Tông Thiền (Thiền tông): cũng gọi là tông Phật Tâm, hay tông Đạt Ma, là một trong 13 tông phái của Phật giáo Trung-quốc (xem mục “Tông Thiên Thai”). Thiền, nói đủ là “thiền na” (dhyana), người Hán dịch nghĩa là “tĩnh lự”. “Tĩnh” là tâm ý đạt được trạng thái tĩnh lặng; và “lự” là vận dụng trí tuệ để tư duy quán chiếu về một đối tượng. Tu thiền cũng đồng thời là tu định, cho nên trong Phật giáo đã có thuật ngữ “thiền định”. Thiền định là một trong ba pháp học trọng yếu và căn bản của Phật giáo (tức giới học, định học và tuệ học), nhưng nguyên thỉ, đó là truyền thống tư duy từng được thực hành trong các hệ phái triết học và tôn giáo từ thời cổ Ấn-độ. Tư tưởng về “mục đích tọa thiền để sinh lên các cõi trời” đã từng thịnh hành từ lâu trước khi đức Phật Thích Ca giáng thế. Khi đức Phật ra đời, Ngài đã chủ trương mục đích của thiền là xa lìa cả hai cực đoan khổ và vui, để đạt được trung đạo, tức cảnh giới niết bàn. Và chính Ngài đã triệt để tu tập thiền định mà đạt được đạo quả bồ đề vô thượng; rồi hàng vạn thánh chúng đệ tử của Ngài, cũng vì triệt để tu tập thiền định mà được giải thoát khỏi ba cõi, chứng nhập niết bàn. Ý nghĩa “hành thiền” nguyên thỉ là như vậy, nhưng trên tiến trình phát triển, dần dần kinh điển về thiền càng xuất hiện nhiều, và tùy theo mục đích tu tập của hành giả mà nhiều chi tiết về đối tượng của thiền định đã được thêm vào, từ đó mà phân chia có loại thiền tiểu thừa, có loại thiền đại thừa; có loại thiền hữu lậu, có loại thiền vô lậu; có loại thiền gọi là “Như Lai thiền”, có loại thiền gọi là “Tổ Sư thiền”; v.v...
Như các sử liệu của Phật giáo Trung-quốc đều công nhận, người đầu tiên đã truyền bá tư tưởng thiền ở Trung-quốc là ngài An Thế Cao (người nước An-tức, đến Lạc-dương năm 147 TL, thời Hậu-Hán), với các dịch phẩm đầu tiên của ngài có liên quan tới pháp môn tu thiền, như: Đại An Ban Thủ Ý Kinh, Thiền Hạnh Pháp Tưởng, Thiền Hạnh Tam Thập Thất Phẩm Kinh. Từ đó cho đến cuối thời đại Đông-Tấn, các kinh điển có nội dung thiền tập vẫn tiếp tục được dịch, như: Thiền Yếu Ha Dục Kinh (thời Hậu-Hán, không rõ tên dịch giả), Pháp Quán Kinh và Tu Hành Đạo Địa Kinh (thời Tây-Tấn, Trúc Pháp Hộ dịch), Đạt Ma Đa La Thiền Kinh (thời Đông-Tấn, Bạt Đà Bạt Đà La dịch), Nội Thân Quán Chương Cú Kinh (thời Đông-Tấn, không rõ tên dịch giả), Thiền Bí Yếu Pháp Kinh, Tọa Thiền Kinh Tam Muội, Thiền Pháp Yếu Giải, và Tư Duy Lược Yếu Pháp (đời Diêu-Tần, Cưu Ma La Thập dịch), Trị Thiền Bệnh Bí Yếu Pháp (đời Hậu-Lương, Thư-cừ Kinh Thanh dịch). Các kinh điển trên, theo nội dung thì các Kinh Đại An Ban Thủ Ý, Thiền Hạnh Pháp Tưởng, Thiền Hạnh Tam Thập Thất Phẩm, Nội Thân Quán Chương Cú, Trị Thiền Bệnh Bí Yếu Pháp, là thuộc về thiền tiểu thừa; các kinh còn lại là thuộc về thiền đại thừa. Nhưng tiểu hay đại thừa là do người sau phân biệt, chứ vào thời đại đó, hễ ai chuyên ý tọa thiền thì gọi là tu thiền quán, hay thiền tập. Và “thiền tập” lúc đó cũng được áp dụng trong cả các tông phái như Thiên Thai, Tam Luận v.v...; các tông phái này đều lấy pháp môn thiền tập để tư duy quán chiếu, nhờ đó mà thông đạt các giáo nghĩa của tông phái mình. Điều đó chứng tỏ, từ đầu thế kỉ thứ 6 trở về trước (tức trước triều đại vua Lương Vũ đế), pháp môn tu thiền chưa được chính thức lập thành một tông phái riêng biệt ở Trung-quốc.
