Xin lưu ý quý vị về mấy điểm sai lầm thông thường sau đây của người thời đại:
Mục 1: Thuyết nhị nguyên.
Với đường lối thuần lý của triết học và khoa học Tây phương đặt cơ sở trên luận thuyết “Cogito ergo sum” của Descartes thì đa số người Tây phương hiện nay vẫn còn quen nhận thức cuộc đời theo đường lối Nhị nguyên. Thậm chí họ còn đặt ra nguyên tắc “Bài trung” (Principe du Tiers exclu) để đánh đổ chủ nghĩa “nửa vời”.
Theo họ thì việc dời đổi chẳng thế nọ cũng thế kia, chẳng tốt thì xấu, chẳng đúng thì sai, chẳng đen thì trắng, nếu Có thì tất chẳng phải là Không. Họ cho rằng: mọi hiện tượng trong trời đất đều thật có, bởi vì cái gì cũng rõ ràng, sờ sờ ngay trước mắt. Theo biện chứng: Tôi tư duy, vậy thì tôi hiện hữu, cho nên phải có Ta, có Người, có Sinh, có Diệt, có Vật, có Tâm… quyền lợi mâu thuẫn sinh ra tranh chấp, chứ không thể có tình trạng nửa vời, chẳng trắng, chẳng đen, chẳng thiện, chẳng ác, chẳng đúng, chẳng sai, chẳng không, chẳng có, mờ mờ ảo ảo. Khi nào trí óc của con người còn đi theo con đường mòn nhị nguyên xưa nay, thì kết quả không sao tránh khỏi là phải phủ nhận hoặc chấp nhận dứt khoát, và như thế là rơi vào thế đối lập, chia rẽ, phân biệt bạn và thù. Phật giáo chủ trương: Chỉ khi nào không khẳng định cũng không phủ định, và sống trong sai biệt – vô sai biệt, và phân biệt – vô phân biệt, thì lúc đó mới đạt tới Thực tại tuyệt đối.
Nhưng gần đây đã thấy xuất hiện trên thế giới một số Triết gia và Khoa học gia tân tiến, lên tiếng cảnh cáo đường lối thuần lý của nền Triết học và Khoa học ở thế kỷ XIX như Heidegger, Nietztsche, Kierkegard, Dostoiewsky. Những vị này đã can đảm nhận thấy những khuyết điểm của quan niệm xưa kia, nhìn đời bằng con mắt thị phi, phân biệt rành rẽ, vì sau nhiều cuộc thử nghiệm trong lãnh vực Điện tử, họ đã đi sâu vào một thế giới lạ lùng ở đó chẳng phải là sự, chẳng phải là tâm, mà chỉ là một hệ thống chằng chịt, trong đó quan niệm thông thường về vật chất tan biến như mây khói. Nếu coi Điện tử là nền tảng của vật chất như các vật thể khác thì nó lại không có khối lượng vật chất khi nó ở thể loãng, bất động, trái lại nó lại năng động. Họ đâm ra lúng túng không biết nên đặt Điện tử vào khu vực vật chất với danh hiệu là Lượng tử hay Chất tử (Corpuscule de matière) hay cho nó vào hàng ngũ Năng lực (tinh thần) với danh hiệu là Ba động của Tinh lực (Onde d’énergie) bởi vì nó gồm đủ cả tính của vật chất lẫn năng lực, vừa là Vật vừa là Tâm. Rốt cuộc, buộc lòng người ta phải tạm đặt cho nó danh từ là Lượng tử Ba động (Onde Corpuscule) để chỉ cho một Thực tại nghịch lý phi vật chất, phi tinh thần ấy.
* Theo thuyết Tất Định hay Định Mệnh của La Place cho rằng: “Không có gì ngoài vật chất cả, và mọi hiện tượng trong vũ trụ đều do vật chất sinh ra”, biến hoá theo luật nhân quả, do đó có thể đoán định được tất cả những gì sẽ phải xảy ra. Nhưng tới năm 1927, nhà bác học Đức Heisenberg đã chứng minh cho thế giới thấy rằng nguyên lý Tất Định hay Định Mệnh an bài không thể áp dụng trong thế giới Điện tử được nữa, và không sao biết trước được vị trí và tốc độ của Điện tử ra sao cả. Hơn nữa các Khoa học gia ngày nay không còn dám tự hào là mình đã dùng cặp mắt và khối óc khách quan để quan sát ngoại vật như thường lệ nữa, mà họ đã phải thú nhận rằng những đặc tính của Lượng tử hay Chất tử đều do trí óc chủ quan của họ tạo nên, chứ thật sự thì các vật này không có những đặc tính riêng biệt, độc lập đối với trí óc của người quan sát (L’electron ne possède pá de propriétés indépendantes de mon esprit – trích tài liệu Tham luận tại cuộc toạ đàm ở Cordoue, Tây Ban Nha, năm 1979, về đề tài Sciece ét Conscience – Khoa học và Tâm thức).
