Home > Khai Thị Niệm Phật
Phương Pháp Tu Để Được Vãng Sinh Cực Lạc Quốc Hay Trở Về Với Chân Tâm Bản Tính Của Mình
Minh Đức Thanh Lương


* Pháp môn Tịnh độ có bốn lối trì danh gọi là Tứ Hạnh, tuỳ căn cơ sở thích của người tu lựa chọn.

1. Niệm danh hiệu Phật A Di Đà (không cần tụng kinh trì chú hay quán tưởng của Tịnh độ tông thuần tuý).

2. Niệm Phật A Di Đà kiêm tham Thiền, quán tưởng Phật cùng cảnh Cực lạc Tây phương của Thiền Tịnh song tu.

3. Niệm Phật A Di Đà (là chính) và tụng kinh A Di Đà, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kim Cương, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, hoặc các phẩm Phổ Môn, Phổ Hiền hạnh nguyện (là phụ) của Giáo Tịnh song tu.

4. Niệm Phật A Di Đà (là chính) và Trì Chú Đại Bi, Vãng sinh, Chuẩn Đề, Lục Tự Đại Minh chân ngôn (là phụ) của Mật Tịnh song tu.

Dưới đây tôi chỉ xin đề cập đến hai lối tu Niệm Phật thuần tuý và Thiền Tịnh song tu mà thôi. Căn bản của pháp môn Tịnh độ để được Vãng sinh Cực lạc quốc, hay được trở về với Chân Tâm, bản tính của mình dựa trên phương pháp niệm hồng danh Phật A Di Đà và quán tưởng Phật với cõi Cực lạc Tây phương tới mức nhất tâm bất loạn.

Phật dạy : “Muốn được tiếp dẫn về miền Cực lạc phải niệm danh hiệu Phật A Di Đà từ 1 đến 7 ngày lên tiếp và luôn luôn tưởng nhớ tới Phật A Di Đà. Phật thương chúng sinh như mẹ hiền thương con thơ dại, nếu con không nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì lòng mẹ nhớ thương con cũng thành vô ích. Với lòng đại bi, Phật thương nhớ chúng sinh, nhưng chúng sinh cũng phải nhớ tưởng tới Phật A Di Đà và mong cầu tha thiết được về quốc độ của Ngài, như hai mẹ con xa nhau lâu ngày cùng mong được tái ngộ. Đạo cảm ứng giao thông mới tạo được mối giao cảm, bằng không thì khó có được sự tiếp dẫn mầu nhiệm. Để đạt tới sự cảm thông ấy, thì người tu Tịnh độ, ngoài việc niệm danh hiệu Phật, còn cần phải tưởng nhớ tới Phật cho nên trong pháp môn Tịnh độ, ngoài lối trì danh hiệu Phật theo Sự Tướng, người tu còn quán tưởng Phật và cõi Tịnh độ Tây phương theo Lý trì danh hay lối Thiền Tịnh song tu.

* Trong đạo Phật, Thiền tông hướng về Trí, còn Tịnh độ tông lại hướng về Bi. Trí mà thiếu Bi thì cái Trí ấy khô cạn. Bi mà thiếu Trí là cái Bi mù quáng. Trong cuộc sống phải có đủ cả Trí lẫn Bi, dung hợp hài hoà, với mong tạo được hạnh phúc và giải thoát cho toàn thể sinh linh. Vì thế mà Thiền Tịnh song tu được coi là phương pháp lý tưởng của người tu để đạt tới đích : “Thượng cầu Bồ đề, hạ hoá chúng sinh” bằng con đường Lục độ và Tứ Vô lượng tâm của đạo Bồ tát.

Để ca tụng đường lối của Thiền Tịnh song tu, Tổ Vĩnh Minh Diên Thọ của Liên Tông có bài kệ như sau :

Không Thiền tông, có Tịnh độ,
Vạn người tu, vạn người đỗ.
Thấy được Phật A Di Đà
Còn lo gì chẳng khai ngộ ?
Có Thiền tông, khôngTịnh độ,
Mười người tu, chín ngại khó.
Đến khi ấm cảnh bày ra
Nhắm mắt lại, nghiệp liền thọ.
Không Thiền tông, không Tịnh độ,
Chịu giường sắt, cột đồng đỏ.
Tu muôn kiếp với ngàn đời
Chẳng tìm được nơi nương tựa.
Có Thiền tông, có Tịnh độ,
Như thêm sừng cho mãnh hổ.
Đời hiện tại làm thầy người
Kiếp vị lai làm Phật Tổ.

Mục 7 : Phương pháp tu của phái Tịnh độ thuần tuý.

* Niệm Phật thì Tâm được tĩnh lặng, buông xả mọi tạp tưởng, cũng như ly nước đục, muốn cho trong cần để yên lặng cho cặn nhơ từ từ lắng xuống. Trong khi niệm thì danh hiệu Phật phát xuất từ tâm thành tiếng ở miệng, tai nghe, tiếng lại trở về tâm. Tâm tưởng, miệng niệm, tiếng đậu ở tai, rồi lại trở về tâm phát xuất, cứ tuần tự diễn biến như thế, thì mọi tạp niệm đều chấm dứt. Muốn đạt tới cảnh “nhất tâm bất loạn” thì không có cách nào mới lạ cả chỉ cần một lòng tin kiên cố, rồi tập trung tâm lực toàn diện vào việc niệm danh hiệu Phật. Phải niệm sao cho tiếng niệm nọ tiếp nối với tiếng niệm kia không có kẻ hở. Việc tập trung tâm thức vào câu niệm Phật làm cho danh hiệu Phật trở thành một loại Thần chú (Dharani) có năng lực đưa hành giả tới điểm nhất tâm. Với niệm Phật chỉ cần một cái tâm chất phác, đơn thuần. Tin sâu, Nguyện thiết và Hành trì tinh tấn là đủ. Lâu ngày niệm lực càng mạnh sẽ tới được điểm nhất tâm bất loạn. đó là trạng thái ly Không Thời gian, xả bỏ tri thức một cách tuyệt đối, khiến không còn thụ cảm ký ức, khái niệm về thiện ác, sướng khổ, có không, Niết bàn, địa ngục, giác ngộ, mê mờ… gì cả. Lúc đó thì tâm dứt bỏ được vọng tưởng trở thành vô tâm, và thực hiện được cái Tâm hư, Vô trụ, Vô đắc, Vô cầu, Vô công, Vô danh…

* Khi còn sơ cơ, hành giả cần phải dùng xâu chuỗi và niệm thành tiếng rõ ràng, và ấn định thời khoá biểu hàng ngày để nhớ rõ câu niệm, lấy đó làm tiêu chuẩn, tiếp lên mãi mãi. Hành trì như vậy một thời gian cho quen, lâu ngày niệm lực thuần thục, hoá thành cảnh niệm mà không niệm, không niệm mà vẫn niệm. Tới được thói quen đó rồi thì không cần ghi số câu niệm cũng được và như thế thì lúc nào tâm cũng ở trong chính niệm, các vọng niệm không còn quấy phá mình nữa. Tâm lúc đó ở vào trạng thái “nhất niệm tam muội” hay “nhất tâm bất loạn”. Nếu lúc đầu đã vội đốt giai đoạn, không chịu qua cầu trước tướng, đòi được viên dung tự tại ngay trong khi vọng thức còn đương sôi nổi thì làm sao có được chính niệm ? Muốn đạt tới “nhất tâm bất loạn” bằng phương pháp trì danh hiệu Phật có thể niệm rõ ràng thành tiếng hay niệm thầm trong bụng bốn chữ A Di Đà Phật, hoặc thêm hai chữ “Nam mô” thành sáu chữ. Trì bốn chữ có lợi là dễ nhập tâm và niệm được nhiều câu. Trì sáu chữ có lợi là phát tâm thành kính và cảm ứng đạo giao dễ thành tựu. Có người chủ trương nên dùng tâm niệm thay cho khẩu niệm vì niệm lâu dễ mỏi. Không ai có thể niệm thành tiếng suốt đêm ngày dù chỉ là niệm nhỏ tiếng. Bởi vậy, nếu không niệm to tiếng để buộc tâm viên ý mã không cho nó được tự do rong ruổi trong buổi sơ cơ thì dùng lối Tâm niệm quả là dễ đạt tới điểm nhất tâm bất loạn, bởi lẽ với Tâm niệm, hành giả nhiếp được tâm trong chính niệm. Niệm niệm Phật không dứt thì xua đuổi được tạp niệm, dễ đạt tới Niệm - Vô niệm, Vô niệm - Niệm, tức là luôn luôn ở trong chính niệm vậy.

* Niệm Phật theo sự Tướng (hay Tịnh độ thuần tuý) chủ trương dựa vào niềm tin hơn là luận giả. Tín là chính yếu và Nguyện là phụ thuộc. Trên thực tế, đối với người sơ cơ cần phải có Nguyện và Hành để bồi đắp cho đức Tin thêm vững bền. Tin là nguyên lý của trường phái Tịnh độ tông và Mật tông và cũng là lập trường của Tổ Từ Mẫn Tuệ Nhật của Liên tông đời Đường bên Trung Quốc. Có vững tin mới đưa tới trạng thái nhất tâm bất loạn và như thế thì mới đạt tới kết quả của công phu niệm Phật như sau :

Xét ra niệm Phật dễ mà không.
Khẩu ý buông lung giữ chẳng đồng.
Miệng niệm Di Đà, tâm tán loạn.
Dù cho khán cổ vẫn hoài công.

* Niệm Phật chân chính phải là niệm với tinh thần “tam luân không tịch” nghĩa là không còn năng và sở niệm, nhân và quả niêm, Ngã và Pháp niệm nữa.

