Trị Bệnh Trọc Đầu
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Có một người không có tóc, mùa đông bị lạnh, mùa hè chịu nóng, lại thêm phải chịu muỗi vo ve bu đốt, thực là phiền não. Một hôm nghe nói có thầy thuốc, bất kể nghi nan tạp chứng nào cũng chữa khỏi, liền tìm đến thầy thuốc nói "tôi rất thống khổ với căn bệnh này, chỉ có thầy chữa được, nên dù thế nào đi nữa cũng xin trị liệu dùm cho". Nào dè thầy thuốc bỏ mũ xuống cho gã thấy cái đầu không sợi tóc của ông ta, và nói rằng, ta cũng rất khổ sở vì căn bệnh này, nên nếu trị được, ta đã trị cho ta rồi.

Thế nhân cũng vậy, bị sinh lão bệnh tử xâm hại gây khổ, muốn cầu được trường sinh, nghe nói có sa môn, bà la môn là lương y của thế gian, khéo trị các hoạn, liền tìm đến thưa, xin trừ các hoạn sinh tử vô thường, khiến được an lạc trường tồn bất biến. Bấy giờ các người kia đáp, tôi cũng bị cái hoạn vô thường, sinh lão bệnh tử, đủ cách cầu tìm chỗ trường tồn mà vẫn chưa được, nếu tôi có thể trừ diệt được cho ông, thì tôi đã sớm trừ diệt cho tôi, và rồi trừ cả cho ông nữa. Như người trọc đầu bôn ba phí công vô ích.

Lời Bình:

Bệnh trọc trong câu chuyện chỉ cho căn bệnh chung, mà ngay đến thầy thuốc cũng mắc phải. Căn bệnh này là bệnh vô minh, không biết ngã chấp là gốc của họa hoạn. Chúng sinh vì họa hoạn mà cần cầu phúc, nhờ phúc mà họa giảm thiểu, phúc hết họa lại phát, họa sinh lại cầu phúc cứ như vậy miên viễn. Chúng sinh mong muốn cầu một thứ phúc vĩnh hằng, trường tồn bất biến, đồng nghĩa với vĩnh diệt họa hoạn, song lại muốn vì ngã chấp mà diệt họa cầu phúc, nhưng lại chẳng hay biết ngã là gốc sinh hậu hoạn, như thế khác nào duy trì nuôi dưỡng gốc hoạn, mà muốn họa đừng sinh phúc thường trổ, tựa như câu chuyện thiền sư Nghĩa Tồn đốt lửa cầu cứu. Ngã chấp là ngã của chúng sinh, vô ngã là ngã của chư Phật, hễ có ngã tất có họa hoạn, như Lão tử nói, ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân, cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn?. Tôi có thân chẳng qua do ý tưởng từ tâm chấp thân tôi, nên cái tôi đó chỉ là hậu quả của sự khởi tâm niệm có tôi, tâm niệm này chính là vọng, muốn không có thân để không có họa tất nhiên phải không tâm chấp ngã. Chúng sinh vô trí nhận thấy thân có đủ mọi khổ, tâm thì đủ vấn đề, vì vậy vác ngã tìm đến các đạo sư thế gian, thậm chí quỷ thần, chư thiên để cầu phúc vĩnh hằng, nhưng ngay chính các vị này cũng chưa đạt được hạnh phúc vĩnh hằng, vẫn còn bất như ý, nên thần linh cũng từng nổi giận trừng phạt thế nhân, thì làm sao các vị đó dậy cho chúng sinh đạt được thứ phúc vĩnh hằng, họ chỉ trị bệnh họa tạm thời, mà không vĩnh trừ được bệnh, như thầy thuốc tuy trị được các bệnh, nhưng bó tay trước căn bệnh trọc, mà chính họ cũng đeo mang, nên không thể chữa bệnh cho người trọc được. Do họa có trước, phúc mới thành nhu cầu, cầu phúc cho ngã, thì chẳng bằng "bất như vô".

Phàm nhất thiết chúng sinh, đã được gọi bằng hai chữ chúng sinh tất còn bị sinh tử luân hồi, như vậy thiên thần quỷ vật cũng còn trong sinh tử, nên đều là chúng sinh. Họa hoạn lớn nhất của ngã là năng khiến nhất thật thành nhị biên, như người bệnh mắt thấy hai mặt trăng, do nơi nhị biên thành có sinh diệt, thủ xả, thuận nghịch, đã do ngã mà có sinh tử, nên ngã là gốc sinh tử, nói khác hơn ngã chính là gốc tạo thành chúng sinh. Vì thế phàm là chúng sinh tất có họa, họa này lưu chuyển khi tăng thì cho là họa, lúc giảm thì cho là phúc, nhưng bản chất vẫn là họa, nên phúc hay họa chỉ là sự biến đổi tăng giảm của họa mà thôi.

Bệnh trọc còn có nghĩa là khi xuất gia tìm cầu giải thoát, lại cảm thấy thống khổ và phiền não trong sự xuất gia, còn khi bị thế gian pháp bức bách và không đủ trí huệ để chống đỡ, thì lại muốn đắc pháp giải thoát vĩnh viễn lìa mọi khổ não, vì vậy đi tham học khắp nơi, cầu tìm pháp vĩnh hằng này nơi các pháp sư, bà la môn, những người chỉ có trí huệ thế gian tức thức phân biệt nhị biên. Các pháp sư, bà la môn đều vẫn chưa đạt được giải thoát vĩnh hằng nên trả lời "nếu ta đạt được thì đâu có bị bệnh sinh tử kéo lôi nữa, nên nếu chỉ cho ông được thì ta đã hành trước rồi". Người bị bệnh này cho dù xuất gia hay tại gia đều khổ và thấy là họa hoạn, chỉ do bởi luôn để ngã tức gốc họa làm chủ mình.

Những điều đó là ý nghĩa của vấn đề đi tìm lương y trị bệnh trọc trong câu chuyện này, ý nghĩa đó giúp cho ta nhận chân được lý do chữa trị và đối tượng chữa trị bệnh.

Lý do chữa bệnh là do có bệnh, bệnh do ngã sinh (bệnh tùng ngã khởi), ngã vốn là bệnh, nên nhận ngã tức đồng nhận bệnh, chữa bệnh tức chữa ngã (tương ngã diệt), ngã diệt tất bệnh vong (ngã nhược diệt thời bệnh diệc vong). Ngã vong bệnh diệt thì mọi pháp nhị biên không còn động loạn, trở về trạng thái bất động không tịch của cảnh giới nhất chân (ngã vong bệnh diệt lưỡng câu không), khi đó không họa để tránh, không phúc để cầu, bấy giờ họa vĩnh diệt tức phúc vĩnh trụ, vĩnh trụ là vô lậu, đó mới là chân công đức (thị tắc danh vi chân công đức). Hay có thể nói theo thuật ngữ của Triệu châu thiền sư "cầu phúc tuy là hảo sự, song vẫn chẳng bằng vô", vì có họa mới có nhu cầu cầu phúc, cầu phúc cho ngã, khác nào cầu phúc cho họa, họa càng có phúc thì ta càng tổn phúc, cho nên cầu phúc hay nhất vẫn chẳng bằng vô họa để cầu phúc, tức vô ngã.

Vì vậy Phật pháp đề cao pháp vô cầu, nhưng vô cầu không có nghĩa chẳng cầu gì hết, mà dùng phương pháp vô cầu để cầu công đức vô lậu của vô ngã vô đắc như vừa trình bày ở trên, và thế nào là cầu công đức vô cầu, đó là cầu được tâm vô cầu, tức cầu một cách vô cầu, vô cầu mà vẫn cầu. Mọi cái đắc của ngã đều là bệnh, vô ngã tất vô cầu và vô sở đắc, thế nên pháp trị bệnh ngã cầu, ngã đắc chính là vô sở cầu và vô sở đắc, đó là sự cầu và đắc chân thật lợi ích. Hoàng Bá thiền sư* nói "Bá chủng đa tri, bất như vô cầu, tối đệ nhất dã, đạo nhân thị vô sự nhân, thật vô hứa đa ban, vô tâm sự diệc vô". Có nghĩa biết trăm việc, chẳng bằng vô cầu, đó là pháp cao nhất, người hành đạo là người vô sự, thật không có nhiều sự, vô tâm tất mọi sự đều vô.

Đối tượng trị bệnh là lương y biết rõ gốc bệnh, tức nguyên nhân gây bệnh, và hiểu rõ phương thuốc nào trị được bệnh. Thế nhân truy tầm các đạo sư chỉ hiểu biết phương pháp trị ngọn, do không đủ tư duy nhận chân về căn bệnh, dụ như thấy khổ mới tìm cách thủ xả để tránh khổ, mà không biết thủ xả là triệu chứng bệnh lý, do ngã sinh, đạo sư thế gian đều bị bệnh dùng tu hành để cho ngã này được vĩnh hằng an lạc. Vì vậy sự tu hành đó vẫn khiến họ lẩn quẩn trong nhà tù tam giới, không được tự do tự tại, tam giới là cảnh giới của ngã, không thể mang tam giới thoát ly tam giới, tức không thể đem ngã ra khỏi tam giới được. Nếu đã biết tam giới vô an này là huyễn tất phải ly khai, nhưng làm thế nào lìa được cõi huyễn, đã là huyễn tất không thật, như vậy làm sao lìa cái không thật được, như ngưòi nằm mộng muốn lìa giấc mộng, mà không chịu tỉnh, gốc mộng là ngủ, chỉ cần tỉnh ngủ tất mộng tự trừ, đó là lìa cảnh giới mộng. Cũng vậy muốn lìa huyễn cảnh tất phải lìa ngã, thay vì tìm cách tăng trưởng và củng cố ngã. Lìa ngã tất bệnh vọng tự trừ. Chỉ có đức Phật là bậc xuất tam giới gia, và giáo pháp của ngài là pháp ly tam giới, mới có thể chữa bệnh vọng cho nhất thiết chúng sinh.
Chú thích:

*Hoàng Bá Hy Vận là bổn sư của ngài Nghĩa Huyền khai tông tổ sư của Lâm Tế tông.
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Người Chăn Dê Mất Của
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Lên Lầu Mài Dao
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Gấm Bao Áo Rách
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Bắt Chước Vua
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