Nói khác đi, thì họ phải công nhận rằng trong lãnh vực cực vi thì chủ thể quan sát không tách rời khỏi đối tượng được quan sát, và như vậy thì khoa học ngày nay cũng đi tới nhận thức giống như của Long Thọ Bồ tát trong Phật giáo Đại thừa ở thế kỷ thứ II dương lịch là: Phi hữu phi vô, diệc hữu diệc vô, tức là pháp môn Bất Nhị hay tâm vật nhất như, mà lời nói của loài người khó diễn tả nổi. Phật giáo cho rằng: Các pháp đều do nhân duyên giả sinh, giả diệt, và bản chất của chúng vốn Vô tự tính. Các pháp không tự nhiên có, phải do tương quan với những cái không phải nó mà có, nên sự Có ấy là Giả có. Có khái niệm về Sinh vì có khái niệm về Diệt. Sự mâu thuẫn giữa Có, Không, Sinh, Diệt đưa đến một tổng đề Phi Có Phi Không, Phi Sinh Phi Diệt hay Bất Nhị, nhưng trong cái Bất Nhị vẫn ngầm chứa cái Nhị đối lập với nó. Cứ như thế, một pháp luôn luôn hàm chứa một pháp khác, mâu thuẫn với nó. Từ đối nghịch, mâu thuẫn đi tới một tổng đề, vẫn hàm chứa một mầm mâu thuẫn mới, nằm trong giới hạn của khái niệm, danh từ Tổng để cứu cánh phải là Thực tại tuyệt đối vượt ra ngoài tính chất tương đối, so đo của ngôn ngữ, khái niệm.
Hiểu rõ lý nhân duyên trùng điệp sẽ phá tan được những cặp mâu thuẫn nhị nguyên và những khái niệm nhị biên để đạt tới Chân lý tuyệt đối, không còn tranh luận hão huyền nữa. Thấu triệt lý nhân duyên tức đi tới thể Không tịch, phá vỡ được Ngã chấp, Pháp chấp và đạt tới chân trời Chân Không Diệu hữu.
Lý nhân duyên chuyển được sự thúc phọc thành sự tự do. Trong các Kinh điển của Đại thừa Phật giáo chủ trương Chân Không – Diệu Hữu đều hàm chứa lý đó như: Vô tận trùng trùng duyên khởi trong Kinh Hoa Nghiêm, Thực tướng quan trong Kinh Pháp Hoa, Chân như quan trong Khởi Tín Luận và Tịnh độ quan trong Kinh A Di Đà và Kinh Vô Lượng Thọ.
Phật giáo chủ trương phá chấp triệt để nào là chấp Có, chấp Không, chấp Thường, chấp Đoạn, chấp Ngã, chấp Pháp, vì với xu hướng Nhất Nguyên hay tinh thần Bất Nhị, đạo Phật đã đạt chân lý tuyệt đối viên dung, không còn bị vướng mắc vào lỗi lầm nào cả. Muốn được như vậy, người Phật tử học đạo phải gột sạch óc phân biệt nhị nguyên, từ bỏ mọi ràng buộc vào Có, Không, Thường, Đoạn, và không chấp vào danh từ, để thấy được Thực tại toàn diện và nhất quán, một Thực tại thoát lý cả Có lẫn Không, vượt khỏi mọi khái niệm, siêu việt trên lãnh vực của hình, danh, sắc, tướng, ở ngoài nhận thức chủ quan, tương đối.