* Để thức tỉnh những ai niệm Phật đừng rơi vào vọng niệm, và có được tinh thần “tam luân không tịch” nói trên, chư Tổ đã dùng câu thoại đầu : “Người niệm Phật là ai ?” làm cho hành giả phải giật mình tỉnh ngộ và thốt lên rằng : “Ủa ! Không phải là tôi niệm, mà là ma chướng nào đã nhập vào tôi để niệm rồi !” . Bấy lâu nay mình vẫn chủ trương diệt Ngã và biết rõ là không có người niệm (Vô ngã) sao nay lại còn mê muội chấp là có người niệm ? Bởi vì cái mớ ngũ uẩn và phương tiện để tu hành đều do nhân duyên gọi là kết tụ mà thành, đâu phải là thật có bền lâu không hề biến đổi ? Cái Tôichân chính (Chân ngã) vốn xưa nay bất động không hề niệm, vậy thì ai niệm đây ? “Người niệm”là ai ? và ai sẽ được về Tây phương Cực lạc ? Xét cho kỹ, nghĩ cho cùng thì chính cái Giả ngã hay cái nhóm ngũ uẩn giả hợp nó vọng niệm, chứ đâu phải là Tôihay cái Chân ngã niệm ? Niệm tức là động, động thì tức quai, không còn là chân nữa. Nói cách khác thì chính cái “Tác ý” phát minh ra nguyện lực thiết tha mong cầu được về Tây phương Cực lạc đã kết duyên với Tín Tâm tạo thành động lực thúc đẩy làm công việc niệm Phật, lại nhờ những trợ duyên là Tinh tiến, Tự lực và Tha lực tạo thành cái nhân duyênhay người niệm,đưa tới trạng thái thanh tịnh của tâm là cái quảhay kẻ thụ hưởngcảnh vui Niết bàn. Ngoài Tác ývà Thọlà hai yếu tố tinh thần trong nhóm năm Tâm Sở biến hành (là Tác ý, Xúc, Thọ, Tưởng, Tư) hoặc Thức và Thọ là hai yếu tố tinh thần trong nhóm ngũ uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) một gây nhân, một hưởng quả, ngoài ra không tìm thấy bóng dáng người niệm Phật và kẻ được về Cực lạc Tây phương. Hai yếu tố đó chỉ là những huyễn ảnh do tâm con người tạo ra mà thôi. Sở dĩ phải có những cái huyễn đó thì mới đạt được tới cảnh giới Niết bàn Tịnh độ, hay trở về với chân tâm bản tính của mình vốn là Tâm Phật. Song những thứ này vẫn là những huyễn pháp ở bậc cao hơn mà thôi ; bởi vì không có thực pháp nào làm nhân để tu hành, cũng không có thực pháp nào làm quả để chứng ngộ cả, chỉ vì chúng sinh đã có sẵn đầy đủ trong tâm mình hạt giống Bồ đề từ vô thuỷ. Ta với Phật đếu có giác tính như nhau.

Ta chỉ khác Phật ở chỗ cam tâm sống mãi trong mê mờ tối tăm mà không chịu thắp sáng ngọn đèn lòng hay tri kiến của mình để nhìn thấy chân lý mà thôi. Người ngộ đạo phải niệm Phật với tinh thần phá ngã, phá pháp, triệt để như vậy mới đúng với câu : “Tu như huyễn pháp, hành như huyễn sự”.

* Cũng như cống án Thiền : “Ai là người niệm Phật” thì chữ Ai (chỉ vọng ngã, vọng thức hay chúng sinh khi còn mê) tức Tác ýhay Thứclà nhânđể tu hành, và chữ Phật(chỉ Chân Tâm, Chân Ngã hay chúng sinh khi đã giác ngộ) là Thọhay Quảcủa công việc tu hành. Từ mê đến ngộ là quãng đường hành trì để phá vô minh vọng thức, triệt để phá chấp ngã và chấp pháp, để mong chứng được “đệ nhất nghĩa Không” hay thấy được Chân Tâm, Phật tính của mình. Khi còn là chúng sinh mê muội thì Ai niệmPhật chưa phải là Phật. Lúc đã ngộ rồi thì Ai tức Phật, và Phật tức Ai. Nếu còn phân biệt Ai và Phật là hai đối tượng năng sở, chủ khách, nhân quả, khác nhau thì còn chưa hiểu được lẽ “Tức Tâm tức Phật”, “Chúng sinh tức Phật, phiền não tức Bồ đề”, “Ta bà tức Phật độ” và “Phật vốn là tâm luống phải tầm”, và như vậy là còn giữ nguyên ranh giới giữa Tâm và Cảnh, Kiến phần và Tướng phần, chưa thực sự diệt được Ngã và Pháp, chưa thực hiện được cái lý “Tương tức, Tương nhập”, “trùng trùng duyên khởi”, hay cái “lý Bất Nhị”, “Chân Không Diệu Hữu”, và “Sự Sự nhất thiết vô ngại”.

Sau đây là bài thơ để hiển bày cái lý thâm sâu đó :

Đừng tìm Cực lạc với Di Đà.
Tịnh độ, Ta bà vốn ở ta.
Giác tính không phân chia cao thấp.
Hương trầm chẳng ngại toả gần xa.
Trăng Thu sáng tỏ trời cao rộng.
Gió Hạ giải nồng khắp mọi nhà.
Tịnh, nhiễm xưa nay đồng một thể
Giác, mê vốn dĩ chẳng hai mà.

Trên căn bản thì tâm bất động. Động là hiện tượng khách trần. Do một niệm khởi mà chân tâm vốn bất động, bỗng trở thành Vọng thức, sinh ra đủ thứ quả báo tốt xấu. Mọi niệm tưởng đều nằm trong không gian và thời gian, cho nên khi nào vượt được ra ngoài khuôn khổ của Không - thời gian, giới hạn tự do của con người mới được giải thoát và thấy được Chân Tâm là một phương pháp thần diệu để phá không gian và thời gian, diệt trừ vọng niệm đã buộc chặt con người vào khuôn khổ chật hẹp đó, vì khi niệm Phật tới giai đoạn “nhất tâm bất loạn” thì ta quên cả Phương lẫn Thời, quên mọi sự vật, bặt mọi tư duy, phá được ngã lẫn pháp để chỉ còn nhớ là mình đang ở trong chính niệm, hay ở trạng thái chánh định của chân tâm. Niệm Phật tam muội hay Bảo vương tam muội thì diệt được vô lượng tội chướng và chúng sinh tính, tăng trưởng được vô biên phúc tuệ và vô lượng công đức.

