Home > Khai Thị Phật Học > Chuong-7-Nhan-Dinh-Ve-Nghi-Van-Loi-Phat-Va-Loi-To-Day-Co-Mau-Thuan-Nhau-Khong-
Chương 7: Nhận Định Về Nghi Vấn: Lời Phật Và Lời Tổ Dạy Có Mâu Thuẫn Nhau Không ?
Minh Đức Thanh Lương


Phật dạy: “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”. Phật lại dạy: “Y pháp bất y nhân. Y nghĩa bất y ngữ. Y trí bất y thức. Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh”. Người học đạo, khi đọc tụng kinh điển phải hiểu ý Phật muốn dạy gì qua lời kinh. Muốn khỏi hiểu lầm Phật, phải xét xem Phật đã đứng về phía tục đế của quảng đại quần chúng trong thế giới lưỡng nguyên tương đối đầy phân biệt và sai biệt, hay đứng về phía Chân đế trong thế giới bình đẳng nhất nguyên vô sai biệt và vô phân biệt. Khi Phật thuyết về Viên giáo hay Chân lý tuyệt đối, Không hai thì bao nhiêu cặp mâu thuẫn trên thế gian này đều bình đẳng như nhau: Phật, Chúng sinh, Niết bàn, Ta bà…, bao nhiêu những pháp phương tiện đều chỉ có giá trị phù du, ảo ảnh. Có khi Phật dùng ngôn thuyết pháp, lấy những vật hữu hình để dẫn dắt chúng sinh thâm nhập vào thế giới vô hình của Chân Không. Lại có khi Phật dùng vô ngôn hay tâm truyền tâm để đi vào đạo. Đối với từng hạng người, căn cơ cao thấp khác nhau, tính tình uỷ mị, sắt đá bất đồng, Phật tuỳ nghi nói pháp để trả lời lúc Có, lúc Không về cùng một vấn đề. Có hiểu được lời nói của Phật mới mong thoát khỏi mắc vào sai lầm đáng tiếc.

Một buổi, một đệ tử hỏi Phật về vấn đề Có hay Không có Niết bàn? Phật đáp: “Không có Niết bàn, cũng chẳng có sinh, tử nốt”.

Thấy vậy, người đệ tử sửng sốt hỏi tiếp:

– Bạch Đức Thế Tôn, nếu vậy thì trì giới tu Thiền, giữ gìn phạm hạnh và cầu được tri kiến Phật, chẳng có chút lợi ích gì sao?

Lúc đó Phạm Thiên Vương lên tiếng đáp thay Phật, và nói:

– Này! Thiện nam tử, kẻ ngu muội muốn lẫn tránh hư không, chạy khắp Đông, Tây, Nam, Bắc và bốn phương bàng đâu đâu cũng gặp hư không. Còn người đi tìm hư không mà chẳng biết hình tướng của hư không ra sao chạy lùng khắp nơi mà chẳng thấy hư không đâu cả, rốt cuộc chỉ tốn công vô ích.

Kẻ cầu Niết bàn cũng vậy. Người ấy hàng ngày thường sống trong Niết bàn mà chẳng biết Niết bàn ở đâu cả. Họ thường sống ở trong Niết bàn mà không biết Chân Thể của Niết bàn ra sao. Bởi thương chúng sinh phải sống trong trần lao sinh tử nên Phật Thích Ca mới chỉ cảnh giới Cực lạc Tây phương để đối lại với cảnh giới Ta bà, mong gợi lòng ham thích được sống ở nơi hạnh phúc yên vui mà chán ghét cõi khổ đau này. Nhưng muốn được sinh về cõi Cực lạc Tây phương phải đâu dễ dàng mà cần phải có đủ ba điều kiện là Tín, Nguyện, và Hành, nghĩa là phải Tin lời Phật dạy, phải thiết tha cầu nguyện được về nơi này và phải nhất tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, tức là phải tự mình gắng sức đem những chủng tử lành gieo vào A lại da thức làm cho tâm mình dần dần trong sạch. Ta nên hiểu mật ý của Phật ở đây là muốn thấy hạnh phúc thì phải tìm ở nội tâm không ở ngoại cảnh, nghĩa là phải diệt trừ tận gốc những dục vọng điên cuồng khiến cho cõi lòng mình được trong sạch, chính đó là Niết bàn, Tịnh độ, nơi tạo ra hạnh phúc chân chính đời đời. Đức Phật Thích Ca đã nhằm về phía quần chúng, phần đông căn cơ thấp kém, không hiểu thế nào là Phật tính, chân tâm, nên Ngài mới khuyên chúng sinh nên hướng về hưởng hạnh phúc, nhưng cõi Cực lạc đâu phải là ở nơi xa lạ, mà chính lại là cái tâm thanh tịnh của mình, và Đức Phật A Di Đà lại chính là Đức Phật của ta, hay chính là ta khi đã giác ngộ.

* Đối với Tổ Huệ Năng thì đối tượng của Ngài khi giảng về vấn đề này lại là những đệ tử, phần đông là Thiền sinh đã hiểu ít nhiều thế nào là Chân Không, Chân Như, Phật tính, nên Tổ mới khuyên họ là phải “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”.

Phương pháp của Tổ Hụê Năng là dạy người đời phải xa lìa đối tượng, từ bỏ quan niệm lưỡng nguyên, đi sâu vào bản thể, sống với lý Bất Nhị, vì theo đó thì phiền não tức Bồ đề, chúng sinh tức Phật, niệm trước còn mê muội là phàm phu, niệm sau giác ngộ liền thành Phật. Niệm trước còn dính cảnh trần thế còn phiền não, niệm sau lìa trần cảnh thành Bồ đề.

Tổ nói: “Tâm con người đã là Phật rồi, còn hồ nghi gì nữa? Bởi vì kinh Phật có nói: “Tâm sinh chủng chủng pháp sinh. Tâm diệt chủng chủng pháp diệt”. Muốn thành Phật hay muốn có Trí Bát Nhã phải đạt tới chỗ “Nhất hạnh và Nhất tướng Tam muội”. Nếu ở trong bốn oai nghi, bất luận ở đâu và lúc nào cũng giữ cho tâm thuần nhất, không trụ vào đâu cả và thực hành Tịnh độ, như thế gọi là Nhất hạnh và Nhất tướng tam muội. Ngài có làm bài kệ khuyên chúng sinh như sau:

Yêu ghét chẳng quan tâm,

Duỗi dài hai chân nằm.

…Đối cảnh, Tâm nhiễu động,

Bồ đề làm sao lớn?

Chủ trương của Tổ Hụê Năng khuyên người đời hướng vào nội tâm để thành Phật, nào có gì mâu thuẫn với lời giáo huấn của Đức Thế Tôn? Có khác chăng chỉ là ở chỗ Tổ Hụê Năng đã dùng lời nói thẳng để chỉ vào cái đích mà Đức Phật Thích Ca cũng ngầm mong chúng sinh tiến tới, nhưng Phật lại không muốn nói thẳng ra vì sợ có người không hiểu, hoặc hiểu mà lại ngại khó không dám theo. Vì thế mà Phật đã phải dùng những pháp quyền để chỉ thực, “dĩ huyễn độ chân”, nhằm vào cái tâm đầy ngã dục của người không hiểu thế nào là Phật tính, chân tâm nên Ngài mới khuyên chúng sinh nên hướng về cõi Cực lạc cầu Phật A Di Đà để được hưởng hạnh phúc tuyệt vời ở Tây phương, cách xa cõi trần hàng vạn ức Phật độ, ai muốn được sinh về nơi ấy thì phải dốc lòng tin, cầu nguyện được về cõi đó, và cố gắng niệm Phật A Di Đà, sẽ được Ngài phóng quang tiếp dẫn. Thực ra theo lý Bất nhị thì cõi Tây phương Cực lạc chỉ là tâm của người giác ngộ và Phật A Di Đà chỉ là Phật ở trong tâm của người đó thôi.

Tổ Huệ Năng khi nêu lên thuyết “kiến tính thành Phật” chẳng hề có bài bác tín ngưỡng của môn phái Tịnh độ, cũng chẳng hề có ý muốn đề cao Thiền tông tối thượng thừa và hạ thấp môn phái Tịnh độ do Thích Ca đề xướng, chẳng qua chỉ muốn thức tỉnh những ai quá thiên về Sự trụ tâm vào hình tướng Phật và cảnh Cực lạc mà quên hẳn tâm mình chính là Tâm Phật và tính mình là Phật tính, vì thế mà không hiểu được ý nghĩa lời Phật dạy, chỉ biết niệm Phật cầu vãng sinh mà chẳng biết vãn hồi Phật tính, không biết minh tâm kiến tính để thấy Phật tại tâm mình.

* Vậy “Kiến tính” là gì? Kiến là nhìn thẳng. Tính là cái tính thấy biết của mình. Kiến tính là nhìn thẳng vào lòng mình. Đó là phương pháp “hồi quang phản bản” hay “Nội quán” để quan sát tự tâm, dùng toàn lực tinh thần (lý trí và tình cảm) làm đối tượng cho ý thức của mình. Bởi vì những hiện tượng tâm lý có tính cách chủ quan, ngoài mình ra không ai thấy được nên sự thấy biết ở đây phải là trực tiếp, không bằng căn trần, giác quan hay suy luận, mà bằng Tụê nhãn của chân tâm. Muốn thấy Phật tính của mình cần phải thấy bản tính hay cái tính bẩm sinh thanh tịnh trong con người mình bấy lâu bị vô minh tà kiến phiền não và sở tri làm chướng ngại, nay được sáng tỏ tức thời. Sự trực giác đó không đến lần lần và tuần tự trong suy tư phân biệt. Từ chỗ trực ngộ đó, ta có một nhãn quan đổi mới hẳn cuộc đời mình, làm cho ta xử kỷ tiếp vật theo đúng chân lý. Nhìn thẳng vào lòng mình thì lòng mình là đối tượng và tính thấy biết của mình là chủ thể. Ta tự đối diện với ta. Ta soi vào gương lòng để nhìn thấy rõ bộ mặt thật xưa nay của mình, hay thấy rõ lương tâm ta. Lúc đó thì Năng Sở, Chủ Khách, Tâm Cảnh, người hát và kẻ nghe hát chỉ là một. Khi ta nhìn thẳng vào lòng mình, lắng đọng mọi suy tư, không để cho vọng niệm buồn, thương, yêu, ghét dấy lên, ta chợt nhận thấy tính mình là tính Phật, và bộ mặt xưa nay của ta cùng với sắc diện quang minh của Phật không khác. Rất tiếc là xưa nay chúng ta vẫn quen phóng luồng nhãn quang ra phía ngoài để ngó cảnh vật mà không hướng nó về phía nội tâm. Ta mải đuổi theo những hiện tượng bên ngoài mà quên mất Đức Phật vẫn ngự trị trong lòng mình. Điều quan trọng là phải biết trở về Giác tính hay Tự tính Di Đà của mình. Lấy trí tuệ để soi sáng sự vật mà không phải mượn nguồn ánh sáng hay bàn tay nào để soi hộ mình cả. Phải cầm đuốc mà soi đường đời hay đường đạo mà đi. Đó là giác ngộ tại tâm hay trở về với bản tính thanh tịnh của ta. Đó là Trực giác Đốn ngộ, nhờ tự lực quán chiếu. Khác hẳn lối tìm sự giác ngộ ở ngoài tâm hay Tiệm ngộ, nhờ vào Tha lực và sùng tín. Muốn Kiến tính phải làm bừng sáng cái đức sáng sẵn có của mình, hay cái Tính năng biết của ta, và nhìn đời trực tiếp theo nghĩa Kiến ( ) chứ không gián tiếp theo nghĩa chữ Thị ( ) mang đầy tính chất phân biệt, thị phi. Đó là phương pháp tu để được giải thoát rốt ráo, trong một Sát na, trừ sạch các vọng niệm và làm bừng sáng cái tâm Chân Như vô sở trụ và vô sở đắc, hay làm hiển lộ Trí Bát nhã của mình.

