Trung ấm tức là thần thức, chớ không phải thần thức hóa làm trung ấm thân. Đây chính là linh hồn mà người thế tục đã thường gọi. Cái thuyết trung ấm thân bảy ngày sống chết một lần và qua bốn mươi chín ngày phải đi đầu thai, không nên nê chấp. Nói trung ấm thân sống chết là chỉ cho trong tâm vô minh của kẻ kia hiện ra tướng sanh diệt, đừng nên quá quê thật, luận theo trạng thái sống chết của người đời.
Sự thọ sanh của thân trung ấm nơi sáu đường ba cõi, mau thì chừng trong khoảng khảy ngón tay, lâu hoặc bốn mươi chín ngày hay nhiều hơn không nhất định. Những vong mới chết có thể hiện thân trước người quen thuộc, hoặc cùng tiếp xúc nói chuyện trong ban ngày hay ban đêm. Không phải chỉ riêng trung ấm thân mới được như thế, mà người đã sanh về cõi dữ, lành, đôi khi cũng có thể hiện hình cho bà con quen thuộc thấy. Đây tuy là ý niệm của người ấy hiện ra, song kỳ thật cơ quyền biến do tạo hóa thần kỳ sắp đặt, để tỏ cho đời biết: người chết hồn chẳng tan mất và quả báo lành dữ vẫn không sai. Nếu chẳng thế thì kẻ dương gian không thể biết được việc âm ty, rồi do đó những tà luận mù quáng phụ họa nổi lên, bảo rằng chết là mất, không có nhân quả, đời sau, khiến cho người lành không gắng công tu đức, kẻ ác lại càng hung hiểm tung hoành. Thế thì dù có lời Phật dạy, lấy đâu để chứng minh, và ai chịu tin nhận? Cho nên các sự hiện hình ấy đã chứng cho lời Phật không sai, nhân quả có thật, người lành thấy thế càng làm lành, mà kẻ dữ cũng bị tình lý đó chiết phục, không đến nỗi mười phần quyết liệt. Trời đất quỉ thần muốn cho người đời biết rõ việc ấy; nên mới có những sự người chết hiện hình nơi dương gian, kẻ dương gian xử đoán hình phạt dưới âm phủ, để phụ dực Phật pháp và giúp đạo trị an. Lúc này rất nhiệm mầu và sự quan hệ cũng rất lớn. Những việc như thế, xưa nay sách vở chép cũng nhiều, song đều chưa nói rõ cơ quyền biến ấy do từ đâu, và có những gì quan hệ lợi ích?
Linh hồn tuy lìa xác thân, nhưng vẫn còn có tình chấp về xác thân y như cũ. Đã có tình chấp ấy, tất phải cần dùng đến sự ăn mặc để tư dưỡng. Sở dĩ như thế, vì phàm phu nghiệp chướng sâu nặng, chẳng biết ngũ uẩn vốn không, nên vẫn cùng người đời không khác. Nếu là bậc đại trí huệ, thì liền thoát thể không còn nương tựa vào đâu, các sự khổ tiêu diệt, ngũ uẩn rỗng không, muôn đức trọn bày, chơn thân hiển lộ. Cảnh giới của thân trung ấm dị đồng không nhất định, nên sự thọ hưởng đều tùy theo tình chấp của mỗi người. Như việc đốt giấy áo, đối với người sống duy có quan niệm cấp cho áo, còn sự rộng hẹp vắn dài, đâu có thể mỗi mỗi đều phù hợp. Nhưng do nơi tình chấp của người sống và kẻ chết, nên những quần áo ấy vẫn vừa vặn như thường. Điều này có thể chỉ cho ta biết đại nghĩa: “Tất cả các pháp đều do tâm chuyển biến.”
Người chết rồi, khi còn chưa thọ sanh trong sáu đường gọi là trung ấm thân. Nếu thọ sanh thì chẳng còn là trung ấm thân, và sự dựa vào người mà nói việc khổ vui, đều là tác dụng của thần thức. Sự đầu thai tất do thần thức cùng tinh huyết cha mẹ hòa hợp, nên lúc người đàn bà có mang, thì thần thức đã có trong thai. Nhưng tại sao đôi khi người mẹ chuyển bụng, thấy có kẻ đi vào nhà rồi mới sanh? Đây là trường hợp lúc cha mẹ giao cấu, có linh hồn khác đến thay thế để thọ thai, đến khi cái thai đã thành, vong chánh mới đến, vong thay thế liền đi. Trong bộ “Dục Hải Hồi Cuồng”quyển thứ ba, trang 8, 9, 10, 11, 12 cũng có nghi vấn này mà nguyên đáp không đúng lý; tôi xin vì cải chánh, sau các hạ nên tìm tra lại sẽ rõ. Nguyên đáp trong ấy đưa ra tỷ dụ như vầy: “Ví như trứng gà, có trứng có trống, có trứng không trống...”Không khi nào thần thức vào thai mà giống như trứng gà không trống. Bởi trứng không trống là trứng hư, không thể nở ra con, còn trường hợp trên, người mẹ vẫn sanh con như thường. Nay tôi lấy lý để biện minh, không sợ mang lỗi tiếm việt, nên vì các hạ trình bày. Thuở xưa, bà mẹ của ông Viên Trạch mang thai ba năm, có lẽ cũng thuộc về tình trạng thay thế đã nói trên. Nhưng đây là ước theo lối thông thường mà luận, phải biết nghiệp lực của chúng sanh không thể nghĩ bàn! Như người tu Tịnh nghiệp đã thành, thân tuy chưa chết mà thần thức đã hiện nơi Tịnh độ. Và kẻ nghiệp ác nặng, thân còn nằm trên giường bệnh mà linh hồn đã chịu hình phạt dưới cõi u minh. Thế thì mạng tuy chưa dứt, thần thức đã đầu thai, đợi đến khi sắp sanh, toàn phần tâm thức mới phụ vào thai thể, lý này chẳng phải là không có, nhưng thông thường, sự thay thế thọ thai vẫn nhiều hơn.
Trong ba cõi, các pháp đều duy tâm hiện. Chúng sanh tuy mê chẳng biết, nhưng chính chỗ nghiệp lực không thể nghĩ bàn ấy, là chỗ tâm lực không thể nghĩ bàn, mà cũng là chỗ thần thông đạo lực của chư Phật không thể nghĩ bàn vậy. Ấn Quang tôi, hơn mười năm gần đây, vì sức mắt yếu không xem nhiều được, nên không thể rộng dẫn kinh luận để chứng minh. Tuy nhiên, lý ấy vẫn chân thật, chẳng phải tôi dám đưa ra điều ức kiến, để rước lấy sự tội khiên. Sống chết là việc lớn của chúng sanh, nhân quả là đại quyền trong cơ giáo hóa. Mong rằng các hạ không tiếc lời văn quảng trường thiệt, một phen đem việc nhân quả báo ứng giúp cho mọi người đều chuyển phiền não sanh tử thành Bồ đề Niết bàn. Như thế pháp môn cùng chúng sanh xiết bao hân hạnh!!