* Trong khi niệm Phật, đối với người sơ cơ, vọng tưởng thi nhau đến quấy phá. Lúc đó phải niệm Phật thành tiếng rõ ràng và dùng xâu chuỗi để đếm số câu niệm Phật cho khỏi quên cốt để buộc chặt tâm mình lại cho nó khỏi rong ruổi, cũng như kẻ chăn bò phải dùng đoạn dây thừng xỏ mũi bò mới điều khiển nổi con vật còn hung hăng. Cũng có thể chẳng cần quan tâm để ý đến những vọng niệm, coi chúng như khách vãng lai đến rồi đi, còn cái tâm chủ nhà thì vẫn ở lại để coi nhà. Lối nào cũng chỉ nhắm vào mục tiêu đưa tới định tâm và khi đã niệm quen rồi thì dùng lối tâm niệm, thay cho khẩu niệm là tốt hơn hết.

Phương pháp niệm Phật có nhiều lối :

1.- Phản văn trì danhlà lối miệng niệm, tai nghe, tâm điều khiển từng tiếng và bắt kịp những tưởng đó. Tư tưởng và âm thanh dung hợp nhau. Cách niệm này khiến hành giả dễ gạn lọc được vọng niệm và mau đạt được tâm thanh tịnh.

2.- Sổ châu trì danhlà lối miệng niệm Phật, tay lần tràng hạt. Với lối này, niệm lực được mạnh nhờ sự phù trợ của xâu chuỗi, cũng ví như người leo núi, lúc đầu chưa quen, phải dùng cây gậy để chống đỡ thì leo dốc mới dễ dàng, đỡ mỏi và khỏi trượt chân. Với cách này thì tiếng niệm phải rõ ràng và nhớ rõ số câu niệm của mỗi thời, tiến lên mãi mãi, nhờ vậy mà chữa được bệnh giải đãi, đạt tới định tâm. Niệm như vậy lâu ngày thành thói quen sau không cần ghi số câu niệm mà tâm lúc nào cũng ở trong chính niệm.

3.- Ký thập trì danh là niệm mà đếm số câu, cứ 10 niệm là một đơn vị, lại lần một hạt ở xâu chuỗi. Với lối này phải nhớ số câu niệm, nếu không sẽ đếm sai và như vậy thì tâm chưa định. Phương pháp này buộc hành giả phải chuyên tâm vào công phu niệm Phật, kết quả tốt cho người mang tâm vọng động.

4.- Tuỳ tức trì danhlà niệm thầm không ra tiếng, lúc niệm nương vào hơi thở, mỗi hơi thở, không cứ được bao nhiêu câu cũng coi là một niệm, và khi đếm mười hơi thở thì gọi là Thập niệm. Cách niệm này do Từ Vân Đại sư chế ra, căn cứ vào Kinh Quán Vô Lượng Thọ để giúp những người đa đoan công việc, với dụng ý dùng hơi thở để nhiếp tâm. Đủ 10 hơi thở hay 10 niệm là làm tròn công phu một buổi niệm Phật, rất tiện cho những người bận công việc mà vẫn nhiếp được tâm bằng lối niệm Phật.

5.- Truy đỉnh trì danhlà lối niệm Phật mà không để một kẻ hở, niệm nọ niệm kia tiếp nối nhau như hạt mưa sa, nhờ vậy mà tâm của hành giả dễ định vì oai lực của câu niệm buộc vọng niệm phải lắng xuống cho tâm trở nên thanh tịnh.

6.- Lễ bái trì danh là lối vừa niệm vừa lễ Phật. Lễ Phật nhẹ nhàng, chậm rãi, đúng oai nghi. Lời niệm phải rõ ràng, rành rẽ, đi đôi với việc lễ bái. Trong khi đó thì ý cũng phải thành khẩn, thiết tha. Ba căn thân, khẩu, ý phối hợp với nhau chặt chẽ và tập trung vào một mối. Phương pháp này trị được bệnh hôn trầm nhưng chỉ những người cường tráng, sức lực gân cốt có thừa mới áp dụng được bởi lẽ lễ lâu dễ mỏi, người yếu sức khó lòng đương nổi.

7.- Kim cương trì danh là lối niệm chỉ hơi động môi đôi chút, niệm nhanh như cây truỳ bằng kim cương liên tiếp giáng xuống như cái máy. Điểm quan trọng là dù niệm thầm nhưng vẫn không hề rối loạn, lời niệm vẫn phải gắn bó với tâm niệm. Với lối này lâu ngày thành thói quen, sức niệm càng mau, càng nhiều, sớm đạt tới điểm nhất tâm bất loạn. Khi nào sức dồn chứa những chủng tử Phật đã nhiều thì bất cứ lúc nào, dù thức hay ngủ, câu niệm Phật cũng từ tạng thức của hành giả hiện hành phát ra. Để có thể niệm được nhiều câu và đỡ mỏi. Hoà Thượng Đào Nguyên khuyên nên :

1. Ngồi mà niệm, trừ phi đau yếu mệt mỏi quá phải nằm để niệm là điều bất đắc dĩ.

2. Niệm bốn chữ “A Di Đà Phật” hay ba chữ “Nam mô Phật”, thay vì sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật” để niệm được nhiều câu trong cùng một thời gian.

3. Dùng xâu chuỗi nhẹ, hạt vừa phải.

4. Trong khi niệm phải gác bỏ mọi việc trần gian ra ngoài để tâm khỏi tán loạn.

* Lục Tổ Huệ Năng nói :

Vô niệm, niệm mới chánh,

Hữu niệm, niệm thành tà.

