. Phẫn (giận).
2. Hận (tâm ấp ủ sự tức giận không quên).
3. Phú (có tội lỗi mà che giấu, không chịu phát lồ sám hối).
4. Não (đối với nghịch cảnh, tâm phát sinh sự nóng nảy, bực tức).
5. Tật (thấy người hơn mình sanh lòng ganh ghét).
6. Xan (có của cải, tiền tài sanh tâm keo kiết, cất giấu, không bố thí).
7. Cuống (đối với mọi người giả dối, không chân thật).
8. Siểm (dua nịnh mọi người).
9. Hại (có ác ý làm tổn hoại loài hữu tình).
10. Kiêu (kiêu căng, ngạo mạn).
11. Vô tàm (tự mình có lỗi mà không biết hổ thẹn).
12. Vô quý (bản thân có lỗi mà đối với người khác không biết hổ thẹn).
13. Trạo cử (nội tâm loạn động, lăng xăng).
14. Hôn trầm (tâm hồn không sáng suốt, tỉnh táo). 
15. Bất tín (không có niềm tin chánh đáng).
16. Giải đãi (lười biếng, không siêng năng).
17. Phóng dật (buông lung theo bản năng).
18. Thất niệm (không giữ được chánh niệm).
19. Tán loạn (tâm không ổn định).
20. Bất chánh tri (hiểu biết sai lầm).

Sáu thứ ma căn bản và 20 thứ ma chi mạt trong Duy Thức Học vừa kể trên hằng ngày chúng ta cần phải kiểm điểm, mỗi khi chúng vừa xuất hiện trong tâm đều phải lập tức khắc phục.

Ở đây lại còn một vấn đề cần giải thích nữa:

Hàng thiên nhơn ở cung trời Ðâu Suất thường tu tập Thiền Ðịnh, hỷ túc, vốn không bị ma nhiễu loạn, nên đương nhiên không có ma để hàng phục. Thế nhưng tại sao trong kinh văn lại nói Ðức Phật ngự trong cung Thiên vương, nơi cõi trời Ðâu Suất, giảng nói kinh Ma Thọ Hóa? Hơn nữa, thông thường khi nói đến Thiên Ma, không phải chỉ cho Thiên Ma ở cõi trời Tha Hóa Tự Tại mà chính là chỉ cho Thiên Ma ở cõi trời Ma Hê Thủ La. Như vậy, về điểm này không có sự thống nhất, làm sao có thể hội thông được?

Nên biết cung trời Ðâu Suất trong kinh văn là nơi ở giữa cõi trời Lục Dục và Phạm Thế, nhưng vì Ðức Phật thường chủ trương theo Lý Trung Ðạo nên dù Ngài ngự ở cung Thiên Vương nơi cõi trời Ðâu Suất thì thật ra cung của Ma vương cũng ở trong đó. Vì vậy, khi nói Phật ngự trong cung của Thiên Vương giảng nói kinh Ma Thọ Hóa thì không có gì nghịch lý.
 
Trích từ: Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Kinh Bồ Tát Di Lặc Hỏi Đức Phật Về Bổn Nguyện, Hòa Thượng Thích Chánh Lạc, Việt Dịch
2.    Kinh Thần Chú Bát Cát Tường, Khuyết Danh | Thích Nguyên Lộc, Việt Dịch
3.    Phạm Võng Bồ Tát Giới, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang
4.    Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang
5.    Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký, Đại Lão Hòa Thượng Thích Diễn Bồi | Sa Môn Thích Trí Minh, Việt Dịch
6.    Phật Giáo Và Cuộc Sống, Đại Sư Thích Ấn Thuận | Thượng Tọa Thích Hạnh Bình, Việt Dịch
7.    Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Lưu Thừa Phù | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
8.    Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
9.    Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Tam Tạng Cương Lương Da Xá Gốc Người Tây Vực | Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Việt Dịch
10.    Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Lão cư sĩ Từ Tỉnh Dân | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
11.    Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Pháp Sư Thích Khoan Nghiêm Ghi | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
12.    Vãng Sanh Tịnh Ðộ Luận Giảng Ký, Đại Sư Thích Ấn Thuận | Hòa Thượng Thích Nhất Chân, Việt Dịch