Home > Khai Thị Phật Học > Nam-Tren-Chong-Gai-Chi-Kho-Mot-Doi-Bi-Gai-Nhon-Cua-Tham-San-Dam-Kho-Vo-Luong-Kiep
Nằm Trên Chông Gai Chỉ Khổ Một Đời Bị Gai Nhọn Của Tham Sân Đâm Khổ Vô Lượng Kiếp
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa các Phật tử!

Hôm nay, tôi xin chia sẻ cùng quý vị một truyện cổ Phật giáo. Câu chuyện được trích từ kinh Đại trang nghiêm luận, trong Đại Chánh tạng quyển 4, trang 265 266.

Một người tin theo tà đạo, họ phải chuốc lấy đủ các loại khổ não, tai ương; chỉ có người tu hành chánh đạo, mới làm cho tín tâm ngày càng tăng trưởng và tiếng tăm ngày một vang xa; chính vì thế, người có trí huệ phải biết quán sát, phân biệt rõ ràng đâu là tà đạo, đâu là chánh đạo.

Câu chuyện kể rằng: Có một người ở ven đường tu khổ hạnh, hễ thấy có người đi ngang qua, ông ta liền nằm trên chông gai; khi không thấy ai, lập tức đứng lên đi đến nơi khác.

Có người thấy như thế, nói với người tu khổ hạnh:

- Ông có thể nằm mãi trên chông gai, đâu cần phải vội vàng đứng dậy, xong lại nằm xuống? Ông cứ nằm xuống rồi đứng lên mãi như thế, thân thể của ông sẽ bị tổn thương rất nặng!

Người tu khổ hạnh nghe xong, thẹn quá hóa giận, ông ta nhẫn tâm hơn nhún người thật mạnh trên chông gai, cú sau nhảy cao hơn cú trước, thân thể của ông đương nhiên phải chịu đau đớn một cách dữ dội.

Lúc bấy giờ, người tu khổ hạnh nhìn thấy có một vị cư sĩ đang đứng bên cạnh, nên ông càng làm cho chông gai lắc qua lắc lại khủng khiếp hơn, tàn hại thân thể của mình.

Vị cư sĩ nói với ông:

- Trước kia, vết thương của ông chẳng qua chỉ bị mũi nhọn nho nhỏ của chông gai chích vào mà thôi, nhưng bây giờ, ông lại dùng mũi nhọn của ngu si và sân hận để tàn hại chính ông. Trước kia, cây gai chích vào chỉ làm ông bị tổn thương, trầy xước bên ngoài, còn bây giờ, mũi nhọn sắt bén của tham lam, sân hận đã đâm sâu vào bên trong. Nằm trên chông gai, chịu đau chỉ một đời mà thôi, còn như bị các thứ tham, sân tàn hại, sự nhức nhối đó tiếp nối đến vô lượng kiếp. Chông gai chỉ làm cho thân thể bị thương tích, vết thương đó rất dễ lành; thế nhưng, một khi đã bị mũi nhọn của tham sân tàn hại, trải qua vô số kiếp cũng không dễ xóa sạch được, ông cần phải cấp tốc nhổ bỏ cây gai độc bám sâu trong tâm của ông ra.

Sau đó, cư sĩ nói bài kệ, có nội dung như sau:

“Bây giờ ông nên cố gắng nhổ gai độc bám sâu trong tâm của ông ra, dùng mũi dao sắt bén của trí huệ chặt đứt những cây gai của tham lam, sân hận. Tham lam và sân hận một khi bám vào con người, thì đời đời khó mà nhổ chúng ra được.

Người ngu si có nhiều tà kiến, nên không thể hiểu chánh đạo của chân lý, nằm ở trên chông gai để hành hạ thể xác, muốn dùng phương pháp khổ hạnh để kết thúc khổ đau.

Mọi người khi thấy ông nằm trên chông gai, không ai chẳng hoảng hốt muốn tránh xa; chỉ có ông mãi ôm chặt loại khổ hạnh này, không dám buông xuống.

Thấy tình trạng như thế, tôi mới hiểu ra sự khác nhau giữa chánh đạo và tà đạo; cho nên, lại một lần nữa trở về nương tựa đức Thế Tôn, đấng đầy đủ Thập lực!

Đức Phật dùng tâm từ bi cứu chúng sanh ra khỏi biển khổ, từng khai thị con đường đúng đắn của bậc giác ngộ, đối với những chúng sanh lầm lạc vào tà đạo, Ngài dùng con đường bát chánh dẫn họ đến giải thoát.

Ngoại đạo do tà kiến, bị khổ hạnh làm mê hoặc, vô cùng tín phụng khổ hạnh, cuối cùng bị sanh tử luân hồi không dứt.

Người có trí huệ khi nhìn thấy tình trạng như thế, đối với chánh pháp tín tâm càng kiên cố, vì biết rõ ngoại đạo quá si mê, cho rằng trước phải chịu khổ, sau này mới được giải thoát.