Ta phải hiểu nghĩa chữ Vô niệm ở đây như thế nào mới đúng ? Vô niệm tức là vô tà niệm, vô dục niệm, chứ không phải là vô chính niệm. Trong khi niệm, hành giả không được tưởng tới bất cứ điều gì ngoài Phật A Di Đà, và cõi Tây phương Cực lạc. Người niệm phải luôn luôn nhớ tới Giác đức của Phật, tưởng tới 48 lời nguyện của Ngài và suy xét tường tận ý nghĩa 10 danh hiệu Phật. Có hiểu tường tận về Phật mới làm tăng trưởng đức tin của mình và quý trọng Ngài hơn, đúng như câu nói của một nhà nghiên cứu về Phật giáo người nước Anh bình luận về Đức Phật.

The more I know Him
The more I love Him
The more I love Him
The more I know Him

(Càng hiểu Phật, tôi càng kính yêu Ngài, càng kính yêu Ngài, tôi càng hiểu rõ Ngài thêm).

* Người Phật tử tu tịnh nghiệp, trong bốn oai nghi, lúc nào cũng ý thức được sáng suốt công việc mình đang làm là niệm Phật không ngừng.

Tổ Hụê Năng nói : “Chẳng phải Vô niệm là không niệm mà là thường xuyên lúc nào cũng niệm Phật với tâm vô nhiễm và diệt hết các niệm tưởng đối đầu : Năng Sở, Có Không… đó gọi là “Vô niệm”. Muôn niệm tan vào nơi không niệm, mà trong vô niệm, Niệm hằng sa”. Tổ Huệ Năng lấy Vô niệm làm tôn chỉ vì Ngài cho rằng : Người đời miệng nói Kiến tính mà vẫn vọng động thì Kiến tính sao được ? Có giới dục, khử tà, thì tâm mới định hay ở trong chính niệm và như thế mới Kiến tính được. Danh từ Vô sih hay Bất sinh cũng vậy, phải hiểu theo nghĩa tương tự. Vô sinh nghĩa là chỉ cần sinh một lần chót, về thế giới Cực lạc Tây phương nữa mà thôi, không cần phải đoạ lạc mãi trong sáu ngã luân hồi nữa. Các hiện tượng tuy có sinh diệt, nhưng tướng sinh diệt đó là giả. Các hiện tượng giả sinh, giả diệt nên gọi là Vô sinh, Vô diệt hay Bất sinh, Bất diệt. Nếu cho rằng Vô niệm là Không niệm, Vô sinh là Không sinh thì chẳng hoá ra lại rơi vào hư vô chủ nghĩa, và như vậy là muốn tránh chấp Có lại lạc vào chấp Không sao ? Bởi vậy Lục Tổ Hụê Năng lại phải bổ túc thêm hai câu nữa :

Có không đều chẳng tưởng
Mới ngự xa bạch ngưu.
Một vị cao tăng có để lại cho hậu thế bài thơ dưới đây :
Có niệm, đồng không niệm
Không sinh tức là sinh,
Chẳng phải rời nửa bước
Thân tới Pháp vương thành

Thời nay hiếm thấy người tu tịnh nghiệp mà có được tác phong niệm Phật đạt tới trình độ “Niệm - Vô niệm, Vô niệm - Niệm” như các bậc thượng căn thuở xưa. Thời nay chỉ cần tin sâu, nguyện thiết và tinh tấn niệm Phật đã là quý lắm rồi, vì nếu tạo được thói quen siêng năng niệm Phật thì giờ phút lâm chung ta đã tạo được cảnh thanh lương tự tại để được chung sống với các vị Hiền Thánh, còn lo gì đến vấn đề Hữu niệm lẫn Vô niệm nữa ? Nếu chẳng biết lượng sức mình mà cứ muốn đạt ngay tới điểm Vô niệm từ ban đầu rồi chẳng làm nổi, lại sinh tâm phiền não, chán nản, thực đáng thương.

Mục 8 : Phương pháp niệm Phật của phái Thiền Tịnh song tu.

Người theo phái Thiền Tịnh song tu có nhiều lối quán tưởng đi đôi với việc trì danh hiệu Phật A Di Đà, đại để như :

1.- Thực tướng niệm Phật tức quán Pháp thân Phật A Di Đà bao trùm cả hư không bao la, kết quả mau chứng được Chân Như thực tướng hay Lý Chân Không Diệu Hữu, hoặc Chân Tâm thanh tịnh của mình. Phương pháp này của Thiền tông nhưng đối tượng quán tưởng lại là Phật A Di Đà nên cũng thuộc về tông Tịnh độ. Pháp quán này do các bậc thượng căn sử dụng nên trong Tịnh độ thuần tuý hàng hạ căn ít khi dùng đến.

2.- Quán tưởng niệm Phật là quán Chính bào và Y báo tức quán thân mình và cuộc sống trong cảnh Cực lạc Tây phương. Phương pháp này được Phật Thích Ca dạy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ. Nếu quán tưởng thành thục thì bất cứ lúc nào hành giả cũng thấy mình như được sống trong thế giới Cực lạc, kinh hành dạo chơi cùng với các vị Đại Bồ tát, được nghe các loài chim hót lên lời kinh tiếng kệ du dương, lại được học hỏi chính pháp Đại thừa cùng các vị “nhất sinh bổ xứ”. Công đức của pháp quán này lớn lao vô cùng, nhưng ít người theo được vì sự quán tưởng khó hành trì đối với người căn cơ thấp kém, chỉ những bậc Thiền sư quen ngồi Thiền định mới áp dụng được mà thôi.

