Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > To-Tieng-Niem-Phat-Mat-Huong-Ve-Tay

To Tiếng Niệm Phật Mặt Hướng Về Tây
Đại Sư Phi Tích | Dịch Giả : Tịnh Sĩ

Hỏi: Trong Phương Ðẳng Kinh nói: “Muốn tu pháp môn vô thượng thâm diệu thiền định, nên tưởng liên tục tướng bạch hào của Phật kèm theo xưng danh hiệu để được thắng định. Khi đã khế hợp với định rồi thì tâm và Phật đều mất”. Ðiều này có thể tin nhận, nhưng xét nghĩ: Mặc niệm lặng lẽ thì tam muội tự sanh cần gì phải to tiếng niệm Phật mới thành tựu chánh đạo?

Ðáp: Ðúng như điều đã hỏi thì to tiếng niệm Phật cũng không có gì sai, mà trái lại hỏi như thế là làm rõ công năng của nó vậy. Vì sao? Bởi điều thiết yếu để trừ tán loạn là phải giữ cho có tiếng. Tiếng niệm chẳng rõ ràng thì tâm niệm rời rạc lông bông không định. Còn tiếng niệm rõ ràng thì tâm được chuyên nhất không còn lo nghĩ, đây là nghĩa thứ nhất.

Nghĩa thứ hai là tiếng vang ra thì tai họa tiêu mất, công đức được sung thạnh.

Nghĩa thứ ba là to tiếng niệm thì cảm ứng đến chư Phật bồ tát, khiến sanh ra các tướng lành như Phật soi ánh sáng đến, hoa báu rơi xuống lác đác như mưa...

Nghĩa thứ tư, to tiếng là một phương tiện trợ niệm thần diệu, giống như khúc cây nặng không khiên đi nỗi nhưng chỉ một tiếng hô mà nhấc bổng đi được.

Nghĩa thứ năm, to tiếng niệm Phật có năng lực hàng phục các ma não, giống như trong trận chiến, biết dùng tiếng trống lấn áp tinh thần đối phương thì chắn chắn thắng được địch.

To tiếng có đủ năm nghĩa như thế sao lại bỏ đi. Nếu vừa tưởng tướng bạch hào vừa to tiếng xưng hiệu Phật thì chắc chắn khế hợp với ý Phật, được định tuệ quân bình, và vào được cảnh giới tâm Phật đều mất. Vì vậy mà ở bài tựa trong “Niệm Phật Tam muội”, ngài Huệ Viễn nói: “Xét về công đức cao lại dễ tu tiến thì niệm Phật là pháp đứng đầu”.

Còn nói về niệm thầm, khởi tiếng liên tục trong tâm, tâm chuyên chú lắng nghe làm cho trần lụy tiêu tan, các tình niệm trệ ngăn được sáng thông thì không phải là pháp dễ dàng để mọi người hành theo được.

Ðể minh chứng, Kinh Hoa Nghiêm nói:

“Thà chịu vô lượng khổ để được nghe tiếng Phật,
Chớ chẳng nhận điều vui mà không nghe tiếng Phật.”

Vậy thì to tiếng niệm Phật là mầm mống phát sanh điều thiện, giống như tiếng sấm mùa xuân là khởi động cỏ cây, sao lại khinh chê?

Hỏi: Kính nhận ý nghĩa về to tiếng và nhỏ tiếng niệm Phật. Xin hỏi: Ở mười phương tịnh độ đều có Như Lai, nay chỉ hướng mặt về phương tây, như thế có phải vướng mắc không?

Ðáp: Chẳng phải. Ðiều này trong Kinh Phương Ðẳng có nói, không phải do người bày ra, há có thể hủy báng Kinh Phương Ðẳng ư?

Hỏi: Xin được nghe lý này thế nào?

Ðáp: Cũng có lý của nó. Như người si mê thấy đức Quán thế Âm có 11 mặt, liền vấn nạn rằng “Sao không là 12 mặt?”; rồi tùy theo trả lời thế nào, liền hỏi trở lại: “sao không là 11 mặt”. Ông nay muốn lấy Ðông để nạn vấn Tây thì cũng như người ấy.

Lại nữa, vì chúng sanh còn mê chưa tỉnh, cần phải giữ thân an ổn, để tâm theo một hướng không rời thì có thể tỉnh ngộ được, còn bằng chẳng ngộ được thì không làm sao giáo hóa được, chỉ đáng thương vậy.
Trong “Thắng Thiên Vương Kinh” phẩm “Nhị hạnh” nói Như Lai có 80 tướng đẹp, trong đó có tướng “Tùy hảo quang minh công đức” là tướng luôn hướng về chúng sanh không lìa bỏ một ai, sẵn sàng phóng hào quang đến chúng sanh nào cần cầu, thật rất từ bi.

Ngài Trí Giả Ðại sư từ lúc còn bé luôn luôn giữ lệ là nằm thì chấp tay, ngồi thì day mặt về Tây. Về sau lớn lên khi đọc 48 lời nguyện và chín phẩm vãng sanh, cảm ứng được tướng lành ánh sáng soi rực núi, thiên nhạc tấu vang trời. Sau cùng ngài được sanh Tây phương Cực Lạc. Như thế, việc day mặt hướng về phương Tây chẳng đáng rộng tuyên dương ư?

Hỏi: Xin được nghe về ý nghĩa của Ban Châu

Ðáp: Tiếng Phạm là Ban Châu, tàu dịch la “Hiện tiền”, nghĩa là nghĩ nhớ Phật liên tục không ngừng thì Phật sẽ hiển hiện trong định. Vấn đề 90 ngày thường hành đạo là để trợ duyên cho pháp ban châu chớ không phải là chính nghĩa.

Hỏi: Về diệu môn của tịch độ là Ban Châu đã được giải rồi. Song thời cận đại đến nay có ai đến được An dưỡng Quốc, đã không có tướng báo tin làm sao biết là đã đến nơi ấy. Xin ngài giảng rõ.

Ðáp: Ðời nhà Tấn, ngài Huệ Viễn ở Lư Sơn là vị đầu tiên khởi xướng tu tịnh độ. Ðược ngài Phật-Ðà-bạt-đà-la truyền pháp môn niệm Phật tam muội, ngài cùng các huynh đệ là Huệ Trì, Huệ Vĩnh nhóm họp các sĩ phu, quan lại về hưu, người ẩn dật, bậc có uy tín như Tông Nạp, Trương Dã, Lưu Di Dân, Lôi Thứ Tông, Châu Tục Chi, Khuyết Công Tắc,... 123 người cùng nhau đục núi làm bài minh phát thệ sanh Tịnh Ðộ. Bài văn do Lưu Di Dân trước tác đại lược như:

“Buông xả vòng thế gian chìm đắm, tỉnh ngộ kiếp vô thường chóng vánh, rõ ba báo thường xuyên thôi thúc, cõi hiểm nguy biết khó thoát ra. Thế nên các hiền sĩ cùng chí khí hướng đây ngày đêm kính cẩn chuyên cần mong đức Di Ðà từ bi sang cứu độ. Dùng diệu quán đại nghi để khai mở tâm hồn, luyện trí quán chiếu luôn rõ ràng chánh trực. Ðể ý thức nhờ đó mà tỏ ngộ, thể xác bởi đó được đổi thay. Ngõ hầu mượn thân phù dung giả tạm để vào dòng thánh chúng, núp bóng Quỳnh Kha chư Phật để trưởng dưỡng tánh linh, mặc áo giải thoát bay nơi cực lạc có ao sen bát đức, thổi ngọn gió thơm thanh tịnh trở về độ kẻ cùng niên (cùng tử) lầm lạc. Thân hết mọi an nguy mà luôn luôn hòa mục, tâm vượt cả khổ vui mà vẫn tự tươi vui. Trông xuống Tam đồ thấy sâu hun hút, nhìn lại thiên cung thì đã bỏ xa. Theo con đường của hàng Thánh chúng; mong được về tịch tịnh Niết bàn”. Rõ xét, đạo như thế, há chẳng nên hoằng dương ư?

Ngài Huệ Viễn viết lời tựa sách “Niệm Phật tam muội” có nói rằng: “Sao gọi niệm Phật tam muội? Là nhớ chuyên, tưởng lặng vậy. Nhớ chuyên (luôn nhớ không ngừng) thì chí Không dời đổi. Tưởng lặng (các tưởng đều lặng) thì khí thanh thần sáng. Khí thanh thì trí giác soi khắp, thần sáng thì chiếu suốt chỗ tối tăm. Hai điều này thầm hợp nhau và chung hội lại mà thành ra diệu dụng. Các môn tam muội rất nhiều, nhưng về phần công đức cao dễ tu tiến thì niệm Phật là bực nhất. Vì mỗi người đều có nhân duyên với các thứ định khác nhau nên không thể nói định nào hay dỡ được”. Tạ Linh Vận có bài thơ vịnh tịnh độ như:

“Pháp Tạng trưởng vương cung
Hoài đạo xả quốc thành
Nguyện ngôn tứ thập bát
Hoằng thệ chủng quần sanh
Tịnh độ nhất hà diệu
Lai giả giai tinh anh
Ðồi niên an khả ký
Thừa hóa tất thần chinh”.

Tạm dịch:

“Pháp Tạng xưa vốn ở Vương Cung
Lòng say mến đạo xả quốc thành
Từ tâm khởi bốn mươi tám nguyện
Thề cứu khắp cùng các chúng sanh
Lập một tịnh bang đầy thắng diệu
Ai về đây đủ vẻ tinh anh
Không già nua không điều đau khổ
Nương đài sen hoá hiện du hành”.

Ông hỏi rằng chưa thấy ai báo tin được vãng sanh, sao chẳng nhớ chuyện Khuyết Công Tắc đời tấn vãng sanh rồi trở lại báo tin. Ông Khuyết Công Tắc lúc còn sống có lời nguyện khi được vãng sanh xong sẽ trở về báo tin cho mọi người biết. Về sau ông mất, vào một đêm trong chùa Bạch Mã ở Ðông Kinh những người bạn từng cùng ông phát thệ tu hành đang tụng kinh là lễ kỵ giỗ ông. Giữa lúc ấy bỗng đại diện trở nên sáng lòa màu vàng kim, trong hư không có tiếng nói rằng: “Tôi là Khuyết Công Tắc trước kia cầu sanh về Cực Lạc, nay đã đạt kết quả nên trở về đây báo tin”.
Nói xong các tướng lạ này liền mất.

Ông Chi Ðạo Lâm thấy vậy có lời tán thán rằng:

Ðại tai Khuyết Công
Hâm hư nạp linh
Thần hóa Tây vức
Tích nghiệm Ðông Kinh
Bồi hồi tiêu hứ
Lưu hưởng diệu hình
Khởi khâm nhứt tán
Thị dĩ phi mình”.

Tạm dịch:
Cao cả thay Khuyết Công
Lặng sáng mà hiển linh
Chánh niệm thần về miền lạc cảnh
Giác mê ứng tích tại Ðông Kinh
Trong mây dường rõ tiếng
Nét ngọc khó quên hình
Nhiệm mầu khen nói khôn cùng tận
Phật thánh ai rằng chuyện mộng minh.

(Trích Mấy Ðiệu Sen Thanh)

Ông Ngô hiếu Kính cũng có lời khen:

“Y dư Công Tắc
Tiên cam pháp vị
Tri ngã giả hi
Kỳ đạo nãi quí
Kim Quang dạ lãng
Ngọc nhan triều túy
Bất xả hữu duyên
Ngôn cáo kỳ lụy (loại)”.

Tạm dịch:

Hay thay Công Tắc
Trước nếm Pháp Vị
Biết tôi mong cầu
Ðạo ấy thật quí
Nên hiệu Kim Quang
Diệu tướng rõ ràng
Không quên nguyện cũ
Về báo Tây phương”.
 
Trích từ: Luận Bảo Vương Tam Muội
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Luận Bảo Vương Tam Muội, Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn Tải Về
2 Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Cư Sĩ Minh Chánh Tải Về
3 Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ Tải Về

Lợi Ích của sự Niệm Phật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

So Lường Công Đức Niệm Phật
Đời Đường, Thiện Đạo Hòa Thượng tập ký

Khuyến Tấn Niệm Phật
Đời Đường, Thiện Đạo Hòa Thượng tập ký

Niệm Phật Phải An Nhẫn Các Chướng Duyên
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội
Cư Sĩ Bành Tế Thanh