Home > Khai Thị Niệm Phật
Nhiếp Niệm
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Ban Dịch Thuật Hán Tạng Pháp Âm, Việt Dịch


Gồm có bốn phần: Lời dẫn, Thập niệm, Lục niệm, Phát nguyện.

III.1. Lời dẫn

Tâm phàm luôn chạy theo ngoại cảnh, khó cấm ngăn tựa như khỉ vượn, giống như voi điên. Ba nghiệp dấy động, duyên buộc càng tăng, nên Đức Phật lập ra giáo pháp, khiến thường chế ngự thân tâm.

Trong kinh chép: “Phải làm thầy của tâm, chẳng để tâm làm thầy, ba nghiệp thân, khẩu, ý không tạo việc ác thì thân, giới, tâm tuệ vững như núi”. Lại kinh chép: “Chế tâm ở một chỗ thì việc gì cũng làm xong”. Nhưng tâm tính mê lầm, điên đảo, do ngã kiến đứng đầu. Phiền não khó điều phục, bởi loạn sử[18] luôn hiện hành. Trong tất cả thời lẫy lừng khó nhiếp phục, nếu chẳng gửi thân nơi chốn vắng lặng, thì không thể phá trừ ba độc. Thân không buông lung, miệng không nói lời vô ích, tỉnh thức ít ngủ, thường ngồi yên, tiết giảm ăn uống, tư duy chính pháp, biết chẳng thật có không, ngồi ngay thẳng giữ chính niệm, buộc ý trước mặt. Đó gọi là nhiếp niệm”.

III.2. Thập niệm

Kinh Tăng nhất a-hàm chép: “Bấy giờ, Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Các ông nên tu hành mười pháp sẽ được thần thông, dứt trừ các loạn tưởng, chứng quả Niết-bàn:

1. Niệm Phật
2. Niệm pháp
3. Niệm tăng
4. Niệm giới
5. Niệm thí
6. Niệm thiên
7. Niệm dừng nghĩ
8. Niệm hơi thở
9. Niệm thân vô thường
10. Niệm tử.

Niệm Phật, pháp, thánh chúng,
Niệm giới, thí và thiên,
Dừng nghĩ và hơi thở,
Sau cùng niệm thân chết.

[26a] Thứ nhất, chuyên tâm niệm Phật: Thân tướng của Như Lai đầy đủ tất cả công đức, thân trí vô biên, biết khắp các đường sinh tử đến đi; tu hành một pháp dẫn đến Niết-bàn. Không lìa niệm Phật được các công đức, đó gọi là niệm Phật.

Thứ hai, chuyên tâm niệm pháp: Dứt trừ ái dục, không có tâm trần lao, khát ái; vĩnh viễn không khởi tâm dục hay vô dục, lìa các bệnh trói buộc, phiền não, giống như các mùi hương, không có niệm loạn tưởng xấu ác. Như thế liền được thần thông, chứng quả Niết-bàn. Không rời niệm pháp được các công đức, đó gọi là niệm pháp.

Thứ ba, chuyên tâm nhớ nghĩ thánh chúng của Đức Như Lai: Thánh chúng thành tựu hạnh chân thật, không tà vạy, trên dưới thuận hòa, được tứ song bát bối[19], nên phải cung kính phụng sự, dứt trừ loạn tưởng, chứng quả Niết-bàn. Không rời niệm tăng, được các công đức, đó gọi là niệm tăng.

Thứ tư, niệm giới: Giới hay dứt trừ các điều ác, thành tựu đạo nghiệp, khiến người vui mừng. Giới là chuỗi báu trang sức nơi thân, hiện lộ các vẻ đẹp. Giới như bình kiết tường, giúp thoả mãn các ước nguyện, lập tức dứt trừ loạn tưởng, chứng quả Niết-bàn. Không rời niệm giới, được các công đức, đó gọi là niệm giới.

Thứ năm, chuyên tâm niệm thí: Đã bố thí thì vĩnh viễn không hối hận, không cầu báo đáp, mau được lợi ích. Nếu bị người mắng chửi hay đánh đập, phải khởi tâm từ, không nên sân giận. Luôn luôn khởi tâm bố thí không để đoạn dứt, thì trừ các loạn tưởng, chứng quả Niết-bàn. Không rời niệm thí, được các công đức, đó gọi là niệm thí.

Thứ sáu, chuyên tâm niệm thiên: Thân, khẩu, ý không làm việc xấu, tu tập thành tựu giới thân, thân phóng ánh sáng chiếu khắp nơi, được quả lành và thành tựu đầy đủ các hạnh của thân trời, dứt trừ các loạn tưởng, chứng quả Niết-bàn. Không rời niệm thiên, được các công đức, đó gọi là niệm thiên.

Thứ bảy, niệm dừng nghĩ: Dứt trừ nghĩ tưởng, tính cẩn thận chu đáo, không vội vàng, thường chuyên nhất tâm, vui sống nơi thanh nhàn, thường tu phương tiện, vào định tam muội, thường niệm không tham, được ánh sáng rực rỡ, trừ các loạn tưởng, chứng quả Niết-bàn. Không rời niệm dừng nghĩ, được các công đức, gọi là niệm dừng nghĩ.

[26b] Thứ tám, chuyên ròng quán niệm hơi thở: Nếu lúc hơi thở dài, thì quán biết ta đang thở hơi thở dài; lúc hơi thở ngắn, thì cũng nên quán biết ta đang thở hơi thở ngắn. Nếu hơi thở quá lạnh hay quá nóng, cũng phải quán biết ta đang hít thở hơi thở lạnh, nóng. Phân biệt hơi thở ra vào dài hay ngắn, trừ các loạn tưởng, chứng quả Niết-bàn. Không rời quán niệm hơi thở, được các công đức, gọi là niệm hơi thở.

Thứ chín, chuyên ròng nhớ nghĩ đến thân: Thân gồm các thứ lông, tóc, móng, răng, da, thịt, gân, xương, mật, gan, phổi, tim, tì, lá lách, ruột già, ruột non, bọng đái, phẩn tiểu, nước miếng, nước mắt, nước mũi, máu mủ, đầu não v.v… Nên nghĩ những gì là thân? Đó là đất, nước, lửa, gió. Thân do cha mẹ tạo ra, từ đâu mà đến, sáu căn này, sau khi mất sẽ sinh về đâu? Như thế, trừ các loạn tưởng, chứng quả Niết-bàn. Không rời niệm thân, được các công đức, gọi là niệm thân.

Thứ mười, chuyên ròng nhớ nghĩ đến sự chết: chết ở chỗ này, sinh đến nơi kia, qua lại các đường. Sinh mạng mất đi, các căn tan hoại, như gỗ mục nát. Mạng căn đoạn dứt, thân tộc chia lìa, không hình, không bóng, cũng không hình tướng. Niệm như thế, dứt trừ các loạn tưởng, chứng quả Niết-bàn. Không rời niệm chết, được các công đức, gọi là niệm tử. Kệ rằng:

Phật, pháp và thánh chúng,
Cho đến niệm thân chết,
Tuy cũng đồng là niệm,
Nhưng ý nghĩa khác nhau.

III.3. Lục niệm

III.3.1. Niệm Phật

Luận Phân biệt công đức chép: “Niệm Phật là gì? Thân Phật như kim cương, không hề rỉ sét, lúc đi, chân Ngài cách đất bốn tấc, bàn chân có hình bánh xe nghìn căm in trên đất, các côn trùng dưới chân Ngài được an ổn bảy ngày, nếu chúng mạng chung, đều được sinh lên cõi trời.

Thuở xưa, có một tì-kheo ác, vốn là ngoại đạo giả trang để phỉ báng, đuổi theo Đức Phật, giẫm lên vết chân Ngài, làm chết côn trùng lại đổ tội cho Phật. Nhưng côn trùng chết nhằm vào vết chân Phật, liền được sống lại. Lúc Phật đi vào thành ấp, vừa bước qua cổng thành, trời đất đều chấn động, trăm thứ âm nhạc chẳng trỗi tự kêu. Những người mắc trăm thứ bệnh như đui, điếc, câm, ngọng v.v.., đều được lành mạnh, nhìn thấy tướng hảo của Đức Phật, tùy theo hạnh mà được độ thoát, công đức cứu độ, không thể tính kể, tất cả muôn hạnh, cứu độ làm đầu. Đó là nghĩa niệm Phật”.

[26c] III.3.2. Niệm pháp

Hỏi: Pháp là đạo vô lậu, vô vi, vô dục; Phật là chủ của các pháp, pháp là chủ các kết sử. Pháp sinh ra các Đức Phật, pháp sinh Phật đạo. Như vậy vì sao không niệm pháp trước, niệm Phật sau?

Đáp: Pháp tuy vi diệu, không thể nghĩ bàn, giống như kho báu ẩn kín trong đất, có khắp nơi, nhưng phải nhờ người thông hiểu chỉ bày, mới cứu giúp được những người nghèo thiếu. Pháp cũng như thế, lý tuy sâu xa vi diệu, nhưng chẳng nhờ Đức Phật thì pháp không hiển lộ. Do đó, niệm Phật trước, niệm pháp sau.

III.3.3. Niệm tăng

Mười hai hiền sĩ[20] chứng quả tứ song bát bối, không tham lam, tranh cãi việc thế gian, chỉ dạy dẫn dắt trời người, làm ruộng phúc tốt cho chúng sinh.

Thuở xưa, có một tì-kheo kém phúc tên là Phạm-ma-đạt, sống cùng với một nghìn hai trăm năm mươi chúng, hằng ngày chúng tăng khất thực, mà không được thức ăn, nhưng không biết lỗi của ai. Đức Phật dạy chúng tăng nên chia làm hai bộ. Thế là một bộ thì được thức ăn, một bộ không được thức ăn. Lại chia làm hai bộ nữa, thì bộ này được thức ăn, bộ kia lại không được. Như thế lần lượt cho đến còn lại hai người, thì một người được thức ăn, người kia không được. Bấy giờ mới biết tì-kheo Phạm-ma-đạt không có phúc, tuy thức ăn đến bát, nhưng tự nhiên tan biến. Đức Phật thương xót, liền tự tay để thức ăn vào bát Phạm-ma-đạt, nhờ phúc lực của Ngài chế ngự, nên thức ăn không bị tan biến. Đức Phật cũng muốn làm cho hiện đời tì-kheo này được phúc, nên khiến hai tì-kheo đã chứng Diệt tận định[21] dùng thức ăn của Phạm-ma-đạt, tức thời Phạm-ma-đạt được phúc.

Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc nghe tì-kheo bạc phúc kia được Đức Phật ban thức ăn, liền bạch:

– Nay con cũng muốn làm phúc cho vị tì-kheo này.

Nói xong, vua sai người đem gạo đến. Lúc ấy có một con quạ bay đến ngậm lấy một hạt gạo bay đi, thấy thế người ấy liền trách:

– Vua làm phúc cho Phạm-ma-đạt, sao ngươi lại lấy đi?

Nghe xong, quạ liền mang hạt gạo trả về chỗ cũ. Cho nên, tì-kheo này nhờ phúc lực của chúng tăng, chim thú không thể xâm hại. Do đó biết rằng, tạo ruộng phúc tốt đã có thể tự độ, lại còn độ người đạt được đạo tam thừa. Đây là ý nghĩa của niệm chúng.

III.3.4. Niệm giới

Giới gồm có năm giới, mười giới, hai trăm năm mươi giới, cho đến năm trăm giới. Tất cả đều có công năng ngăn cấm thân, khẩu, ý, dừng các lỗi lầm, ngăn chặn sáu căn, dứt trừ dục niệm. Trong ngoài thanh tịnh, mới hợp tính giới[22].

Thuở xưa, có hai vị tì-kheo cùng đến chỗ Đức Phật. Trên đường đi ngang qua cánh đồng vắng, lại thiếu nước uống. Nơi ấy có một ao nước nhỏ, đầy dẫy các sinh vật. [27a] Một tì-kheo nghiêm trì giới luật, lấy việc giữ giới làm đầu, suy nghĩ: “Nếu ta uống nước này, ắt sẽ giết hại rất nhiều chúng sinh, thà tổn hại mạng mình mà giữ giới trọn vẹn”. Nghĩ thế, ông không uống nước và qua đời, liền sinh lên cõi trời. Tì-kheo kia nghĩ: “Ta phải uống nước để bảo toàn mạng sống, mới được gặp Phật, đâu biết sau khi chết lại sinh vào đường nào? Nghĩ xong, ông liền uống nước, làm tổn hại rất nhiều chúng sinh.

Khi đến nơi, tì-kheo kêu khóc và bạch Phật:

– Bạn cùng đi với con đã qua đời rồi.

Đức Phật chỉ một vị trời, hỏi tì-kheo:

– Ông biết vị trời này chăng? Đó là bạn của ông đấy! Ông ta nhờ công đức giữ giới trọn vẹn mà được sinh lên cõi trời, hôm nay đến đây. Còn ông tuy được gặp Ta, nhưng lại cách Ta rất xa. Người kia tuy đã chết, nhưng thường ở bên Ta. Nay ông được gặp Ta, nhưng chỉ thấy được nhục thân của Ta mà thôi, làm sao biết được giới thân chân thật? Thế nên kinh chép: “Ba-la-đề-mộc-xoa là thầy của ông, nếu có thể giữ giới, lần lượt tu hành, chính là pháp thân Như Lai thường trụ không hoại diệt”. Giới có ba loại: tục giới, đạo giới, định giới. Năm giới, tám giới, mười giới, giới cụ túc là tục giới. Vô lậu tứ đế là đạo giới. Tam muội thiền tư là định giới. Dùng trí tuệ chế ngự ngăn chặn, khiến thành vô lậu mới được đạo giới. Giới thanh văn dụ như hoa đặt ở đầu gối, vừa động nhẹ thì rơi. Bậc đại sĩ trì giới giống như hoa cài trên tóc, dù đi hay đứng cũng đều không lay động. Tiểu thừa trì giới chú trọng nơi thân, vừa động thì vượt oai nghi. Đại sĩ trì giới cốt ở tâm, không câu nệ pháp bên ngoài. Khuôn phép Đại thừa và Tiểu thừa khác nhau, thế nên giữ thân, giữ tâm cũng khác. Trong ngoài tuy khác, nhưng mục đích đều đến niết-bàn. Đó gọi là niệm giới.

Lại nữa kinh Bát-nê-hoàn chép: “Người muốn gần đạo phải có bốn ý vui, nên khéo ghi nhớ và tu hành. Một, không rời ý vui niệm Phật; hai, không rời ý vui niệm pháp; ba, không rời ý vui niệm tăng; bốn, không rời ý vui niệm giới. Nhớ nghĩ đầy đủ và nhận rõ bốn niềm vui này, lại phải mong cứu độ, cầu giải thoát thân. Như thế mới dứt trừ ba đường địa ngục, súc sinh, ngạ quỉ. Tuy còn qua lại nơi cõi trời người, nhưng không quá bảy đời sẽ vượt qua bể khổ (niệm thí và niệm thiên giống như trước).

Kinh Tam thiên uy nghi chép: “Phải nhớ nghĩ năm việc:

1. Công đức của Phật
2. Giới kinh của Phật
3. Trí tuệ của Phật
4. Ân Phật rất lớn, khó báo đền
5. Đức Phật tinh tiến tu hành cho đến niết-bàn.

Lại phải nhớ nghĩ năm điều:

1. Các tì-kheo tăng
2. Ân thầy
3. Ân cha mẹ
4. Ân bạn đồng học
5. Tất cả mọi người, giúp họ được giải thoát, lìa tất cả khổ”.

