Pháp duyên sanh đều là vô tự tánh, xin hỏi nên giải thích “vô tự tánh”... Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Xem: 991


Câu Hỏi

Pháp duyên sanh đều là vô tự tánh, xin hỏi nên giải thích “vô tự tánh” như thế nào? Vô tự tánh có phải ý nghĩa là tánh không chăng?

Trả Lời

Không sai, vô tự tánh đúng thật là tánh không. Vô tự tánh, bạn phải chú ý đến một chữ quan trọng trong đó chính là chữ “tự”, không phải nó không có tánh, mà nói nó là vô tự tánh, bạn phải hiểu đạo lý này. Tự là gì? Tự là phân biệt chấp trước, không có phân biệt chấp trước thì đó chính là chân tánh. Hết thảy pháp là tánh hiện thức biến, làm sao nó có thể không có tánh? Cho nên chữ “tánh” này gọi là pháp tánh, trong kinh giáo Đại Thừa gọi là pháp tánh. Hết thảy vật, hiện tượng đều có pháp tánh, không có pháp tánh thì không thể có hiện tượng. Nhưng không thể nói nó là tự tánh, tự tánh là gì? Đâu phải chỉ tánh này có mà tánh khác không giống nó, vậy thì sai rồi. Tánh này là cùng một tánh của hết thảy vạn vật.

Chúng tôi lại dùng một ví dụ để mọi người dễ hiểu một chút. Cổ Đức thường dùng vàng và đồ bằng vàng, vàng chính là tánh, đồ bằng vàng là vật, ví dụ chúng ta dùng vàng ròng để làm một cái vòng tay, làm một dây chuyền, làm ra rất nhiều đồ dùng khác nhau, bạn muốn hỏi tánh của những đồ dùng này, chính là thể của nó, là gì? Toàn là vàng. Bạn không thể nói dây chuyền này của tôi, vàng là tự tánh của dây chuyền này của tôi, đã là tự tánh của dây chuyền thì không thể làm thứ khác. Đây là tự tánh của ta, làm sao biến thành của người khác được? Cho nên đó là vô tự tánh, không phải là không có tánh, mấu chốt ở đây chính là chữ “tự”. Không có tự, không có tự là gì? Cùng một pháp tánh, đạo lý là ở chỗ này.

Cho nên nói “tánh không”, tánh có thể hiện tướng, bởi vì tánh không phải là tinh thần cũng không phải là vật chất. Hai chữ “tánh không” này, mấu chốt là ở chữ “không”, “không” chẳng phải là “vô”, chúng ta nói không là cái gì, cũng không có, không phải là ý nghĩa này. Không và có, nó có thể hiện. Vì sao nói nó là không? Bởi vì nó không phải là vật chất, mắt chúng ta nhìn không thấy, tai cũng không nghe được, sáu căn thảy đều chẳng tiếp xúc được, cho nên nói nó là không, là ý nghĩa này. Nếu nó biến thành tướng thì gọi là pháp tướng. Hết thảy vạn vật trong toàn thể vũ trụ được gọi chung là pháp tướng, hết thảy chúng ta, các loại chúng sanh đều là pháp tướng. Pháp tướng là do pháp tánh hiện ra. Tướng là thiên biến vạn hóa, đó là tác dụng sinh ra từ vọng tưởng phân biệt chấp trước. Vọng tượng phân biệt chấp trước gọi là thức, vọng tưởng là A lại da, chấp trước là mạt na, phân biệt là ý thức, ở trong Duy Thức đã nói rất rõ ràng, phân tích rất rõ ràng, những thứ này là năng biến.

Hết thảy vạn vật trong vũ trụ, trong Phật pháp nói, hiện tướng này chính là tướng phần của A lại da, trong khoa học hiện nay nói là vật chất. Vật chất là từ tánh hiển hiện. Thức sinh ra biến hóa, là sự việc như vậy. Đây là nói hiện tướng của vũ trụ, bất luận là đại vũ trụ hay là tiểu vũ trụ, đều không có ngoại lệ. Tiểu vũ trụ, Phật gọi là vi trần, ngày nay chúng ta nói là nguyên tử, điện tử, lạp tử, thậm chí hiện nay nói hạt quark càng nhỏ hơn, là tiểu vũ trụ. Tiểu vũ trụ và đại vũ trụ là một không phải hai, tánh tương đồng, tánh đức cũng tương đồng, tác dụng của tánh cũng là tương đồng, không hai không khác.