3.- Quán tượng niệm Phật là chăm chú nhìn vào một bức tranh hay một pho tượng Phật A Di Đà bày trước mặt, quan sát vẻ đẹp trang nghiêm của Phật từng chi tiết, cho đến khi không có ảnh tượng Phật A Di Đà trước mặt mà lúc nào cũng thấy Phật với đầy đủ tướng tốt, trang nghiêm. Từ quán tượng niệm Phật đến “Nhất tâm bất loạn”, hành giả cảm thông được với Phật, và hình tướng giả của Phật biến thành Thực Tướng của Phật chói rạng sáng ngời trong tâm của hành giả, bởi vì năng lực tinh thần và vật chất, hay Tâm và Vật chỉ là một, tượng Phật là cảnh mà Quán niệm là Tâm. Khi đã hiểu rõ lý Nhất như rồi thì sự cảm thông giữa hình tượng giả bên ngoài biến thành Thực Tướng của Phật trong tâm hành giả là một sự kiện đương nhiên xảy ra.

4.- Quán chiếu hay Giác chiếu trì danh là lối niệm Phật hồi quang phản bản, khiến cho hành giả đi sâu vào cõi hư linh siêu thoát, cảm thấy tâm Phật với tâm mình giao hoà và ngưng đọng trong một khối mông mênh viên chiếu. Niệm như vậy tuy chưa mãn phần ở thế gian này nhưng tâm đã chứng được cảnh Thường tịch quang Tịnh độ, thân tuy còn là xác phàm, mà lòng đã ngự ở nơi Liên Đài siêu thoát, và chứng được “Tức thân thành Phật” đúng như câu :

Thân tuy còn ở Ta bà
Mà lòng đã gửi bên toà Liên hoa.

Chỉ tiếc rằng lối tu này đòi hỏi phải có công phu tu tập lâu ngày khó khăn, kết hợp Tịnh và Thiền ở mức cao độ, dành riêng cho hàng thượng căn, bậc sơ cơ thiểu học, ít người dám nghĩ tới.

5.- Liên Hoa trì danhlà tưởng như mình đang đứng trước màn lưới đế châu tại cung Trời Đế Thích, thấy giữa mỗi mắt lưới có đính một viên minh châu toả hào quang sáng ngời, hạt nọ hạt kia chiếu vào nhau, ánh phản xạ tạo thành một khối lung linh rực rỡ, nói lên cái lý “trùng trùng duyên khởi”, “một là tất cả, tất cả là một” và “tương tức, tương nhập”, “Sự sự vô ngại” của Kinh Hoa Nghiêm. Lại thấy như mình đang đứng trước mỗi hạt châu, mà trên mỗi hạt châu lại có một toà sen ngàn cánh, trên mỗi cánh sen có một tượng Phật A Di Đà toả ánh linh quang ngời sáng. Lại tưởng như mình đang hành lễ chiêm ngưỡng và nguyện cầu hằng hà sa số Phật trong khắp đạo tràng này, tưởng mình như được tắm gội trong bầu hào quang huyền diệu, nhiệm mầu ấy của Phật Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Công Đức.

Nói chung thì các lối trì danh và quán tưởng kể trên mỗi lối có một công dụng trị bệnh cho hành giả để diệt trừ vọng niệm, trở về với Chân Tâm, cách nào cũng có lợi ích cả, tùy căn cơ của từng người lựa chọn để đi sâu vào con đường Tịnh nghiệp. Tất cả những lối niệm Phật mà miệng niệm, tâm tưởng tới Phật được gọi là Định Tâm niệm Phật. Trái lại, miệng tuy niệm Phật mà tâm lại nghĩ tưởng tới đâu đâu, gọi là Tán Tâm niệm Phật, kết quả so với nhau, cách xa nhau như trời vực. Tuy nhiên, dù là Tán Tâm nhưng vẫn gieo được vào Tạng thức của hành giả những mầm giống Bồ đề, lúc đầu còn lu mờ, lâu ngày thành rõ nét, rồi cũng có lúc hiện hành ra ngoài rồi huân tập trở lại bên trong làm cho Tán Tâm hoá thành Định Tâm niệm Phật. Bởi vậy, dù lúc đầu chưa quen lối định tâm, nhưng nếu cứ kiên tâm niệm Phật thì lâu ngày, với thói quen niệm Phật cũng đạt tới điểm nhất tâm bất loạn, chỉ sợ lòng người giải đãi bất chuyên mà thôi.

Để giải thích cho hàng sơ cư cách niệm Phật sao cho đạt tới điểm nhất tâm bất loạn, Tổ Vĩnh Minh Diên Thọ dạy rằng : “Phải dùng tâm thành kính mà niệm Phật liên tục, lúc nào cũng giữ tâm ở trong chính niệm, cũng như người bị tử tội sắp đem đi hành hình, hay người bị mắc nạn nước lửa bức bách, ở trong cảnh thập tử nhất sinh, hoặc người bị giặc cướp hay ác thú rượt đuổi gấp sau lưng, phải lớn tiếng cầu cứu luôn miệng để gọi người tới cứu mình mới mong thoát nạn, người tu Tịnh độ phải coi việc niệm Phật gắn liền với tính mạng của mình, không được lãng quên giây phút nào cả, dù phải bận công việc, khi làm xong, lại trở về ngay với việc niệm Phật, coi đó là công việc hệ trọng hàng đầu, còn mọi việc khác đều không đáng kể. Người tu Tịnh độ phải nương vào hơi thở của mình mà niệm cho tới lúc nhắm mắt, tắt hơi, còn hơi thở là còn niệm, như vậy mới gọi là tâm chí thành, chí thiết, và mới mong được Phật A Di Đà phóng quang tiếp dẫn về quốc độ của Ngài.