* Tâm con người tựa như biển cả, nổi sóng không ngừng, khó bề Kiến tính để thấy được Tự Tính Phật hay Chân Tâm của ta. Muốn Kiến tính phải Định Tâm an thần bằng sức mạnh tập trung của ý chí vào nội giới, không để cho ý thức buông lung phóng ra ngoài và phân tán năng lực tinh thần qua cửa ngõ của các giác quan. Sự chuyển hướng luồng nhãn quang từ ngoài vào trong là cả một công phu tu luyện lâu dài, bền bỉ, đòi hỏi phải có sự quyết tâm của hành giả để tự thắng mình.

Khi ta suy nghĩ, ta biết lần hồi theo đà của suy luận. Cái biết đó là tiệm biết. Khi ta Thấy (Kiến ) ta thấy rõ tất cả trong một sát na bừng sáng, hoặc chẳng thấy gì, chứ không thể thấy lần hồi được. Cái Thấy đó là thấy Đốn. Tổ Hụê Năng dạy phương pháp “Kiến tính thành Phật”, tức là nhắm vào cái Thấy đó. Đối với Lục Tổ thì: hoặc là thành Phật hẳn, hoặc là không thành Phật, chứ không thể có việc thành Phật lần hồi, mỗi ngày một chút theo lối cải thiện hay Tiệm tu. Với Kiến tính thì Lý chẳng ngoài tâm, Lý là Sở ngộ mà tâm là Năng ngộ (Kiến phần) và Phật sở ngộ (Tướng phần) là một. Giác ngộ là thấy rõ chân tướng của sự sống chết trong thực tế, ở ngay lúc hiện tiền và ngay đây chứ không phải đâu xa và trong tương lai. Cõi Tịnh độ ở tâm của người giác ngộ không còn phân biệt nhân ngã, tâm cảnh nữa, tức là ở trạng thái sinh hoạt bình thường ngay tại đây và ngay lúc này, ý thức được rõ ràng công việc của mình đang làm, tức là ở trạng thái chính niệm vậy.

* Để giúp các đệ tử đả thông tư tưởng về Phật tính hay Tri kiến Phật của mình, các Tổ Sư Thiền thường dùng câu thoại đầu: “Bính Đinh đồng tử lai cầu hoả” (Bính, Đinh là hai cung Hoả trong Tử vi). Ý muốn nói: Thần lửa lại còn đi xin lửa, để chế diễu những ai còn si mê, lòng đầy tự ty, tự khinh mình không có khả năng thành Phật.

Cũng như người cầu đạo cứ cầu xin người khác chỉ đạo cho mình, chẳng ngờ mình đã sẵn có đạo nơi mình rồi, mình đã có Phật tại tâm, còn đi kiếm Phật ở nơi khác.

* Trong Thiên Chúa giáo cũng có câu mang ý nghĩa tương tự: “Đạo ở bên ngươi. Đạo ở trong miệng và trong lòng ngươi, để ngươi có thể đem nó ra mà thực hiện…” (…Car la Parole est tout près de toi pourque tu la mettes en pratique… (Bible de Jérusalem).

* Và theo quan niệm của Nho gia Trình Y Xuyên thì người quân tử hành đạo phải thực hành cho được mục tiêu sau đây: Không phải là truyền đạo trời cho người, mà là truyền đạo của lòng mình cho người. Cũng không phải là truyền đạo của lòng mình cho người mà là truyền đạo của lòng người cho người”. Có nghĩa là phải khai mở đạo tâm hay chỉ bày Tri kiến Phật hoặc Phật tính sẵn có nơi mỗi cá nhân để cho ai nấy đều thấy rõ mình là Phật sẽ thành, mình là Phật đang thành.

* Mỗi chúng ta đều có hạt Như ý bảo châu tức là Phật tính hay Tri kiến Phật, một kho tàng vô giá mà ta không biết khai thác. Muốn tìm Phật hay cõi Tịnh độ phải biết tìm trong đáy lòng mình, bởi vì:

Liên Tâm đã sẵn trong đầu

Niết bàn chớ có tìm đâu ngoài lòng.

(B.S. Nguyễn Văn Thọ)

Để diễn tả cái ý Phật tại tâm, ngoài tâm không có Phật, trong vườn hoa Thiền có bài thơ truyền tụng như sau:

Tùng hạ vấn đồng tử
Ngôn: Sư thệ dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất kiến xứ.