Phương pháp đức Phật giáo hóa chúng sanh siêu việt thế gian, Ngài dạy: ‘Muốn tư lương được viên mãn, cần phải tu học bát chánh đạo, chỉ có con đường đạo mới đưa đến giải thoát’.

Từ đó có thể hiểu, thân tâm an lạc mới là giải thoát thật sự, không như ngoại đạo các ông, cho rằng phải chịu sự hành hạ đau đớn thì mới đắc niết bàn.

Tất cả là do tâm, tâm điều khiển thân và khẩu tạo ra ác nghiệp hay thiện nghiệp; ông nên điều phục chính tâm niệm của ông, chứ tại sao ông lại đi hành hạ thể xác để làm gì? Thân thể chỉ chịu sự thúc giục của tâm phiền não, tùy tiện tu đủ thứ khổ hạnh.

Nếu khổ hạnh là phương pháp tu tập đúng đắn, như thế đến địa ngục chịu khổ, cũng là chánh đạo hay sao? Như chúng sinh ở trong địa ngục chịu đựng sự giết chóc, cắt xẻ thân thể, lội trong phẩn tiểu, bị thiêu đốt nóng bức… chịu đựng đủ kiểu đau đớn thảm thiết; họ cũng gánh chịu đủ các thứ khổ, sao không được gọi là tu khổ hạnh?

Khi dùng trí huệ để trừ bỏ ba loại ác nghiệp của thân, miệng và ý, thì các loại phiền não nhiễm ô mới có thể tiêu trừ!

Giáo pháp mà đức Phật Thích ca mâu ni đã khai thị, Ngài lại dạy chỉ quán (thiền định, trí huệ) để hướng dẫn loài người tìm cầu niết bàn giải thoát, người nào biết huệlấy trí huệ để trang nghiêm tự thân, tinh tấn tu tập không biếng nhác thì mới là khổ hạnh thật sự.

Tại sao ông lại hao phí sức lực làm mệt thân xác như thế? Khổ hạnh mà không có chút lợi ích nào, kết quả phải chịu quả khổ triền miên, không có ngày kết thúc.

Chẳng khác nào cha mẹ nuôi nấng đứa con bất hiếu, không bao giờ nhận được sự phụng dưỡng của nó, thậm chí, nó còn phạm đủ các tội, làm liên lụy đến cha mẹ cũng phải chịu nhiều thống khổ”.

Người tu ngoại đạo lại nói:

- Có nhiều vị tiên nhân, nhờ tu tập khổ hạnh, mà được sanh lên cõi trời.

Cư sĩ lại nói một đoạn kệ, có nội dung như sau:

“Những vị tiên nhân được sanh vào cõi trời, không phải nhờ nằm trên chông gai, mà do họ biết thực hành bố thí, trì giới, nói lời chân thật, nên mới được tái sanh vào cõi trời.

Còn ông cũng tu khổ hạnh, lại chẳng có chút lợi ích nào; chẳng khác nào người nông phu mùa xuân không chịu gieo hạt giống, đến khi mùa thu về, chắc chắn sẽ không có gì để thu hoạch.

Ông cũng như thế, nếu không chịu gieo trồng hạt giống của thiện căn, chỉ tập trung vào tu khổ hạnh, cuối cùng cũng chẳng có gì để thu hoạch.

Người muốn tu đạo, nên biết chăm sóc thân thể, phải ăn uống đầy đủ, trưởng dưỡng thọ mạng, thể lực phải khỏe mạnh, tinh thần phải sáng suốt, thì mới có thể tu học giới, định, huệ.

Vì không ăn nên đói khát không thể chịu đựng nổi, thân và tâm đều khổ sở, sẽ không thể chuyên tâm tu tập, thì làm sao có thể chứng Thánh quả?

Nếu thức ăn thịnh soạn, cũng không vì ngon mà tham đắm, chỉ vì việc tu tập trì giới, nói lời chân thật, bố thí, nhẫn nhục và thiền định, vun bồi những thiện căn này, trong tương lai sẽ gặt hái được thiện quả.

Tuy hành hạ thân thể phải chịu đói khát, nhưng trong lòng lại nghĩ nhớ đến món ăn ngon, như thế, trong quá trình tu tập đã gieo chủng tử không tốt, thì làm sao gặt hái được quả cho ngon ngọt được?

Nếu có tâm muốn làm tổn thương người khác, khiến người sinh tâm khủng khiếp, lo sợ; để từ bỏ tâm tàn hại này, phải vì chúng sanh hành vô úy thí, đây chính là thực hành chánh pháp; nếu còn sanh tâm tàn hại người, thì gọi là phi pháp.

Một người được ăn uống no nê, sẽ chẳng bao giờ có tâm niệm làm tổn thương người; vì không có tâm niệm làm người thương tổn, cho nên không thể có hành động sát hại người; nếu sinh khởi được tâm đại từ bi, thì mới có thể thu hoạch được quả báo đại thiện.

Tuy ông chịu đựng sự đói khát, vì không đủ sức nên dẫn đến tinh thần bị uể oải, buồn ngủ, như thế đối với chính bản thân ông, hay đối với mọi người được lợi ích gì?”.

