Hán tự chữ tiền (錢) gồm chữ kim (金) và hai chữ qua (戈 chỉ giáo mác). Có bài kệ tụng nghe rất hay:
二戈爭金殺氣高
人人因它犯嘮叨
能善用者超三界
不會用者業難逃.
Nhị qua tranh kim sát khí cao,
Nhân nhân nhân tha phạm lao đao.
Năng hội dụng giả siêu tam giới,
Bất hội dụng giả nghiệt nan đào.
Hai giáo tranh nhau sát khí cao,
Người người vì nó phạm lao đao.
Biết dùng thời đặng siêu tam giới.
Không biết dùng nghiệt tội khó đào.
Qua tức là can qua, một loại võ khí. Tiền dùng kim loại đúc ra. Hai người cầm giáo tranh nhau tiền, cho nên tạo ra giết người, phóng hỏa gây bao nhiêu ác nghiệp. Anh tranh, tôi đoạt, sát khí cao ngất mây xanh. Tiền tuy là giả, nhưng mọi người mê nó. Không những người thích tiền, quỉ cũng thích tiền. Người sống tìm đủ mọi cách, phí hết tâm cơ kiếm tiền, quỉ không có việc làm, không thể kiếm tiền, nhưng cũng có cách làm tiền, khiến người ta đốt tiền giấy cho giấy. Sự thật thời quỉ không cần tiền. Đốt tiền giấy là một loại mê tín, lãng phí tiền, đem tiền hóa thành tro bụi, loại suy nghĩ nầy thật là ngu không thể nói nổi!
Tại châu Á có phong tục, con người lúc sống, tự mình đốt thật nhiều tiền giấy, cho rằng ở âm phủ có ngân hàng tồn khoán, chờ đến khi chết, có thể làm quỉ phú hộ. Hoặc dùng tiền hối lộ Diêm Vương, giảm nhẹ được tội. Há không biết Diêm Vương là một phán quan mặt lạnh như tiền, vô tư, chiếu công đạo mà xét, không nhận bất kỳ hối lộ nào, nghĩ hối lộ cho Diêm Vương thật uổng phí cả tâm cơ.
Người có tư tưởng như thế, cho rằng tiền có thần thông, có tiền xử sự chỗ nào cũng thông. Cho nên nói:Có tiền có thể khiến quỉ, sai ma, đó là ý nghĩ hết sức sai lầm. Sau khi chết nhất định đọa địa ngục. Vì sao thế? Bởi khi sống trên trần gian, nhất định những người ấy làm nhiều việc trái với lương tâm, vì muốn cứu vản nổi thống khổ sau khi chết, cho nên thiêu tiền giấy, chuẩn bị đưa cho bọn tham quan ô lại những bao lì xì, mua được phương tiện. Tư tưởng nầy lừa cả chính mình, thực đáng tức cười!'
Tiền chi phối người trên thế gian điên điên đảo đảo, làm chuyện sai quấy, lục thân không nhận, khuynh đoạt lẫn nhau, khiến người thân ra người đi đường, thậm chí thành cừu địch, thật đáng sợ! Bởi mọi thứ quan hệ nầy nên người tu đạo phải giữ giới tiền bạc (銀錢戒 ngân tiền giới), khỏi bị phiền toái. Sao gọi là giữ giới tiền bạc? Là tay không rờ đến tiền mới là chân chánh Phật tử, có thể giữ luật Phật, chuyên trì giới tịnh. Không những tay không cầm tiền mà ý cũng không nghĩ đến tiền, cho rằng tiền là vật không thanh tịnh, đem tiền vứt lên chín tầng mây, coi đó là vật chẳng lành.
Người tu đạo vì chúng sanh tạo phước điền, thay chúng sanh sanh gieo phước mà tiếp nhận cúng dường. Nhưng không nên phan duyên, không nên tham cầu cúng dường. Chỉ tùy duyên, tùy phương tiện, không có ý đồ. Người xuất gia tại sao không thành đạo? Bởi hai cửa ngỏ tài, sắc không phá nổi. Tài khiến người mê hoặc, sắc khiến người điên đảo. Đây là những tảng đá lớn làm chướng ngại cho người tu đạo, khiến người tu đạo đợt sóng nầy phiêu bạt.
Vô luận vị nào muốn giữ giới tiền bạc, tự mình phải chú ý đặc biệt, cẩn trọng muôn phần. Tay không cầm tiền, ý cũng không nghĩ đến tiền. Không thể cung phụng đời sống, làm trái đạo đức, tham lam lợi dưỡng. Nếu có tư tưởng, hành vi như thế, hãy mau mau trở về đường chánh, không nên biết rồi mà cố phạm. Phàm dùng phương thức ngũ tà mạng để sanh sống, đều không phải Phật tử chân chánh, đó là con trùng sư tử, mặt áo Phật, nương theo Phật để kiếm ăn. Nói tóm lại, có tâm phan duyên, tức là tham tài, đều không có tư cách một người Phật tử.
Người người vì tiền, không biết tiền mang đến cho họ biết bao phiền toái. Nhưng người biết dùng tiền, dùng tiền làm nhiều công đức, như xây trường học, mở nhà thương, những việc có lợi cho nhân quần, lợi người, lợi mình, sẽ thoát khỏi tam giới, khỏi bị cái khổ sanh tử luân hồi, đắc đáo chân lạc Niết Bàn. Nếu người không biết dùng tiền, chỉ tạo nghiệp ác, làm những việc thương luân hại lý, khó thoát khỏi tam giới, phải đọa xuống địa ngục. Cho nên nói tài, sắc, danh, ăn, ngủ là năm cội gốc đi đến địa ngục. Hãy nhớ kỷ! Hãy nhớ kỷ! Không nên nhầm lẫn nhân quả. Nhân quả một tơ một hào cũng không sai chạy, đây là định luật bất biến của ngàn đời. Lầm lẫn nhân quả, nhất định chịu quả báo.
Giảng ngày 4 tháng 6 năm 1981
Trích từ: Bồ Đề Hải