Home > Khai Thị Phật Học
Kinh Ðiển Đạo Phật
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm


Tiết mục:

I.   Sau thời kiết-tập
II.   Kinh Phật tiếng Ba-ly 
III.   Kinh Phật tiếng Phạm
IV.   Hai hệ thống Kinh-điển Phật-giáo 
V.   Ba tạng
VI.   Mười hai phần giáo

Kinh sách tham khảo:  Kinh-Đại-Niết-Bàn, Luận-Du-Già, Luận Tỳ-Bà-Sa, Phật-Học-Đại-Cương, Phật-Giáo-Khái-Luận, Ấn-Độ-Phật-Giáo-Sử.

Đề yếu:  Trong bốn tiết đầu, đại khái nói về sự phát nguyên của hai hệ thống Phật-giáo Nam, Bắc.  Khi Phật còn tại thế thuyết pháp, Ngài thường dùng lối ngôn ngữ phổ thông của miền Ðông Ấn-Độ.  Sau lúc Ðức Thế-Tôn niết-bàn, những pháp âm của Ngài mới được ghi chép bằng hai thứ tiếng:  Phạm, và Ba-ly; nhưng sự xuất phát trước sau của hai loại kinh nầy chưa tìm được tài liệu để chứng minh.  Và hai thứ Kinh-điển Phạm và Ba-ly, đã là nguyên nhân đưa Phật-giáo đến hai hệ thống:  Nam-truyền và Bắc-truyền.

Hai tiết sau phân tích về ba tạng, mười hai phần giáo.  Mười hai phần giáo không phải là những bộ loại riêng cho tạng Tu-Đa-La, mà gồm cả Tỳ-Nại-Gia và A-Tỳ-Đàm.  Và, tất cả pháp điển của Đại-thừa, Tiểu-thừa tuy nhiều danh mục sai biệt, song tóm lại không ngoài ba tạng, mười hai phần giáo.

Tiết I:  Sau Thời Kiết Tập

Sau khi trải qua mấy kỳ kiết-tập, nội dung Kinh-điển Phật-giáo thật phong phú, sách vở rất nhiều, đời sau lại còn tăng thêm mãi.  Hiện thời pháp tạng đang lưu truyền gồm có đến 5000 quyển, 7000 quyển, hoặc 8000 quyển.  Nhìn khắp tất cả tôn-giáo trên thế giới, không có đạo nào Kinh-điển nhiều bằng ba tạng của Phật-giáo.

Trong hai lần kiết-tập đầu tiên, chư Tăng thi hành pháp sự theo thể thức hội tụng (Samgìti), chưa dùng cách biên chép.  Thể thức nầy là đại chúng vân tập ở một nơi, rồi cùng nhau đọc lại và xét định những lời lẽ của Phật đã dạy để lưu truyền.  Bởi theo tập tục của thời đó, người ta cho rằng viết chép là làm mất giá trị của thần-thánh.  Lại còn một nguyên nhân nữa, là do thiếu những dụng cụ biên chép mà phải như thế.  Chẳng hạn, như tình trạng thời xưa ở Trung-Hoa, vì thiếu giấy bút nên người đời Lưỡng Hán muốn lưu lại điều chi, phần nhiều đều dùng cách truyền khẩu.

Nhưng đến hai lần kiết-tập sau, nhằm vào thời vua A-Dục và Ca-Nị-Sắc-Ca, ngoài cách hội tụng, các đệ-tử Phật còn ghi chép Tam-tạng thành sách vở.  Sự kiện nầy đã được thể hiện bằng hai lối văn tự:  Ba-ly (Pali) và Phạm-ngữ (Sanskrit).

Trong phái quý tộc Ấn-Độ lại có sẵn một lối nhã ngữ đã lưu hành, được gọi là thứ tiếng của người học thức, hợp với vận luật kinh Phệ-Ðà.  Khi Đức Phật còn tại thế, vì bình đẳng thí pháp đối với bốn giai cấp, ít khi Ngài dùng thứ nhã ngữ ấy.  Nhưng sau khi Ðức Thế-Tôn niết-bàn khoảng một trăm năm, ông Ba-Nhĩ-Ni (Pànini) là một học giả chuyên về văn pháp, đem thứ nhã ngữ ấy quy định lại rất rõ ràng, được nhiều người khen ngợi, cổ xúy cho sự lưu thông.  Nhân đó, Phật-giáo-đồ cũng thu dụng thứ tiếng ấy để biên chép kinh Phật.  Vậy kinh Phật bằng tiếng Phạm hoặc tiếng Ba-ly, thứ nào trước, thứ nào sau.  Điều đó, thật ra ta chưa tìm được bằng chứng.  Nhưng xét về khu vực lưu hành của mỗi thứ, ta thấy rõ ràng không đồng nhau.  Như kinh Phật bằng tiếng Ba-ly thì lưu hành về phương nam, mà Tích-Lan là trung tâm điểm.  Còn kinh Phật bằng tiếng Phạm được lưu truyền sang miền bắc, trung tâm điểm trước kia là xứ Ca-Thấp-Di-La, sau lần chuyển sang Trung-Quốc.

Tiết II:  Kinh Phật Tiếng Ba Ly (Pali)

Vào thời vua A-Dục, trước tiên có hai vị A-la-hán là Ma-Sấn-Đà và Nhất-Địa-Tẩu sang Tích-Lan truyền giáo.  Sau lại có con gái A-Dục-Vương là Tăng-Già-Mật-Đa (Sanghamittà) mang một nhành cây bồ-đề từ nơi Đức Phật thành đạo tới trồng tại Tích-Lan, mà trong sử gọi là chuyển cây “Thánh-thọ”.  Đương thời vị quốc-vương bản xứ là Thiên-Ái-Đế Tu (Devànàmpriya - Tissa) tín ngưỡng chánh-pháp rất mạnh.  Người đã cúng khu vườn Mi-Già và lập tinh-xá để chư Tăng cư trú, về sau thành một cảnh chùa rất nguy nga.  Nơi đây là cơ sở của Đại-Tự-Phái (Mahàvihàra), thuộc Thượng-Tọa-bộ (Theriyanikàya).  Những Kinh-điển do hai vị A-la-hán đem truyền sang Tích-Lan là pháp tạng kiết-tập trong kỳ thứ ba, ghi chép bằng thứ ngôn ngữ phổ thông của xứ Ấn-Độ, lấy gốc ở tiếng Ma-Ga-Đi (Magadhi).  Về sau người Tích-Lan canh cải ngôn ngữ nầy thành tiếng Ba-ly (Pali).  Và thứ tiếng nầy được dùng để ghi chép Kinh-điển của Nam-truyền Phật-giáo.

Vào khoảng thế kỷ đầu của Tây-lịch, tại Tích-Lan có Vô-Úy-Vương (Vathagàmani - Abhaya) lên ngôi, rất sùng tín đạo Phật.  Vua cho xây dựng một cảnh chùa rất to lớn tại núi Vô-Úy (Abhaya) gọi là Vô-Úy-Sơn-Tự (Abhayagiri) để cúng dường Tam-bảo.  Về sau, chư Tăng ở đây vì bất đồng ý kiến về giới luật, chi rẽ với phái Đại-Tự, và biệt lập một môn phái gọi là Vô-Úy-Sơn-Tự, thuộc Pháp-Hỷ-bộ (Dhamaruci - Nikàya).  Vị quốc-vương đương thời thấy thế mới triệu thỉnh 500 vị Ðại-đức Tỷ-khưu, căn cứ vào ba tạng khẩu truyền bằng tiếng Ba-ly, đính chánh cẩn thận rồi chép vào sách.  Tại Tích-Lan, kinh Phật bằng tiếng Ba-ly có sự ghi chép bắt đầu từ đó.  Tuy nhiên, về phần chú thích, người ta vẫn còn viết bằng thứ thổ ngữ của Tích-Lan.  Còn cách biên chép thì họ y theo tục lệ Ấn-Độ, dùng lá cây Bối-đa-la (Battrà) lấy kim chích thành văn tự rồi nhuộm mực, có thể để lâu đời không phai.

Ở triều vua Cù-Đàm-Bà-Gia (Gotabhaya), nhằm 205 năm sau kỷ nguyên, Phật-giáo Tích-Lan lại phát sanh ra một phái mới gọi là Kỳ-Đà-Lâm-Tự phái (Tetavana).  Như vậy Phật-giáo Tích-Lan thời nầy có ba phái đối lập nhau.

Phật-giáo Tích-Lan từ thời cổ vẫn truyền tụng bằng cách đọc thuộc lòng, nhưng cuối triều đại Ba-Đà-Già-Ma-Ni-Vô-Úy (Vatthagàmani - Abhaya), Kinh-điển mới bắt đầu được ghi chép bằng tiếng Ba-ly.  Đến đầu thế kỷ thứ năm, có ngài Phật-Âm (Budhaghosa), người xứ Trung-Ấn đến Tích-Lan, ngài nghiên cứu giáo lý của Đại-Tự-Phái, chế tác ra bộ Thanh-Tịnh-Ðạo-Luận (Visuddhimagga).  Nội dung của bộ nầy là một thể hệ tam học, và cũng là một giáo học hoàn bị của Đại-Tự-Phái.  Là một vị thông minh bác học, Phật-Âm Tôn-giả đem phần chú thích Tam-tạng bằng thổ ngữ Tích-Lan, chép lại thành tiếng Ba-ly.  Những bộ phận chú thích chưa xong, thì ngài Hộ-Pháp (Dharmapàla) tiếp tục hoàn thành.  Bấy giờ kinh Phật bằng tiếng Ba-ly ở Tích-Lan mới được chỉnh bị.  Vì thế, các học giả gần đây đều tôn xưng ngài Phật-Âm là vị giáo tổ thứ hai của Phật-giáo Tích-Lan.  Xem đó, chúng ta có thể biết được lòng tôn sùng của họ là thế nào?

Tiết III:  Kinh Phật Tiếng Phạm

Khi Phật còn tại thế thuyết pháp, Ngài dùng thứ ngôn ngữ phổ thông, tức là tục ngữ của miền đông Ấn-Độ.  Sau khi Ðức Thế-Tôn nhập diệt, giáo pháp của Ngài được ghi chép bằng hai thứ tiếng:  Phạm và Ba-ly.  Tiếng Ba-ly tương tợ với tục ngữ Ấn-Độ, còn tiếng Phạm là một lối nhã ngữ ở bản xứ được ông Ba-Nhĩ-Ni tu chỉnh lại.

Về kinh Phật bằng tiếng Phạm, đại khái đến đời vua Ca-Nị-Sắc-Ca mới hoàn bị.  Tương truyền rằng việc thẩm định Tam-tạng hồi thời ấy, nếu thứ nào không có bản truyền lại, chư Tăng chép thành bản mới, thứ nào đã có sẵn, cũng đem ra giáo chính kỹ càng.  Cho nên những kinh chữ Phạm lúc bấy giờ rất đầy đủ.  Tại nước Trung-Hoa, khi kinh Phật từ Tây-Vức truyền đến, là đã có ngay bản chữ Phạm.  Dọc theo miền Ni-Bá-Nhĩ (Népal) còn rất nhiều bản kinh chữ Phạm truyền lại, nhưng vì hệ thống kết cấu toàn thể không hoàn bị bằng Tam-tạng tiếng Ba-ly, nên rất khó cho người nghiên cứu.

