Home > Khai Thị Niệm Phật
Pháp Môn Trì Danh Niệm Phật
Cư Sĩ Huỳnh Lão | Sa Môn Thích Viên Giáo, Việt Dịch


Niệm Phật trì danh là giữ gìn hành trì một câu danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật”, rất đơn giản dễ dàng, nhưng pháp rất là rộng lớn. Chỉ cần niệm Phật một cách chí thành, khẩn thiết, chuyên nhứt và cung kính, mới có thể cảm ứng với đạo, tức đời sống được lợi ích.

Người tu tịnh độ từ xưa đến nay, phương pháp trì danh niệm Phật, được thành tựu ấy con số rất nhiều. Pháp môn đó rất là thẳng tắt, rất viên đốn, có thể vượt qua mà không cần trải qua sự lần hồi tu hành, vả lại có thể đốn siêu (vượt qua mau chóng). Cũng giống như từ cấp tiểu học vượt thẳng lên đại học mà bằng phương pháp rất là đơn giản, khiến người ta không dám tin, thật là “bất khả tư nghì” (không thể nghĩ bàn)!

Đối với pháp môn vô thượng mà giản dị này, chớ nên coi dễ mà không siêng năng, chớ cho là khó mà sinh e sợ thối lui, chớ cho là cạn cợt mà tỏ vẻ khinh khi, chớ cho là sâu xa mà không dám thừa đương, chớ muốn mau lẹ mà không chịu bền lâu, chớ lười mỏi mà không mạnh mẽ, chớ vì ngu chậm mà cứ mãi vô tâm, chớ vì căn cơ mình cạn cợt mà tự chê không có phần.

Ví như mài dao, mài lâu dao lụt thành dao bén, nếu vì lụt mà chẳng chịu mài, để đó thành đồ vô dụng.

Lại nữa nếu cho rằng tu hành là khổ, thì không biết là lười mỏi càng khổ hơn sao? Tu hành thì siêng năng lao nhọc tạm thời mà an lạc vĩnh kiếp, lười mỏi thì cầu an một thời mà thọ khổ nhiều đời. Bởi vậy trì danh hiệu Phật là chơn bất khả tư nghì, hay tu trì thì tâm tánh cũng bất khả tư nghì.

Người tu hành cần cầu một đời việc xong, mau ra khỏi sinh tử, thì chỉ có pháp môn trì danh niệm Phật. Vì trì danh niệm Phật, một phương diện là nhờ sức lực tín, hạnh, nguyện chính mình; phương diện khác lại có thêm lực đại bi đại nguyện của đức Phật A Di Đà. Có được hai lực lượng tự lực và tha lực, thì dù tự lực chưa đủ còn có Phật lực mà có thể nương cậy. Cho nên nói rằng trì danh niệm Phật là một phương pháp rất ổn định.

Một pháp trì danh rất họp thời cơ, bởi vì pháp môn này không bỏ phế pháp thế gian mà chứng Phật pháp, không lìa Phật pháp mà hành pháp thế gian, tùy thời tùy cơ mà có thể tu hành, không cần vào núi ẩn tu, hoặc đóng cửa ngồi yên, đối với việc hữu ích cho đời vẫn có thể làm được.

Muốn được lợi ích Phật pháp thì phải có tâm cung kính, có một phần cung kính thì tiêu được một phần tội nghiệp, thêm một phần phước huệ. Có được sự cung kính mười phần thì tiêu mười phần tội nghiệp, tăng thêm mười phần phước huệ. Nếu không có tâm cung kính thì dẫn đến thói hư hèn ngạo mạn, nghiệp tội ngày càng tăng mà phước huệ ngày càng giảm đi. Do đó mà sự cung kính chí thành thật là “siêu phàm nhập thánh”, cũng là bí quyết “liễu sinh thoát tử”. Có thể đem tâm chí thành, nhất tâm niệm Phật, tâm cung kính nhớ Phật, chắc chắn có thể lìa được biển khổ sinh tử. Chỉ cần một lòng buộc niệm không rạn vỡ, chắc chắn sinh về thế giới Cực Lạc ở phương tây.

Tâm cung kính là rất tin tưởng đối với Phật và Bồ tát, cần nương theo pháp mà làm, tôn trọng pháp. Mà không phải là cung kính bên ngoài, thấy tượng Phật khúm núm vái chào. Bên ngoài biểu hiện cung kính mà trong tâm không cung kính đó là hư ngụy. Nên phải từ trong tâm chân chính rõ hiểu Phật và Bồ tát, không phải là cung kính bướng bỉnh miễn cưỡng. Thật sự có chỗ rõ hiểu rồi, thì từ trong tâm sinh khởi lòng cung kính, đây tức là “như pháp”.

Niệm Phật và tâm chí thành, tâm cung kính có phải là chơn chánh không? Chư vị nghĩ xem trong lúc niệm Phật hoặc tụng kinh nếu như gặp một người khá quan trọng hoặc một công việc quan trọng, thì niệm Phật tụng kinh sẽ trở thành thứ yếu (ít quan trọng hơn); Như vậy có thể thấy rằng sự cung kính, chí thành này chưa được chơn thuần, cho nên cần phải chân thành cung kính một cách chơn chánh, thì niệm Phật tụng kinh mới là việc lớn thứ nhất của đời người. Ví như có người, trong lúc anh niệm Phật tụng kinh, bảo anh rằng: “Hiện tại có một việc buôn bán nếu làm gấp thì sẽ thu được lãi là trăm vạn đồng”, bảo đảm rằng anh sẽ quay đầu đi, không niệm Phật được rồi. Có thể thấy rằng chúng ta cung kính, chí thành đối với Phật và Bồ Tát mà chịu không nổi thử thách, khi trải qua thử thách thì mới hiểu được tâm cung kính, tâm chí thành này không chơn thật một chút nào cả.

à Pháp môn niệm Phật, không phải là phương pháp kỳ diệu gì cả, chỉ cần chúng ta có thể dốc lòng mà niệm, nhất định sẽ thành công. Thế nào gọi là dốc lòng (hay còn gọi là “tâm chết”), tức là làm cho chết sạch đi tất cả những cái tâm phiền não, vọng tưởng, chấp trước. Nhất tâm chuyên niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, trong tâm có Phật, Phật không lìa tâm, tâm không lìa Phật, nhất tâm bất loạn.

Tác dụng của trì danh niệm Phật là cần phải đem tâm ta và tâm Phật họp nhất, đến mức chí thành, yên tĩnh, chân không, vắng lặng, cùng Phật tâm tâm nhiếp với nhau, tâm ta và tâm Phật trọn vẹn một thể. Tự nhiên có những cảnh giới bất khả tư nghì. Nếu tâm ta mờ mịt tán loạn, nguyện đã mất đi sức lực vốn có của bản tâm, làm sao có được những cảnh giới ấy xuất hiện.

Ví dụ như một giọt nước rơi vào trong đất thì chẳng làm được gì, nếu rời đất mà vào biển thì nước cả biển cùng với giọt nước này hòa thành một thể, lực đó rất lớn bất khả tư nghì.

Giọt nước dụ cái tâm, đất dụ cho sáu căn, sáu trần và sáu thức (6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. 6 trần: sắc, tiếng, mùi, vị, va chạm, pháp. 6 thức: là sự cảm giác của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). Nhiếp giữ các căn, xa rời các trần, vượt thoát các thức, tức chung thông với tâm Phật, chứng với tâm Phật, thành là một thể. Sức oai thần đó cũng là bất khả tư nghì.

Trì danh niệm Phật tuy dễ dàng, một phương pháp tu hành nhẹ nhàng thoải mái; Song khó ở chỗ là không có tín tâm, nguyện tâm, hằng tâm đối với Đức Di Đà, chỉ muốn sinh về thế giới Cực Lạc phương tây! Niệm Phật kiểu làm theo lệ, có thể qua loa thì qua loa, có thể bày biện thì bày biện, tùy tiện không chuyên tâm, qua được cho qua, thế thì không có chút gì ở tại tâm ý.

Trì danh niệm Phật, nên cần phải trong lúc niệm chuyên chú vào một cảnh, không nghĩ tưởng việc khác, tất cả đều buông bỏ, nên nhất tâm niệm Phật, hễ nghĩ là Phật, tưởng cũng là Phật, đến lúc công phu thuần thục, rỗng rang tự nhiên rơi rụng câu niệm Phật, chứng nhập vào cảnh giới “vô niệm” mà không niệm nào chẳng niệm. Công phu đến đây niệm Phật mới là đạt đến phương pháp, cảm ứng với đạo, thấy được sức công hiệu tốt đẹp.