Mỗi ngày dành thời gian cố định để tụng một quyển kinh A Di Đà, niệm thánh hiệu Di Đà mấy trăm câu, hoặc mấy ngàn câu, đem công đức ấy hồi hướng song thân vãng sanh Cực Lạc, đó là báo ân chân thật, sám hối triệt để. Báo ân chớ nên biếng nhác, phụng sự bậc đã khuất như đang còn sống. Nếu có thể làm như thế, cổ nhân như ông Đinh Lan[i] chẳng còn riêng được tiếng thơm như trước nữa!
[i] Đinh Lan là một nhân vật sống vào đời Hán và được đưa vào danh sách hai mươi bốn người con có hiếu (Nhị Thập Tứ Hiếu). Cha mất sớm, ông được mẹ nuôi dưỡng khôn lớn. Mỗi ngày Đinh Lan cày cấy, đến trưa mẹ mang cơm ra đồng cho ăn; nhưng Đinh Lan đối xử với mẹ rất tệ hại, bất luận mẹ đưa cơm sớm hay trễ, ông ta đều chửi mắng. Về sau, Đinh Lan biết lỗi, toan tạ tội với mẹ. Khi mẹ đưa cơm đến, ông ta chắp tay, nhưng quên bỏ roi xuống, mẹ ngỡ Đinh Lan toan đánh bèn cắm đầu chạy, nào ngờ va phải một cái cây lê chết tươi. Đinh Lan chặt cây ấy, nhờ thợ tạc hình tượng mẹ để làm kỷ niệm. Mỗi ngày đều cung kính đối trước tượng thưa hỏi, tạ tội. Khi Đinh Lan cưới vợ, bà vợ do đố kỵ, lấy kim đâm tượng, tượng gỗ tuôn máu đỏ tươi. Đinh Lan biết chuyện liền bỏ vợ. Do câu chuyện này, thời cổ, khi khắc bài vị thờ mẹ, người Hoa thường dùng gỗ cây lê.
Trích từ: Phật Học Vấn Đáp Loại Biên