Vào thời chánh pháp thì các thánh nhân đều thị hiện tại thế gian để hỗ trợ cho Phật hoằng dương chánh pháp. Lúc đó, các đệ tử đã xuất gia với Phật từ vô lượng kiếp đều theo Phật tu hành. Các thánh nhân đã chứng quả đó đều phát nguyện: theo Phật đi khắp nơi để chuyển pháp luân và độ chúng sanh. Có câu rằng: "Một vị Phật hoằng hóa, một ngàn vị Phật hộ trì." Sau khi Phật nhập Niết bàn, các vị thánh nhân đó cũng thay nhau đi vào cõi Tịnh độ Thường Tịch Quang.
Năm trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt, căn cơ của người tu hành không còn được sắc bén như trước, căn lành không đủ dầy, cho nên mới biến thành thời tượng pháp nghĩa là thờ phượng tượng đức Phật mà thôi. Ðó là thời kỳ người ta xây chùa, tạo tháp, đúc tượng Phật, nhưng lại quên mất sự kiến tạo huệ mạng và pháp thân, cho nên mỗi ngày người tu càng xa lìa thời chánh pháp và chuyển sang tượng pháp.
Thời đại tượng pháp kéo dài một ngàn năm, nay cũng đã qua rồi và chúng ta đương ở thời mạt pháp. Trong thời tượng pháp, người ta vẫn tu theo chánh pháp, không ai phỉ báng hay công kích pháp, người ta xử sự trong hòa bình, không có sự tranh cãi. Chẳng phải theo lối "tăng báng tăng, Phật pháp diệt" mà "tăng tán tăng, Phật pháp hưng." Thời chánh pháp thì không có sự tán thán, nhưng cũng không có phỉ báng. Thời tượng pháp thì có tán thán, không có phỉ báng, nhưng đến lúc mạt pháp thì chỉ có phỉ báng mà không có tán thán.
Trong thời mạt pháp ai ai cũng nói Phật giáo là mê tín, là chuyên sùng bái các tượng hình, cho đến ngay cả tín đồ Phật giáo cũng theo đuôi mọi người, ai nói sao thì nói vậy, không hiểu cái gì cho rõ rệt, không minh bạch chân lý. Ðó là điều chứng minh Phật giáo đã tới lúc mạt pháp, lúc mà không ai còn hiểu thấu Phật pháp nữa.
Bởi ai ai cũng không rõ Phật pháp cho nên có một số người chuyên bới lông tìm vết phê bình Phật giáo những điều không hay, còn những cái gì hay họ chẳng biết tới, khiến cho chân lý trong Phật giáo bị tiêu ma. Người tại gia không hiểu chân lý, đến kẻ xuất gia cũng không minh bạch, nhất loạt hồ đồ, ai nói sao thì nói vậy và kẻ mù dẫn dắt người mù.
Bài kệ tụng sau đây hay vô cùng, xin nói ra đây để chúng ta cùng tham khảo:
Nguyện tiêu tam chướng chư phiền não,
Nguyện đắc trí huệ chân minh liễu
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ
Thế thế thường hành Bồ tát đạo.
Nguyện tiêu tam chướng chư phiền não,
Nguyện đắc trí huệ chân minh liễu
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ
Thế thế thường hành Bồ tát đạo.
Tôi xin sơ lược giải thích như sau:
Nguyện tiêu tam chướng chư phiền não: Tam chướng là nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng, ba chướng này ta phải tiêu trừ cho sạch, chớ không phải chúng ta chỉ nói ở cửa miệng: Phải tiêu trừ! Phải tiêu trừ! Mà kỳ thực chẳng muốn tiêu trừ. Tóm lại là che dấu khuyết điểm của mình, nuôi dưỡng khuyết điểm đó, không dám đưa chúng ra ánh sáng một cách đàng hoàng, rút cuộc nghiệp chướng mỗi ngày một sâu, mỗi ngày một nặng, phiền não chướng mỗi ngày một gia tăng.
Nguyện tiêu tam chướng chư phiền não: Nguyện đắc trí huệ chân minh liễu: Nếu ba chướng không bị tiêu trừ cho sạch, thì không thể có trí huệ chân chánh. Nếu có trí huệ thật thì không bao giờ làm chuyện điên đảo. Dùng trí huệ chớ không phải dùng vô minh để xử lý mọi việc, lúc đó mới gọi là sáng tỏ một cách chân chánh, còn như biết một mà hiểu chỉ một nửa thì chẳng phải là sáng tỏ thật.
Nguyện đắc trí huệ chân minh liễu: Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ: Tôi nguyện diệt trừ ba chướng, chẳng phải chỉ riêng cho tôi mà còn cho chúng sanh nữa. Ðó là bổn nguyện của tôi, và thường xuyên tôi lấy đó làm nguyện lực để hành sự.
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ: Thế thế thường hành Bồ tát đạo: Tuy tôi chẳng phải là Bồ tát, nhưng tôi nguyện đời đời kiếp kiếp làm những gì mà các Bồ tát thường làm trong đạo Bồ tát. Tôi học tập Bồ tát nên tu pháp môn này. Bồ tát chẳng phải tu một ngày mà thành, mà là từng ngày một tu thành. Ðức Phật Thích ca, Ngài tu phước huệ trong ba tăng kỳ, tu tướng tốt trong trăm kiếp, trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp, một thời gian dài như vậy, công đức của Ngài mới viên mãn, phước huệ mới đầy đủ, nghĩa là "tam giác viên, vạn đức bị, " Ngài mới thành bậc Lưỡng Túc Tôn.
Thế thế thường hành Bồ tát đạo: Phát nguyện rồi thì phải tuân thủ ngay, chẳng thể có tâm tự tư, tự lợi, tâm tranh luận, tâm tham dục, tâm mưu cầu, tâm nói dối. Không có sáu loại tâm này là có ngay chánh pháp, đổi mạt pháp ra chánh pháp. Nếu ngược lại, thì chính là mạt pháp, chuyển chánh pháp thành mạt pháp. Nếu như lấy sáu tông chỉ trên để xử lý mọi việc thì tức thời có công bình, có sự vô tư, mọi sự chánh đại quang minh. Tu đạo thì nhất định tới chỗ thành tựu, cả mười phương chư Phật thường xuyên ủng hộ chúng ta. Xin quý vị lưu ý! Chính là pháp này đó, ngoài ra không có pháp nào khác. Các vị hãy chiếu theo nó mà dụng công là không sai.
Chúng ta tu đạo phải biết chịu khổ, chịu khó nhọc. Chớ ham tiện nghi, chớ nên tinh khôn giả dối, mà phải thực thà tiến bước. Nhớ kỹ điều này! Chớ ham ăn ngon, chớ ham mặc đồ quý, chớ tham nhà đẹp, hết thẩy mọi thứ đều không tham lam, càng không ham hưởng thụ. Ðược như vậy thì thời chánh pháp sẽ trụ tại thế gian.
Thời chánh pháp, ai ai cũng tu hành. Thời mạt pháp, chẳng ai tu hành. Nếu mọi người chịu tu hành thì mạt pháp đổi thành chánh pháp. Trong lúc tu, không thể để các dục niệm quấy nhiễu, nếu có dục niệm thì lại rơi vào mạt pháp. Cho nên, vấn đề hết sức khẩn yếu ở đây là không thể có các tâm tranh, tâm tham, tâm cầu, tâm ích kỷ, tâm tự lợi và tâm nói dối.