Hành giả muốn sanh về nước Cực lạc, thoát ly sinh tử, trước phải biết rõ tâm chơn và vọng cầu sanh Tịnh độ. Phải biết thế giới Cực lạc là ở tại cảnh hay tại tâm. Nếu ở tại tâm thì hoàn toàn thuộc về hư tưởng, không có cảnh giới để sanh về. Nếu ở tại cảnh, tuy có chỗ sanh về nhưng lại mất tâm. Nếu nói cầu sanh về cả tâm và cảnh thì thân và tâm là một, đâu thể nói vãng sanh từ chỗ này đến chỗ khác. Nếu nói tâm và cảnh là một, thì khi nhất tâm cầu sanh thì tự thấy tâm cảnh rõ ràng không thể nói là một. Lại nữa Cực lạc và Ta bà hai cõi tịnh và uế chẳng đồng. Huống nửa đức Thế Tôn ân cần dặn bảo phải bỏ cõi uế, cầu sanh về cõi Tịnh nghĩa ấy làm sao đúng. Bốn câu có, không, chăng phải có, chẳng phải không đã chẳng thể tìm, hoặc nói mỗi chỗ đều là Tây phương Cực lạc, hoặc nói tâm tịnh thì nơi ấy là Cực lạc, hoặc nói Cực lạc không rời tâm mình, nếu hiểu như vậy đều gọi là tà kiến, nên tôi không thể lặng yên. Nếu nói Cực lạc tại tâm liền nhận lầm tâm này ở trong thân ta, đã nói ở trong thân thì chỉ gọi cầu tâm sao lại gọi cầu sanh. Đức Thế Tôn ta há chẳng biết Cực lạc tại tâm sao, lại nói ở hướng Tây cách mười muôn ức cõi nước có cõi Cực lạc ở ngoài ư! lại không chỉ ở nội tâm mà chỉ nói ngoại cảnh làm gì! Hôm nay, thế giới Cực lạc ở phương Tây, Phật A Di Đà hiện đang thuyết pháp, cảnh đó sự thật rõ ràng. Đây là lời vàng của bậc Đại Thánh nói thật, ta đâu dám chẳng tin, mà không biết cõi Cực lạc ngoài tâm cảnh duyên này chính là chơn tâm của ta. Chơn tâm của ta này như biển lớn kia không tăng không giảm, cái mà ta vọng nói là cảnh Cực lạc tại tâm duyên ảnh ấy như một hòn bọt trong biển, sanh diệt toàn là vọng mà ông dối nói là tâm. Nếu ông cố chấp vọng kiến không trừ ngoài có Cực lạc, tin trong tâm duyên ảnh của ông có Cực lạc là sai, vì cái ảnh tâm mà ông duyên không có thể, nên không dùng tâm cầu sanh về tâm mà không biết rằng cõi Cực lạc kia tuy ở phương tây, nhưng phương tây ấy vẫn còn nằm trong chơn tâm của ta. Chơn tâm không có tánh tức là danh thể cõi kia dùng để hiển bày tâm ta. Danh thể vốn không, cũng tức là chỉ cái tướng của tâm ta, tâm cảnh một thể, chúng sanh và Phật cùng nguồn, cầu Phật kia là cầu tự tâm, chẳng phải cầu ở bên ngoài. Muốn khảo cứu tự tâm phải tìm ông Phật kia thì đâu có lỗi lầm gì! Hiểu như thế thì việc lấy bỏ, ưa chán thật rõ ràng, dù ta có cầu cũng đâu phải ngoài tâm vì tâm có đầy đủ cả. Như thế nên biết trong tâm nầy có đầy đủ y báo, chánh báo, cảnh giới, cho đến sắc tâm, tịnh uế, chúng sanh Phật, nhân quả, các pháp trong ba đời ở mười phương, bao gồm khắp cả, cùng một thọ dụng, cầu một tướng bên ngoài cũng không thể được, tuy không có tính ngoài, không chia mà chia, nên tịnh và uế rõ ràng. Như thế nên biết việc cầu phải là cầu ở vọng tâm ư! Như nguyện cầu Phật ấn khả, cùng với những người thế gian chẳng biết bổn tâm, ngu si không tới, chẳng cầu Phật ở Tây phương Cực lạc, chỉ hướng vào cái thân thịt cùng vọng tâm duyên ảnh cầu gọi là Duy Tâm Tịnh độ, bản tánh Di Đà thật khác xa. Cõi nước Cực lạc kia, không y theo vọng tâm duyên ảnh và sắc thân Phật A Di Đà kia cũng không phải ở trong ấm thể của chúng sanh. Nếu hướng vào trong thân tâm duyên ảnh tứ đại của ta mà cầu ông Phật tự tánh của chính mình mà không cầu ông Phật ở Tây phương thì vọng tâm sanh diệt, nên Phật cũng sanh diệt, vì Phật sanh diệt nên Tam Muội chẳng thành, dù cầu có được chăng, cũng chỉ thành ông Phật sanh diệt mà thôi và trở lại cõi sanh diệt không thể thành tựu hạnh chơn chánh được.
Kinh nói: "Đem tâm luân hồi, sanh ra cái chấp luân hồi thì tánh viên giác kia cũng đồng luân chuyển". Nếu muốn lìa các vọng chấp để sanh thẳng về nước kia, chỉ cầu đức Phật A Di Đà ở cõi Cực lạc cách đây 10 muôn ức quốc độ, dùng đúng tánh diệu quán mà quán tưởng làm cho bản giác và tướng hảo của đức Như Lai kia hiển hiện, hợp với thể giác của chúng sanh thì chơn tâm từ đó phát minh, thủy giác và bản giác hợp nhau, Phật và chúng sanh cùng có cảm ứng, tam muội liền thành, chánh hạnh do đây mà lập, cõi không sanh diệt mới có thể sanh về được. Nên biết rằng tâm này trùm khắp tất cả chỗ, còn không bỏ địa ngục, vì sao không chứa cõi Cực lạc. Chỉ vì địa ngục là chốn khổ nên nay thuận theo tánh mà cầu xa lìa, Cực lạc chín phẩm nay cũng thuận tánh mà cầu sanh. Y theo khế kinh, thuận theo pháp âm của Phật cầu lìa khổ được vui, từ phàm vào thánh, thật không ra ngoài tâm tánh của chúng ta, nên gọi là Duy Tâm Tịnh Độ, Bản Tánh Di Đà. Đâu phải nói từ trong vọng tâm cầu, vọng tâm vốn không thể làm sao gọi là duy tâm bản tánh của Phật được?
Ông hướng theo vọng tâm duyên ảnh của tự mình để cầu dùng sắc thân và núi sông đại địa, mười phương cõi nước là ngoại cảnh, còn đây là hướng chơn tâm bất đọng của chính mình để cầu thì núi sông đại địa, cõi nước trong mười phương thì ở trong nội tâm. Nếu biết 10 phương cõi nước đều từ nội tâm thì tâm cảnh đập thành một khối, chừng đó ta mặc ý ở trong tâm bỏ uế lấy tịnh, chán đông ưa Tây, không ra ngoài tâm vì thật có nguyện lớn kia, chắc chắn đức Phật đến tiếp dẫn nên cầu đều được toại nguyện. Nếu nói cõi nước trong mười phương là cảnh ngoài tâm thì đập thành hai phía, nên vừa động niệm liền trái pháp thể, liền mất diệu dụng, chẳng được tự tâm, dùng tánh sẳn đầy đủ của Phật trở thành không có lực dụng, nên tuy có cầu mà không được. Lại nữa, cái vọng tâm có là cái duyên ảnh hư vọng, lầm cho là ở trong sắc thân, không có cõi để sanh, chơn tâm dung chứa tất cả cõi nước, vốn sẳn có đủ y báo chánh báo cõi Cực lạc cầu đó liền được sanh. Vọng tâm bỏ ngoài chạy vào trong, chơn tâm tức ngoài là trong, trong không có ngoài nên cầu Phật quả hữu tướng tức cầu tự tâm. Vọng tâm chạy vào trong chẳng phải thật, nên cầu trong không có chủ thể chỉ duyên theo ảnh chẳng thấy tự tâm, vọng tâm chia tâm và cảnh rõ ràng còn chơn tâm chính tâm là cảnh; vọng tâm sanh diệt không chỗ y cứ, chơn tâm chẳng động chẳng lai; vọng tâm ở nhân không có quả trước sau sanh diệt; chơn tâm nhân quả nhất trí, tánh tu giao triệt. Nên biết từ chơn tâm mà cầu hoặc vọng tâm mà cầu rất là sai khác. Nếu luận cho hết thì dù trải qua số kiếp cũng không hết, càng luận thì như trời vực cách xa. Luận về thể thì chơn tâm tròn đủ thập hư, còn vọng tâm chỉ ở trong thân ngũ uẩn. Luận về dụng thì chơn tâm ngay vượt khỏi Ta bà, dứt hẳn sanh tử, còn vọng tâm mà cầu như lấy cát muốn nấu thàn`h cơm, trãi qua số kiếp khó thành. Vì thế, hành giả phát Bồ đề Tâm cầu sanh Tịnh độ, đâu nên chỉ cầu vọng tâm duyên ảnh của tự thân mà không cầu ông Phật thật ở Tây phương, thật là điều đáng thương? Như người muốn về Tây mà mặt cứ theo đông, muốn leo lên cao mà cứ khư khư ôm đá, vạch nước tìm lửa, moi lửa tìm nước làm sao có được!
Thương thay cho người đời nay, không biết chơn tâm trùm khắp cả chỗ, lấy sắc hiển thể vọng nhận duyên trần cảnh tự cho là bản tánh, đó là điều lầm lớn, như người nhận giặc làm con, tiền bạc trong nhà chắc bị tiêu diệt, người vọng nhận ảnh sự phân biệt mà cho là tâm cũng như thế! Nếu hoặc biết con là giặc thì giặc không làm hại được. Biết ý phân biệt là vọng thì vọng làm sao hại được mình, chỉ không nhận được nó là y chánh cõi Cực lạc thôi.
Pháp Trí Đại Sư dạy: "Sở dĩ có chỗ chỉ vọng tức là chơn hoặc nói quán tâm là quán Phật hoàn toàn không có ý bác thật cảnh y chánh cõi Cực lạc, vì sao đời này bọn tà kiến nổi dậy, bọn ma dấy động, phá diệt Phật pháp, đoạn hột giống Phật, vọng nói cõi Cực lạc ở trong tâm duyên ảnh của ta mà không chịu cầu sanh Tây phương, thật là điên đảo rất nhiều. Những kẻ phá hoại kia chưa nghe chánh pháp nên đem tà kiến này mật trao truyền cho nhau, làm người mê lầm, tuy khó tránh khỏi khổ báo địa ngục chẳng nói làm chi, còn chúng ta là những kẻ xuất gia đầu tròn áo vuông nếu đồng kiến giải với người mê lầm thật đáng thương tiếc, nếu thật vì sanh tử thì tà thuyết này là một điều trở ngại của người chướng nặng, ở trong pháp môn niệm Phật không thể tùy thuận được. Chúng ta cần xét kỹ biết rằng cảnh giới vọng tâm duyên ảnh là cảnh giới hư vọng không có thật thể, nếu không thật thể, thì tùy theo cái ngã mà có sanh diệt, liền vọng nhận cho là ngã, nên nói tâm này ở trong sắc thân ở trong thế giới ngày nay, nói thế giới này ở trong hư không. Tánh hư không này rộng lớn không lường, bao hàm các cõi nước như thế thì hư không lớn, cảnh giới thì nhỏ. Tâm thì yếu ớt ở trong thân, một niệm chuyển dời, không thể dấy động. Như thế đâu có thể dùng một niệm không thể của vọng tâm yếu ớt mà có thể cầu sanh về diệu cảnh cõi Cực lạc y chánh trang nghiêm được. Những việc không thể cầu mà cố gắng cầu, đâu chẳng là một điều mê lầm lớn lắm ư!
Biết rõ được nghĩa này thì biết tánh hư không rộng lớn vô biên, tuy không thể đo lường, nhưng nguồn gốc nó phát xuất từ trong đại giác thanh tịnh tâm của ta, như một mảnh mây điểm ở trong thái hư huống là cái thế giới ở trong hư không ư! huống là sắc thân ở trong thế giới ư! huống là vọng tâm ở trong sắc thân ư! Nên biết vọng tâm do thân nhỏ bé chấp cảnh giới do hư không to lớn tròn đủ nhưng dù nhỏ hay lớn cũng không ngoài bản tâm, nên biết chơn tâm của ta như hư không bao la, còn cái không của vọng thân như không trong lòng chén, tâm ta rộng lớn không bờ mé, trùm khắp 10 phương ba đời tất cả hư không, các cõi nước như vi trần, tất cả chúng sanh sắc thân đều do vọng niệm lại muốn cầu một pháp ở ngoài tâm trót không thể được, làm sao có thể nói Tây phương Cực lạc ở ngoài tâm ư! Dù tạo các thứ vọng tưởng điên đảo cũng không thể rời tâm mà cầu, huống là tịnh hạnh trang nghiêm, sinh về Cực lạc, thoát ly sanh tử mà có thể cầu ngoài tâm được sao?
Kinh nói: “Nhận ngộ trong mê, tối tăm làm không, cái không ở trong chỗ tối tăm kết tối làm sắc, sắc lộn với vọng tưởng, cái tướng của tưởng là thân, các duyên nhóm ở trong thì lay động, buông lung chạy bên ngoài tướng, tối tăm dùng làm tâm tánh, một khi đã mê thì tâm quyết định mê lầm vì trong sắc thân, không biết ngoài sắc thân cho đến núi sông đại địa đều không phải vật ngoài Diệu Minh Chơn Tâm. Ví như bỏ hết trăm ngàn biển lớn chỉ nhận có một hòn bọt biển coi đó là toàn bể cả tràn đầy diệu dụng, người ấy thật là một kẻ mê gắp bội, như nắm tay ta không có gì khác. Diệu Tâm Giác Minh trùm khắp cõi nước ở 10 phương, nuôi dưởng các quốc độ của các Như lai trong 10
phương, trang nghiêm thanh tịnh cõi Diệu Giác Vương. Hư không trong 10 phương sanh ở trong tâm ông như một phiến mây điểm giữa trời xanh, huống là các thế giới ở trong hư không ư”!
Đem nghĩa của đoạn kinh Lăng Nghiêm trên để quán sát thì cõi nước 10 phương hư không y báo chánh báo sắc và tâm ta đều có đủ. Ta nay quyết chí cầu sanh về cõi mà ta có, cầu thấy ông Phật sẳn có làm sao không thành công được, mà nói là cầu bên ngoài. Ta đã nguyện cầu tâm có thể cảm nên Phật kia vì ta mà hiển hiện chính là tự trong nhà ta vốn có Tâm và Phật hiển hiện. Tâm Phật đã chơn thật thì sao gọi là cầu bên ngoài. Nếu đã không cầu từ bên ngoài thì Đức Phật kia hiện ra, tức là tâm ta hiện ra, khi tâm ta hiện ra, thì Đức Phật kia cũng hiện ra, như thế tâm ta tức là tâm đức Phật kia, đức Phật kia tức là Phật của Tâm ta một thể không hai, vì tánh vốn viên dung. Vì sao có thể ông Phật cõi Tây phương Cực lạc trong tâm kia mà vọng chấp riêng có ông Phật Duy Tâm ư!
Có người lại hỏi: “Tuy là vọng tâm trong ấy cũng có đủ pháp y báo và chánh báo, hà tất bảo người cầu cảnh ở ngoài?”.
Đáp: “Vọng tâm dù có đủ tất cả pháp y và chánh đâu chẳng đủ Tây phương Cực lạc, nếu biết Tây phương Cực lạc là một thật cảnh như cõi Ta bà có thể cầu vì tâm có đủ. Nếu nói tâm chơn như này thì ngoài tâm không có cảnh thật, cảnh đây chỉ là hư tưởng của vọng tâm, làm sao có thật mà gọi là tâm có đầy đủ Tâm chánh là cảnh gọi là chơn tâm, tâm lìa cảnh gọi là vọng tâm, nên chơn vọng tuy đồng, chính sự ly cảnh mà có sai khác nên nói chính thì được, ly thì mất, chính (tức) phải ly quấy, ý chỉ ấy rõ ràng. Cũng như Pháp sư Thiếu Khương khi niệm Phật mỗi câu có một vị Phật từ miệng hiện ra, tiếp nối như vòng châu, vẫn còn đủ tướng, làm cho chúng trong hội niệm Phật đều được thấy. Phật đã có tướng thì cõi Phật làm sao không có thật. Nếu nói sự thì có, còn lý thì không, hoặc nói mỗi nơi đều là Tịnh độ, thật đáng thương thay! Hạng người này mê lầm sâu khó bỏ. Ngày xưa, Thiền Sư Nam Dương Quốc sư vì thiền khách đề cử công án "vô tình thuyết pháp", tuy không chuyên về chỉ thú Tịnh độ, nhưng cũng đau thương đời mạt hướng theo duyên ảnh mà cầu Phật, đủ để giải rõ”.