Vũ trụ từ đâu mà có? Rất nhiều nhà khoa học hiện nay đều thừa nhận, bởi vì từ các công cụ khoa học mà quan sát, thì vũ trụ đang không ngừng bành trướng. Hiện tượng bành trướng, có lẽ đều là những vụ nổ. Rất nhiều nhà khoa học đều cho rằng sự hình thành vũ trụ là do vụ nổ từ mấy chục tỷ năm trước sinh ra. Bạn phải tỉ mỉ mà suy nghĩ cách nói này, có gì đó không đúng, rốt cục là thứ gì nổ? Là một lần nổ hay là nhiều lần nổ liên tục? Vấn đề liền rất nhiều rồi. Trong kinh Phật không có cách nói này. Phật nói không có vụ nổ nào, nó hình thành như thế nào? Trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Sanh ra nơi nào, diệt tận nơi đó”, hiện nay nhà khoa học cũng chứng thực cho cách nói này. Chúng tôi thấy là chứng thực, nhà khoa học không biết, bởi vì nhà khoa học chưa từng xem qua kinh Phật, họ không hiểu được. Đây chính là hiện tượng này, những hiện tượng mà ngày nay chúng ta nhìn thấy thật sự là tương tự tương tục, tuyệt đối không phải là sự tương tục của một hiện tướng mà là tương tự tương tục. Hiện tướng của mỗi một lần đều không như nhau, đều là sự độc lập. Cho nên nó là “sanh ra nơi nào, diệt tận nơi đó”, đây chính là phát hiện của khoa học hiện nay, vật chất không tồn tại, vật chất là từ trong không mà sanh ra có.

Hiện nay khoa học gọi bản thể của vạn vật vũ trụ, danh từ họ dùng gọi là trường, trường là gì? Trường là khi năng lượng vô cùng mỏng nhẹ, năng lượng tập trung thì nó biến thành vật chất, sẽ sinh ra hiện tượng vật chất. Hiện tượng vật chất vừa sinh ra thì nhanh như tia chớp, vật chất xuất hiện, xuất hiện rồi thì lập tức không còn nữa, nhưng nó lại sẽ hiện. Nhưng khi hiện ra thì tia phía sau không phải là tia trước đó, không như nhau. Nó có thể không ngừng xuất hiện, hơn nữa tốc độ vô cùng nhanh, người thường chúng ta sẽ cho rằng thật sự có vật chất, kì thật vật chất không tồn tại. Đây là câu “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” mà trong Kinh Bát nhã thường nói, câu nói này hay vô cùng. “Sinh ra nơi nào, diệt tận nơi đó” đã nói ra được chân tướng của vũ trụ rồi.

Bạn hiểu rõ điều này thì bạn mới biết Phật với Pháp thân Bồ tát chân thật, trong cảnh giới của các Ngài, “nhất thiết pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc” (hết thảy các pháp chẳng sở hữu, rốt ráo là không, chẳng thể được). Bạn hiểu rõ cảnh giới này rồi thì bạn mới thật sự buông xuống vạn duyên, mảy trần không nhiễm nữa. Buông xuống vạn duyên, mảy trần không nhiễm, trong tự tánh của bạn có vô lượng trí huệ hiện tiền, vô lượng đức năng hiện tiền, vô lượng tướng hảo hiện tiền, không cần tu, không cần cầu. Vì sao ngày nay chúng ta không đạt được? Chính vì chúng ta không chịu buông xuống, chúng ta vẫn còn nỗ lực cầu, càng cầu thì càng xấu đi, càng cầu càng mê hoặc, không chịu buông xuống. Buông xuống thì trí huệ đức năng trong tự tánh của bạn hiện tiền, không buông xuống thì đó chỉ là một chút tri thức mà bạn cầu được trước mắt, tri thức này đều là thứ sai lầm, đều không phải thật, đạo lý này rất sâu! Trong thế gian không có đạo lý này, chỉ trong kinh giáo Đại Thừa có.

Chúng ta may mắn gặp được là việc không dễ dàng, đây gọi là “trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được”, gặp được rồi thì bạn làm sao có thể đạt được? Buông xuống thì đạt được. Mấu chốt chính là bạn không chịu buông xuống, vậy đâu có cách gì? Buông xuống tham sân si mạn, tham sân si mạn là gì? Là chấp trước, là một phần trong chấp trước. Nếu bạn buông xuống toàn bộ thì xin chúc mừng bạn, bạn đã đắc quả A la hán, không còn lục đạo nữa. Buông xuống chấp trước chính là buông xuống lục đạo, luân hồi lục đạo là giả, không phải thật, giống nằm mộng vậy, thật sự tỉnh lại rồi thì cảnh mộng không còn nữa.

Trích từ: Học Phật Vấn Đáp