- Về mặt Sự Tướng, do công phu niệm Phật A Di Đà tới nhất tâm bất loạn, hành giả chắc chắn sẽ được đời nghiệp vãng sinh.

- Về Lý tính cho rằng thế giới Cực lạc ở ngay trong tâm mình, chỉ cần Kiến tính là thành Phật. Hai điểm ấy chẳng khác nhau, chẳng qua chỉ là hai lối diễn tả để chỉ một cái đích chung là được giác ngộ, giải thoát khỏi cảnh khổ đau trong tam giới mà thôi.

* Một điểm đáng lưu ý là : Niệm Phật cho tới nhất tâm bất loạn là muốn ám chỉ tời việc niệm Phật trong giờ phút lâm chung, cần phải định tâm, dồn hết tâm lực vào việc niệm Phật trong thời điểm quan trọng đó. Bởi vì khi sắp lìa trần cần phải có những tư tưởng tốt lành, trong sáng để có được một nghiệp lực tốt, ảnh hưởng quyết định mạnh mẽ tới kiếp lai sinh. Chỉ cần có từ 1 đến 10 niệm trong sạch lúc bấy giờ cũng đủ để được vãng sinh về cõi Tây phương Cực lạc. Nhưng muốn được “nhất tâm bất loạn” khi lâm chung thì bình nhật phải niệm Phật cho chuyên, cho thuần để có được thói quen niệm Phật, và có được nhiều chủng tử Phật dồn chứa trong A lại da thức, ngõ hầu khi sắp lìa trần, hành giả vừa mới khởi niệm thì chủng tử Phật liền hiện hành ngay. Lúc đó dù không cần tâm vô niệm, mà cảnh vô niệm cũng hiện bày. Trái lại, nếu bình nhật chẳng năng niệm Phật thành thói quen, thì khi lâm chung sẽ bị cận tử nghiệp lôi cuốn, tâm thức tuỳ theo nghiệp rối loạn, chính niệm chẳng thành tựu thì mong gì có được nhất tâm ? Trong giây phút lâm chung, năm căn của người hấp hối như năm cánh cửa khép kín, duy còn căn thứ sáu là Ý thức hoạt động yếu ớt để tiếp xúc với ngoại cảnh. Người đang hôn mê lúc bấy giờ ở vào tình trạng như người nhập định, hoặc người tu theo Duy Thức mà thu thúc lục căn, chính trong lúc ấy mà người sắp lìa trần tự lực hướng về cõi Phật, lại nhờ được Tha lực của những người chung quanh nhất tâm niệm Phật để trợ lực cho người ấy thì có thể gây được chính niệm để được Cận tử nghiệp hướng dẫn thần thức của người ấy về miền Cực lạc.

Bởi băn khoăn về vấn đề cần phải giữ cho tâm thanh tịnh lúc lâm chung để niệm Phật với nhất tâm bất loạn, Ngài Đại Ca Diếp đã hỏi Phật và được Phật giải đáp. Câu chuyện được ghi lại trong Luận Tà Trí như sau :

“Bạch Đức Thế Tôn ! Chẳng hay những lúc gặp tai biến bất ngờ như rủi bị ngựa xe cán chết ngay, hay bị voi điên đuổi gấp, ác thú rượt bắt, hoặc bị người đời đánh đập, bắn giết mà chết bất đắc kỳ tử, không kịp niệm Phật trước khi tắt thở thì thần thức con sẽ phải sinh về nơi đâu ?”

Để trấn an Ngài Đại Ca Diếp, Phật dạy rằng : “Ông cứ an tâm, chớ lo, không bị sinh vào ác đạo đâu mà sợ. Bởi vì như cây kia thường vẫn nghiêng về hướng Đông, nếu gặp gió bão, cây ấy bị trốc gốc thì nó phải ngã về hướng Đông mà đổ xuống. Người tu tịnh nghiệp cũng vậy. Nếu hàng ngày người đó chuyên cần niệm Phật A Di Đà chẳng may bị chết thình lình thì sẽ nhờ sức huân tập của ý thức niệm Phật, lâu ngày dồn nén trong Tạng thức mà được sinh về cõi Cực lạc Tây phương chẳng sai”.

Mục 9 : Kết quả công phu niệm Phật A Di Đà

Niệm Phật nhằm đạt cho được Phật tính nghĩa là có những đức Từ, Bi, Hỷ, Xả, Bình đẳng vô phân biệt giống như Phật vậy. Niệm Phật mà chẳng thực hiện được chút nào những hạnh cao cả đó, không thấy được Phật tính, Chân tâm của mình, còn bị thất tình lục dục chi phối thì chỉ là nô lệ cho việc niệm Phật mà thôi. Tuỳ theo công phu hành trì niệm Phật mà người tu Tịnh nghiệp, lúc sinh thời, có thể đạt được những đạo quả sau đây :

1. Đoạt người chẳng đoạt cảnh.
2. Đoạt cảnh chẳng đoạt người.
3. Người và cảnh đều đoạt
4. Người và cảnh đều chẳng đoạt.

Ba lớp tu này ám chỉ hai cảnh mê và ngộ khác nhau. Ba tầng trên : Tâm và Cảnh, hoặc cả Tâm lẫn Cảnh đều quên. Đến tầng chót (Tâm và Cảnh đều chẳng đoạt) tức là ở vào trạng thái sau khi Tâm và Cảnh đều không quên thì Chân Tâm, Giác tính mới hiển lộ rõ ràng, và hành giả ở vào trạng thái Chân Không tỏ bày Diệu Hữu. Cũng giống như Thiền sư sau nhiều năm tu tập đã vượt qua các giai đoạn thấy núi là núi, thấy sông là sông, sông khác với núi, rồi thấy núi chẳng phải là núi, thấy sông chẳng phải là sông, rồi tháy núi tức là sông, thấy sông tức là núi, và sau cùng trở về trạng thái “bình thường Tâm là Đạo”, thấy núi vẫn là núi, thấy sông vẫn là sông, đâu đâu cũng đều là đạo mầu cả. Núi đứng đó mặc núi, sông đứng đó mặc sông, núi và sông chẳng phải hiện diện để cho ta bàn luận về chúng, vì bàn luận, suy tư đều sai lầm cả. “Động niệm tác quai”, “ngôn ngữ tắc đạo đoạn”. Nói cách khác thì có ba trình độ chứng ngộ hợp với ba căn thượng, trung và hạ của những người tu.

1. Đối với hàng thượng căn thì Tâm là Phật, Tâm là cõi Tịnh độ. Tâm ở vào cảnh Vô niệm. Chủ thể niệm và đối tượng niệm không khác. Tâm, Cảnh đều thanh tịnh thì đó là Phật thân. Phật thân ấy với thân của hành giả là một theo lý Bất Nhị tịch nhiên thường tồn, siêu việt mọi tư duy nên gọi Thân Tâm ấy là Phật sống.

2. Đối với hàng trung căn, còn phải nhờ vào sự chuyên cần trì danh hiệu Phật để tâm thuần thục. Thiện niệm hiện hành thì ác niệm tiêu diệt. Dùng lối niệm Phật không dứt thì trừ được vọng niệm, và tâm thường trụ nơi chánh niệm. Được như vậy thì khi mệnh chung, hành giả đạt được cảnh Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

3. Đối với hàng hạ căn, miệng phải chuyên cần niệm Phật, tâm luôn luôn tưởng tới hình tượng Phật, sau khi mệnh chung tuỳ theo tâm dao động ít hay nhiều sẽ được sinh về cõi Đồng cư Tịnh độ dành cho phàm, Thánh cùng ở chung. Ở đây dễ tu vì tránh được nguy cơ làm cho tâm thoái chuyển. Chỉ cần được sinh về cõi này là được dự vào hàng Thánh, như vậy chẳng khác gì lối tu Đốn ngộ của Thiền tông.

- Người niệm Phật mà đạt được “Niệm - Vô niệm, Vô niệm - Niệm”, tức là trừ được Tư hoặc và Kiến hoặc, và sẽ được sinh về cõi Phương tiện Thánh cư độ, dành cho hàng Thanh văn, Duyên giác.

- Người niệm Phật mà ngộ được lý Nhất Tâm phá được vô minh từng phần, sẽ được sinh về cõi Thực báo trang nghiêm độ, dành cho hàng Bồ tát.

- Người niệm Phật mà phá được hết vô minh, vọng thức sẽ đựơc sinh về cõi Thường Tịch Quang Tịnh độ dành cho chư Phật.

- Niệm Phật mà tâm thanh tịnh hay đạt tới nhất tâm bất loạn thì phá được cả chấp ngã, chấp pháp chứng được Duy Tâm Tịnh độ.

- Người niệm Phật mà được vãng sinh về Cực lạc thế giới thì chứng được một trong chín phẩm hoa sen, (hạ, trung và thượng phẩm), mỗi phẩm có ba cấp (thượng, trung và hạ cấp) thuộc ba hạng căn cơ khác nhau (thượng, trung và hạ căn) cộng thành chín bậc.

 
Trích từ: Tịnh Độ Luận


Từ Ngữ Phật Học Trong: Phương Pháp Tu Để Được Vãng Sinh Cực Lạc Quốc Hay Trở Về Với Chân Tâm Bản Tính Của Mình

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Bồ Đề Chánh Đạo Bồ Tát Giới Luận, Đại Sư Thang Hương Danh | Hòa Thượng Thích Tịnh Nghiêm, Việt Dịch
2.    Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát | Cố Giáo Sư Cao Hữu Đính, Việt Dịch
3.    Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang | Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
4.    Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Hòa Thượng Thích Quảng Độ
5.    Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận, Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
6.    Đại Trí Độ Luận Tập 1, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
7.    Đại Trí Độ Luận Tập 2, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
8.    Đại Trí Độ Luận Tập 3, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
9.    Đại Trí Độ Luận Tập 5, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
10.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
11.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
12.    Luận Bảo Vương Tam Muội, Đại Sư Phi Tích | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
13.    Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
14.    Luận Đại Trượng Phu, Đề Bà La Bồ Tát | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, Việt Dịch
15.    Luận Khởi Tín Đại Thừa, Mã Minh Bồ Tát | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
16.    Luận Về Bốn Chân Lý, Pháp Sư Bà Tẩu Bạt Ma | Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
17.    Luận Về Con Đường Giải Thoát, Ngài Tam Tạng Già Bà La | Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
18.    Ngộ Tánh Luận, Bồ Đề Đạt Ma | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
19.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
20.    Phát Bồ Đề Tâm Kinh Luận, Hòa Thượng Thích Như Điển