Muốn được như vậy thì người học đạo phải rời bỏ mảnh đất thuần lý của khoa học và triết học cổ điển, lỗi thời mà dấn thân vào cảnh giới tâm linh, tức là vượt qua lý trí để trực quán thực tại nguyên thuỷ của tâm, siêu lên mọi phân biệt tỷ giảo của triết học và khoa học nhị nguyên, chỉ thấy Thực tại trong Tỷ lượng một cách méo mó, thiên lệch, làm cho Chủ và Khách, Tâm và Cảnh đối đầu nhau đưa tới tình trạng phân ly, vị kỷ, cố chấp mà không thấy được chân lý “Vạn vật đồng nhất thể”, “Chúng sinh giai hữu Phật tính”, “Ta là Người, Người là Ta, bình đẳng vô phân biệt và vô sai biệt”. Người giác ngộ sống với lý Bất Nhị, thấy rõ thực tướng của các pháp đều Không, Vô tướng, Vô tác, thấy rõ tính cách ảo ảnh phù du của ý thức và giác quan là đầu mối của vô minh, đã bóp méo và cắt xén thực tại, làm cho con người bị mù quáng và khổ đau, và thấy được tính cách trong sáng của sự vật ở đời, khi đã từ bỏ được nhận thức thiên lệch để thấu triệt được thực tại phổ quát, đại đồng, và khi ấy thì phá được hàng rào ngăn cách Chủ và Khách, Tâm và Cảnh để không còn yêu ghét, khổ đau nữa. Muốn tiến tới điểm đó thì không thể đi theo đường lối của Lý trí suy luận, phân biệt và phải bằng trực giác tâm linh và Đức Tin lành mạnh, tức là bằng Thiền quán và Niệm Phật, Chính mê vọng tạo ra cảm giác, nguồn gốc của khổ đau, đưa tới ác tưởng và hành động sai lầm. Đó là mục đích mà Phật ra đời để khai thị cho chúng sinh ngộ nhập vào tri kiến Phật của mình và thấy được Thực tại toàn chân.
Mục 2: Hư vô chủ nghĩa.
Thà nghiêng về phía chấp Có, khẳng định có Đức Phật A Di Đà và cõi Tây phương Cực lạc, rồi thành kính tin tưởng vào Tha lực và chuyên cần niệm danh hiệu Phật A Di Đà, cầu mong tha thiết được đới nghiệp vãng sinh về quốc độ của Ngài, còn hơn là ngả về phía chấp Không, phủ nhận cõi Tịnh độ Tây phương, chẳng chịu chăm lo gieo nhân lành, vun trồng cội đức, không tin có Tha lực để rồi chẳng chịu khó niệm Phật, mất Tín Tâm thành người vô đạo.
Lý “Đệ Nhất nghĩa Không” hay “Nhất thiết giai Không”, trên mặt bản thể của đạo, và thuyết “Tất cả mọi sự vật đều thực hữu trên mặt hiện tượng” là hai bộ mặt của một Thực tại toàn diện gồm đủ cả Tính lẫn Tướng, Thể và Dụng. Sống trong thế gian dù biết là mê vọng, giả dối, nhưng ta vẫn phải sống hết mình, làm tròn sứ mạng của ta, để cuộc đời mình được thăng hoa tiến bộ về mọi mặt. Ta không thể khư khư ôm giữ mãi lý “Không” trong giấc ngủ mê man siêu hình, hoặc khoanh tay ngồi nhìn thiên hạ, sống ngoài vòng cương toả, mà phải tích cực hoạt động làm lợi ích cho đời, có như thế mới hiểu rõ mối liên hệ mật thiết giữa pháp Không và pháp Có, giữa Tuyệt đối và Tương đối, giữa Chân Ngã và Giả Ngã, giữa Phật thừa và Nhân thừa.