(Dịch: Dưới gốc tùng hỏi đồng tử. Đồng tử thưa: Thầy tôi nói là đi hái thuốc. Chỉ quanh quẩn núi này mà thôi, nhưng bởi mây phủ nên không thấy). Đại ý nói: Chúng sinh đi tìm Phật. Phật chẳng ở đâu xa, chỉ ở ngay tâm mình, nhưng vì chúng sinh bị vô minh che lấp chân tâm nên không thấy mà thôi. Phải tìm sự giải thoát ở ngay cái hiện hữu, không ngoài sự vật ở thế gian, và đạo là Tự nhiên hay tâm bình thường vậy. Người hành đạo phải vượt lên trên cái bình thường tương đối để tới cái Phi thường tuyệt đối, nhưng khi đã đạt tới đó rồi, lại phải từ nơi tuyệt đối phi thường trở về với cái bình thường tương đối nghĩa là phải tìm cõi Phi thường trong những cái bình thường tìm cái Vô hạn trong những cái Hữu hạn, tìm cõi Tịnh độ ở ngay chốn Ta bà, hay ở ngay trong tâm ta. Đó là cái mà Thiền tông cho là từ trong đạo lý bình thường mà minh tâm kiến tính vậy.

Tổ Huệ Năng dạy:
Phật Pháp tại thế gian,
Bất ly thế gian, giác
Ly thế mịch Bồ đề,
Khắp như cầu thố giác.

Nếu lánh thế gian mà tìm sự giác ngộ thì khác nào đi tìm sừng thỏ, lông rùa khắp nơi? Với nhãn quan đó thì “thấy” ở đây tức “thấy cái không thể thấy được”. Thấy cái “không thấy” tức là thấy cái Chân tướng Vô tướng, hay Chân Như hoặc Chân Không của vạn pháp.

Cái thấy về thể tính chân tâm vốn vô sinh, cho nên không có sự phát sinh ra cái thấy ấy. “Kiến tính thành Phật” tức là thấy cái chân lý “Không” của mọi sự vật trong trời đất một cách viên mãn tuyệt đối.

* Người đời thường không làm theo những điều mình nói, chỉ ham học hỏi mà biếng nhác việc tu hành, có biết đâu đã có Tịnh độ duy tâm thì phải có Tây phương Cực lạc thế giới, và khi có Di Đà tự tính, tất phải thân chứng được Di Đà Tây phương. Trong khi niệm Phật ta đình chỉ được mọi tạp niệm và thể nhập vào chỗ thâm viễn của tâm thể thì ngay lúc đó ta là Phật A Di Đà và tâm ta là cõi Cực lạc theo lý “Tức thân thành Phật”.

* Pháp môn Tịnh độ viên mãn ở chỗ tỏ ngộ được “Phật khác tức là Phật mình”. Nếu chỉ biết có “Phật mình” thì còn ngã kiến, ngã chấp. Nếu chỉ thấy có “Phật khác”, là còn tha kiến, vọng ngoại. Chấp tha kiến hay chấp ngã kiến, chấp ngoại cảnh hay chấp nội tâm, đều là nhị biên điên đảo. Phải nên hiểu rằng: Phật Di Đà ở Tây phương và Phật Di Đà trong tâm ta không khác, như thế mới là tỏ ngộ câu: “Phật tức Tâm, Tâm tức Phật”, và mới thấy rõ lý: Phải có sự trì danh, cầu Phật khác hiện ra, mới ngộ được lý trì danh, thấy được “Phật mình” hiển lộ. Chính trong lúc ta thấy Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện ra đón mình là lúc ta thấy Phật mình hiện rõ trong tự tâm.

Tất cả các pháp môn Phật dạy dù thuộc về Tính hay Tướng đều chỉ là phương tiện, giá trị ngang nhau, nghiêng về phía nào cũng đều có hại. Lối tu không thấp, không cao, mau, chậm. Sự sai biệt do công phu của người hành trì, tinh tiến chuyên cần hay biếng nhác giải đãi mà thôi. Có những người thiên về Lý mà xao lãng công phu niệm Phật, bởi họ đã lầm lẫn Chân đế với Tục đế, không phân biệt được Dụng với Thể, Tương đối với Tuyệt đối, còn đang lẽo đẽo trên đường tu và đã muốn tới ngay nơi cứu cánh giải thoát rồi. Họ có biết đâu rằng: học đạo cần phải dầy công thực tu thực chứng, qua nhiều giai đoạn trong Tục đế mới chứng được Chân đế, chứ đâu phải là công việc dễ dàng.

Trong Kinh Kim Cương, Phật dạy ông Tu Bồ Đề:

Nhược dĩ sắc kiến ngã,

Dĩ âm thanh cầu ngã,

Thị nhân hành tà đạo,

Bất năng kiến Như Lai.

… “Như Lai giả, vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai”, và “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”… “Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai”. Rồi Phật lại dạy tiếp ông Tu Bồ Đề trong tiết “Vô đoạn vô diệt” của Kinh Kim Cương: “Ông đừng tưởng rằng Như Lai không dùng sắc tướng để cầu đạo quả Vô thượng Bồ đề bởi vì nếu khởi ra ý nghĩ đó tức là coi các pháp đều đoạn diệt cả”, và trong bài Chú Bát Nhã Tâm Kinh cũng có câu: “Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố” nhưng liền ngay đấy Phật lại dạy: “Tam thế chư Phật y Bát nhã ba la mật đa. Đắc A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề”. Qua những câu kinh trên, ta thấy ngay rằng: người tu cần phải trải qua nhiều giai đoạn chứng ngộ liên tiếp trong Tục đế, dựa vào hình, danh, sắc, tướng của các pháp phương tiện trong hiện tượng giới để lần hồi, tòng tướng nhập tánh, đem Dụng vào Thể, từ tương đối tiến đến tuyệt đối, tới nơi không còn gì để chứng ngộ nữa, như thế mới thật là chứng ngộ.

Mục 4: Chân đế và Tục đế.

Lời Phật dạy trong các kinh điển thường mang hai ý nghĩa: nghĩa bóng và nghĩa đen, nghĩa sâu và nghĩa cạn, còn gọi là Chân đế (Thắng nghĩa đế) và Tục đế. Tương đương với hai thứ hiểu biết, giác ngộ hoặc hai nền chân lý Tuyệt đối và Tương đối của thế gian.

Người Phật tử tuy sống trong tương đối song phải biết hướng về Tuyệt đối để tâm được thanh cao, thoát khỏi tầm thường vị kỷ và tìm hạnh phúc chân thật ở nơi tâm hồn an lạc, vị tha, siêu thoát.

a) Tục đế. Có thứ giác ngộ gián tiếp của trí thức là tập, hay cái thấy biết của hạng người “học nhi tri chi”, do tiệm tu, dùng tinh tiến, nhẫn nại, gom góp tư lương qua nhiều kiếp tu tập, tuy đó chưa phải là giác ngộ hoàn toàn nhưng cũng không phải là vô giá trị.

Thứ hiểu biết này đưa tới chân lý tương đối hay Tục đế của hạng người căn cơ từ bậc trung trở xuống, và phân làm ba loại:

1.- Khẳng định về sự thực hữu của mọi sự vật trong hiện tượng giới.

2.- Khẳng định về cả Hữu lẫn Vô.

3.- Không khẳng định cũng không phủ định cả Hữu lẫn Vô.

b) Chân đế – Có thứ hiểu biết trực tiếp do Đốn ngộ mà được. Đó là thứ giác ngộ hay hiểu biết của hàng vô sư tự ngộ, hay của bậc “Sinh nhi tri chi”. Nếu cái biết trên (tục đế) còn khiếm khuyết thì cái biết dưới (chân đế) hoàn toàn viên mãn của Bát Nhã trí có giá trị siêu việt đưa tới chân lý tuyệt đối. Cái biết mà không tự nó sinh ra tất cả phải nhờ con đường Tha lực của tín ngưỡng hay hành động cầu phúc để đi tới dần dần từng bước, và khi Tuệ giác đã bừng thức tỉnh thì tín ngưỡng lùi bước, nhường chỗ cho Tuệ giác viên chiếu. Tín ngưỡng và cầu phúc được ví như cái chốt điện dùng để bật cho sáng. Khi đã có ánh sáng điện rồi thì chốt điện không cần đến nữa, cũng như đã giác ngộ thành Phật thì mọi pháp phương tiện đều trở thành vô ích. Việc học Phật, lúc đầu còn phải dùng đến tín ngưỡng để đưa tới chỗ hiểu biết tầm thường chưa chính xác, lấy cái giả Trí. Tâm còn mang nặng phân biệt ta và người, tâm và cảnh, yêu và ghét, ác và thiện, có và không… trong thế giới lưỡng nguyên tương đối. Muốn đạt tới Chân trí hay Giác ngộ hoàn toàn thì Tín chưa đủ mà còn cần phải có thực nghiệm tâm linh bằng công phu Thiền quán nữa, và ở trong đó thì chủ thể đồng nhất với đối tượng. Tâm và vật, hữu và vô chỉ là một. Bản thể đồng nhất ấy vừa tiềm tàng trong hiện thực, lại vừa siêu lên trên hiện thực. Giác ngộ bằng đường lối trực giác tâm linh đưa tới nền chân lý tuyệt đối hay Chân đế, ở đó có ba bậc:

1.- Khẳng định về Vô Hữu.

2.- Phủ định cả Hữu lẫn Vô.

3.- Không không khẳng định và không không phủ định cả Hữu lẫn Vô.

Ở bậc thấp thì Hữu thuộc về Chân lý Tương đối và Vô thuộc về Chân lý tuyệt đối.

Ở bậc trung cả Hữu lần Vô đều là Chân lý Tương đối. Phi Hữu, phi Vô, diệc Hữu diệc Vô thuộc về Chân lý Tuyệt đối.

Ở bậc cao hơn thì Nhị nguyên hay Nhất nguyên cực đoan đều là Chân lý Tương đối, mà không phải là Nhị nguyên, cũng không phải là Nhất nguyên mới là Chân lý Tuyệt đối. Nhận Sinh Tử và Niết bàn đều thật có là rơi vào cực đoan Tương đối hay Tục đế. Phủ nhận cả hai quan niệm Chân đế và Tục đế. Niết bàn và Sinh Tử là ở trong Chân lý Tuyệt đối của Trung đạo. Nhưng cả hai đều Có và Không. Tục đế và Chân đế là cực đoan, cần phải xa lìa, nếu ta còn chấp vào đó, mà ngay cả quãng giữa (Trung đạo) cũng cần phải xả ly nốt, bởi vì lý Trung đạo còn ở trong thế giới của ý niệm và danh từ. Ý niệm về Trung đạo sở dĩ Có vì ý niệm về Có và Không, hai cực đoan phải tránh, như vậy thì Trung đạo, chưa phải Tuyệt đối cao. Đã là ý niệm thì chưa phải là Tuyệt đối vì Chân lý Tuyệt đối tối cao ở ngoài vòng của ý niệm, Chân lý tối cao hay Trung đạo mà không có ý niệm được thì cũng không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, văn tự được.

c ) Tương đối và Tuyệt đối.

Nếu bảo rằng thế giới hiện tượng không có thì quả là không đúng, bởi vì những giác quan của ta không cho phép ta chấp nhận một nhận thức như vậy. Theo lý Tuyệt đối thì vạn hữu đều không thật có, hay đều giả cả, nhưng theo lý Tương đối và mối tương quan giữa vật này và vật kia thì vạn hữu đều có, bởi lẽ hiện tượng giới sờ sờ ngay trước mắt ta, song nó lại chẳng trường tồn, bất biến mà chỉ là giả tướng sinh diệt từng sát na đổi thay thất thường, không có tính cá biệt bền vững. Thế giới hiện tượng biến động ảo ảnh phù du là do thế giới tính bản thể Chân Không tạo ra. Chừng nào mà ta chưa nhập được vào bản thể chung của mọi sự mọi vật thì những giả tướng ấy vẫn còn là cảnh thật tương đối trong đó có ta, có người, vật nọ vật kia hiện ra trước giác quan của mình. Thực tại (hay Chân lý) có hai thứ: ở thể tĩnh và ở thể động. Thực tại ở thể tĩnh bị đóng khung trong không gian và thời gian, không phổ cập được cho mọi loài, không thể áp dụng cho mọi trường hợp được. Thực tại ở thể động, trái lại có tính cách khách quan, đồng nhất, có thể áp dụng cho mọi loại, mọi nơi. Nếu nền đạo đức, luân lý ở Tây phương thuộc về Thực tại ở thể tĩnh, thì đạo Phật Đông phương lại thuộc về Thực tại ở thể động. Nói cách khác thì ở Tây phương, nền đạo đức luân lý còn ở trong tương đối, nhưng đối với Phật giáo ở Đông phương nó lại hướng về viễn đích tuyệt đối, tối thượng. Tuy quan niệm về Thiện, Ác đối với cả Đông lẫn Tây đều như nhau trong tương đối, nhưng ở Phật giáo thì cái Thiện không đứng nguyên một chỗ mà nó lại tiến lên mãi mãi. Cái thiện không tĩnh ở chỗ phát khởi mà lại ở đích nhắm tới, mà đích này lại không ở yên một chỗ, nó càng ngày càng xa tuỳ theo mức độ không có trong thế giới tương đối mà chỉ có trong thế giới tuyệt đối của chư Phật. Cái Thiện của loài người thuộc về bất cứ ngôn ngữ, địa phương nào, cũng chỉ là cái Thiện trong phạm vi tương đối mà thôi. Nó được mệnh danh là “tình trạng khả quan hơn trước”, trong khi cái Ác được gọi là “tình trạng tồi tệ hơn xưa” vì trong ngôn ngữ của loài người không có danh từ “Toàn thiện, Toàn ác hay Tuyệt đối Thiện, Tuyệt đối Ác”, mà chỉ được gọi là Thiện hơn hay Ác hơn mà thôi. Bởi vậy chúng ta phải tránh cái “Bất thiện hơn trước” và cố gắng thực hiện cho được cái “Thiện hơn xưa”. Không có một thế giới khách quan ở ngoài thế giới chủ quan do tâm ta tạo ra, do đó những hành động và phản ứng đều diễn ra trong cái thế giới chủ quan ấy. Những việc thiện hay ác mà ta tưởng đã thi thố đối với người khác, thực ra chính chúng đã gây nghiệp quả cho ta, cũng như khi ngậm máu phun người thì miệng mình bị dơ bẩn trước. Khi làm xong một việc ác để hòng hại ai và để thoả mãn lòng ích kỷ hay thù hận của mình, ta đã hành động thực sai lầm, bởi đã quan niệm lệch lạc về Chân Ngã và Giả Ngã. Ban thưởng cho một việc làm Thiện không ngoài hành động Thiện ấy, bởi vì sự khen thưởng đã nằm trong việc Thiện đó rồi. Người làm việc Thiện được hưởng ngay quả báo tốt lành do mình đã gieo nhân. Rốt cuộc người đó đã trở thành một người thiện. Hình phạt đối với một việc Ác gắn liền với hành động Ác ấy, vì người gây nghiệp bất thiện với kẻ phải lãnh quả xấu chỉ là một, kết quả là người đó đã trở thành một gã bất thiện và mọi hành động của kẻ ấy đều trở thành ác, nếu y không sớm thay đổi ý nghĩ, chịu hối cải và quay về nẻo thiện.

