Home > Khai Thị Phật Học > Bi-Troi-Buoc-Boi-Sac-La-Bi-Giam-Cam-Thuc-Su
Bị Trói Buộc Bởi Sắc Là Bị Giam Cầm Thực Sự
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Xin chào quý vị xuất gia và chúng tại gia.

Hôm nay tôi muốn cùng quý vị chia sẻ một câu chuyện, câu chuyện này được trích từ Đại Trang Nghiêm Luận kinh, trong Đại Chánh Tạng quyển 4 trang 282c 283a.

Trong kinh dạy rằng: Nếu có thể nghe được chánh pháp, có thể giải thoát được sự ràng buộc.

Trong quá khứ, từng nghe như vậy, tại nước Đức Thi La có một nhà tù được xây dựng trong khuôn viên tịnh xá chư Tăng, mỗi tối lúc các vị Tỳ kheo giảng pháp, những tù nhân cũng theo thứ tự ngồi xếp hàng lắng nghe.

Hôm ấy, có vị Tỳ kheo giảng kinh nội dung liên quan đến sanh tử luân hồi và hoàn diệt, thầy ấy nói như thế này: Kẻ phàm phu ngu muội không nghe chánh pháp, không hiểu được chân tướng của “sắc”; không biết được sắc chẳng qua là do nhân duyên hòa hợp, là pháp vô thường sanh diệt; vì không hiểu chính xác ý nghĩa của sắc nên sanh tâm đắm nhiễm vui thích, tham ái; không thể hội một cách rõ ràng sắc tạo ra vô số tội lỗi và thống khổ; không biết xa lìa sắc, không biết đoạn trừ tham dục sắc, cầu được xuất ly đích thực. Tất cả chúng sanh đều không hiểu được đúng như thật về sự nguy hiểm của sắc, bị sắc trói buộc như thế, tức là bị giam cầm thực sự.

Như thế nào gọi là bị sắc trói buộc? Tức mắt nhìn thấy sắc tướng yêu kiều diễm lệ, liền sanh ưa thích, tham ái nên bị sắc trói buộc.

Một người mà bị sắc trói buộc, thì toàn thân đều bị giam cầm, không biết sắc là nguyên nhân đưa đến sự trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi, cứ như thế nổi trôi trong biển sanh tử mênh mông, không tìm ra được nơi bình yên. Vì không biết vượt ra ngoài sanh tử, cho nên bị giam giữ trong sanh tử luân hồi, từ đời này đến đời khác.

Lúc ấy có tù nhân nghe được những lời giảng của thầy Tỳ kheo, tư duy nghĩa lý sâu sắc và ghi nhớ giữ gìn không quên sót, đọc tụng một cách trôi chảy. Lúc ấy đức vua sai người đến mở gông cùm cho tù nhân, những người thân và bạn bè vây quanh anh ta, biết được anh ta đã được tự do, mọi người đều rất vui mừng đến bên cạnh thăm hỏi. Nhân đó người tù nhân vừa được thả tự do, lại nói lên một đoạn kệ, có đại ý như sau: Các vị chỉ nhìn thấy tôi được thả tự do, sanh tâm vui mừng đến an ủi và thăm hỏi tôi. Kỳ thật tôi chỉ được thả ra từ nhà tù mà thôi, tôi cùng những chúng sanh phàm phu ngu dại không khác, vẫn còn bị giam cầm chưa được giải thoát. Phàm phu không chỉ bị sắc trói buộc, mà cả năm uẩn (tức chỉ sự chấp trước đối với ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức), tất cả năm uẩn đều như sắc pháp không khác, ràng buộc tất cả phàm phu chúng sanh, không chỉ giam cầm trong lúc còn sống, mà đến lúc chết đọa trong ba đường ác cũng bị trói buộc, thậm chí nếu được sanh vào cõi trời cũng không khác.

Từ đời này đến đời khác, chưa lúc nào thoát khỏi sự giam giữ. Phàm phu cứ như thế bị ràng buộc ở trong tam giới, không ngừng bị luân hồi, hết lần này đến lần khác ở trong tam giới thọ sanh, sanh xong đến tử, tử rồi lại sanh, không khi nào dứt.

Từ bài giảng của thầy Tỳ kheo, tôi được nghe những lời như thế, đó chính là lời của đức Phật, đấng Nhất thiết chủng trí đã khai thị (đức Phật nói pháp, nhờ vào sự truyền thừa của chúng xuất gia, mãi đến hôm nay mới đến tai của tôi). Tất cả những ngục tù phiền não ràng buộc tâm tôi, chẳng khác nào con trâu bị mang cái ách.

Tôi vẫn đang chịu đựng sự xiềng xích này, chưa một lần đặt xuống, tại sao các vị lại chúc mừng tôi được thả tự do? Nếu quý vị thật lòng quan tâm đến tôi, thương yêu tôi, xin quý vị giúp tôi trình bày với đức vua, xin cho tôi được xuất gia. Chỉ khi đầy đủ chánh kiến, thấy được đạo trong hiện tại, đạt đến bên kia bờ Niết bàn tịch tịnh, nếu chứng đắc được cảnh giới như vậy, thì mới có thể nói là thực sự giải thoát.

Lúc ấy người thân quyến thuộc nghe được những lời như vậy, bèn trình bày lên đức vua, đức vua nghe xong hạ lệnh cho vị ấy xuất gia. Sau khi được xuất gia tu tập, ông ta hết sức tinh tấn tu đạo, cuối cùng chứng đắc quả A la hán.

Người tội phạm kia, bị giam trong chỗ ở của tăng chúng, nhờ nhân duyên nghe được pháp mà chứng đắc giải thoát như thế, hà huống đặc biệt hết lòng đến nghe pháp! Cho nên các vị hành giả nên thường xuyên đến các tự viện chuyên chú nghe pháp.

Câu chuyện này có một vài điểm nhắc nhở chúng ta:

Nghe Phật pháp là việc vô cùng quan trọng! Tù nhân này nhân vì nghe được chánh pháp, đồng thời nhờ sẵn có thiện căn, nên mới thể hội sự giam giữ thật sự không phải là giam giữ ở trong lao ngục mà mất tự do, mà do bởi phiền não, nên bị giam cầm trong tam giới không thể giải thoát được. Nếu được thả ra khỏi nhà giam, thì phàm phu chúng sanh vẫn bị phiền não trói buộc, không phải thật sự được giải thoát. Sự mất tự do như thế, không chỉ trong đời này; đứng về góc độ thời gian mà nói, từ đời này đến đời sau; về góc độ không gian mà nói, từ lúc làm thân người đến đọa vào trong ba đường ác, thậm chí còn cả trong ba cõi trời dục giới, sắc giới và vô sắc giới, sự thay đổi đó chẳng qua là từ nhà giam này chuyển sang nhà giam khác mà thôi, chứ chưa vượt ra ngoài tam giới để thực sự được giải thoát!

Trong kinh nói đến, tội nhân bị giam trong ngục tù vẫn chưa phải đã mất tự do thật sự; nhưng nếu bị sắc trói buộc, thì mới thật sự bị giam cầm. Ở đây nói sắc không chỉ đề cập đến sắc đẹp, mà nói đến tham cầu tất cả vật chất, tự mình cảm thấy thích thú, tất cả đều là nguyên nhân đưa đến sự giam cầm.

Như đối với năm uẩn, không chỉ có sắc làm cho chúng sanh bị dính mắc; mà thọ, tưởng, hành, thức đều giam cầm chúng ta, tất cả năm uẩn đều như thế. Ví dụ những tâm thuộc tham, sân, si, quan niệm sai lầm, hoặc cách nhìn đối với người, sự việc hay vật, những hành vi và sự hiểu biết lệch lạc này, đều là sự giam cầm.

Quý vị có cảm thấy tự mình đã được tự tại giải thoát rồi chăng? Hay cảm thấy mình đang rất mất tự do, rất không tự tại. Thế thì tại sao không có tự tại? Cũng có thể có người vì thân thể thọ bệnh nên cử động không được tự do, không thể đi du lịch theo ý muốn; hoặc có người vì áp lực kinh tế mà thở không ra hơi; lại có người cho rằng vì sự trói buộc của gia đình và người thân, nên không có tự do. Kỳ thật, nguyên nhân dẫn đến mất tự do không phải từ bệnh tật hay do người thân, mà chính do phiền não của chúng ta! Do phiền não có tham sân si phiền não, mới tạo ra nghiệp thân khẩu ý nghiệp, nên mới chiêu cảm nghiệp báo trong tam giới, luân hồi mãi trong tam giới. Nghĩa là ở trong tam giới này, như chuyển từ nhà giam này đến nhà giam kia, không ngừng luân chuyển trong đó. Chính vì thế mà chúng ta cần phải đoạn trừ những thứ phiền não như tham, sân, si..., từ bỏ sự dính mắc đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không tạo thêm nghiệp hữu lậu, thì mới dứt trừ được nghiệp báo luân hồi trong tam giới của đời sau; chỉ có như thế mới thật sự được giải thoát.

Câu chuyện trên đây khuyến tấn chúng ta tinh tấn.

Phước Nghiêm 14.09.2013