Câu nói: “Tự tính Di Đà, duy tâm Tịnh độ” có nghĩa là ngoài bản tính của ta thì không có Phật A Di Đà, và ngoài tâm mình thì không có cõi Tịnh độ. Đó là trạng thái tuyệt đối của bản thể Chân Tâm khi đã chứng ngộ được lý “Chân Không Diệu Hữu”. Đây là cảnh giới hư vô tịch tĩnh của bậc chân nhân khi đã phá vỡ được xiềng xích của Ngã chấp và Pháp chấp. Đối với người thường, còn phải dầy công tu luyện khi chưa đạt tới bậc thang đó, còn phải tập đi lần từng bước ngắn và thấp cho khỏi vấp ngã, dựa vào Tướng, Dụng của các pháp phương tiện để thân chứng được “Đệ Nhất nghĩa Không”. Nếu chẳng tự lượng sức mình, cứ nhắm mắt bắt chước những bậc thượng căn, học đòi hành theo lý “Đệ nhất nghĩa không” ngay từ lúc mới chập chững bước vào cửa đạo là một việc làm tối nguy hiểm. Bởi vì hành động của người đạt đạo đã chứng “Đệ nhất nghĩa Không” là hành động của người theo lý “Tri hành hợp nhất”, còn đối với kẻ chưa am hiểu lý “Đệ nhất nghĩa Không”, cái gì cũng cho là không cả, ngả theo Hư vô chủ nghĩa, thì chẳng khác nào người khờ dại, phải lội qua sông khi chưa biết bơi đã vội phá huỷ cây cầu nối liền hai bờ, hay không chịu dùng thuyền bè để qua sông. Khi ta còn ở trong vòng tương đối, chưa ngộ được lý “Đệ nhất nghĩa Không”, thì còn phải dựa vào sắc tướng, nương vào âm thanh để tiến tu từng bước đầu. Mỗi bậc tu có những quả sở đắc riêng, nếu công phu nội chứng của hành giả chưa đạt tới trình độ chín muồi thì không thể bảo rằng: Tâm Cảnh đều không, năng sở đều tịch, do đó cảnh Cực lạc Tây phương cùng Phật A Di Đà là những đối tượng cần thiết để nương tựa mà tiến tu cho tới giải thoát cứu cánh. Chỉ khi nào triệt thấu được chân tướng của các pháp là Phi hữu, Phi vô, diệc hữu diệc vô, mới khỏi bị mắc kẹt vào gọng kìm Có, Không của thế tục, nghĩa là không còn ở trạng thái “hiệp giác bội trần”, cũng chẳng “hiệp trần bội giác”. Pháp Có chẳng ràng buộc nổi mình nên không còn bị phiền não quấy rối, mà pháp Không cũng chẳng lôi kéo nổi ta, do đó mới ung dung thành tựu được mọi lợi ích cho đời. Người chấp Hữu có thể dùng môn thuốc “Không” để trị cho lành bệnh, còn người chấp Vô, lạc vào Hư vô chủ nghĩa thì nguy hiểm vô cùng, vì đó là một chứng bệnh nan y khó chữa. Trong lục độ ba la mật thì Trí Bát nhã là phần cốt tuỷ cần phải đạt tới mới mong được giải thoát. Lý Bát Nhã Chân Không là một liều tiên dược đối với ai thiên về sự tướng, nhưng lại là một liều độc dược giết người đối với ai không biết cách sử dụng nó. Tỷ như người hành đạo mà coi thường giới luật, cứ sát sinh, uống rượu, ăn thịt, nói năng bừa bãi, rồi viện lẽ “nhất thiết giai không” để biện minh cho việc làm càn bậy của mình thì phải đoạ địa ngục nhanh như tia chớp. Những ai đã hiểu lý “Chân Không” một cách chân chính, biết buông thả vọng duyên thì tu pháp môn nào cũng đạt tới “Tam Luân Không tịch”, phá được Ngã và Ngã sở, lìa hết các pháp để tới chỗ “Hành vô hành hạnh”, “Tu vô tu tu”, thì lý Bát Nhã quả là Thánh dược lợi ích vô cùng.
* Quan niệm về “Không” biểu thị giá trị siêu việt của thực tại, thoát ly mọi nhận thức chủ quan thiên lệch. Đó cũng là tư tưởng tích cực nhập thế giúp ta không sợ khổ đau để ung dung tiến bước trên đường hành đạo Bồ tát, với đôi giày Nhẫn nhục và Tinh tiến. Nhưng muốn đạt tới Chân Không là bản thể của các pháp người học đạo phải băng qua chặng đường dài chấp Hữu, cũng như muốn đạt tới địa vị Vô học, phải học đủ các pháp môn, nghiên cứu đủ Tam tạng kinh điển để không còn gì phải học nữa, rồi dùng pháp Xả để tùng Tướng nhập Tính. Nhờ quán tưởng và Thiền định lâu ngày, nhờ tư duy sâu sắc người tu hành thấy rằng, dù ở nội tâm hay ở ngoại cảnh, không có cái gì trường tồn vĩnh cửu, bất biến, cũng không có tự ngã trong mọi dòng hiện tướng, do đó người tu loại bỏ được mọi khuynh hướng ích kỷ, tham luyến, đắm say, sống với toàn thể vũ trụ bằng trái tim tràn đầy tình thương bao la, không tham sống, không sợ chết, vui vẻ đợi sự giải thoát đến với mình để tiếp tục một cuộc sống tươi đẹp hơn ở kiếp sau.
Mục 3: Tri phải Hành
Biết tức là Hành, Hành tức là Biết. Biết cặn kẽ đến ngọn nguồn tức là Giác ngộ. Giác ngộ và Hành động triệt để theo sự hiểu biết viên mãn của mình tức là thành Phật.
Phật học và khoa học giống nhau ở điểm chung là Tri Hành hợp nhất. Sau khi hiểu rõ lý thuyết thì nhà khoa học đi ngay vào thực nghiệm, cũng như người học Phật đem giáo lý Phật dạy ra thực hành ở đời.
Không bao giờ có Tri lại thiếu Hành vì đạo Phật là một đạo thực tiễn, không ưa lý luận suông, nhất là đối với pháp môn Tịnh độ. Bản ý của Phật là muốn cho chúng sinh thoát khổ được vui nên Phật mới dùng phương tiện niệm Phật A Di Đà để chúng sinh gieo những hạt giống tốt lành vào tâm hồn của mình, cốt để an tâm dưỡng tính diệt trừ mầm ác cho tâm trở nên thanh tịnh an vui. Không cần xét xem Có hay Không có cõi Tây phương Cực lạc rồi mới niệm Phật A Di Đà, bởi vì biết như vậy chẳng lợi ích gì, mà còn làm mất thời giờ dùng để niệm Phật và giảm Tín Tâm cần phải nuôi dưỡng để mỗi ngày thêm vững mạnh hơn chỉ cần niệm Phật cho chuyên, cho thuần là đủ, rồi kết quả đạt được, tuỳ ý muốn của hành giả, hoặc được tâm thanh tịnh ở hiện tại, hoặc được về thế giới Cực lạc Tây phương trong vị lai, đều diệt trừ được phiền não, tâm được tự tại cả. Vấn đề Tịnh độ, Niết bàn, Chân tâm, Phật tính thuộc về bản thể siêu hình chỉ cảm thấy mà không thể chỉ bày hay lý giải bằng giác quan, ngôn ngữ của người thế gian mà phải thể nghiệm bằng trực giác và chấp nhận bằng đức Tin tuyệt đối. Tuy không thể chỉ bày những thứ đó bằng mắt bằng tay được, bởi vì chúng không có sắc tướng, nhưng đó lại là một thực thể thường hằng, hiện diện khắp không gian và thời gian. Khi nào Chân Tâm hiển lộ thì Phật A Di Đà mới xuất hiện tại tâm. Đức A Di Đà mà ta thấy được là Phật của tâm ta, do đó mới bảo là Tự tính Di Đà, duy tâm Tịnh độ. Khi nói đến duy tâm, tự tính thì phải hiểu đó là chân tâm thanh tịnh và Phật tính sáng suốt bất sinh bất diệt của mình, không phải là cái tâm tà vọng bất tịnh, giả hợp, giả hoại của ta. Cầu được thấy Đức Phật kia tức là cầu được thấy chân tâm, tự tính của mình. Mong được vãng sinh Cực lạc thế giới tức là mong được thấy những đức tính thanh cao quý báu của ta. Đó là ý nghĩa câu kinh “Tức Tâm tức Phật” và “Tức thân thành Phật”.
Vấn đề Có hay Không có Phật A Di Đà và cõi Tây phương Cực lạc chỉ là nghi vấn của hạng người sơ cơ thiên về Lý bỏ Sự, tín tâm không vững, hoặc của những học giả mang tâm phân biệt, nhị nguyên, chỉ muốn thoả mãn tính đa nghi mà thôi, chứ đối với bậc tu hành chân chính đã luyện được tâm bình đẳng, Bất nhị, thì càng đi sâu vào đường đạo lại càng gột rửa được tâm phân biệt nhị nguyên bấy nhiêu. Những ai đã đi sâu vào đạo lý thì tín tâm sáng suốt vững mạnh, hết lòng tin lời Phật dạy và họ hiểu rằng Phật không bao giờ nói sai lời, dối gạt ai bao giờ và mọi thắc mắc, hoài nghi đều có hại cho đức tin. Do đó ta thấy những bậc tu chứng cao, những vị cao Tăng thạc đức chưa từng vị nào thắc mắc hoài nghi về vấn đề hiện hữu hay không hiện hữu của Phật A Di Đà cả. Chắc hẳn các Ngài không muốn gieo mối hoài nghi có hại, thoái chuyển những người mới vào đạo, tín tâm chưa vững. Các Ngài dạy rằng: hãy cứ Tin Sâu, Nguyện thiết và Niệm Phật A Di Đà với tâm bất loạn, rồi muốn cầu gì cũng sẽ được toại nguyện. Đó là một lời dạy bảo thiết thực đầy ý nghĩa: Tri Hành hợp nhất mới được giác ngộ, giải thoát thành Phật.