Home > Khai Thị Phật Học > Nguyen-Thu-Chin-Hang-Thuan-Chung-Sanh
Nguyện Thứ Chín Hằng Thuận Chúng Sanh
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Chánh kinh:

Phục thứ thiện nam tử! Ngôn hằng thuận chúng sanh giả: Vị tận pháp giới, hư không giới, thập phương sát hải, sở hữu chúng sanh chủng chủng sai biệt, sở vị: noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, hoặc hữu y ư địa, thủy, hỏa, phong nhi sanh trụ giả, hoặc hữu y không, cập chư mãng mộc nhi sanh trụ giả, chủng chủng sanh loại, chủng chủng sắc thân, chủng chủng hình trạng, chủng chủng tướng mạo, chủng chủng thọ lượng, chủng chủng tộc loại, chủng chủng danh hiệu, chủng chủng tâm tánh, chủng chủng tri kiến, chủng chủng dục lạc, chủng chủng ý hạnh, chủng chủng oai nghi, chủng chủng y phục, chủng chủng ẩm thực, xử ư chủng chủng thôn doanh, tụ lạc, thành ấp, cung điện, nãi chí nhất thiết thiên long bát bộ, nhân phi nhân đẳng, vô túc, nhị túc, tứ túc, đa túc, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, phi hữu tưởng phi vô tưởng. Như thị đẳng loại ngã giai ư bỉ, tùy thuận nhi chuyển chủng chủng thừa sự, chủng chủng cúng dường, như kính phụ mẫu, như phụng sư trưởng, cập A La Hán, nãi chí Như Lai, đẳng vô hữu dị. Ư chư bệnh khổ, vị tác lương y. Ư thất đạo giả, thị kỳ chánh lộ. Ư ám dạ trung, vị tác quang minh. Ư bần cùng giả, linh đắc phục tạng. Bồ Tát như thị bình đẳng, nhiêu ích nhất thiết chúng sanh.

Hà dĩ cố? Bồ Tát nhược năng tùy thuận chúng sanh, tắc vi tùy thuận cúng dường chư Phật. Nhược ư chúng sanh tôn trọng thừa sự, tắc vi tôn trọng, thừa sự Như Lai. Nhược linh chúng sanh sanh hoan hỷ giả, tắc linh nhất thiết Như Lai hoan hỷ.

Hà dĩ cố? Chư Phật Như Lai dĩ đại bi tâm nhi vi thể cố. Nhân ư chúng sanh, nhi khởi đại bi. Nhân ư đại bi, sanh Bồ Đề tâm. Nhân Bồ Đề tâm, thành Đẳng Chánh Giác. Thí như khoáng dã, sa tích chi trung, hữu đại thọ vương. Nhược căn đắc thủy, chi diệp hoa quả tất giai phồn mậu. Sanh tử khoáng dã, Bồ Đề thọ vương, diệc phục như thị. Nhất thiết chúng sanh nhi vi thọ căn. Chư Phật Bồ Tát nhi vi hoa quả. Dĩ đại bi thủy nhiêu ích chúng sanh, tắc năng thành tựu chư Phật Bồ Tát trí huệ hoa quả.

Hà dĩ cố? Nhược chư Bồ Tát dĩ đại bi thủy nhiêu ích chúng sanh, tắc năng thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề cố. Thị cố Bồ Đề thuộc ư chúng sanh. Nhược vô chúng sanh, nhất thiết Bồ Tát chung bất năng thành Vô Thượng Chánh Giác.

Thiện nam tử! Nhữ ư thử nghĩa, ưng như thị giải. Dĩ ư chúng sanh tâm bình đẳng cố, tắc năng thành tựu viên mãn đại bi. Dĩ đại bi tâm tùy chúng sanh cố, tắc năng thành tựu cúng dường Như Lai. Bồ Tát như thị tùy thuận chúng sanh, hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, ngã thử tùy thuận vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp vô hữu bì yểm.

(Lại này thiện nam tử! Nói hằng thuận chúng sanh nghĩa là tận pháp giới, hư không giới, mười phương biển cõi Phật, tất cả chúng sanh mọi thứ sai biệt, tức là: noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh[45] hoặc có loài nương nơi đất, nước, gió, lửa mà tồn tại, hoặc có loài nương vào không trung và các thứ cỏ cây để tồn tại. Mọi thứ sanh loại, mọi thứ sắc thân[46], mọi thứ hình dạng, mọi thứ tướng mạo, mọi thứ tuổi thọ, mọi thứ tộc loại, mọi thứ danh hiệu, mọi thứ tâm tánh, mọi thứ tri kiến, mọi thứ dục lạc, mọi thứ ý hạnh, mọi thứ oai nghi[47], mọi thứ y phục, mọi thứ thức ăn, sống trong mọi thứ thôn doanh, làng xóm, thành ấp, cung điện, cho đến hết thảy thiên long bát bộ, nhân phi nhân v.v… không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, có sắc, không sắc[48], có tưởng, không tưởng, chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng[49]. Với những loài như thế, tôi đều ở nơi đó tùy thuận thực hiện mọi thứ thừa sự[50], mọi thứ cúng dường như kính cha mẹ, như thờ sư trưởng, và A La Hán, thậm chí giống như Như Lai chẳng sai khác. Với những kẻ bệnh khổ, tôi làm lương y. Với kẻ lạc đường, chỉ cho đường đúng. Trong nơi tăm tối, bèn làm quang minh. Với kẻ bần cùng khiến được kho tàng. Bồ Tát bình đẳng lợi ích hết thảy chúng sanh như thế.

Vì sao vậy? Nếu Bồ Tát có thể tùy thuận chúng sanh thì chính là tùy thuận cúng dường chư Phật. Nếu tôn trọng thừa sự chúng sanh chính là tôn trọng thừa sự Như Lai. Nếu làm cho chúng sanh hoan hỷ chính là khiến cho hết thảy Như Lai hoan hỷ.

Vì sao vậy? Vì chư Phật Như Lai lấy tâm đại bi làm thể. Nhân nơi chúng sanh mà khởi đại bi; nhân nơi đại bi, sanh tâm Bồ Đề; nhân tâm Bồ Đề thành Đẳng Chánh Giác. Ví như trong chốn đồng hoang sa mạc[51], có đại thọ vương[52], nếu rễ cây hút được nước thì cành, lá, hoa, quả thảy đều sum suê. Thọ vương Bồ Đề trong chốn đồng hoang sanh tử cũng giống như thế. Hết thảy chúng sanh là rễ cây, chư Phật, Bồ Tát là hoa quả. Dùng nước đại bi lợi ích chúng sanh thì có thể thành tựu hoa quả trí huệ Phật, Bồ Tát.

Vì sao vậy? Chư Phật, Bồ Tát dùng nước đại bi lợi ích chúng sanh thì có thể thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì thế Bồ Đề thuộc nơi chúng sanh. Nếu không có chúng sanh thì hết thảy Bồ Tát trọn chẳng thể thành Vô Thượng Chánh Giác.

Này thiện nam tử! Đối với nghĩa này ông nên hiểu như thế. Do tâm bình đẳng đối với chúng sanh nên có thể thành tựu viên mãn đại bi; vì dùng tâm đại bi tùy thuận chúng sanh nên có thể thành tựu sự cúng dường Như Lai. Bồ Tát tùy thuận chúng sanh như thế hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, sự tùy thuận này của tôi chẳng có cùng tận. Niệm niệm tiếp nối, chẳng có gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp chẳng có chán mệt)

Nguyện thứ tám là hồi hướng Bồ Đề. Hằng thuận chúng sanh là hồi hướng chúng sanh. Nguyện thứ mười là hồi hướng pháp giới. Trong Đại kinh (kinh Vô Lượng Thọ) đức Phật dạy chúng ta phải đem công đức tu học hồi hướng về ba chỗ: Bồ Đề, chúng sanh, pháp giới. Vì sao phải hồi hướng? Phàm phu chẳng thể thành Phật, thành Bồ Tát là do Ngã Chấp quá nặng, khởi tâm động niệm chỉ nghĩ đến mình. Do đấy, từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta đời đời kiếp kiếp tu hành, dù chỉ Sơ Quả cũng chẳng chứng được. Đức Phật dạy chúng ta pháp môn Hồi Hướng chính là dạy chúng ta phải phá Ngã Chấp, khiến chúng ta khởi tâm động niệm chẳng nghĩ đến mình, khởi tâm động niệm chẳng vì tự mình, mà vì Bồ Đề, vì chúng sanh, vì pháp giới, mở rộng tâm lượng. Chỉ có mở rộng tâm lượng thì vọng tâm mới phá trừ, chân tâm mới hiện tiền, có vậy mới có thể vượt thoát tam giới, mới hòng thành Phật, thành Bồ Tát. Bởi vậy, pháp môn Hồi Hướng trọng yếu phi thường.

“Nguyện đem công đức này,

Trang nghiêm tịnh độ Phật,

Trên đền bốn ân nặng,

Dưới cứu khổ tam đồ.

Nếu có ai thấy nghe,

Đều phát tâm Bồ Đề,

Hết một báo thân này,

Cùng sanh nước Cực Lạc”.

Đấy là bài kệ hồi hướng chúng ta thường niệm mỗi khi niệm Phật, niệm kinh, giảng kinh xong.

“Nguyện đem công đức này, trang nghiêm tịnh độ Phật” là hồi hướng pháp giới.

“Trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ tam đồ” là hồi hướng chúng sanh. Phật pháp niệm niệm chẳng quên hiếu kính. Tứ Ân: ân thứ nhất là ân cha mẹ. Phật pháp chẳng khéo học tức là bất hiếu. Lên đài giảng kinh, nếu chẳng giảng khéo, giảng sai lầm tức là bất hiếu đối với cha mẹ, bất kính đối với sư trưởng. Người nghe kinh dưới đài, nếu chẳng chú tâm nghe, cũng là bất hiếu bất kính. Ân thứ hai là ân thầy dạy. Phật là thầy của chúng ta, phải báo ân thầy. Ân thứ ba là ân quốc gia. Chính quyền cai trị tốt đẹp, ai nấy đều giữ pháp, người người đều hành thiện, mọi người an cư lạc nghiệp, đấy là ân đức của chánh phủ. Ân thứ tư là ân chúng sanh, tức là ân đức của nhân dân. Cơm ăn áo mặc của chúng ta, hết thảy những thứ cần dùng cho cuộc sống đều phải dựa vào đại chúng trong xã hội, đại chúng trong xã hội có ân đức với nhau. “Hạ tế tam đồ khổ” (Dưới cứu khổ tam đồ): Tế là cứu tế, siêu độ. Tam Đồ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chúng ta nỗ lực tu học hòng có năng lực giúp họ lìa khổ được vui.

“Nếu có ai thấy nghe, đều phát tâm Bồ Đề” là hồi hướng Bồ Đề. Tám câu kệ hồi hướng đủ cả ba thứ hồi hướng. Niệm kệ hồi hướng phải từ nội tâm chân chánh phát nguyện, tâm và miệng tương ứng, công đức vô lượng vô biên. Câu cuối cùng quy kết thế giới Cực Lạc: “Hết một báo thân này, cùng sanh nước Cực Lạc”. Tám câu kệ này viên mãn phi thường.

Đức Phổ Hiền nói: “Tất cả chúng sanh mọi thứ sai biệt”, ở đây nói đến hữu tình chúng sanh trong chín pháp giới. Các thứ sanh loại: Sanh loại có bốn thứ khác nhau là noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh. Các thứ sắc thân: thân thể, diện mạo khác nhau, chỉ nói tóm gọn trong phạm vi nhân loại thôi, màu da đã khác nhau, có người da trắng, người da vàng, người da đen. Các thứ hình dạng: Người thuộc chủng tộc nào, quốc gia nào chúng ta nhìn biết ngay, người Trung Quốc có hình dạng người Trung Quốc, người Ấn Độ có hình dạng người Ấn Độ. Các thứ tướng mạo: Tướng mạo bất đồng. Các thứ thọ lượng: Có kẻ trường thọ, có kẻ đoản mạng. Chủng tộc sai khác, danh hiệu bất đồng, những suy nghĩ trong tâm chẳng giống nhau, kiến giải chẳng tương đồng, tư tưởng sai khác, yêu thích khác biệt, cho đến những tập quán thói quen sanh hoạt cũng bất đồng, thức ăn cũng bất đồng. Bồ Tát dạy chúng ta: “Với những loài như thế tôi đều tùy thuận theo họ”: Đối với các loài chúng sanh sai khác đều phải tùy thuận hết. Tùy thuận như thế nào? Phải nhẫn. Nếu quý vị không nhịn chịu, quý vị chẳng thể tùy thuận được.

“Thường học theo Phật” là đặt nặng Bố Thí. Cái gì Phật cũng buông xuống hết thì trong Lục Độ đó chính là học Xả. “Hằng thuận chúng sanh” là học lấy Nhẫn Nhục trong Lục Độ. Chúng ta nhẫn được như thế, nhẫn được thì sẽ thuận được. Thuận theo chúng sanh, chúng sanh sẽ hoan hỷ. Đặc biệt là người học Phật, nếu chẳng thể nhẫn nại, ắt sẽ bị người trông thấy khinh cười. Nêu một thí dụ nông cạn dễ thấy nhất: Đến xứ nào thuận theo phong tục xứ đó. Anh ăn cái gì, tôi ăn cái đó; chớ đừng tôi thích ăn cái gì, anh phải thay tôi làm cái đó, gây thêm phiền phức cho người ta. Phải thuận theo chúng sanh!

Mình thích nằm giường cứng, đến xứ này, người ta cho quý vị nằm giường lò xo nệm mềm, quý vị cũng phải cam chịu, chẳng thể buộc người khác đổi giường chiếu khác cho quý vị được. Lễ tiết, thù tạc, mọi thứ phải tùy thuận. Đối với người ta phải dùng tâm hiếu kính mà tùy thuận, tùy thuận hết thảy mọi người giống như tùy thuận cha mẹ. Kính hết thảy chúng sanh giống như kính trọng thầy dạy. Tu hành nhất định phải tu cái tâm thanh tịnh của chính mình ngay nơi quảng đại quần chúng sai biệt. Trong hoàn cảnh cực bất thanh tịnh, tâm ta thanh tịnh thì công phu thành tựu rồi; chẳng phải là vào núi sâu hang thẳm tu hành, hoàn cảnh thanh tịnh, nhưng tâm suy bậy nghĩ bạ, tâm chẳng thanh tịnh đâu à! Tâm thanh tịnh phải tu trong chốn hồng trần. Tâm bình đẳng phải tu trong hoàn cảnh cực bất bình đẳng.

Bình đẳng đối với kẻ oán người thân, không gì là bất bình đẳng cả. Bởi thế, oan gia là thiện tri thức, là thầy tốt, quý vị nhờ đó được bình đẳng. Tu hành như vậy chính là như kinh Hoa Nghiêm dạy: Dùng sự để luyện tâm, phải trải qua đủ mọi sự vật sai biệt, mọi chuyện sai biệt, ở trong đó mới có thể thật sự tu hành đến mức thanh tịnh bình đẳng. Đạt đến thanh tịnh bình đẳng thì Lục Độ của Bồ Tát viên mãn. Lục Độ là nhân, thanh tịnh bình đẳng giác là quả báo.

Phải coi hết thảy chúng sanh như chư Phật, như Bồ Tát. Trong mắt Phật, mọi chúng sanh đều là Phật. Lúc Phật thành Phật, Ngài thấy hết thảy chúng sanh nơi đại địa cùng thành Phật đạo. Điều này cũng như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Tình và vô tình cùng viên mãn Chủng Trí”, không có gì chẳng phải là Phật. Trong con mắt phàm phu, Phật, Bồ Tát cũng là phàm phu. Trong pháp giới có Phật hay chăng? Có phàm phu hay chăng? Không có chi cả! Không có Phật, không có phàm phu, pháp giới là bình đẳng. Vì sao lại có sai biệt?

Là vì tâm tưởng quý vị bất bình đẳng. Bởi thế pháp giới bình đẳng biến thành pháp giới sai biệt. Pháp giới bình đẳng là thật, pháp giới sai biệt là giả, là do vọng tâm phân biệt, chấp trước biến hiện. Học Phật phải trừ khử sai biệt thì cảnh giới bình đẳng thật sự mới hiện tiền. Mười nguyện Phổ Hiền có thể giúp chúng ta đạt đến cảnh giới rốt ráo viên mãn. Trong pháp giới bình đẳng thấy sai biệt là chư Phật, Bồ Tát đại từ đại bi hóa độ chúng sanh, là độ tha viên mãn. Trong pháp giới sai biệt thấy bình đẳng là chính mình tu hành chứng quả, là tự độ viên mãn.

Đối với hết thảy chúng sanh khổ nạn, chúng ta phải tận tâm tận lực giúp đỡ họ. Khổ nạn do đâu mà có? Chẳng tìm được bệnh căn thì chẳng có cách gì để có thể triệt để giúp đỡ họ được. Tất cả hết thảy chúng sanh khổ nạn vốn là do mê hoặc, điên đảo. Nói cách khác, đối người, đối sự, đối vật, nghĩ sai, thấy sai, làm sai. Có lục đạo chúng sanh là do mức độ lầm lạc sâu hay cạn, rộng hay hẹp mà biến thành lục đạo. Trời người cách nghĩ, cách nhìn sai lầm khá cạn, còn súc sanh, ngạ quỷ cách nghĩ sai lầm sâu hơn; chúng sanh trong địa ngục cách nghĩ hoàn toàn lầm lạc. Phải nhờ vào giáo dục của đức Phật mới có thể dạy chúng sanh khôi phục Chánh Tri Chánh Kiến, có cách nghĩ, cách nhìn chánh xác đối với hết thảy sự lý nhân sanh vũ trụ. Muốn cứu vớt chúng sanh khổ nạn thì nhất định phải giúp họ phá mê khai ngộ. Nói cách khác, phải đem nền giáo dục của đức Phật giới thiệu cho họ, giúp họ tu học, tự nhiên họ sẽ giải quyết được vấn đề.

Tại gia cư sĩ làm lụng, buôn bán kiếm lời muốn làm nhiều việc tốt có được hay chăng? Nên làm việc tốt lớn lao là hoằng pháp lợi sanh! Làm bằng cách nào? In kinh sách, in các thiện thư dạy người sửa lỗi, sao chép băng thâu âm, thâu hình giảng kinh tặng người khác, đó là việc tốt nhất định phải làm, đó là hoằng pháp lợi sanh. Cũng có thể dùng danh nghĩa công ty, tên tiệm để in sách, đăng quảng cáo cho công ty trên băng ghi âm, ghi hình, kết duyên các nơi, thì cũng giống như thay cho công ty tuyên truyền quảng cáo, lợi tức nhất định tăng trưởng. Đem băng ghi âm, ghi hình giảng kinh phát trên đài phát thanh hay đài truyền hình, khiến nhiều người mở máy TV, bật radio bèn được nghe giảng kinh, thuyết pháp, công đức càng lớn. Chẳng nhất định phải là người có tiền mới làm được công đức lớn lao; người không tiền chẳng thể tu đại công đức, hiểu vậy là sai. Trong nhà Phật nói đến tu công đức là nói tu từ tâm, cốt sao tận tâm tận lực thì công đức bèn lớn. Tâm lực chưa dốc sạch thì công đức sẽ nhỏ. Viên mãn đại công đức mỗi cá nhân đều có thể tu được, đều có thể thành tựu viên mãn, đó gọi là tâm đại từ bi, là chân chánh hằng thuận chúng sanh. Muốn thật sự giúp chúng sanh giải quyết hết thảy khổ nạn thì phải dựa vào sự giáo dục của đức Phật.

Điểm đặc sắc của hạnh nguyện Phổ Hiền là mỗi một hạnh nguyện đều kiến lập trên cơ sở thanh tịnh bình đẳng quảng đại cung kính; đấy là điểm khác biệt so với hạnh nguyện của các Bồ Tát khác. Bồ Tát có thể bình đẳng lợi ích hết thảy chúng sanh là vì có thể tùy thuận. Tùy thuận chẳng phải là chuyện dễ làm được. Người Trung Quốc nói đến hiếu đạo, bên chữ Hiếu lại thêm chữ Thuận. Chẳng Thuận tức là bất hiếu. Phải có trí huệ cao độ, từ bi chân chánh, thì mới có thể thật sự thuận theo hết thảy chúng sanh.

Phổ Hiền Bồ Tát lại dạy chúng ta: “Nếu Bồ Tát có thể tùy thuận chúng sanh thì chính là tùy thuận cúng dường chư Phật”. Phật đã nói hết thảy chúng sanh vốn là Phật, do đây biết rằng: Hằng thuận chúng sanh đúng thực là tùy thuận cúng dường chư Phật. Dùng cái tâm lễ kính chư Phật ấy, thái độ ấy để tùy thuận hết thảy chúng sanh thì thật là phi thường; đó chính là tu hành đến nơi đến chốn. Nếu chẳng tu hành đến nơi đến chốn thì vẫn còn có tâm phân biệt, tâm chấp trước. Là Phật hay là Bồ Tát thì ta phải cung kính, nhưng với kẻ phàm phu, người bại hoại, ta có phải cung kính hay chăng? Một niệm phân biệt, chấp trước, hạnh Phổ Hiền đánh mất ngay, bởi lẽ chẳng có tâm bình đẳng. Chư Phật coi chúng sanh như cha mẹ đối với con cái. Nếu có thể đối xử với hết thảy chúng sanh hòa mục như người một nhà, Phật tâm bèn hoan hỷ sẽ khiến cho hết thảy Như Lai hoan hỷ. Phật niệm niệm mong trông thấy chúng sanh viên thành Phật đạo. Điều đức Phật thích thấy chúng ta làm nhất là hằng thuận chúng sanh.

“Chư Phật Như Lai dùng tâm đại bi để làm thể”: Ở đây nói đến chỗ dụng tâm bất đồng giữa ta và Phật. Chúng ta dụng tâm: ý niệm đầu tiên là nghĩ đến mình, chẳng bao giờ nghĩ ngay đến người khác. Dù có nghĩ đến người khác thì kẻ đó phải là người thân thiết của mình, có dính líu đến mình. Người không quan hệ đời nào nghĩ đến! Huống hồ, lại còn súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, nếu quý vị thật sự nghĩ đến họ, còn ăn thịt chúng sanh được sao? Nhất định chẳng thể được!

Hằng thuận chúng sanh: Súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục cũng là chúng sanh, đều phải bình đẳng tùy thuận. Từ chỗ này chúng ta mới thật sự nhận thấy hạnh Phổ Hiền khó tu. Chúng ta nỗ lực tu học, chỉ có thể học được ít phần, một phần trăm, hai phần trăm là cùng; nếu muốn tu được năm mươi phần trăm, chúng ta tu không nổi! Phật dùng cái tâm bình đẳng từ bi, chẳng có phân biệt. Lòng từ bi lìa hết thảy phân biệt chấp trước thì gọi là đại từ đại bi. Đối với hết thảy hữu tình chúng sanh trong chín pháp giới, Phật đều khởi từ bi, từ Từ Bi xuất sanh Bồ Đề tâm, do từ bi bèn triệt để giác ngộ, giác ngộ hết thảy chúng sanh và mình cùng một thể. Điều này chúng ta không biết được.

Nếu chúng ta biết được, tâm đồng thể đại bi sẽ tự nhiên sanh khởi, bởi lẽ hết thảy chúng sanh và ta là một thể. Đã là một thể, sao còn có thể tàn hại chúng sanh? Bởi vì tàn hại chúng sanh chính là tàn hại chính mình. Trong thế gian há có kẻ nào ngu ngốc đến nỗi chính mình tự hại mình? Biết “hết thảy chúng sanh chính là mình” là điều chư Phật Như Lai đã chứng, là cảnh giới khó thể lãnh hội, rất khó hiểu. Làm sao chúng sanh lại có biến thành chính mình cơ chứ! Trong kinh luận, Phật thường dùng tỷ dụ để thuyết pháp, hy vọng mọi người do tỷ dụ sẽ ngộ nhập cảnh giới ấy.

Ví như người nằm mộng, lúc tỉnh mộng thì vẫn nhớ rất rõ những sự tình, cảnh tượng trong mộng. Trong mộng thấy có chính mình, cũng mộng thấy rất nhiều người, rất nhiều chúng sanh, cũng mộng thấy sơn hà đại địa, cũng mộng thấy hư không, cảnh giới trong mộng phảng phất như cảnh giới hiện tiền, bản thân mình trong mộng ấy nào phải do cha mẹ sanh ra. Người, động vật, sơn hà đại địa, hư không trong mộng do đâu mà có? Toàn thể mộng cảnh đều do tự tâm quý vị biến hiện đó thôi. Tâm ấy chẳng phải là chân tâm mà là vọng tâm, bởi lẽ chân tâm chẳng có mộng. Công phu tu hành đạt đến mức độ tương đương hoặc niệm Phật đến mức Nhất Tâm Bất Loạn sẽ chẳng có mộng. Những người tu hành chứng quả A La Hán cũng không có mộng.

Do đó biết rằng: mộng là vọng tâm. Vọng tâm từ đâu có? Chân tâm và vọng tâm chúng ta đều tìm chẳng ra. Bởi lẽ tâm chẳng có tướng, chỉ là lúc nằm mộng bèn thấy được, lúc nằm mộng tâm biến thành tướng. Mộng cảnh chính là tâm của quý vị, cái tâm của quý vị biến ra mộng cảnh. Tất cả hết thảy cảnh giới trong mộng đều từ quý vị, đều là cảnh giới do cái tâm của chính quý vị biến hiện ra. Trừ chính mình, cái gì cũng chẳng có. Trong kinh luận, Phật thường nói: “Toàn vọng tức chân, toàn chân tức vọng”. Xuyên qua mộng cảnh, lắng lòng suy nghĩ, chúng ta sẽ hiểu đôi phần ý nghĩa hai câu Phật vừa nói trên. Vọng là hiện tượng. Hiện thời, sơn hà đại địa, chúng sanh lăng xăng, động vật, thực vật, khoáng vật bày ra trước mắt chúng ta là do đâu mà có? Là do tự tánh của chúng ta biến hiện. Kinh Kim Cang chép: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”. Tướng Vọng là do tự tánh của chúng ta sau khi bị mê bèn hiện ra tướng cảnh giới. Vĩnh Gia đại sư nói: “Trong mộng rõ ràng có sáu nẻo, tỉnh rồi đại thiên trống rỗng”. Đại triệt đại ngộ, viên mãn thành Phật, đại thiên thế giới chẳng còn nữa, bởi lẽ chân tánh tỉnh mộng.

Mười phương thế giới rốt cục là thật hay giả? Giả hay thật đều chẳng thể nói được. Quý vị nói là thật ư, nó là giả đấy; bảo là giả ư, nó thật có đấy! Bởi thế, chớ khởi nghi tình là thật hay giả, cứ biết chân tướng sự thật là được rồi! Hư không pháp giới do tự tánh biến hiện, hết thảy hữu tình chúng sanh cũng do tự tánh biến hiện. Phật dạy: “Mười phương ba đời, cùng chung một Pháp Thân” là nói đến một sự thật. Phải thành Phật mới thật sự biết được.

Bởi thế, Phật giúp đỡ chúng sanh, vì hết thảy chúng sanh giảng kinh thuyết pháp, giúp họ khai ngộ, giúp họ tu hành chứng quả. Đối với Phật mà nói, đó là nghĩa vụ của Ngài, là chuyện Ngài phải làm. Ngài chẳng kể công, giống như mẹ hiền chăm sóc con thơ, không điều nhỏ nhặt nào lại chẳng quan tâm. Nếu quý vị hỏi Phật vì sao từ bi phổ độ hết thảy chúng sanh? Phật sẽ đáp: “Vì họ đồng thể với ta”. Độ người chính là độ mình. Hiểu rõ chân tướng sự thật mới hiểu hằng thuận chúng sanh chính là cúng dường chư Phật, khiến cho hết thảy chư Phật hoan hỷ. Bởi vậy, Phật do đồng thể đại bi mà xuất sanh Bồ Đề tâm, triệt để giác ngộ. Do Bồ Đề tâm, thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đấy chính là con đường quang minh rộng lớn để thành Phật của chư Phật. Bây giờ chúng ta cũng đi theo con đường này, ắt sẽ thành Phật.

Tùy thuận chúng sanh chẳng thiệt thòi đâu. Trước mắt thấy tựa hồ thua thiệt, thật sự chẳng thua thiệt. Nhịn được, nhường được, tùy duyên được thì sẽ thành tựu đức hạnh cho chính mình. Nào ai biết chịu thiệt chính là chiếm tiện nghi. Với pháp thế gian, ta chịu thiệt một tí, nhưng trong Phật pháp ta chiếm đại tiện nghi.

Thế pháp chướng ngại Phật pháp. Với thế pháp, chúng ta lùi một bước, nhường một bước thì chướng ngại đối với Phật pháp bớt được một tầng, liền được đại tự tại. Trong kinh Vô Lượng Thọ, cương lãnh tu hành là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Lìa khỏi hết thảy chúng sanh thì tu hành bình đẳng thanh tịnh ở chỗ nào? Không có chỗ nào để tu cả! Tâm thanh tịnh phải tu nơi nhiễm cảnh, tâm bình đẳng phải tu trong hoàn cảnh cực bất bình thì mới là công phu, mới hòng chân chánh thọ dụng. Ngày nào đó, chúng ta thấy thế giới này, thấy hết thảy chúng sanh tâm thật sự bình đẳng thì tâm đại từ đại bi sẽ hiện tiền.

Phải tu bao lâu mới đạt đến cảnh giới ấy? Mỗi người mỗi khác! Người lợi căn đạt cảnh giới này rất nhanh, kẻ độn căn thì mười năm, hai mươi năm, cũng có khi cả đời tu chẳng thành, nguyên nhân là vì chẳng buông xuống nổi. Muốn thật sự đạt được thanh tịnh bình đẳng thì nhất định phải thấy thấu suốt, buông xuống. Thân tâm, thế giới hết thảy buông xuống hết; pháp thế gian, pháp xuất thế gian cứ hễ còn có mảy may ý niệm, có mảy may chấp trước, nghi hoặc, là quý vị chưa buông xuống được. Phải thấy thấu suốt, buông xuống rồi thì mới có thể dùng tâm đại bi tùy thuận hết thảy chúng sanh, mới có thể được như Phổ Hiền Bồ Tát nói: thành tựu cúng dường hết thảy Như Lai.

[45] Noãn sanh: loài sanh bằng trứng, như các loài chim chẳng hạn.

Thai sanh: loài sanh con bằng cách mang thai, như thú, người.

Thấp sanh: loài sanh nơi ẩm ướt, như muỗi mòng.

Hóa sanh: loài sanh do biến hóa như chư Thiên, tội nhân trong địa ngục.

[46] Sắc thân: Nói theo quan điểm thế tục là thân có đủ mắt, tai, mũi, lưỡi… Nói theo Phật pháp, các thân do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) và ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc) hợp thành.

[47] Dục lạc: Các thứ ham thích, ưa muốn.

Ý hạnh: Ý là các thứ suy nghĩ trong tâm, Hạnh là những hành vi biểu hiện ra ngoài.

Oai nghi: Oai là dáng vẻ trang nghiêm, tề chỉnh. Nghi là có nghĩa là lễ mạo, đúng lễ. Oai nghi ở đây thường được hiểu là bốn hành động đi, đứng, nằm, ngồi đều tuân thủ đúng lễ tiết, trang trọng, đúng mực.

[48] Có sắc: thuộc về Sắc Giới. Từ địa ngục lên đến Tự Tại Thiên thuộc về Dục Giới, từ tầng trời phía trên Tự Tại Thiên lên đến tầng trời hai mươi tám (Sắc Cứu Cánh Thiên) thuộc về Sắc Giới. Chư thiên Sắc Giới chỉ có nam nhân, không có nữ nhân, không có ý tưởng dâm dục, có sắc thân có thể trông thấy được, nên gọi là Sắc Giới.

Vô sắc: tức là Vô Sắc Giới, thuộc bốn tầng trời phía trên Sắc Cứu Cánh thiên. Người trong cõi trời này có tâm tưởng, sống bằng Thiền Định, không có sắc thân.

[49] Hữu Tưởng: tức trời Thức Vô Biên Xứ, tầng trời thứ nhất của Vô Sắc Giới. Người cõi này trong năm Uẩn chỉ có Thức và Tưởng,

Vô Tưởng: Vô Sở Hữu Xứ Thiên, chư Thiên cõi này không có tâm phân biệt, vọng tưởng, nên gọi là Vô Tưởng, đã khuất phục được thức thứ bảy (Mạt Na, tức chấp ngã).

Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng: Chư thiên trong cõi trời này công phu tu Định lực rất sâu, chế ngự được thức thứ tám, khiến cho thức thứ tám tưởng chừng như đã diệt nên gọi là Phi Hữu Tưởng, nhưng thật ra thức thứ tám vẫn còn hiện hữu một cách vi tế nên gọi là Phi Vô Tưởng.

[50] Thừa sự: hầu hạ, phụng sự.

[51] Nguyên văn: “Khoáng dã sa tích”, Khoáng là chỗ hoang vu, hiu quạnh. Tích là những khối đá nhỏ. Như vậy, khoáng dã sa tích là chỗ trống trải, hoang vu, đầy những cát đá.

[52] Cái gì to lớn nhất thường gọi là Vương, như núi Tu Di gọi là Sơn Vương; Thọ Vương là cái cây cực to trong các loài cây.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Nguyện Thứ Chín Hằng Thuận Chúng Sanh