Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Trich-Yeu-Tac-Pham-Kim-Cang-Kinh-Giang-Nghia-Cua-Cu-Si-Thang-Quan-Dieu-Hu-Giang-Vi-Nong-Thoi-Dan-Quoc

Trích Yếu Tác Phẩm Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa Của Cư Sĩ Thắng Quán Diệu Hú Giang Vị Nông Thời Dân Quốc
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

* Một pháp Niệm Phật là phương tiện bậc nhất trong các phương tiện để dứt niệm. Chẳng niệm gì khác ngoài niệm Phật cũng là một cách để hoán chuyển mỗi ý niệm. Niệm Phật xem ra rất gần với quán tưởng.

Niệm Phật chính là tịnh niệm, đem một niệm thanh tịnh để đối trị các niệm nhiễm trược. Và nhất tâm mà niệm lại chính là dùng cái niệm thuần nhất để đối trị những niệm tạp loạn.

Vả lại, Phật là Giác, niệm niệm đều là Phật thì niệm niệm đều là Giác. Giác là biết tự tánh vốn vô niệm; vì thế bảo là càng thân thiết, nhưng nếu có thể siêng năng, khẩn thiết Nhất Tâm thì sẽ có thể đạt tới mức niệm mà vô niệm. Phải biết rằng niệm Phật nhằm mục đích “ắt quy về vô niệm”, tức là quay về với Chân Như, thì chẳng nói đoạn mà tự đoạn, chẳng cầu chứng mà tự chứng vậy. Phương tiện ấy hay đến mức như thế đó!

* Tuy công phu niệm Phật chưa thể đạt tới niệm mà vô niệm, nhưng nếu hạnh nguyện chân thật, thiết tha, nương vào bi nguyện lực của Phật Di Ðà, cũng sẽ được tiếp dẫn vãng sanh, liền giống như bậc A Tỳ Bạt Trí, Hán dịch là Bất Thoái, tức là địa vị Sơ Trụ.

Nếu tu các pháp khác thì cần phải trải qua nhiều kiếp số lâu xa, nay pháp này được thành tựu ngay trong một đời, nên bảo là pháp phương tiện nhất trong các pháp phương tiện.

Nhưng để đúng là hạnh nguyện chân thật, thiết tha, ắt phải cả đời niệm Phật cầu sanh thì mới đúng là chân thật, thiết tha. Nếu một mặt niệm Phật, một mặt lại khởi lên những ý tưởng trần trược thì hạnh nguyện chẳng chân thật, thiết tha vậy.

Vì thế, người niệm Phật phải đoạn một tầng ý niệm. Nếu như chưa thể dễ dàng làm được, phải nên cố thực hiện cho được hai câu: “Chẳng trụ vào sắc mà sanh tâm, chẳng trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm”. Nếu chẳng được như vậy thì nguyện chẳng thiết, hạnh chẳng chân, làm sao được Phật tiếp dẫn? Trần trược khí nặng hết sức chẳng tương ứng với hai chữ Thanh Tịnh, nên Phật cũng chẳng biết làm sao được nữa!

* Cần phải biết rằng khởi niệm chính là vọng, ý niệm niệm Phật cũng là vọng, chẳng phải là chân, vì sao vậy? Vì tánh của Chân Như vốn là vô niệm; nhưng vì phàm phu nhiễm niệm chẳng hề ngơi, nên bất đắc dĩ phải mượn tịnh niệm của việc niệm Phật để trị cái nhiễm niệm trụ trần. Ấy là vì ý niệm niệm Phật tuy chẳng phải là bản thể của Chân Như, nhưng nó quy hướng diệu dụng của Chân Như. Vì sao vậy? Chân Như là tâm thanh tịnh, Phật niệm là thanh tịnh niệm, do cùng là thanh tịnh cho nên được tương ứng. Bởi vậy, dùng ý niệm để niệm Phật niệm niệm chẳng ngơi sẽ có thể đạt đến vô niệm, cho nên bảo là phương tiện thù thắng.

Thế giới Cực Lạc cũng là huyễn tướng, nhưng chẳng thể không cầu nguyện vãng sanh, vì tịnh huyễn chẳng giống như nhiễm huyễn. Vì sao thế? Cõi thanh tịnh vốn do tâm thanh tịnh hiển hiện, vì thế mới bảo là “tâm tịnh thì cõi tịnh” vậy.

* Cần phải biết rằng Di Ðà đến đón vốn chưa từng đến đón, vãng sanh Tây Phương cũng là chưa từng sanh qua. Tuy chưa từng sanhm nhưng nào có trở ngại chuyện thị hiện đến đón, sanh về!

Vì sao vậy? Chẳng đến đón, chẳng sanh về là xét về Lý Thể; có đến đón, có sanh về là Sự Tướng. Lý - Sự vốn dĩ chẳng hai, phải hiểu Tánh - Tướng viên dung dẫu chẳng đến đón, chẳng vãng sanh, cũng chẳng ngại có đến đón, có vãng sanh. Dù có đến đón, có vãng sanh, nhưng thật sự là chẳng có đến đón, chẳng có vãng sanh.

Ðiều tối khẩn yếu là phải nhận thức “không có đến đón, không có vãng sanh” nơi chuyện “có đến đón, có vãng sanh”; và chuyện “có đến đón, có vãng sanh” chính là từ “không đến đón, không vãng sanh” mà thành. Ðấy chính là yếu quyết để niệm Phật cầu vãng sanh.

Hiểu được yếu quyết này, sẽ nhất định vãng sanh gặp Phật. Chớ bảo là tu Tịnh Ðộ thì khỏi cần phải học Bát Nhã nữa; lại nghi Bát Nhã gây trở ngại cho Tịnh Ðộ hay sao?

Nhận định:  

Vạn duyên buông xuống chính là chẳng trụ vào Có; nhất tâm niệm Phật chính là chẳng trụ Không, tức là Bát Nhã và Tịnh Ðộ cùng tu. Tuy Bát Nhã là theo cửa Không mà vào, ly tướng, ly niệm để đạt đến vô niệm; nhưng Tịnh Ðộ theo cửa Có mà vào, dùng niệm để dứt niệm, niệm mà vô niệm, khác đường, nhưng cùng về một chỗ. Chẳng phải là Bát Nhã chẳng hiển lộ được chỗ nhiệm mầu của Tịnh Ðộ, Tịnh Ðộ khó thành hạnh Bát Nhã đâu nhé! Vì thế, Quán Kinh dạy bậc Thượng Phẩm Thượng Sanh phải đọc tụng kinh điển Ðại Thừa. Cụ cư sĩ này cả một đời học đủ Giáo, Tông, Bát Nhã, nhưng hạnh đặt nơi Di Ðà, thật đáng để học theo.
 
Trích từ: Niệm Phật Pháp Yếu
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
2 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
3 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
4 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
5 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về
6 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
7 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
8 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
9 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
10 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
11 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về