Mọi sự vật trong thế gian này đều được sinh thành do nhân duyên và tâm tạo vạn hữu, bề ngoài tuy khác nhau về hình tướng, nhưng bên trong lại cùng chung một bản thể là tâm. Căn bản của thực tại không phải là tâm vật, Thể Dụng, siêu nhiên và hiện thực đối nhau trong thể lưỡng nguyên mà là “Nhất Chân Pháp Giới”, được nhìn theo hai khía cạnh: hiện tượng và bản thể hay tương đối và tuyệt đối. Thực tại tối hậu không thể làm đối tượng hoá để được hiểu biết bằng lý trí và tình cảm cho nên phải dung nhiếp các hiện tượng bề ngoài hình như có vẻ mâu thuẫn nhau. Lấy tâm quán tâm để tới Giác ngộ là một việc làm thuần tuý kinh nghiệm bản thân, không ai làm thay ta được. Những ý niệm của chúng ta đối với các vấn đề vũ trụ nhân sinh, dựa trên căn bản nhị nguyên tương đối do biến kế sở chấp mà có, đều là mê vọng ảo huyền. Thực tại tối hậu khác xa Thực tại tương đối hay Tục đế của thế gian, nhờ Thức giác của con người mà đạt được khi Thực tại tối hậu được thấy, nghe, hay biết qua lăng kính của các giác quan của so đo phân biệt. Học đạo cốt để hiểu để thấy và để đừng chấp vào chân lý tương đối do ngôn ngữ, văn tự biểu lộ, mà phải nương theo chân lý diễn tả trong các kinh Phật, coi đó là ngọn hải đăng chỉ đường cho con thuyền lênh đênh trên mặt biển bao la đầy bảo tố và dẫn lối với Chân lý Tuyệt đối. Trong khi còn lần mò đi tìm Chân lý Tuyệt đối, ta có quyền được hoài nghi, vì nghi là lợi khí sắc bén đôi khi giúp ta chóng giác ngộ sự thật. Phật thường khuyên chúng ta đừng nên mù quáng chấp chặt về văn tự và hình tướng bề ngoài mà phải dùng trí óc và công phu quán chiều chân lý để giải mê khai ngộ. Phương pháp học Phật khác lối học cổ điển của Tây phương ở điểm không bao giờ cố chấp, vì sự cố chấp thường che lấp chân lý. Có triệt để phá chấp, mới mong phá tan vô minh diệt trừ vọng tưởng được. Ngã chấp và Pháp chấp, thường bao vây trực giác. Chân lý tuyệt đối phải tìm ở ngoài thế giới hình, danh, sắc, tướng và vượt khỏi giới hạn của không gian và thời gian. Trong A Di Đà Sớ Sao có nói: “Lý viên ngôn thông, ngôn sinh lý tán”. Khi phải dùng đến lời nói, văn tự để diễn tả, mà cho là như vậy có thể đạt tới Chân lý Tuyệt đối thì chắc chắn Chân lý đó bị móp méo, lệch lạc, không còn là Chân lý tròn đầy nữa, vì đã gọi là Chân lý Tuyệt đối thì bản thể của nó vốn thường trụ, chỉ có thể trực nhận mà không thể giải bày được. Muốn trực nhận Chân lý phải là bậc giác ngộ mà tâm trí của vị này đã khai mở để đón nhận chính kiến và chính tư duy, hầu nhìn thấy rõ chân tướng của sự vật. Mong thoát ly thế tục bằng suy tư theo kiểu thế gian thì càng làm cho ta sa lầy thêm vào vũng bùn ngã chấp, pháp chấp, vì khi suy nghĩ thì phải phân tích, mổ xẻ theo lối nhị nguyên, chia cách ta với đối tượng thành hai thế giới riêng biệt, trong khi trực nhận chân lý bằng tâm linh thì ta liền thấy mình thể nhập vào đối tượng thành một khối duy nhất, bất khả phân. Khi ta dồn tất cả sự chú ý của ta vào thế sự để cân nhắc, so đo ta càng bị trói buộc vào cuộc đời với muôn ngàn hiện tượng sai khác, và như vậy ta càng bị vùi sâu vào mớ giả tướng hỗn độn của thế giới tương đối, khó thoát ly ra khỏi. Người thường hay bị phiền não chướng và sở tri chướng ràng buộc và màn vô minh ngăn che cho nên những điều tai nghe mắt thấy hoa đốm nhảy múa lăng xăng trên hư không. Chỉ khi nào hết nghiệp chướng, đạt tới Tụê Bát Nhã mới có được cái Thấy Chân thật hay chính kiến, cái Thấy Chân thật này chỉ có khi nào vào Thiền định hay Niệm Phật với Nhất Tâm nghĩa là phải lắng lòng cho trong sạch, làm im bặt những xôn xao của thất tình lục dục, và đổi hướng luồng nhãn quang xoay ngược vào nội tâm, bắt nó phải đi từ hữu hạn đến vô cùng, từ Ý thức đến Trực giác, từ cá nhân về với đại thể, từ Vàn thù về với Nhất nguyên, từ cái hiện hữu của thế giới hình, danh, sắc, tướng tới cái hư không bao la của Chân thể đại đồng. Đổi hướng như thế cho tới khi nào tâm hồn ta nhập vào cái vô lượng vô biên ở đáy lòng mình và thấy được Tự tính Di Đà của mình, đến nỗi khi trở về với cuộc đời cá nhân chia rẽ, đầy tham luyến dục tình thì người ngộ đạo quên hẳn mối tương quan giữa cái Ta riêng biệt với toàn thể vũ trụ, mà chỉ thấy mình hoà tan vào bao cái Ta khác, bạn cũng như thù. Để giúp chúng sinh đạt tới Chân lý cứu cánh. Đức Phật đã chỉ nhiều đường lối cho chúng sinh noi theo để từ bỏ thế giới nhị nguyên, huyền đồng cùng vũ trụ. Và phương pháp tốt nhất  vì dễ làm và đạt hiểu quả nhất là Niệm Phật A Di Đà đồng thời quán tưởng Phật và cảnh giới Cực lạc Tây phương trang nghiêm. Khi hành giả niệm Phật với Nhất Tâm bất loạn thì không còn thấy đối tượng nào khác ngoài Đức Phật trong tâm mình, hành giả lúc đó nhập vào đạo, sống tự tại an nhiên, thảnh thơi sung sướng trong Cực lạc của tự tâm.

Mục 5: Lý Chân Không Diệu Hữu và lý Trung Đạo.

Nếu bảo rằng có một thế giới tồn tại ngoài tâm là chấp Có, nghĩa là thêm một thực tại vào vật hay làm tăng thêm một cái gì vào thực trạng của vật đó, như vậy là sai ; nhưng nếu lại bảo rằng cả đến ý thức của con người cũng không tồn tại thì đó lại là chấp Không, hay giảm bớt một cái gì ở thực trạng của vật đó, làm mất đi một chút gì đó ở Thực tại thì đó cũng là sai nốt.

Theo thuyết Trung Đạo, Ngài Khuy Cơ đã trình bày trong Thành Duy Thức Luận như sau: “Ly Không Hữu thuyết Duy Thức giáo”. Như vậy ông đã phủ nhận sự thường tồn của mọi sự vật, nhưng lại khẳng định sự tồn tại của ý thức bởi vì “Nhất thiết pháp Duy Thức biến”. Nếu cái “Không” chẳng phải là cái không trống rỗng, và nếu Kinh Bát Nhã chẳng hề thuyết về Hư Vô chủ nghĩa thì tất phải có một cái gì huyền diệu biểu hiện ra thế giới hiện tượng, và cái đó chính là Thức hay Tâm vậy. Cõi Cực lạc không thể tìm thấy ở phương trời Tây mà chỉ thấy được ở sự gạn lọc của tâm thức và chính ở địa bàn này mà ta thực hiện được Tự tính Di Đà. Do đó từ Chân Không hiển bày Diệu Hữư, và người ta thấy Tự Tính Di Đà hay Chân Tâm của mình hiển lộ. Cảnh giới Tịnh độ là cảnh giới tự giác của cái tâm thanh tịnh khi đã Kiến được Tính. Không thể thấy được cảnh giới đó bằng tâm phân biệt nhị nguyên. Sự chứng ngộ đó phải do tâm của hành giả tự chứng lấy bằng nổ lực của ý chí. Ngoài những lời Phật dạy trong các kinh điển thì tất cả những gì cần cho người tu đều đã sẵn có trong lòng mình, đó là Tín, Nguyện và Hành. Muốn đạt tới cảnh giới đó thì phải trị bệnh biếng lười, ngờ vực, do dự, và phải nhất tâm tinh tiến nhẫn nại để thực hiện ước nguyện của mình. Tha lực chỉ đến khi nào tâm ta đã gạn lọc hết nhơ nhiễm và trở nên trong sáng sẵn sàng đón nhận hào quang phóng đi tự Tâm Bi vô lượng của Phật A Di Đà tiếp dẫn ta về cõi Phật, cũng như đoá hoa Ưu đàm nở do tinh anh bên trong phát tiết ra ngoài, hay do sự sung mãn của nội tâm tràn lan ra ngoại cảnh.

* Lục Tổ Huệ Năng khi nêu ra thuyết “Tức Tâm tức Phật” và “Tâm là Tịnh độ” không hề phủ nhận cõi Tịnh độ và Phật A Di Đà mà chỉ nhằm mục tiêu nhiếp Tướng nhập Tánh, đem Dụng về Thể, để làm sáng tỏ lý “Đệ nhất nghĩa Không” hay cái lý “Chân Không Diệu Hữu” hoặc lý “Bất Nhị” mà thôi. Và theo đó thì tất cả những gì là hình danh sắc tướng đều phải chối bỏ, hết thảy các pháp Hữu vi Vô vi đều giả huyễn, bởi thế mà Niết bàn, Tịnh độ, cho đến cả Chân Tâm, Phật tính, Phật, Bồ tát đều chỉ là những pháp phương tiện hay những ý niệm do tâm sinh ra, và các tư tưởng về chúng sinh, Ta bà, phiền não, trói buộc, an lạc, giải thoát, Niết bàn… đều chỉ có trong mối tương quan tương duyên đối đãi nhau trong thế gian này mà thôi. Cũng bởi lý “Đệ Nhất nghĩa Không” mà đối với người đã vun trồng đức tin thực vững chắc. Tin Phật cũng như tin mình thật sâu xa thì sẽ sống trong lý Bất Nhị và sẽ thấy Tha lực và Tự lực chỉ là một. Cũng ví như vị giáo sư đầy kinh nghiệm về sư phạm, tuỳ theo căn cơ và tính tình của học viên mà dạy dần dần từ dễ đến khó. Phật đã dẫn chúng sinh từ thế giới hiện tượng hữu hình đến thế giới bản thể vô hình của Chân Tâm. Còn Lục Tổ Huệ Năng lại dùng lối đi tắt để mau tới đích, chỉ thẳng vào cái Tự Tính Phật của mình và khuyên hàng đệ tử đã ít nhiều luyện về Pháp tính nên Kiến tính để thành Phật. Như vậy thì Phật Thích Ca và Tổ Huệ Năng, bằng những phương tiện và đường lối khác nhau đã nhắm chung vào một mục tiêu là Thanh tịnh Tâm để giải thoát con người khỏi đau khổ, phiền não, chẳng gì mâu thuẫn nhau cả.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Chương 7: Nhận Định Về Nghi Vấn: Lời Phật Và Lời Tổ Dạy Có Mâu Thuẫn Nhau Không ?

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Bồ Đề Chánh Đạo Bồ Tát Giới Luận, Đại Sư Thang Hương Danh | Hòa Thượng Thích Tịnh Nghiêm, Việt Dịch
2.    Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát | Cố Giáo Sư Cao Hữu Đính, Việt Dịch
3.    Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang | Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
4.    Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Hòa Thượng Thích Quảng Độ
5.    Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận, Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
6.    Đại Trí Độ Luận Tập 1, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
7.    Đại Trí Độ Luận Tập 2, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
8.    Đại Trí Độ Luận Tập 3, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
9.    Đại Trí Độ Luận Tập 5, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
10.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
11.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
12.    Luận Bảo Vương Tam Muội, Đại Sư Phi Tích | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
13.    Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
14.    Luận Đại Trượng Phu, Đề Bà La Bồ Tát | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, Việt Dịch
15.    Luận Khởi Tín Đại Thừa, Mã Minh Bồ Tát | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
16.    Luận Về Bốn Chân Lý, Pháp Sư Bà Tẩu Bạt Ma | Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
17.    Luận Về Con Đường Giải Thoát, Ngài Tam Tạng Già Bà La | Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
18.    Ngộ Tánh Luận, Bồ Đề Đạt Ma | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
19.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
20.    Phát Bồ Đề Tâm Kinh Luận, Hòa Thượng Thích Như Điển