Ngoại đạo đáp:

- Nếu ông chỉ khởi tâm từ bi, không cho người khác lợi ích thiết thực, mà vẫn được quả báo lớn; như thế, tôi chịu đói, nên bị hôn trầm cũng vậy thôi, tuy không cho người lợi ích, nhưng vẫn được quả báo thiện.

Cư sĩ đáp:

- Tâm từ bi có công năng tiêu trừ sự tàn hại, do trừ bỏ được tâm sân hận, nên mới gặt hái được quả báo thiện. Còn ông tu khổ hạnh, mà tâm sân hận ngày càng lớn mạnh, thúc giục thân và khẩu tạo ác nghiệp, thì làm sao đạt được quả thiện?

Tâm từ bi sẽ không như thế, một khi tâm từ bi sinh khởi, thì có thể diệt trừ được sự độc hại của tâm sân hận; nhờ không còn sự độc hại của tâm sân hận, nên thân và khẩu mới có khả năng tu tập thiện nghiệp. Tu khổ hạnh không được lợi ích gì, thì làm sao có thể mang ra thảo luận với thiện nghiệp của tâm từ?

Như khi sư tử cất tiếng rống, thì không có một loài cầm thú nào dám đứng yên trước mặt của chúng; biện tài vô ngại của đức Như Lai Thế Tôn cũng vậy, tất cả các ngoại đạo không có ai dám đối đầu biện luận với đức Thế Tôn. Giáo pháp mà đức Phật nói ra đủ năng lực chiết phục ngoại đạo, hàng ngoại đạo chỉ biết im lặng lắng nghe, không có ngôn từ nào có thể hồi đáp!

Câu chuyện này kể rằng: Có vị ngoại đạo tu khổ hạnh, lúc nhìn thấy có người thì nằm yên trên chông gai, đợi lúc không có ai liền vội vàng đứng lên nghỉ ngơi.

Tu khổ hạnh như ông ta, chỉ làm vẻ bên ngoài,

sự giả tạo đó đã bị cư sĩ thấy tường tận. Người ngoại đạo vì thế mà nổi giận, dùng hết sức nằm xuống thật mạnh, kết quả làm cho thân thể ông ta nhức nhối hơn.

Người cư sĩ này rất có trí huệ, nói với ông ta rằng:

- Nằm ở trên chông gai, đây chỉ là một cây gai nhỏ; cây gai của sân hận mới là cây gai vừa lớn vừa sắt bén. Bị thương tích ở bên ngoài, chỉ là sự đau đớn của da thịt, vết thương sớm liền như cũ, sự đau đớn của thể xác lâu nhất chỉ một đời mà thôi; thế nhưng, sự tổn thương do tâm sân hận gây nên, vết thương sẽ in sâu trong tâm, muốn nhổ chúng ra, dễ gì làm được! Sự đau đớn cũng không phải chỉ một đời có thể kết thúc, mà phải chịu đựng đến vô lượng kiếp.

Muốn được quả báo an vui, nên gieo hạt giống an lạc. Cái nhân của an lạc, không phải nhờ tu khổ hạnh. Muốn đạt kết quả lành, tất phải gieo hạt thiện. Hạt giống thiện là gì? Đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ… Hành vi thân và khẩu của chúng ta, đều do tâm tạo tác, nếu chúng ta không cố gắng chuyển hóa từ nội tâm, lại chỉ biết đọa đày thân thể, thì dầu tu khổ hạnh cũng vô nghĩa, không thể nào đạt được giải thoát.

Nếu ông cho rằng tu khổ hạnh có thể được giải thoát, có thể chứng đạo quả, như thế, những chúng sanh chịu khổ trong địa ngục phải chịu không biết bao nhiêu là đắng cay, cũng phải được chứng đắc chứ? Vì họ chịu hành xác còn nhiều hơn ông mà! Họ lẽ ra phải đắc đạo mới phải chứ?

Chúng ta nên suy nghĩ lại xem, thường ngày chúng ta chung sống với nhau, khó tránh khỏi có những lời nói, hành động xúc phạm nhau, đây chỉ là một cây gai nhỏ; nếu tâm niệm nảy sinh ra sân hận, liền biến thành cây gai lớn rất bén nhọn đâm thẳng vào trong tâm.

Có lúc “ngôn giả vô tâm, thính giả hữu ý”, người nói không có ý ác, nhưng người nghe lại tự chuốc khổ, chẳng khác nào người cố ý nằm trên chông gai, bị gai chi chít đâm vào thân. Chúng ta nên dùng trí huệ nhổ bỏ gai tham, sân, không nên để chúng đâm sâu hơn, khiến cho chúng ta phải chịu sự hành hạ đến vô lượng kiếp.

Cầu nguyện cho mọi người có đủ trí huệ để nhổ gai độc bám sâu ở trong tâm ra.

Chúng ta cùng nhau cố gắng!

Lớp Giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày 17.01.2015