Năm 520, ngài Bồ Đề Đạt Ma đến Trung-quốc, truyền bá một pháp thiền đặc biệt, y cứ vào tư tưởng Kinh Lăng Già mà chủ trương “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” (không dựa vào văn tự, trao truyền ở ngoài giáo thuyết); ý nói, tông chỉ của pháp môn này là không y cứ vào văn tự, kinh điển, mà chỉ chuyên tọa thiền và dùng tiếng hét hay gậy đánh, làm cho tâm hành giả bừng sáng, chứng ngộ bản lai diện mục của mình (tức “kiến tánh thành Phật”). Thuật ngữ “dĩ tâm truyền tâm” được đặc biệt dùng để chỉ cho phương pháp này. Từ đây mà tông Thiền được chính thức thành lập ở Trung-quốc như một tông phái độc lập; hễ nói đến “thiền”, hay “tu thiền”, là ai cũng nghĩ ngay đến tông Thiền này.
Tông Thiền Trung-quốc được thành lập, và ngài Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma, ?-535) được tôn xưng là vị sơ tổ. Nhưng tông này không phải bắt đầu từ ngài Bồ Đề Đạt Ma, mà theo các vị tổ của tông Thiền, thì tông này đã có một hệ thống truyền thừa khởi đầu từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Theo truyền thuyết, một ngày nọ ở tại núi Linh-thứu, trước khi bắt đầu buổi thuyết pháp, đức Thế Tôn đã cầm một cành hoa đưa lên trước đại chúng, không nói lời nào. Cả pháp hội không ai hiểu gì cả, chỉ có tôn giả Đại Ca Diếp nhìn đức Thế Tôn mỉm cười. Đức Thế Tôn liền dạy: “Này Đại Ca Diếp! Như Lai có chánh pháp nhãn tạng, nay đem giao phó cho ông.” Tôn giả Đại Ca Diếp hoan hỉ nhận lãnh, nhưng cả hội chúng cũng không ai biết đức Thế Tôn và tôn giả Đại Ca Diếp đã trao truyền và thọ nhận cái gì, như thế nào. Về sau, một hôm tôn giả A Nan hỏi tôn giả Đại Ca Diếp là hôm đó đức Thế Tôn đã truyền dạy điều gì, thì tôn giả Đại Ca Diếp bảo: “Hãy đi hạ cột cờ xuống!” Ngài A Nan liền ngộ ngay. Cứ thế mà tâm ấn được truyền thừa: Ngài Đại Ca Diếp là vị tổ thứ nhất của Thiền tông, truyền cho ngài A Nan là tổ thứ nhì, ngài A Nan truyền cho ngài Thương Na Hòa Tu, rồi đến Ưu Ba Cúc Đa, Đề Đa Ca, Di Già Ca, Bà Tu Mật, Phật Đà Nan Đề, Phục Đà Mật Đa, Hiếp tôn giả, Phú Na Dạ Xa, Mã Minh đại sĩ, Ca Tì Ma La, Long Thọ đại sĩ, Ca Na Đề Bà, La Hầu La Đa, Tăng Già Nan Đề, Già Da Xá Đa, Cưu Ma La Đa, Xà Dạ Đa, Bà Tu Bàn Đầu, Ma Nã La, Hạc Lặc Na, Sư Tử Bồ Đề, Bà Xá Tư Đa, Bất Như Mật Đa, Bát Nhã Đa La, và Bồ Đề Đạt Ma, cả thảy là 28 vị tổ đều là người Ấn-độ, mà tông Thiền Trung-quốc gọi là “Tây Thiên nhị thập bát tổ”, hoặc “Tây Thiên tứ thất”.
Ngài Bồ Đề Đạt Ma là vị tổ thứ 28 của hệ thống truyền thừa thiền pháp ở Ấn-độ, và khi ngài sang Trung-quốc truyền thiền pháp thì trở thành sơ tổ của tông Thiền Trung-quốc. Ngài nguyên là vị hoàng tử thứ ba của vua nước Hương-chí ở miền Nam Ấn-độ, nhưng đã từ bỏ đời sống vương giả, theo ngài Bát Nhã Đa La (Prajnatara, ?-457) xuất gia học đạo; sau 40 năm mới được truyền y bát. Vâng lời thầy, năm 520 (có thuyết nói là năm 479) ngài theo đường hàng hải đến Quảng-châu (Trung-quốc). Vua Lương Vũ đế (502-549) mời ngài đến Kiến-nghiệp (Nam-kinh) để triều kiến. Vua hỏi: “Từ khi tức vị đến nay, trẫm tạo chùa, chép kinh và độ tăng rất nhiều, công đức ấy lớn như thế nào?” Ngài đáp: “Không có công đức gì cả!” Vua hỏi tiếp: “Thế nào là thánh đế đệ nhất nghĩa?” Ngài đáp: “Rỗng tuếch, không có thánh gì cả!” Vua lại hỏi: “Vậy ai đang diện kiến trẫm đây?” Ngài đáp: “Không biết!” Cả ba câu trả lời của ngài, nhà vua đều không liễu ngộ, bèn cho rằng mình đã không gặp đúng người mong đợi, liền không tiếp ngài nữa. Biết là duyên hóa độ chưa tới, ngài liền bỏ đi, qua sông Dương-tử sang nước Bắc-Ngụy, lên núi Tung, vào một hang đá ở sau chùa Thiếu-lâm, xoay mặt vào vách tọa thiền, ròng rã đến 9 năm trời. Người đương thời không hiểu ý, bèn gọi ngài là “Bích Quán Bà la môn”.
Bấy giờ có ngài Thần Quang (487-593), người Lạc-dương, nghe tiếng đồn cho nên ngưỡng mộ đạo phong của ngài, bèn tìm lên núi Tung xin cầu học. Tuệ Khả quì suốt đêm ở trước cửa hang đá, đến sáng mà vẫn không được phép vào, cũng không được ngài trả lời. Thần Quang bèn dùng dao tự chặt đứt cánh tay trái của mình để tỏ lòng chí thành cầu pháp. Ngài bèn thâu nhận Thần Quang làm đệ tử, truyền cho pháp an tâm, đặt cho tên mới là Tuệ Khả. Từ đó, ngoài Tuệ Khả, ngài còn thâu nhận một số đệ tử khác như Đạo Dục, Tăng Phó, Đàm Lâm v.v... Gần 10 năm sau, ngài muốn về lại Thiên-trúc, bèn truyền y bát và phó chúc tổ nghiệp cho ngài Tuệ Khả; nhưng chưa đi thì ngài thị tịch, được an táng ở chùa Thượng-lâm trên núi Hùng-nhĩ (tỉnh Hà-nam). Nhưng theo truyền thuyết, 3 năm sau, vị sứ thần của Bắc-Ngụy là Tống Vân, khi đi qua núi Thông-lãnh, lại trông thấy ngài quảy một chiếc hài đi về phương Tây.
Ngài Tuệ Khả được ngài Bồ Đề Đạt Ma truyền tâm ấn, trở thành vị tổ thứ hai của tông Thiền Trung-quốc. Vào năm 552 (triều đại Bắc-Tề), ngài lại truyền pháp cho đệ tử là Tăng Xán (?-606), là tổ thứ ba; ngài Tăng Xán truyền cho Đạo Tín (580-651) là tổ thứ tư; ngài Đạo Tín truyền cho Hoằng Nhẫn (602-675) là tổ thứ năm; ngài Hoằng Nhẫn truyền cho Tuệ Năng (638-713) là tổ thứ sáu.
Thiền tông Trung-quốc, đến ngài Đạo Tín thì bắt đầu hưng thịnh. Ngài Đạo Tín có hai vị đệ tử kiệt xuất là Hoằng Nhẫn và Pháp Dung (594-657). Ngài Pháp Dung ban đầu học tông Tam Luận, lại thông Nho học. Năm 644 (đời Đường) ngài lên núi Ngưu-đầu (tỉnh Giang-tô), dựng một thiền thất ở cạnh chùa U-thê, chuyên tu thiền định, đồ chúng theo học hơn trăm người. Sau gặp tổ Đạo Tín, được truyền tâm ấn, tự lập riêng một phái thiền, gọi là Ngưu Đầu tông (đối lại với “Đông Sơn tông” của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn); đó là lần phân phái đầu tiên của tông Thiền Trung-quốc. Kế thừa Ngưu Đầu thiền của ngài Pháp Dung có các ngài Trí Nghiêm, Tuệ Phương, Pháp Trì, Trí Uy, Tuệ Trung; gọi là “Ngưu Đầu lục tổ”. Thiền phái này cực thịnh ở đời Đường, nhưng sang đến đời Tống thì suy dần, rồi mai một.
Ngài Hoằng Nhẫn, sau khi được tổ Đạo Tín (lúc đó đang trú tại chùa Chánh-giác ở núi Tây-sơn, phía Tây huyện Hoàng-mai, tỉnh Hồ-bắc) trao truyền y bát và phó chúc tổ nghiệp, trở thành tổ thứ năm của tông Thiền Trung-quốc, đã sang trú chùa Chân-huệ ở núi Ngũ-tổ (tức núi Đông-sơn, cũng gọi núi Hoàng-mai, ở phía Đông huyện Hoàng-mai, tỉnh Hồ-bắc, cách núi Tây-sơn 17 cây-số), chuyên tu tập thiền định, phát dương thiền phong, hình thành “Đông Sơn pháp môn” (cũng gọi là Đông Sơn tông), lấy giáo nghĩa Kinh Kim Cang Bát Nhã làm yếu chỉ – khác với các đời trước, từ tổ Bồ Đề Đạt Ma đến tổ Đạo Tín thì lấy Kinh Lăng Già làm chủ yếu. Môn hạ của tổ Hoằng Nhẫn rất đông, nhưng có hai vị được liệt vào hàng kiệt xuất là Thần Tú và Tuệ Năng. Ngài Thần Tú (605-706) là đệ nhất thượng thủ trong số đệ tử của tổ Hoằng Nhẫn, nhưng ngài Tuệ Năng lại được tổ trao truyền y bát và phó chúc tổ nghiệp. Sau khi được truyền y bát, ngài Tuệ Năng liền đi về phương Nam hành đạo; còn ngài Thần Tú vẫn ở với tổ Hoằng Nhẫn. Sau khi tổ viên tịch (năm 675, đời vua Đường Cao-tông), ngài Thần Tú đã dời về núi Ngọc-tuyền (huyện Đương-dương, tỉnh Hồ-bắc) để truyền pháp. Đạo phong của ngài cao vợi, đồ chúng theo học có đến 3.000 người, nổi tiếng nhất là các ngài Phổ Tịch, Nghĩa Phúc, Tuệ Phúc v.v... Pháp hệ của ngài thịnh hành ở phương Bắc, lấy hai kinh thành Lạc-dương và Trường-an làm trung tâm, chủ trương pháp tu “tiệm tu tiệm ngộ”, người đời gọi đó là phái “Bắc thiền”, “Bắc tông”, hay “Bắc Tú”.
Trong khi đó, ngài Tuệ Năng, sau khi được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn phú pháp, trở thành tổ thứ sáu, bèn trở về quê ở miền Lĩnh-nam, trú tại chùa Bảo-lâm tại Tào-khê (tỉnh Quảng-đông), chủ trương pháp tu “đốn ngộ”, cực lực hoằng dương pháp môn “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, người đời gọi đó là phái “Nam thiền”, “Nam tông”, hay “Nam Năng”. Hai ngài Thần Tú và Tuệ Năng được coi là đại diện cho Thiền tông Trung-quốc vào thời đại nhà Đường; nhưng vì chủ trương và đường hướng tu tập, cũng như địa bàn hành hóa đối nghịch nhau, chia thành hai phái Bắc và Nam rõ rệt, nên người đương thời đã gọi hiện trạng đó là “Nam tông Bắc tông”, “Nam Năng Bắc Tú”, hoặc “Nam đốn Bắc tiệm”. Nhưng hệ phái của ngài Thần Tú ở phương Bắc chỉ truyền thừa được khoảng bốn, năm đời thì bị dứt tuyệt; trong khi đó, pháp hệ của ngài Tuệ Năng ở phương Nam, lúc đầu hưng thịnh ở cứ địa trung tâm là các tỉnh Hồ-nam, Giang-tây và Quảng-đông, dần dần phát triển lên phương Bắc, thay thế cho pháp hệ của ngài Thần Tú đã mai một.
Ngài Tuệ Năng là vị tổ thứ sáu, và cũng là vị tổ cuối cùng ở giai đoạn đầu của tông Thiền Trung-quốc; sau ngài không có tổ thứ bảy, và lệ “truyền y bát để thừa kế tổ nghiệp” cũng được ngài hủy bỏ. Khi sáng lập phái thiền Nam tông, ngài Tuệ Năng được tôn xưng là sơ tổ của tông này. Môn đệ tuấn tú của ngài rất nhiều, mà các ngài Hành Tư, Hoài Nhượng, Thần Hội, Huyền Giác, Tuệ Trung, và Pháp Hải, là những nhân vật trọng yếu. Ngài Pháp Hải (?-?) thường theo thầy để ghi chép các lời giảng của thầy, rồi viết lại thành sách để lưu truyền (như Kinh Pháp Bảo Đàn chẳng hạn); ngài Huyền Giác có soạn bộ Vĩnh Gia Tập và bài “Chứng Đạo Ca”; ngài Hành Tư (?-740), sau khi đắc pháp, đã lui về tĩnh tu ở núi Thanh-nguyên (tỉnh Giang-tây); ngài Hoài Nhượng (677-744) thì về ở chùa Bát-nhã trên núi Nam-nhạc (tỉnh Hồ-bắc); ngài Thần Hội (?-760) thì lên phương Bắc, trụ trì chùa Hà-trạch ở thành Lạc-dương; ngài Tuệ Trung (?-775) thì về tu ở núi Bạch-nhai (huyện Nam-dương, tỉnh Hà-nam). Trong các ngài trên thì hai ngài Hoài Nhượng và Hành Tư có thanh thế lớn lao và hệ thống truyền thừa lâu dài, rộng rãi hơn cả, đã trở thành hai chi phái lớn của Nam tông.
Ngài Hoài Nhượng, sau khi đắc pháp với tổ Tuệ Năng, đã về núi Nam-nhạc (huyện Hành-sơn, tỉnh Hồ-nam), trụ trì chùa Bát-nhã, tiếp hóa đồ chúng đến 30 năm, người đời thường gọi ngài là Nam Nhạc Hoài Nhượng; và gọi hệ thống truyền thừa của ngài là chi phái Nam Nhạc. Đệ tử đắc pháp của ngài có 9 vị, trong đó, Mã Tổ Đạo Nhất là thượng thủ. Ngài Mã Tổ (709-788) truyền bá thiền pháp ở núi Cung-sơn, tỉnh Giang-tây, môn hạ hơn trăm người, mà kiệt tuấn hơn cả là ngài Hoài Hải (720-814). Ngài Hoài Hải sau khi đắc pháp, năm 784 (đời vua Đường Đức-tông) đã vào núi Bách-trượng (ở huyện Phụng-tân, tỉnh Giang-tây), lập thiền viện, chế định “thanh qui” để thiết lập pháp chế riêng cho thiền viện, làm mẫu mực cho tăng chúng tu trì. Đó là lần đầu tiên Thiền tông có tự viện độc lập (từ trước vẫn sinh hoạt chung trong các luật viện). Đệ tử của ngài Bách Trượng Hoài Hải có hai vị xuất sắc nhất, đó là hai ngài Hi Vận (?-850) ở núi Hoàng-bá (tỉnh Giang-tây) và ngài Linh Hựu (771-853) ở núi Qui-sơn (tỉnh Hồ-nam). Môn hạ của ngài Hoàng Bá Hi Vận có ngài Nghĩa Huyền là nổi tiếng nhất. Ngài Nghĩa Huyền (?-867), sau khi đắc pháp với ngài Hi Vận, năm 857 đã về Trấn-châu (tỉnh Hà-bắc), trụ trì viện Lâm-tế, tiếp hóa đồ chúng, lập thành một thiền phái riêng, gọi là tông Lâm Tế. Cũng trong thời gian đó, đệ tử đắc pháp của ngài Qui Sơn Linh Hựu là ngài Tuệ Tịch (840-916) ở núi Ngưỡng-sơn (tỉnh Giang-tây), cũng lập riêng một thiền phái, gọi là tông Qui Ngưỡng. Hai tông này đều truyền bá thiền pháp ở phương Bắc.
Như vậy, trong hệ thống truyền thừa của ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng, từ sau ngài Bách Trượng Hoài Hải thì phân làm hai phái là Lâm Tế và Qui Ngưỡng. Song song với chi phái Nam Nhạc là chi phái “Thanh Nguyên”. Núi Thanh-nguyên ở tỉnh Giang-tây là căn cứ địa hoằng hóa của ngài Hành Tư. Môn hạ của ngài Hành Tư rất đông, trong đó, ngài Thạch Đầu Hi Thiên (700-790) là xuất sắc nhất. Thạch Đầu Hi Thiên truyền cho Dược Sơn Duy Nghiễm (745-828); ngài Duy Nghiễm truyền cho Vân Nham Đàm Thành (783-814); ngài Đàm Thành truyền cho Động Sơn Lương Giới (807-869); ngài Lương Giới truyền cho Tào Sơn Bản Tịch (840-901); ngài Bản Tịch bèn lập một phái thiền mới, gọi là tông Tào Động, truyền bá thiền pháp ở vùng Giang-tây. Ngài Thạch Đầu Hi Thiên còn có một vị đệ tử xuất sắc nữa, là Thiên Hoàng Đạo Ngộ (748-807). Ngài Đạo Ngộ truyền cho Long Đàm Sùng Tín (?-?); ngài Sùng Tín truyền cho Đức Sơn Tuyên Giám (782-865); ngài Tuyên Giám truyền cho Tuyết Phong Nghĩa Tồn (822- 908); ngài Nghĩa Tồn truyền cho Văn Yển (864-949); ngài Văn Yển ở núi Vân-môn (tỉnh Quảng-đông), sáng lập một phái thiền mới, gọi là tông Vân Môn. Ngài Tuyết Phong Nghĩa Tồn lại có một vị đệ tử xuất sắc khác là Huyền Sa Sư Bị (835-908); ngài Sư Bị truyền cho La Hán Quế Sâm (867-928); ngài Quế Sâm truyền cho Pháp Nhãn Văn Ích (885-958). Ngài Văn Ích trụ trì chùa Thanh-lương ở Kim-lăng (Nam-kinh), thành lập một phái thiền mới, gọi là tông Pháp Nhãn.
Vậy là tông Thiền Trung-quốc, từ sau ngài Lục tổ Tuệ Năng thì phân làm hai chi Nam Nhạc và Thanh Nguyên. Chi Nam Nhạc lại phân thành hai phái là Lâm Tế và Qui Ngưỡng; và chi Thanh Nguyên thì phân làm ba phái là Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn. Thiền tông Trung-quốc gọi năm thiền phái đó (Lâm Tế, Qui Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn) là ngũ gia. Lại nữa, phái Lâm Tế, từ ngài Nghĩa Huyền truyền đến đời thứ bảy là Thạch Sương Sở Viên (986-1039); ngài Sở Viên có hai vị đệ tử xuất sắc nhất là Hoàng Long Tuệ Nam (1002-1069) và Dương Kì Phương Hội (992-1049). Ngài Tuệ Nam lại lập ra phái Hoàng Long; và ngài Phương Hội thì lập ra phái Dương Kì; gộp cả năm phái ở trên và hai phái mới này, Phật giáo Trung-quốc gọi chung lịch sử truyền thừa từ sau tổ Tuệ Năng là “ngũ gia thất tông”.
Nhìn xuyên suốt lại, ở Trung-quốc, từ tổ Đạt Ma đến tổ Tuệ Năng, thời gian trải 250 năm (từ thời đại Nam Bắc-triều đến đầu thời đại nhà Đường), tuy nói là “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”, nhưng ngôn thuyết của các thiền sư vẫn y cứ vào kinh điển, thiền phong thuần nhất, không có tông phái đối lập (dù sau ngài Đạo Tín có phân làm hai phái Ngưu Đầu tông và Đông Sơn tông, nhưng chỉ khác nhau về địa bàn hoằng hóa, còn thiền phong thì vẫn thuần nhất, không đối lập); có thể xem đó là thời kì thành lập của tông Thiền. Từ ngài Tuệ Năng, tình trạng phân phái đã bắt đầu xảy ra với hai tông phong đối lập, gọi là “Nam Năng, Bắc Tú”, tức là thiền Nam tông và thiền Bắc tông; tuy vậy, hệ thống truyền thừa của phái Bắc tông không kéo dài được bao lâu thì bị đứt đoạn, và phái Nam tông được chính thức coi là tông Thiền Trung-quốc, kế thừa truyền thống từ Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma. Từ đó (tức từ giữa thời đại nhà Đường) cho đến thời Ngũ-đại, thời gian cũng khoảng 250 năm, với hai hệ thống Nam Nhạc và Thanh Nguyên, tông Thiền Trung-quốc đã phát triển vô cùng rực rỡ. Rất nhiều thiền sư liễu ngộ, đạo phong cao vợi, danh tiếng lừng lẫy, tiếp nối nhau xuất hiện để tiếp hóa đồ chúng. Các thiền viện mọc lên khắp nước, số người qui tụ về các thiền viện để tập thiền lúc nào cũng đông đảo. Sinh hoạt trong các thiền viện đều lấy Thanh Qui làm mẫu mực, nền nếp rõ ràng, làm cho uy danh của tông Thiền ngày càng tỏ rạng. Rồi như “trăm hoa đua nở”, từ hai hệ thống Nam Nhạc và Thanh Nguyên ấy, dần dần phát triển thành năm tông phái: Lâm Tế, Qui Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn. Tông nào thanh thế cũng lớn lao. Đó là thời kì toàn thịnh của tông Thiền Trung-quốc.
Dưới triều đại nhà Tống, trong khoảng hơn 300 năm, trước hết, từ tông Lâm Tế phát xuất ra hai phái Hoàng Long và Dương Kì, đưa tông Thiền Trung-quốc tiến đến thời kì được gọi là “ngũ gia thất tông”. Tuy vậy đến cuối thời Bắc-Tống, trong bảy thiền phái trên, chỉ có hai phái Lâm Tế và Tào Động là còn tiếp tục tông phong, còn các phái khác thì đã suy yếu. Trong thời kì này, các chủ trương dung hợp “tam giáo nhất trí” dần dần thịnh hành, các khuynh hướng “Giáo Thiền điều hợp” và “Thiền Tịnh song tu” cũng ngày càng được nhiều giới hưởng ứng, làm cho tông Thiền dần dần mất đi cái tính cách độc lập, chỉ còn đứng ở vị thế “thủ thành” mà thôi. Trải qua các đời Minh, Nguyên đến giữa nhà Thanh (cuối thế kỉ 18), tuy cũng có các vị thiền sư đạo cao đức trọng xuất hiện để tiếp tục dương cao thiền phong, nhưng nói chung, tông Thiền Trung-quốc vẫn không thể lấy lại được cái vị thế độc lập của mình, mà vẫn bị ràng buộc trong cái thế cục chung, là “Nho Thích điều hợp, Giáo Thiền nhất trí, Thiền Tịnh song tu”. Trong thời cận đại, một ngôi sao sáng trong tông Thiền Trung-quốc bỗng xuất hiện, đó là thiền sư Hư Vân (1839-1958), một đời hoằng pháp không biết mệt mỏi, xây dựng tòng lâm, cực lực chấn hưng tông Thiền, nối lại được pháp mạch của đức Lục Tổ.