Ông Long Thư nói rằng: “Ví như người vừa đến một thành phố lớn, trước hết phải tìm một nơi trú ngụ, rồi sau mới đi lo công việc. Đến khi chiều tối mới có chỗ nghỉ ngơi. “Trước hết phải tìm một nơi trú ngụ, đó là nói phải lo tu tập pháp môn Tịnh độ. Đến khi chiều tối, đó là nói khi cái hạn kỳ lớn nhất trong đời đã đến. Có chỗ nghỉ ngơi, đó là nói được hóa sanh từ hoa sen, không đọa vào các cảnh giới xấu ác.
“Lại ví như người đi xa vào mùa mưa, trước hết phải chuẩn bị áo đi mưa. Khi trời thình lình đổ mưa mới không bị cái nạn ướt dầm khốn khổ.
“Trước hết phải chuẩn bị áo đi mưa, đó là nói phải lo tu tập pháp môn Tịnh độ. Khi trời thình lình đổ mưa, đó là nói khi mạng sống sắp dứt. Không bị cái nạn ướt dầm khốn khổ, đó là nói không phải chìm đắm vào các nẻo dữ mà nhận chịu khổ não.
“Vả lại, việc trước hết tìm nơi trú ngụ cũng không hại gì đến công việc phải làm; việc chuẩn bị áo đi mưa cũng không hại gì cho việc đi xa. Cũng vậy, việc tu tập pháp môn Tịnh độ không hại gì cho hết thảy mọi công việc trong đời sống. Vậy mọi người vì sao lại không tu?
“Dù là người đã phạm tội ác cũng có thể tu. Vì sao vậy? Ví như sắt đá rất nặng, nhưng nhờ có ghe thuyền nên có thể chở qua sông. Như cây kim tuy là nhẹ, nhưng nếu không nhờ vào ghe thuyền cũng không thể đưa qua sông.
“Cho nên nói rằng, người dù có tội nặng nhưng nương nhờ sức Phật vẫn có thể sanh về Tịnh độ. Dù tạo tội nhẹ mà không nương nhờ sức Phật cũng không thể được vãng sanh.
“Lại như loài kiến, dù có trải qua muôn kiếp sống cũng không đi được đến một dặm, nhưng nếu bám trên thân người thì có thể đến được nơi xa ngàn dặm! Người nương nhờ sức Phật được vãng sanh Tịnh độ cũng giống như vậy.
“Trong lúc còn đang khỏe mạnh nếu không chuẩn bị, đến khi nhắm mắt biết làm thế nào? Cho nên phải gấp rút tu trì, cầu sanh Tịnh độ.
“Sự đời có ngày ắt phải có đêm, có lạnh ắt phải có nóng, ai ai cũng rõ biết không thể che giấu được. Cũng như nói có sống ắt phải có chết, nhưng người ta lại sợ chẳng dám nói ra! Sao lại che giấu quá đáng vậy?
“Này các vị! Nếu ngay bây giờ không lo tu thì đáng tiếc lắm thay! Thật đáng tiếc lắm thay!”