[27b] Kinh Xứ xứ chép: “Thí như cát trong biển lớn nhiều không thể tính kể, người tạo nghiệp thiện ác, chiêu cảm họa phúc trước sau cũng không thể kể xiết. Đến khi qua đời, người làm việc xấu sẽ sinh về đường ác, người làm việc tốt sẽ được sinh về cõi lành, họa phúc đều có chỗ sẵn, cũng dự định trước cả quyến thuộc cha mẹ, anh em, vợ con v.v… Khi nào đắc đạo thì mới thoát khỏi, nếu không đắc đạo thì không thể đoạn dứt.

Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Các ông phải niệm thân mình là vô thường!

Lúc ấy có một tì-kheo bạch Phật:

– Con nghĩ vô thường, như thế gian, có người chỉ sống đến năm mươi tuổi.

Đức Phật bảo:

– Ông chớ nói thế!

Lại có tì-kheo bạch Phật:

– Người thế gian sống đến ba mươi tuổi.

Đức Phật nói:

– Ông chớ nói lời này!

Có tì-kheo bạch:

– Người thế gian chỉ sống được mười tuổi.

Đức Phật bảo:

– Ông không nên nói như thế!

Lại có tì-kheo nói người thế gian chỉ sống đến một tuổi.

Đức Phật cũng nói:

– Không đúng!

Có tì-kheo nói người thế gian chỉ sống được một tháng, thậm chí có vị nói mạng sống chỉ trong một ngày hay một giờ.

Đức Phật cũng quở:

– Các ông không nên nói như thế!

Lúc ấy có một tì-kheo bạch Phật:

– Mạng sống con người chỉ trong hơi thở.

Đức Phật bảo:

– Đúng thế! Hơi thở ra mà không hít vào, liền qua đời khác. Mạng người mau chóng, chỉ trong hơi thở!”

Kinh Tì-ni mẫu chép: “Lúc thuyết pháp, các tì-kheo nên nhớ quán thân khổ, không, vô thường, vô ngã, bất tịnh đừng để gián đoạn. Vì sao? Phải luôn ghi nhớ mười hai điều, mới thành tựu thánh pháp. Mười hai điều:

1. Thành tựu chính mình
2. Giúp người khác thành tựu
3. Nguyện được thân người
4. Được sinh vào dòng cao quý
5. Khởi lòng tin sâu Phật pháp
6. Sinh ra, không cần gắng công mà được các pháp
7. Sinh ra, các căn đầy đủ
8. Gặp Phật xuất hiện ở đời
9. Nguyện sinh ra nơi nào cũng được giảng thuyết chính pháp
10. Nguyện chính pháp mà mình đã giảng nói, thường trụ thế gian
11. Ngưyện pháp trụ lâu, được người tùy thuận tu hành
12. Luôn có tâm thương xót các chúng sinh

Đầy đủ mười hai niệm này, chắc chắn sẽ được thánh đạo”.

III.4. Phát nguyện

Quả Phật cao xa, muốn lên phải theo tầng bậc. Mây pháp vòi vọi, muốn đến phải y thứ lớp. Vì thế, ban đầu phát tâm chân thật thì đức cả soi sáng đến đời sau, lập thệ rộng lớn thì nguyện nhiệm mầu trải khắp cõi hư không. Một niệm dấy lên, tức cảm hoa lành vô số kiếp; nửa khắc cung kính, liền được cam lộ cả đại thiên. [27c] Phát đại nguyện chính là cội rễ của Đại thừa, là con đường đưa đến chủng trí[23].

Luận Địa trì chép: “Bồ-tát phát nguyện, lược có năm loại:

1. Phát tâm nguyện.
2. Sinh nguyện.
3. Cảnh giới nguyện.
4. Bình đẳng nguyện.
5. Đại nguyện.

Bồ-tát mới phát tâm Vô thượng bồ-đề, gọi là phát tâm nguyện. Nguyện đời sau vì chúng sinh mà thụ sinh vào đường lành, gọi là sinh nguyện. Nguyện chính quán các pháp, được vô lượng cảnh giới thiện căn tư duy, đó là cảnh giới nguyện. Nguyện đời sau thành tựu tứ nhiếp pháp của bồ-tát, đó là bồ-tát bình đẳng nguyện. Đại nguyện tức là bình đẳng nguyện.

Bồ-tát lại phát mười đại nguyện:

1. Nguyện dùng tất cả cúng dường vô lượng các Đức Phật.
2. Nguyện hộ trì tất cả chính pháp của các Đức Phật.
3. Nguyện thông suốt chính pháp của các Đức Phật.
4. Nguyện sinh lên cõi trời Đâu-suất cho đến bát-niết-bàn.
5. Nguyện thực hành tất cả chính hạnh của bồ-tát.
6. Nguyện thành tựu tất cả chúng sinh.
7. Nguyện có thể thị hiện giáo hoá ở tất cả thế giới.
8. Nguyện tất cả bồ-tát dùng một phương tiện Đại thừa hoá độ.
9. Nguyện tất cả phương tiện chính hạnh không ngăn ngại.
10. Nguyện thành Vô thượng chính giác.

Bồ-tát trụ bậc Sơ địa, hiện tại dùng phương tiện tịnh tín hiện tại tu hành, đối với việc ở đời vị lai, phát mười nguyện lớn:

1. Dùng tâm thanh tịnh, thường nguyện cúng dường tất cả các Đức Phật.
2. Thụ trì và gìn giữ chính pháp của các Đức Phật.
3. Khuyến thỉnh các Đức Phật chuyển pháp hi hữu.
4. Thực hành theo chính hạnh của bồ-tát.
5. Thành thục đầy đủ tất cả khí giới.
6. Đều có năng lực hóa hiện ở tất cả thế giới.
7. Tự làm thanh tịnh cõi Phật.
8. Tất cả bồ-tát cùng một phương tiện, dùng Đại thừa giáo hóa.
[28a] 9. Lợi ích chúng sinh, tất cả đều không luống uổng.
10. Tất cả chúng sinh trong thế giới đều được A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, làm tất cả Phật sự.

Bài tụng:

Gậy chăn, tin là nhất
Dây đàn, cốt hoãn hòa
Vượn nhảy, sao chế phục?
Ngựa chạy, vốn khó kìm
Quen chạy theo thinh sắc
Tranh danh vị sang giàu
Đã vào dinh vua chúa
Lại thích nhà dân thường
Tĩnh tâm lắng nghiệp lụy
Xét niệm dứt lỗi lầm
Nương vào bảy chi giác[24]
Sẽ thoát khỏi ba tà[25]”.

___________________
[18] Sử 使: tên khác của phiền não. Vì phiền não dẫn dắt con người chìm đắm trong cõi mê, nên gọi phiền não là sử.

[19] Tứ song bát bối 四雙八輩: bốn đôi, tám bậc. Bậc Thánh tiểu thừa có đủ bốn quả, bốn hướng. Hướng và quả là một đôi, bốn đôi tức tám bậc.

[20] Hiền sĩ 賢士: chỉ cho chúng tăng, đệ tử Phật, là người tài giỏi, có đức hạnh.

[21] Diệt tận định 滅盡定 (S: nirodha-samāpatti): định diệt trừ tâm và tâm sở mà trụ ở vô tâm vị. Định này là quả chứng đắc của Phật và các bậc a-la-hán.

[22] Tính giới 性戒: cấm giới được lập ra để ngăn chặn tính tội.

[23] Chủng trí 種智: trí tuệ của Phật biết rõ tất cả các pháp.

[24] Bảy chi giác (thất giác chi 七覺支; S: saptabodhyaṅgāni): bảy pháp có công năng giúp cho trí tuệ bồ-đề phát triển.

[25] Ba tà (tam tà hạnh 三邪行): ba điều sai trái. Đó là tà ngữ, tà nghiệp và tà mạng.

Trích từ: Thiện Ác Nghiệp Báo