Vào khoảng thế kỷ thứ bảy Tây-lịch, ở Tây-Tạng có vua Song-Tán-Tư-Cam-Phổ ra đời.  Quốc-vương là một tín đồ thuần thành của đạo Phật.  Ngài có cho mười sáu quan-đại-thần do ông Đoan-Mỹ-Tam-Bồ-Đề lãnh đạo, sang Ấn-Độ học chữ Phạm và Kinh-điển Phật-giáo.  Các vị nầy lưu trú tại xứ Nam-Thiên-Trúc bảy năm, lúc trở về có đem theo rất nhiều kinh tượng và pháp khí.  Sau khi về đến nước nhà, mười sáu đại-thần căn cứ theo Phạm-ngữ chế ra chữ Tây-Tạng và phiên dịch Kinh-điển.  Đây là giai đoạn mở đầu của kho pháp giáo Tây-Tạng trong hệ thống phương bắc Phật-giáo.

Sau khi đó, Phật-giáo ở Tây-Tạng rất thịnh hành và được chuyển đổi lại thành quốc giáo.  Các vị cao-tăng Ấn-Độ đến Tây-Tạng hoằng pháp, cũng chuyên về việc phiên dịch Kinh-điển Phạm-văn ra chữ Tây-Tạng.  Hầu hết kinh Phật Trung-Hoa tuy được dịch ra từ Phạm-văn, nhưng đôi khi cũng có thứ phiên dịch từ văn tự Tây-Tạng.

Hiện thời kinh Phật ở Tây-Tạng chia ra làm hai loại:  Một là Cam-Thù-Nhĩ (Kanjur), có nghĩa:  “Lời Phật dạy”, biên tập tất cả kinh và luật, gồm 108 bộ sách lớn.  Hai là Đan-Thù-Nhĩ (Danjur), có nghĩa “Lý-Luận”, biên tập những thứ biện luận và trứ tác, gồm 225 pho sách.

Kinh-điển Tây-Tạng được thạnh truyền ở miền Trung-Á.  Vào khoảng thế kỷ thứ mười ba, vua Thế-Tổ nhà Nguyên là Hốt-Tất-Liệt, xâm nhập Tây-Tạng, tín dụng Lạt-Ma-Giáo và phong cho Phát-Tư-Ba làm Quốc-sư.  Vâng lệnh vua, Quốc-sư chế ra chữ Mông-Cổ, rồi căn cứ vào kinh Phật của Tây-Tạng mà dịch thành đại-tạng-kinh bằng tiếng Mông-Cổ.

Nước Trung-Hoa vào thời Hán-Minh-Đế, niên hiệu Vĩnh-Bình thứ mười (sau kỷ nguyên 6, 7 năm), có hai vị A-la-hán là Ca-Diếp-Ma-Đằng và Trúc-Pháp-Lan từ Ấn-Độ đến.  Hai vị ấy lưu trú tại chùa Bạch-Mã, tỉnh Lạc-Dương, bắt đầu dịch kinh Tứ-Thập-Nhị-Chương và Thập-Địa-Đoạn-Kiết.  Về sau, các triều đại khác đều lấy việc phiên dịch Tam-tạng làm phần chính trong công cuộc quảng bá Phật-giáo.

Tiết IV:  Hai Hệ Thống Kinh Ðiển Phật Giáo

Phật-giáo chia thành hai hệ thống lớn là Đại-thừa và Tiểu-thừa.  Những nước thuộc hệ thống Đại-thừa Phật-giáo như:  Bắc-Ấn, các địa phương Trung-Á, Tây-Tạng, Mông-Cổ, Mãn-Châu, Trung-Hoa, Việt-Nam, Triều-Tiên, Nhật-Bản.  Các nước thuộc hệ thống Tiểu-thừa Phật-giáo như:  Nam-Ấn, Tích-Lan, Miến-Điện, Thái-Lan, Ai-Lao, Cao-Miên.  Phật-giáo ở những nước nầy gọi là Nam-truyền hay Nam-phương Phật-giáo.  Kinh-điển của Nam-phương Phật-giáo được ghi chép bằng tiếng Ba-ly, nên gọi là Ba-ly Phật-điển.  Kinh-điển của Bắc-phương Phật-giáo được ghi chép bằng tiếng Phạm, nên gọi là Phạm-ngữ Phật-điển.

Tuy phân chia Đại-thừa, Tiểu-thừa hay Nam-truyền, Bắc-truyền, song thật ra Bắc-truyền Phật-giáo cũng gồm có Kinh, Luật, Luận của Tiểu-thừa; Nam-truyền Phật-giáo cũng có nơi xen lẫn giáo lý Đại-thừa.  Danh từ Bắc-phương hay Nam-phương Phật-giáo là chỉ cho hai hệ thống Kinh-điển Phạm-ngữ và Ba-ly, chớ không phải chỉ trên phương diện địa lý.  Chẳng hạn như đảo Xà-Bà (Java), địa cảnh thuộc về Nam-phương, nhưng nhân dân xứ ấy đã từng tín phụng Bí-mật-giáo của Đại-thừa.  Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tại đảo nầy những tượng Phật, Bồ-Tát và Kinh-điển của Đại-thừa Phật-giáo.

Tiết V:  Ba Tạng

Kinh-điển đạo Phật chia ra làm ba loại, người ta thường gọi là Tam-tạng:  Kinh, Luật, Luận.

“Kinh” là những pháp về giáo lý, giải, hạnh, do Ðức Như-Lai nói ra, hoặc hàng Bồ-Tát, Thanh-Văn, Duyên-Giác hay Hóa-nhân nói, mà được Phật ấn chứng.  Đạo pháp nầy hợp với chân lý, căn cơ, để cho người học Phật tu hành dứt trừ phiền não.  “Luật” là những giới luật của Phật chế định, để cho hàng đệ-tử y theo đó ngăn trừ những phi hạnh, tu tập các pháp lành, thân tâm lần lần được thanh tịnh.  “Luận” có nghĩa:  bàn luận, là những sách do các đệ-tử Phật viết ra, để phát huy nghĩa lý nhiệm mầu trong kinh luật.  Đây là bộ phận triết học của Phật-giáo, có công năng quyết đoán tánh tướng các pháp, phân biệt lẽ chánh tà, khiến cho học giả khỏi nhận lầm.

Những điểm đồng và dị của Tam-tạng như thế nào?  Luận Tỳ-Bà-Sa nói:

Chư Phật ra đời đều có ba tạng (Tripitaka):  Tu-Đa-La (Sùtra), Tỳ-Nại-Gia (Vinaya), A-Tỳ-Đạt-Ma (Abhidharma).  Ba tạng nầy thật ra không khác mà khác, hay nói ngược lại.  Không khác là tất cả Phật-giáo đều từ nơi một biển trí mà sanh ra, đều đồng một nhiếp thọ, lực, vô úy, và đều do tâm đại bi phát khởi.  Có khác là Tu-Đa-La y nơi tâm mà luận, Tỳ-Nại-Gia y nơi giới mà luận, A-Tỳ-Đàm y nơi huệ mà luận.  Đây là nói về sở y sai biệt.  Lại, Tu-Đa-La do nơi thứ đệ mà hiển, Tỳ-Nại-Gia do nơi duyên khởi mà hiển, A-Tỳ-Đàm do nơi tướng tánh mà hiển.  Đây là nói về sở hiển sai biệt.  Lại, Tu-Đa-La thuộc về dòng trí lực, Tỳ-Nại-Gia thuộc về dòng đại bi, A-Tỳ-Đàm thuộc về dòng vô úy.  Đây là nói về đẳng lưu sai biệt.  Công năng của Tu-Đa-La là:  người chưa trồng căn lành, khiến cho trồng căn lành.  Công năng của Tỳ-Nại-Gia là:  người đã trồng căn lành, khiến cho tiếp tục được thành thục.  Công năng của A-Tỳ-Đàm là:  người đã chủng căn lành thành thục, khiến cho được sự giải thoát chân chánh.  Đây là nói về sở vi sai biệt.  Tu-Đa-La do hàng thỉ nghiệp mà nói, Tỳ-Nại-Gia do hàng quán tập mà nói, A-Tỳ-Đàm do hàng đã vượt qua sự tác ý mà nói.  Đây là nói về phận vị sai biệt.  Nẻo tiến của Tu-Đa-La là:  người chưa vào chánh-pháp, khiến cho vào chánh-pháp.  Nẻo tiến của Tỳ-Nại-Gia là:  người đã vào chánh-pháp, khiến cho thọ trì học xứ.  Nẻo tiến của A-Tỳ-Đàm là:  người đã thọ kỳ học xứ, khiến cho thông đạt tánh tướng chân thật của các pháp.  Đây nói về tiến thú sai biệt.

Trong Tu-Đa-La cũng có luận về giới và huệ.  Trong Tỳ-Nại-Gia cũng có luận về huệ và tâm.  Trong A-Tỳ-Đàm cũng có luận về tâm và giới.  Đây là điểm khác mà không khác của ba tạng.

Sao gọi là “tạng”.  Chữ “tạng” (Pitaka) có nghĩa:  trùm chứa.  Kinh, Luật, Luận sở dĩ được gọi là tạng, vì nội dung trùm chứa vô lượng nghĩa lý nhiệm mầu, vì là giáo pháp thuyết minh tạng tánh của Như-Lai.

Trong ba tạng, theo nghĩa hẹp, riêng về giáo pháp của Phật nói ra hoặc ấn chứng, được gọi là Kinh, còn bao nhiêu thì là Luật hay Luận.  Nhưng ba tạng đều là giáo điển của đạo Phật, đều có liên quan với lời Phật dạy, nên theo nghĩa rộng, cũng thông gọi là Kinh.  Vì thế, nên lại có những danh từ như:  Nhất-thế-kinh, Đại-tạng-kinh, với ý nghĩa gọi chung cho ba phần giáo điển.

Ngoài ra, những Kinh-điển Đại-thừa còn gọi là Bồ-Tát-tạng, Kinh-điển Tiểu-thừa gọi là Thanh-Văn-tạng.  Cả Đại-thừa, Tiểu-thừa đều có ba tạng, nghĩa là Kinh, Luật, Luận riêng.  Tam-tạng của Đại-thừa, về Kinh như:  Hoa-Nghiêm, Pháp-Hoa, về Luật như:  Phạm-Võng, Đại-Thừa-Giới-Kinh, về Luận như Khởi-Tín, Đại-Trí-Độ.  Tam-tạng của Tiểu-thừa, về Kinh như:  A-Hàm, Pháp-Cú; về Luật như:  Ngũ-Phần, Thập-Tụng; về Luận như:  Câu-Xá, Thành-Thật.

Lại còn có những danh từ như Bí-mật-tạng, Tạp-tạng...., mà nội dung là:  bộ phận mật chú, bộ phận hợp tập những bài thuyết pháp tản mác của Đức Phật.  Nhưng dù là Bồ-Tát-tạng, Thanh-Văn-tạng, Bí-mật-tạng hay Tạp-tạng, đều không ngoài ý nghĩa ba tạng.  Tam-tạng là danh từ thống nhất của giáo điển đạo Phật, gồm cả Tiểu-thừa lẫn Đại-thừa.

Tiết VI:  Mười Hai Phần Giáo

Ba tạng Kinh-điển của đạo Phật, y theo thể tài, được phân chia thành mười hai bộ loại.  Người học Phật thường gọi những bộ loại nầy là “mười hai phần giáo”:

1.  Tu-Đa-La (Sùtra):  Danh từ nầy có một lối gọi là Tô-Ðát-Lãm, Trung-Hoa dịch là Kinh hay Khế-Kinh.  Chữ “Khế” có nghĩa là “hợp”, chữ “Kinh” có nghĩa là “thường”.  Pháp giải thoát là pháp chư Phật trong ba đời vẫn thường nói, và pháp ấy hợp với chân lý, hoặc với nhân duyên thời tiết cùng căn cơ của chúng-sanh, nên gọi là Khế-Kinh.  Kinh cũng gọi là Trường-Hàng (tản văn, văn xuôi), một lối văn chỉ nói ngay ý nghĩ của mình, tùy theo nghĩa lý mà đọc ra câu văn dài hay ngắn.  Lối văn nầy không cần sửa soạn lắm như lối văn từ phú.

Luận Du-Già nói:  “Kinh là những danh, cú, văn thân, phát huy nghĩa nhiệm mầu, chân thật, thuần thiện.  Kinh hay khiến cho chúng-sanh được điều lợi ích của giáo nghĩa và dẫn khởi sự tu tập phạm hạnh”.

Kinh Đại-Niết-Bàn nói:  “Thiện-nam-tử!  Sao gọi là Khế-Kinh?  Ấy là giáo thuyết của Phật từ câu “Như thế, tôi nghe” cho đến câu, “vui mừng phụng hành”.

2.  Kỳ-Dạ (Geya):  Danh từ nầy, Trung-Hoa dịch là Ứng-Tụng hay Trùng-Tụng.  Đây là lối kệ văn thuật lại những ý nghĩa của đoạn văn Trường-Hàng nói trên, có khi nói thêm cho ý nghĩa ấy được đầy đủ.  Lối văn nầy thường lấy bốn, năm hoặc bảy, tám chữ làm một câu, bốn câu làm một bài.  Lại có khi một bài gồm nhiều câu, tùy theo sự diễn ý rộng hay hẹp.  Trong pháp hội, Ðức Thế-Tôn thường nói văn Trùng-Tụng, với dụng ý làm cho thính giả ghi nhớ và có thể tóm tắt lại giáo nghĩa mà Ngài vừa tuyên thuyết.

3.  Thọ-Ký:  Thọ-ký cũng gọi là Ký-Biệt.  Đây là những đoạn văn mà Đức Phật ghi nhận cho đệ-tử sau sẽ sanh về đâu, hoặc chừng nào sẽ chứng đạo quả, hoặc tương lai sẽ xảy ra sự gì tốt hay xấu.  Như Đức Phật nói:  “A-Dật-Đa!  Đời vị lai có vị quốc-vương tên là Nhương-Khê.  Ông sẽ ở nơi thời ấy mà thành phật, hiệu là Di-Lặc”.

4.  Dà-Đà (Gàthà):  Danh từ nầy, Trung-Hoa dịch là Phúng-Tụng hoặc Cô-Khởi.  Phúng-Tụng là làm những bài kệ hoặc hai ba bốn, năm, sáu câu.  Nói Cô-Khởi, là lối văn nầy không thuật lại ý nghĩa đoạn văn Trường-Hàng trên, mà chỉ làm riêng từng bài kệ thôi.

5.  Ưu-Đà-Na (Udàna):  Danh từ nầy, Trung-Hoa dịch là Tự-Thuyết.  Đây là những kinh do Phật dùng trí huệ xem xét căn cơ chúng-sanh, rồi Ngài tự nói pháp, không đợi phải có người thưa thỉnh yêu cầu.

6.  Ni-Đà-Na (Nidàna):  Danh từ nầy, Trung-Hoa dịch là Nhân-Duyên.  Đây là những kinh nhân có người thỉnh, hay nhân có duyên chi Phật mới nói ra, hoặc nói về nhân duyên gặp Phật nghe pháp, những chỗ có nhân duyên hóa độ, hay nói về duyên khởi của vũ trụ.  Thí dụ như thuở xưa ở nước Xá-Vệ có người dùng lưới bắt chim để chơi.  Khi bắt được, anh đem nó nhốt vào lòng cho ăn lúa uống nước xem cho chán rồi thả.  Phật thấy thế, biết rõ nhân duyên trước sau, khuyên rằng:  “Chớ khinh tội nhỏ.  Cho là không sao.  Giọt nước tuy ít.  Lần đầy chum lớn”.

7.  A-Ba-Đà-Na (Avadàna):  Danh từ nầy có nghĩa là Thí-Dụ.  Pháp của Phật nói ra rất mầu nhiệm, người căn trí tối chậm khó mà hiểu thấu.  Vì thế, khi giảng dạy Ðức Như-Lai phải dùng những thí dụ cho thính chúng dễ hiểu.  Đại khái như những lời thí dụ trong các Kinh-điển.

8.  Y-Đế-Mục-Đa-Dà (Itivrttaka):  Danh từ nầy, Trung-Hoa dịch là Bản-Sự.  Đây là những kinh văn Phật nói chỗ tu nhân của các vị Bồ-Tát, đệ-tử về đời quá khứ, hoặc những ngôn giáo, sự nghĩa liên quan với đời trước.  Thí dụ như đoạn:  Nầy các Tỷ-khưu!  Pháp của ta nói hôm nay gọi là Giới-kinh, đời Phật Câu-Lưu-Tôn gọi là Cam-Lồ-Cổ, đời Phật Câu-Na-Hàm-Mâu-Ni gọi là Pháp-Cảnh, đời Phật Ca-Diếp gọi là Biệt-Không.

9.  Xa-Đà-Dà (Jàtaka):  Danh từ nầy, Trung-Hoa dịch là Bản-Sanh.  Đây là những kinh Phật nói về nhân duyên thọ sanh của chính Ngài hoặc các đệ-tử trong nhiều đời trước.  Như đoạn:  Các ông nên biết, đời quá khứ khi hành đạo Bồ-Tát, ta đã từng thọ thân hươu, nai, thỏ, gấu, rồng, Kim-súy-điểu, Túc-tán-vương, Chuyển-luân-vương.

10.  Tỳ-Phật-Lược (Vaipulya):  Danh từ nầy, Trung-Hoa dịch là Phương-Quảng.  Đây là những kinh Đại-thừa Phương-Đẳng, nội dung hàm nghĩa lý cao siêu, rộng rãi, như mười phương hư không.

11.  A-Tỳ-Đạt-Ma (Adbhuta Dharma):  Danh từ nầy, Trung-Hoa dịch là Vị-Tằng-Hữu hoặc Hi-pháp.  Đây là kinh văn nói về những thần lực, những nghiệp duyên, những công đức tối thắng, lạ lùng, ít có, mà trí phàm-phu khó tin hiểu.  Như kinh Đại-Niết-Bàn nói:  “Thế nào là pháp Vị-Tằng-Hữu?  Như Bồ-Tát khi mới sanh ra, không người nâng đỡ, mà tự đi bảy bước, phóng đại quang minh, nhìn khắp mười phương.  Như con vượn tay bưng bát mật cúng dường Như-Lai.  Như con chó cổ trắng theo bên Phật nghe thuyết pháp.  Như Thiên-ma Ba-Tuần biến làm con thanh ngưu đi trên những bát bằng sành, khiến cho các bát va chạm nhau mà không sứt bể.  Và cũng như Bồ-Tát khi mới sanh được đưa vào miếu thờ thiên thần, các thiên tượng đều đứng lên lễ kỉnh”.

12.  Ưu-Bà-Đề-Xá (Upadesa):  Danh từ nầy có nghĩa Luận-Nghị.  Đây là lối kinh văn có tính cách vấn đáp biện luận, hoặc phân biệt các tướng mạo, các lẽ chánh tà.  Luận Du-Già nói:  “Thế nào là Luận-Nghị?  Đây là tất cả đối pháp luận, nghiên cứu nghĩa rộng sâu của Tô-Đát-Lãm, tuyên dương tông yếu của các kinh”.

Trong mười hai bộ loại trên, chỉ có Tu-Đa-La, Kỳ-Dạ và Dà-Đà là thể tài chính thức của kinh giáo.  Còn chín loại kia, chẳng qua là y theo các sự kiện sai biệt của pháp điển mà lập ra vậy thôi.

Và mười hai phần giáo nầy, không phải trong kinh nào cũng có đủ cả.  Có thứ kinh chỉ được một hai phần, có thứ kinh gồm đến năm sáu phần chẳng hạn.  Ấy là tùy theo thời tiết, cơ duyên riêng biệt của mỗi thứ kinh, mà có những sự sai khác hoặc ít hoặc nhiều.