Phật Học Vấn Đáp


Tôi là thanh niên ba mươi mấy tuổi chưa kết hôn làm sao khống chế về mặt sinh lý!
Đối với giới tà dâm trong Ngũ Giới, có đệ tử Phật bảo tôi, thường quán tưởng [kẻ mà ta khởi lên dâm niệm] là thân nhân, sẽ tự giữ được. Tôi là thanh niên ba mươi mấy tuổi chưa kết hôn, lại làm việc giữa cả đống chúng sanh, bên ngoài bị lời dâm, tiếng tà dẫn dụ, bên trong có những xung động sinh lý, huống chi sống trong vùng á nhiệt đới , tôi không có cảnh giới học Phật khá, tuy quán tưởng là người thân, vẫn chẳng thể khắc chế ma chướng. Tự biết đời trước nghiệp nặng, xin hãy chỉ dạy phương pháp, khó nhất là khống chế về mặt sinh lý! (Kỷ Vũ hỏi)
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Dịch Giả :Cư Sĩ Như Hòa | Xem: 52

5/16/2024 10:07:45 AM
Người tại gia vốn được phép chánh dâm trong hôn nhân, cần gì phải chuyên nghĩ đến tà dâm? Dẫu chẳng học Phật mà phạm tà dâm thì cũng chẳng được đạo đức lẫn pháp luật chấp thuận, lại còn bị báo ứng nhân quả chi phối. Cầu khoái lạc chỉ trong chốc lát, chịu khổ ngàn kiếp, người thật sự thông minh sẽ tự có thể khống chế. Người ta nói “quán tưởng là người thân”, chẳng qua là một phương pháp! Nếu dùng loại thuốc ấy chẳng được, hãy nên đổi loại thuốc khác, có thể chọn cách quán năm thứ bất tịnh để hành, thử xem như thế nào.

Chú thích: Ngũ Bất Tịnh Quán là:
1. Chủng tử bất tịnh: Thân này lấy nghiệp đã kết trong quá khứ làm mầm mống, hiện nay lấy tinh huyết của cha mẹ làm mầm mống.
2. Trụ xứ bất tịnh: Ở trong thai mẹ là chỗ bất tịnh.
3. Tự tướng bất tịnh: Thân này có chín lỗ, thường tuôn chảy đờm, nước mắt, đại tiểu tiện, các thứ bất tịnh.
4. Tự thể bất tịnh: Thân do ba mươi sáu vật bất tịnh[i] hợp thành.
5. Chung cánh bất tịnh: Thân này đã chết, đem chôn tan thành đất, trùng ăn vào thải ra phân, hỏa thiêu biến thành tro. Truy tìm đến rốt ráo, chẳng có một tướng thanh tịnh nào!
 
[i] Ba mươi sáu món bất tịnh: Theo Tam Tạng Pháp Số, quyển bốn mươi tám, ba mươi sáu món bất tịnh được chia thành ba loại: Ngoại tướng, thân khí và nội hàm. Mỗi loại gồm mười hai món. Ngoại tướng gồm là tóc, lông, móng, răng, ghèn, nước mắt, nước miếng, đàm nhớt, phân, nước tiểu, ghét (hờm), mồ hôi. Thân khí gồm da, da non, máu, thịt, gân, mạch, xương, tủy, mỡ chài, mỡ sa, óc, màng bọc nội tạng. Nội hàm gồm gan, mật ruột, bao tử, lá lách, thận, tim, phổi, sanh tạng, thục tạng, đàm đỏ, đàm trắng. Sanh tạng chính là phần phía trên của bộ máy tiêu hóa, thục tạng là phần phía dưới hệ thống tiêu hóa.

Trích từ:  Phật Học Vấn Đáp Loại Biên.

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật