Home > Khai Thị Phật Học
Nếu Có Vô Lượng Trăm Ngàn Vạn Ức Chúng Sanh Bị Các Khổ Não Nghe Đến Quán Thế Âm Bồ Tát
Đại Lão Hòa Thượng Thích Diễn Bồi | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Chánh kinh:

Phật cáo Vô Tận Ý Bồ Tát:

- Thiện nam tử! Nhược hữu vô lượng bách thiên vạn ức chúng sanh, thọ chư khổ não, văn thị Quán Thế Âm Bồ Tát, nhất tâm xưng danh, Quán Thế Âm Bồ Tát tức thời quán kỳ âm thanh, giai đắc giải thoát.

(Phật bảo Vô Tận Ý Bồ Tát:

- Này thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh bị các khổ não, nghe đến Quán Thế Âm Bồ Tát này, một lòng xưng danh thì ngay khi đó, Bồ Tát Quán Thế Âm bèn xem xét âm thanh ấy, [khiến cho họ] đều được giải thoát)


Phần trước là Vô Tận Ý thỉnh vấn, phần này là Phật Thích Ca giải đáp. Lời đáp tổng quát trong phần này chính là phần trọng yếu nhất trong toàn phẩm, có thể nói là cương yếu của toàn phẩm, hoặc có thể nói là trung tâm của toàn phẩm; bởi lẽ nó liên quan đến hoằng nguyện từ bi sâu xa của đức Quán Âm, hoàn toàn phô bày hoằng nguyện ấy trong đoạn kinh văn này.

Quán Âm Bồ Tát sở dĩ có tên là Quán Âm Bồ Tát, nguyên do của danh hiệu ấy cũng đã được biểu lộ trong đoạn kinh văn này. Phương pháp xưng niệm danh hiệu và những lợi ích đạt được cũng đều nhờ mấy câu này mà tỏ rõ. Bởi thế đây chính là cương yếu hoặc trung tâm của toàn phẩm. Trong đoạn này lại có ba câu tối trọng yếu, là: “nghe đến Quán Thế Âm Bồ Tát này”, “nhất tâm xưng danh” và “đều được giải thoát”, có thể nói là cương yếu của toàn bộ đoạn kinh này.

“Phật cáo Vô Tận Ý Bồ Tát” (Phật bảo Vô Tận Ý Bồ Tát): “Thiện nam tử!” Đây là cách xưng hô của Phật đối với Vô Tận Ý. Nam tử là đối ứng với nữ nhân mà nói, có đủ nam tánh thì gọi là nam tử; có đủ nữ tánh thì gọi là nữ tử. “Thiện nam tử” ở đây chẳng phải là nam tử hiểu theo nghĩa thông thường, mà là kẻ có thiện căn sâu dày. Kẻ nam tử có đủ thiện căn sâu dày mới gọi là “thiện nam tử”. Nữ nhân có đủ thiện căn sâu dày gọi là “thiện nữ nhân”. Thiện căn do vun bồi mà có, nào phải do trời sanh. Như nghe kinh, nghe pháp, bố thí, trì giới đều là những phương tiện lớn nhất để vun bồi thiện căn. Có thể học Phật là đã có thiện căn, nhưng càng phải vun bồi hơn nữa.

“Nhược hữu vô lượng bách thiên vạn ức chúng sanh, thọ chư khổ não” (Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh bị các khổ não): Đây là đối tượng cần được Quán Âm cứu giúp. Câu “vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh” hình dung chúng sanh rất nhiều. Chúng sanh nhiều như thế sống trong thế giới này, trọn chẳng phải là hưởng thọ khoái lạc mà luôn phải chịu các nỗi khổ não bức bách, như các chúng sanh trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, không loài nào chẳng có các thứ khổ não. Những nỗi khổ não đó nếu nói chi tiết chẳng thể kể hết nổi. Nói riêng nhân loại không thôi đã có đủ loại, đủ dạng khổ não; như thông thường nói là tám khổ, nghĩa là những thứ nhân loại không sao tránh khỏi.

Tám khổ có thể chia thành ba loại, như sanh, lão, bệnh, tử là thống khổ thuộc về phương diện thân tâm; còn ái biệt ly khổ (yêu thương xa lìa), oán tắng hội khổ (oán ghét phải gặp gỡ) là thống khổ về mặt xã hội; cầu bất đắc khổ (cầu chẳng được) là thống khổ thuộc về mặt [hoàn cảnh] tự nhiên. Nếu xét từ căn bản để luận, thì đức Thích Tôn tổng kết bảy nỗi khổ bằng cách nói đại lược là “nỗi khổ vì năm ấm lừng lẫy” (ngũ ấm xí thịnh khổ). Có nghĩa là: Có các nỗi khổ phát sanh nơi hữu tình do chính bản thân hữu tình (Ngũ Uẩn là các nguyên tố cấu tạo nên hữu tình). Có năm Uẩn đó nhưng năm Uẩn hừng hực như lửa cháy, bởi thế biển khổ vô biên. Thống khổ công kích, thân tâm phiền não, ai chẳng mong được giải trừ ngay lập tức? Bất luận là ai, khi bị thống khổ miệng phải kêu rên không ngừng thì trong tâm mới cảm thấy đỡ khổ đôi chút.

Giờ đây, đức Phật bảo chúng ta: Lúc chúng sanh bị thống khổ bức bách, chớ có kêu rên vô ích, tốt nhất là chuyên tâm nhất ý xưng niệm thánh hiệu Quán Âm Bồ Tát. Vì thế, Ngài mới nói: “Văn thị Quán Thế Âm Bồ Tát, nhất tâm xưng danh, Quán Thế Âm Bồ Tát tức thời quán kỳ âm thanh, giai đắc giải thoát” (Nghe đến Quán Thế Âm Bồ Tát này, một lòng xưng danh thì ngay khi đó, Bồ Tát Quán Thế Âm bèn xem xét âm thanh ấy, [khiến cho họ] đều được giải thoát): Câu này chỉ rõ lý do Quán Âm có được danh hiệu ấy. Quán Thế Âm sở dĩ có hiệu là Quán Thế Âm do Ngài nghe âm thanh xưng danh của chúng sanh bèn tầm thanh cứu khổ. Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn, đúng là “không khổ nào chẳng cứu, không chúng sanh nào chẳng độ”. Là vì chúng sanh khi thọ khổ, nghe đến thánh hiệu Quán Thế Âm, nếu có thể chuyên tâm nhất ý xưng danh Ngài thì Quán Thế Âm Bồ Tát xem xét âm thanh xưng danh của chúng sanh ấy, tức thời giải trừ nỗi đau khổ cho người đó, khiến cho người đó giải thoát chẳng còn bị đau khổ buộc ràng!

Ở đây, chữ “Văn” (nghe) rất trọng yếu. Bởi lẽ, chúng sanh nghe âm thanh thánh hiệu Quán Âm; Quán Âm cũng nghe âm thanh của chúng sanh mà tầm thanh cứu khổ. Nghe lẫn nhau như thế thì mới có thể tương ứng, tương cảm; tức là chúng sanh nghe thánh hiệu bèn xưng dương, Bồ Tát nghe tiếng xưng danh bèn cứu tế. Đấy gọi là “chúng sanh nghe Quán Âm, Quán Âm nghe chúng sanh”. Chúng sanh nghe Quán Âm là “hữu sở cầu”, Quán Âm nghe chúng sanh là “hữu sở ứng”. Cảm ứng đạo giao như thế chúng sanh liền được giải thoát. Vì Quán Âm là tận hư không khắp pháp giới, bất luận thời gian nào, bất luận địa phương nào, chỉ cần nghe thấy âm thanh cầu được thoát khổ của chúng sanh, Bồ Tát lập tức đại từ đại bi thị hiện trước mặt người đó, giải cứu nỗi thống khổ, khiến cho người đó đắc đại giải thoát. Bởi thế, chữ Văn ở đây có tánh chất đặc biệt trọng yếu.

Chúng sanh nghe Quán Âm, Quán Âm nghe chúng sanh, đều là dùng tai nghe, vì sao chẳng đặt tên là Văn Thế Âm mà lại là Quán Thế Âm? Chúng sanh chẳng thể dùng lẫn lộn sáu căn, nên chỉ có thể dùng mắt thấy, tai nghe, Bồ Tát có thể dùng lẫn lộn sáu căn nên mắt chẳng những có thể thấy mà còn có thể nghe nữa, tai chẳng những có thể nghe mà cũng có thể thấy. Sở dĩ Quán Âm được gọi là Quán Thế Âm là vì Ngài có thể quán sát âm thanh để tầm thanh cứu khổ. Hoặc có thể hiểu là: Chữ Quán ở trên là trí huệ quán sát, chữ Thế Âm ở dưới là cảnh giới được đức Quán Âm quan sát. Bồ Tát dùng trí huệ năng quán để quán sát hết thảy âm thanh khổ não cầu cứu của hữu tình trong thế gian, rồi sau đó lập tức dùng bi nguyện hoằng thệ giải trừ thống khổ, ban sự an vui cho quý vị; tiêu trừ, cứu thoát tai nạn cho quý vị, ban cho quý vị sự tốt lành, không nỗi khổ nào chẳng dẹp, không nạn nào chẳng cứu; bởi thế xưng là Quán Thế Âm. Chẳng phải chỉ có thế, ngay trong lúc dùng trí năng quán để quán cảnh là những âm thanh cầu cứu giải trừ khổ nạn của chúng sanh trong thế giới, thì cảnh và trí đều chỉ là nhất tâm, bởi vậy gọi là Quán Thế Âm.

Nếu dựa theo lời kinh Bi Hoa giới thiệu về nhân địa của Quán Âm thì quá trình phát tâm của Ngài như sau: Trong vô lượng kiếp trước, Bồ Tát là phàm phu, từng làm thái tử thứ nhất của Chuyển Luân Thánh Vương. Đương thời, có Bảo Tạng Phật xuất hiện trong đời, đệ nhất thái tử vô cùng tin kính Tam Bảo, đặc biệt phát tâm cúng dường Phật, Tăng ba tháng; lại còn đối trước Phật Bảo Tạng phát Đại Bồ Đề tâm, lập đại thệ nguyện: “Giả sử có chúng sanh khổ não trong thế giới, vì cầu giải cứu nỗi thống khổ bèn xưng niệm danh hiệu con, con dùng thiên nhãn thấy được, thiên nhĩ nghe được, nếu con chẳng thể cứu thoát nỗi khổ ấy, con thề quyết định chẳng thành Phật”. Bảo Tạng Phật thấy Ngài phát đại nguyện như thế, biết là thật khó có, bởi thế, đối với hoằng nguyện dẹp khổ ban vui ấy, bèn hết sức tán thán, lại còn đặt hiệu là Quán Thế Âm. Từ lời giới thiệu của kinh Bi Hoa, ta biết Quán Thế Âm Bồ Tát được danh hiệu ấy là do sự phát tâm khi còn tu nhân, danh hiệu ấy là do Bảo Tạng Phật đặt.

Kinh này giải thích danh hiệu Quán Thế Âm ước theo mặt lợi tha. Kinh Lăng Nghiêm giải thích danh hiệu Quán Thế Âm ước trên mặt tự lợi. Tự lợi là Trí, lợi tha là Bi. Bởi vậy danh hiệu Quán Thế Âm thật sự bao gồm những ý nghĩa tự lợi, lợi tha, Bi Trí song vận (vận dụng cả Bi lẫn Trí). Còn như kinh Lăng Nghiêm giải thích danh hiệu Quán Âm như thế nào, xin đọc kinh Lăng Nghiêm sẽ biết.

Nghe danh, xưng niệm, được giải thoát, nay xin nêu một câu chuyện cảm ứng để chứng minh:

Trong quá khứ, tại đất Thượng Ngu thuộc tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, có một người buôn gạo chân thành phụng trì thánh hiệu Quán Âm, trong nhà chỉ có hai vợ chồng. Chàng buôn gạo là người lương thiện, không việc gì cũng thường niệm thánh hiệu Quán Âm, thậm chí trong mộng cũng còn nhớ niệm Quán Âm Bồ Tát. Có bữa tối kia, vừa mới đi ngủ, Bồ Tát đặc biệt báo mộng, bảo anh ta sắp gặp đại nạn:

- Để giải cứu đại nạn, ta có bốn câu dành cho anh, anh phải nhớ kỹ nhé!

Gặp cầu đừng dừng thuyền,
Gặp dầu liền bôi đầu,
Đấu thóc ba thưng gạo,
Nhặng xanh nâng đầu bút.

Bốn câu nghe trong mộng ấy, đến hôm sau anh ta nhớ kỹ bởi lẽ giấc mộng ấy khác với những giấc mộng bình thường. Chàng buôn gạo cảm thấy rất kỳ quái, chẳng biết là điềm báo gì, nhưng bởi tin tưởng đức Quán Thế Âm nên chân thành ghi nhớ kỹ càng.

Đến một ngày nọ, chèo thuyền qua xứ khác mua gạo kiếm lời, thuyền đi chưa mấy chốc, chợt cuồng phong, mưa dữ nổi lên. Thuyền phu trông thấy đằng xa có một cây cầu lớn liền muốn neo thuyền dưới chân cầu để tạm tránh mưa gió. Lúc thuyền đến gần dưới cầu, chàng buôn gạo chợt nhớ đến câu “gặp cầu đừng dừng thuyền”, lập tức bắt thuyền phu bơi thuyền tách ra. Khéo sao, thuyền vừa tách khỏi cầu, cầu liền gẫy sụp xuống. Nếu thuyền chẳng tách khỏi cầu, ai nấy quyết định phải chết. Chàng buôn gạo thấy tình hình đó, biết là Bồ Tát cứu độ, bởi thế ý niệm xưng niệm thánh hiệu Quán Âm càng thêm kiền thành, tinh tấn.

Về sau, có một chiều nọ, chàng lễ bái Quán Âm ở nhà, trong lúc vừa lễ xuống, chưa kịp đứng lên, đột nhiên chiếc đèn lưu ly treo trong Phật đường rớt xuống, cả mặt đất ngập ngụa dầu. Chàng buôn gạo nghĩ câu thứ nhất đã linh nghiệm, chắc chắn câu thứ hai cũng phải có lý do; vì vậy, thấy dầu đầy đất bèn cứ chất phác bôi dầu lên đầu mình. Một lúc sau đi ngủ, vô tình nửa đêm thức dậy, nghe thấy trong phòng có mùi máu tanh tưởi, bèn đứng dậy thắp đèn tìm xem, thấy vợ mình đã bị kẻ khác giết. Tuy cảm thấy lạ lùng quá, nhưng không biết làm sao, chỉ còn cách báo tin cho bố vợ biết. Bố vợ hỏi đến nguyên nhân, chàng nói không được một câu nào, bèn tra vặn người trong nhà, phát hiện chàng rể tin Phật, con gái mình không tin Phật. Do đó, ông bố hoài nghi tình cảm vợ chồng không tốt, quyết đoán con gái mình bị chàng rể giết chết, bèn đi báo quan.

Viên quan nhận thấy sanh mạng rất quan trọng, bèn truyền gọi chàng buôn gạo đến thẩm vấn, chỉ thấy chàng rất thành thực, chẳng giống phạm nhân giết người, liền hỏi: “Trong buổi tối vợ ngươi bị giết đó, tài vật trong nhà có mất mát gì không?” Chàng buôn gạo thưa không, chứng minh chẳng phải là bị giặc cướp giết. Lại hỏi xóm giềng có ai thù hằn không? Chàng lái buôn cũng đáp là không. Nhân viên thẩm án hỏi đến đây thấy vụ án sát nhân này rất kỳ quái, đã chẳng phải bị kẻ thù giết, lại cũng chẳng phải do trộm giết, việc lại xảy vào lúc đêm khuya, chẳng phải chính chàng lái buôn giết vợ còn ai vào đây nữa? Bởi thế, phán quan (nhân viên phán án) muốn cất bút ghép anh chàng buôn gạo vào tội tử hình!

Chính trong lúc khẩn yếu đó, chợt có một đoàn nhặng xanh lớn bay đến bám đầy ngọn bút. Trong lúc viên phán quan cảm thấy rất kỳ quái, chàng buôn gạo đột nhiên vui sướng như phát cuồng, hét ầm lên: “Hay quá xá! Hay quá xá! Nhặng xanh nâng đầu bút lại thật sự ứng nghiệm rồi!” Viên phán quan nghe kêu như thế, biết bên trong ắt có sự tình, bèn hỏi chàng buôn gạo vì sao vui sướng quá vậy? Chàng buôn gạo nghĩ trong bốn câu đã có ba câu ứng nghiệm, Bồ Tát nhất định gia bị mình; nhân đó, đem hết những sự tình đã thấy trong mộng kể cho viên phán quan nghe. Viên phán quan là người có học vấn, suy nghĩ trong bốn câu này, mấu chốt nằm trong câu thứ ba, bèn cùng mọi người nghiên cứu, hiểu ra câu “đấu cốc, tam thăng mễ” (đấu thóc, ba thưng gạo) có nghĩa như thế này: Một đấu thóc chỉ có ba thưng gạo, tự nhiên những thưng kia phải là cám (khang), như vậy hung phạm nếu chẳng phải là Khang Thất thì phải là Thất Khang[1]. Ngầm đi điều tra, quả nhiên trong địa phương có người tên là Khang Thất, bắt về hỏi mấy câu, Khang Thất chẳng thể không thừa nhận mình là phạm nhân giết người.

Vì sao Khang Thất phải giết người? Khang Thất vốn gian díu với vợ chàng buôn gạo, toan giết chàng buôn gạo, do trong bóng tối mò phải cái đầu dính dầu của chàng, tưởng là người vợ, nên bèn giết kẻ đầu không có dầu, nào hay khéo thay đã giết lầm người! Chân tướng của hung án tự nhiên sáng tỏ. Phán quan liền phán Khang Thất tội tử hình, chàng buôn gạo vô tội được thả về nhà. Chàng buôn gạo trải qua biến cố này, nhận biết Bồ Tát từ bi quảng đại, lại thấy nhân sanh hư huyễn chẳng thật, bèn phát tâm xuất gia cầu đắc đạo quả! Phán quan cũng nhận thấy Bồ Tát linh cảm rộng lớn, từ đấy tin sâu Phật pháp. Bởi vậy, xưng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát có thể được giải thoát và cứu tế!

Ở đây, có lẽ có người hỏi: “Quán Âm là đại từ đại bi, người niệm Quán Âm cũng rất nhiều, cớ sao được giải thoát rất ít?” Mấu chốt là cách niệm như thế nào! Kinh văn dạy “nhất tâm xưng niệm” là một điều tối trọng yếu! Nếu chẳng thể nhất tâm nhất ý xưng niệm, chẳng cần biết là niệm nhiều hay ít, hiệu quả đều rất nhỏ. Cổ đức nói:

Khẩu niệm Di Đà tâm tán loạn,
Hãm phá hầu lung dã đồ nhiên!

(Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn,
Toạc hầu rách họng uổng công thôi!)

Niệm Di Đà như thế thì niệm Quán Âm cũng giống như vậy. Chúng ta chẳng cần phải từ sáng đến tối niệm Quán Âm, cũng chẳng cần phải cùng rất nhiều người niệm Quán Âm; nếu như miệng niệm mà tâm tán loạn, tâm miệng chẳng ứng với nhau, dù niệm cũng khó được giải thoát! Nói “nhất tâm xưng danh” nghĩa là chuyên nhất ý niệm, tập trung toàn bộ tinh thần vào thánh hiệu Quán Âm, chẳng để cho ý niệm nào khác xen tạp vào, câu này gối lên câu kia, tiếp nối nhau, quên sạch hết thảy những gì bên ngoài, khiến cho ta là người niệm cùng đức Quán Âm được ta niệm hợp thành một thì mới có thể nói là “nhất tâm xưng danh”. Nhất tâm xưng danh như vậy, niệm một thời gian lâu sau sẽ tự nhiên đạt được lợi ích, tự nhiên đạt được giải thoát!

Chúng sanh trầm luân trong sanh tử, bị các sự khổ bức bách, nói chung là chẳng được tự do, tự tại. Nếu muốn thoát luân hồi, chẳng bị các nỗi khổ bức bách, thân tâm mình được tự do, thì trong thời đại Mạt Pháp này, phương tiện tối thù thắng nhất không chi hơn là nhất tâm xưng niệm thánh hiệu Quán Âm, tin tưởng Bồ Tát đại từ đại bi, sẽ tầm thanh cứu khổ khiến ta được giải thoát!
 
Trích từ: Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký