Home > Khai Thị Phật Học
Công Đức Đại Thừa
Hòa Thượng Thích Nhất Chân


Công đức hay phước đức thật ra cũng chỉ là một ý nghĩa với nhau, chẳng qua người đời thì hay dùng chữ phước đức, và trong Đạo lại hay dùng chữ công đức. Tuy nhiên theo thói thường sử dụng, thời chữ phước đức thường được dùng để chỉ cho quả và công đức được nói cho nhân. Như ta thấy một người giầu có sung sướng, ta bảo là người đó có phước đức, và khi thấy một người đang bố thí, ta nói người ấy đang làm công đức. Song ta vẫn có thể dùng cả hai chữ thay cho nhau, và nói cho cả nhân lẫn quả gì cũng đều được. Như trong kinh A Di Đà khi các cảnh giới thù thắng của Cực Lạc thế giới được nói lên, thời sau đó đức Phật đều kết luận rằng :"Cực lạc quốc độ thành tựu như thị công đức trang nghiêm", nghĩa là "cõi nước Cực Lạc đã thành tựu được các công đức tuyệt đẹp như vậy". Công đức ở đây là nói cho kết quả vậy.

Tuy nhiên trong Phật Pháp, công đức thường chỉ cho nhân, dĩ nhiên là các nhân tốt và thiện, thông thường là hành động bố thí cứu giúp người cô cùng nghèo khổ, và đặc biệt là bố thí cúng dường cho Tam Bảo, nhất là cho chư tăng, các vị đệ tử Phật cần có sự cúng thí như thế để mà hành Đạo cho đúng Pháp. Vấn đề của chúng ta là : cứu giúp người nghèo khổ tật bệnh là công đức đã đành rồi, song tại sao bố thí hay cúng dường cho Tam Bảo mà cũng là công đức?

Để trả lời vấn đề này, chúng ta cần nhận xét đôi chút về ý nghĩa tổng quát của công đức như sau : có tốn kém công sức của mình hay phải thiệt thòi chịu hy sinh, thì mới được gọi là "công" ; và tốn kém thiệt thòi hy sinh như thế mà có mang lại được an lạc cho người khác thì mới được gọi là "đức". Như nếu tôi chịu vất vả cả đêm để đào tường khoét vách vào ăn trộm nhà người ta, làm thiệt hại cho người ta, thì tôi có "công" thật đấy, nhưng "đức" thì hoàn toàn không có. Còn nếu như tôi chịu thiệt thòi đem tiền của của tôi hay công sức của tôi ra giúp cho người thiếu thốn được đầy đủ, người bệnh hoạn được chăm sóc, người đau buồn được an ủi v.v.., làm lợi lạc cho người ta như thế, thì tôi vừa có "công" mà vừa có đức" nữa, nên được gọi là công đức.

Chưa hết, theo Phật Pháp, một việc làm có công đức chính yếu không phải chỉ là ra công sức làm lợi cho người khác, mà là kết quả do việc làm đó đem lại hoàn toàn hữu ích cho chính mình. Hữu ích ở đây là mình được sung sướng và hạnh phúc. Thí dụ như tôi ra công giết anh A để cho anh B được lợi lạc, vì A và B cạnh tranh với nhau, thì dù là tôi có công và đem lại lợi ích cho B, song kết quả thì tôi phải xuống địa ngục. Một hành động mà chiêu cảm quả báo xấu như thế không thể gọi là công đức được. Do đó trong cuộc sống liên hệ đầy phức tạp này, chỉ có kết quả tối hậu mới xác định được hành động mình làm là công đức hay không phải công đức.

Mà kết quả ở đây không phải chỉ là kết quả nhất thời mà phải là kết quả tối hậu, như tôi ra công ăn trộm xong, thì cảm thấy lợi lạc sung sướng với của cải ăn trộm ấy, đó chỉ là một kết quả nhất thời (nói theo chuyên môn thì đó chỉ là "sĩ dụng quả"). Nếu để "chơi chữ" một chút, ta có thể gọi đó là kết quả của "công", chứ không phải kết quả của "đức", nghĩa là do tôi có công ăn trộm nên tôi được kết quả ấy, song ăn trộm không phải là "đức" mà là "thất đức", thế nên tôi sẽ không có được kết quả sung sướng chân thật của "đức", mà trái lại cuối cùng tôi sẽ phải chịu kết quả đắng cay của "thất đức", như đọa địa ngục trong đời sau chẳng hạn. Kết quả đắng cay này là kết quả tối hậu của hành động ăn trộm của tôi. Trong Phật Pháp, kết quả tối hậu thường được gọi là "quả báo" (gọi theo chuyên môn là "dị thục quả"), và chữ "báo " ở đây là chỉ cho một thời điểm khác với thời điểm hiện tại này, tức là chỉ cho một đời sống kiếp sau. Kết quả tối hậu như thế là quả báo của đời sau vậy.

Phật Pháp như thế nhìn công đức như là một nhân tốt cho đời sau được hưởng quả báo tốt. Và như thế Phật Pháp xác định ý nghĩa chân chính của công đức không hề ra khỏi nguyên tắc "nhân quả". Phật Pháp không nhìn theo quan điểm phải, đúng, của thế gian để xác định ý nghĩa công đức, mà cũng không nhìn theo tình cảm "dịu dàng" của thế gian hay các lý lẽ tốt thiện của thế gian, để xác định ý nghĩa công đức, mà Phật Pháp chiếu theo nhân quả hai đời mà lập thành ý nghĩa công đức vậy. Hễ đời này ra công sức làm lợi lạc cho người mà đời sau được hưởng mọi điều tốt đẹp, thì công sức ấy được gọi là công đức. Như đời này tôi bỏ công của ra bố thí cho nhiều người được an lành, nên đời sau tôi sinh lên làm vua cõi trời hưởng đủ mọi khoái lạc.

Do đó công đức có thể được định nghĩa chính xác hơn nữa là "làm lợi cho người trong hiện tại và làm lợi cho chính mình trong đời sau", thì đó là công đức. Chúng ta thấy rõ về nhân quả ở đây : "làm lợi cho người" là nhân, "làm lợi cho mình" là quả. Quả chỉ là một hoạt động thụ hưởng, song nhân là cả một hành động phải ra sức và phải liên hệ với người khác rất phức tạp. Nếu không có người nghèo khổ và nếu tôi không ra công bố thí cho người ta, thì nhân sẽ không có, và nhân không có thì quả sẽ không có theo. Do đó vấn đề nhân hay gieo nhân trở nên quan trọng hàng đầu.

Rốt cuộc công đức dù khi làm thì là lợi cho người khác, song kết quả tối hậu thì vẫn là làm lợi cho chính mình. Đó là lý lẽ nhân quả, một nguyên tắc tự nhiên như thế của tất cả các pháp, nên dù tôi làm công đức mà không muốn hưởng quả gì hết cũng không được, như đã vỗ mạnh hai tay vào với nhau mà không muốn phát ra tiếng gì hết thì chắc chắn là không được. Theo nguyên tắc ấy, Phật Pháp kêu gọi chúng ta làm công đức không phải theo lối đạo đức thế gian "thí ân bất cầu báo", mà là làm công đức chính là để "lợi mình và lợi người". Nói cách khác, người Phật tử làm công đức là do vì biết đến nhân quả và do vì thâm tín nhân quả, nên mới làm công đức, mục tiêu là để có được một quả báo lợi lạc cho mọi người và lợi lạc tối hậu cho chính mình vậy. Làm công đức mà không cầu hay không nhắm đến một quả báo tốt đẹp nào hết, thì đó chỉ mà một việc làm tốt ngẫu hứng nhất thời, hoàn toàn lệ thuộc theo tình cảm ; hay chỉ là làm theo bẩm tính trời sinh, như một phản ứng bản năng ; hay chỉ là làm hùa theo bằng một tâm trạng lơ đãng hời hợt ; hay chỉ để xây dựng tư cách của bản ngã mình theo các tiêu chuẩn đạo đức công ước của thế gian.

Làm công đức theo các lối ấy chỉ chứng tỏ là có một sự thiếu sót lớn : đó là không biết gì đến chân lý nhân quả phổ biến khắp tất cả các pháp, tức là nhận định của chúng ta trong khi làm công đức ấy hoàn toàn không tương ưng với chân lý, nghĩa là công đức là một nguyên tắc chân lý nhân quả, mà trong khi thực hiện nguyên tắc ấy, thì tâm thức chúng ta hoàn toàn không biết đến chân lý ấy, hoàn toàn lạc lõng ở bên ngoài, hoàn toàn chìm đắm trong cơn mơ của "tình thức", chúng ta được gọi là làm công đức trong "vọng tưởng". Và do đó chúng ta nên dành chữ công đức ấy cho các hành động tốt hay thiện thuộc về Đạo, và các hành động tốt hay thiện của thế gian thì sẽ được gọi là thiện hay tốt mà thôi.  đó vấn đề công đức trong Phật Pháp không giản dị như chúng ta tưởng. Để sáng tỏ lên ý nghĩa công đức đối với Tam Bảo, chúng ta cần phải phân tích phần nào về ý nghĩa của công đức theo Phật Pháp xem ra sao : Phật Pháp khi nói về công đức, thường lấy bố thí là hành động điển hình. Bố thí là một nhân công đức tiêu biểu, thế nên chúng ta cũng sẽ dùng bố thí để phân tích về công đức như sau : Phật Pháp phân công đức bố thí ra làm ba thành phần căn bản chính yếu, đó là người thí, vật thí và người nhận thí. Và do vì ba thành phần này rất là sai khác biến thiên và phức tạp, thế nên công đức bố thí cũng vô vàn phức tạp theo. Không phải cứ bố thí là đều bình đẳng một ý nghĩa, đều bình đẳng một quả báo, mà bố thí sẽ tùy theo ba thành phần ấy mà thành vô vàn công đức sai khác nhau. Câu Xá Luận phân tích ba thành phần ấy như sau :

1.  Về người thí hay gọi là "chủ" : Nếu người thí coi mình như người ra ân và ở bên trên thi ân xuống cho người nhận thí hay là người thọ ân, hay thí bằng tất cả các tâm trạng thuộc "tình thức" như đã đề cập ở bên trên, thì thí như thế chỉ là một hành động thiện của thế gian, chứ không phải là một công đức thiện ở trong Đạo. Phật Pháp đòi hỏi người thí phải có một "tư cách" xứng đáng với công đức bố thí cao cả này. Tư cách này gồm bẩy tính chất (gọi là "thất thánh tài") như sau:

Thâm tín nhân quả ;
- Trì giới thanh tịnh ;
- Đa văn hiểu rộng về pháp ;
- Trí huệ phân biệt chính xác ;
- Xả thí không tiếc lẫn ;
- Tàm là biết tôn trọng điều thiện và biết thẹn với lương tâm ;
- Quý là biết sợ quả báo xấu ác.

Nếu người thí có đủ bẩy tính chất ấy mà ra tay thí thời công đức sẽ vô cùng to lớn, quả báo đạt được sẽ khó mà so bì. Còn tùy theo nếu người thí không có đủ bẩy pháp ấy hoặc có đủ mà phẩm tính không hoàn toàn, thời công đức và quả báo do đó cũng trở nên kém hơn và sai khác với nhau. Còn thí mà người thí thiếu hẳn bẩy pháp ấy thời chỉ là bố thí thiện của thế gian mà thôi.

Ngoài ra muốn được quả báo mọi người tôn trọng mình, thì người thí còn phải hành thí với tâm tôn trọng người nhận thí (gọi là "tôn trọng thí") ; muốn được hưởng quả báo sung sướng giầu có lớn, thì phải tự tay mình hành thí (gọi là "tự thủ thí") ; muốn được quả báo cần đến gì là tự nhiên sẽ có liền, thì phải hành thí cho đúng thời đúng lúc (gọi là "ứng thời thí") ; và muốn được quả báo có của cải không bao giờ bị đoạt mất, thời khi thí đừng làm tổn hại cho người nhận thí và thí các tiền vật hoàn hảo (gọi là "vô tổn thí")

2.  Kế đến là vật thí hay gọi là "tài". Cho dù người thí có toàn hảo với "thất thánh tài" kể trên đi nữa, song công đức hơn thua, nhiều ít khác nhau còn phải tùy thuộc vào phẩm chất của vật thí nữa. Vật được thí ra được xét là tốt đẹp hay không theo bốn phương diện là mầu sắc hình dáng, mùi, vị và cảm xúc (tức chính là bốn trần "sắc, hương, vị, xúc"). Nếu vật thí có hình dáng mầu sắc hoàn toàn đẹp đẽ thời quả báo sẽ làm cho người thí có được sắc đẹp tuyệt vời ; nếu vật thí có mùi thơm toàn hảo thời người thí sẽ được quả báo danh tiếng lẫy lừng khắp mọi nơi ; nếu vật thí có vị ngon ngọt đậm đà, thời người thí sẽ được quả báo mọi người đều hâm mộ ưa thích ; nếu vật thí đưa lại cảm xúc êm ái dễ chịu thì người thí sẽ được quả báo thân thể mềm mại, hễ lạnh thì liền được ấm, vừa nóng thì liền được mát v.v..

3.  Cuối cùng là người nhận thí được gọi là "điền". Thông thường chúng ta ít để ý đến người nhận thí này, với quan niệm của thế gian, chúng ta chỉ cho rằng người nhận thí là người đáng tội nghiệp, người cần đến mình, người cầu xin mình, người quỳ lụy mình, và do đó người ấy sẽ phải sợ mình, và mình sẽ có uy lực đối với người ấy v.v.. Phật Pháp không nhìn giản dị như vậy, và lấy thí dụ cho công đức bố thí ví như việc trồng trọt của nhà nông : tâm tốt không tham và hành động xả của bố thí như hành động gieo hạt, vật thí xả ra cho ví như hạt giống, và người nhận thí ví như đất ruộng.

Dù chúng ta có tâm tốt đến đâu, và dù các vật chúng ta cho ra rất là tốt đẹp quý giá vô cùng, song nếu không có người nhận thí, thì chúng ta sẽ không sao thành tựu được công việc bố thí, tức không sao có được công đức bố thí và quả báo bố thí. Người đời không tin nhân quả, nên bao giờ cũng cảm thấy người thí là người ra ân và phải chịu hy sinh thiệt thòi tài của, còn kẻ nhận thí kia là người "vô dụng" đáng tội. Quả thật những người ăn xin là những người vô dụng đáng tội, song khi một người biết thâm tín nhân quả mà muốn có được một kết quả thật tốt đẹp cho mình trong tương lai, người ấy biết là cần phải gieo nhân công đức bố thí, mà muốn thực hành được công đức bố thí, thì không thể nào thiếu người nhận thí được. Thế nên trong Phật Pháp, cho dù là vua trên cõi trời, mà khi đã muốn làm công đức bố thí, thì cũng phải hạ sinh xuống cõi nhân gian này, vì trên cõi trời không có người ăn xin nào hết để mà thí. Đã đành người ăn xin là hàng thấp nhất trong xã hội, hàng mà mọi người khác đều dẫm lên ở bên trên, song đó lại là nơi để gieo hạt giống công đức, cũng như mặt đất là thấp nhất và bị mọi loài chà đạp bên trên, song đó là nơi để chúng ta gieo giống trồng trọt mà thu gặt kết quả. Thế nên trong Đạo, người nhận thí được gọi là "điền", tức có nghĩa là ruộng đất.

Lại nữa, "điền" không phải chỉ là những người nghèo khổ, đói kém, thất học hay là những kẻ bạc phước, vô phước, mà ngay trong "điền" này lại có đủ cả những người có ân với mình, những người có công đức hơn hẳn mình, cho đến những người với công đức vô lượng vô biên. Thế nên "điền" mới chia ra làm bốn loại : các loài hữu tình (gọi là "thú điền"); các người cô cùng nghèo khổ bệnh hoạn (gọi là "khổ điền"), các bậc có ân với mình như cha mẹ, thầy dạy.. (gọi là "ân điền"), và các bậc thánh (gọi là "đức điền" hay "phúc điền

Chẳng hạn như tôi bố thí với tâm rất hoàn hảo và với phẩm vật rất tốt đẹp, song tùy theo là tôi bố thí cho loài người, loài vật, hay loài trời (thường cho loài trời thì gọi là "cúng") mà công đức thành sai khác nhau để đưa đến các quả báo cũng theo đó mà thành sai khác. Lại trong một loài không thôi như loài người chẳng hạn, cho dù cùng một tâm trạng cùng một phẩm vật mà tôi bố thí hoặc cho kẻ nghèo khổ, hoặc cho cha mẹ sư trưởng, hoặc cho chư thánh (thì gọi là "cúng dường"), thời do các "điền" khác nhau như thế mà công đức và quả báo cũng thành khác. Dĩ nhiên cũng như đất đai mầu mỡ thì cây quả tốt tươi và to lớn, khi mà "điền" tốt tươi, tức người nhận thí là các bậc ân nhân hay chư thánh đầy công đức của Đạo, thì công đức bố thí sẽ trở nên hoàn toàn to tát và viên mãn.

Do đó "điền" hay người nhận thí đặc biệt hết sức quan trọng, nhất là trong Phật giáo Đại thừa. Đức Phật chọn cách sống trong xã hội như thế nào ? Ngài chọn cách sống thấp nhất, tức ăn xin hay gọi theo Đạo là "khất thực" để mà sống, và Phật Pháp cho đó là một cách sống chân chính (tức là "chính mệnh") của một người hành Đạo cũng như của một bậc thánh. Bởi vì một người hành Đạo không dính vào cuộc sống này bằng bất cứ hình thức nghề nghiệp nào, người đó sinh sống bằng của thí, và người đó phải trở thành một thứ "điền" cho thế gian. Song khác với các người ăn xin khác, chỉ xin ăn để sống cho qua ngày, chỉ để duy trì một cuộc sống khốn khổ thấp hèn không mục tiêu, như một sự dư thừa vô dụng trong xã hội, do đó họ chỉ là "khổ điền" của thế gian mà thôi ; trong khi các đệ tử đức Phật xin ăn không phải để sống cho qua ngày, mà để dành trọn cuộc đời theo đuổi chân lý và thực hành nếp sống Đạo, với một lý tưởng cao thượng là thanh tịnh tâm thức và giải thoát khỏi mọi chìm đắm của luân hồi. Với một cách sống như vậy, người ấy vừa làm lợi cho mọi người ở chỗ lấy chính đời sống mình ra để làm chỗ cho mọi người tạo công đức bố thí, và đồng thời làm lợi cho chính mình ở chỗ dùng đời sống khất thực ấy mà xả ly tất cả mọi dính líu, để thích ứng cho con đường tiến tới giải thoát. Do đó mà họ trở thành "phúc điền" của thế gian này vậy.

Đức Phật như thế khi thành lập nên Tam Bảo, mục tiêu của Ngài là tạo lập nên "phúc điền" cho thế gian này, tức Ngài đem chính sự giác ngộ của Ngài ra lập thành Phật Bảo ; Ngài tuyên thuyết lên con đường Đạo đi đến giải thoát và con đường Đạo đi  đến giác ngộ, lập thành Pháp Bảo ; và Ngài thâu nhận đệ tử và hướng dẫn họ nhất trí đi theo hai con đường Đạo kể trên, lập thành Tăng Bảo. Ngài lại đem cả ba Bảo ấy đặt vào trong lòng thế gian qua cách sống thấp nhất trong xã hội là khất thực, và bằng cách ấy ngài giao sự tồn tại và bền lâu của Tam Bảo tùy thuộc vào sự tùy hỉ bố thí cúng dường của mọi người, nhờ vậy mà Tam Bảo trở thành phúc điền của thế gian.

Kể từ đó đức Phật, Pháp của Ngài, và chư Tăng đệ tử của Ngài, tức Tam Bảo, được coi là phúc điền tối thượng của thế gian. Cũng chính vì thế nên sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, xá lợi của Ngài và tháp thờ xá lợi ấy cũng như tháp thờ Pháp Bảo được thay thế cho Ngài và cho Pháp Bảo trong vai trò làm phúc điền cho thế gian. Rồi lại càng về sau này, các chốn già lam, chùa chiền, tháp tự, là các nơi để thờ phụng Phật Bảo, để bảo trì Pháp Bảo, và là nơi tập trung và trú ngụ của Tăng Bảo. Thế nên một ngôi chùa, một tự viện, đã dần dà đủ yếu tố để trở thành những "trung tâm" thờ phụng Tam Bảo, và trở thành "phúc điền" chính yếu của thế gian.

Công đức bố thí, nói cách khác là công đức cúng dường, từ đó được tập trung vào các ngôi chùa mà giờ được coi như chỗ của "ba ngôi Tam Bảo". Người Phật tử tạo công đức không phải chỉ bằng cách cúng dường ủng hộ, duy trì ngôi chùa mà thôi, mà chính yếu còn là xây dựng và tạo lập các ngôi Tam Bảo ấy khắp mọi nơi nữa. Vua chúa của bao đời đã thực hành các công đức ấy một cách chân thành và thiết tha, song cho đến ngày nay lại có nhiều ngộ nhận và "lẫn lộn" vế vấn đề công đức này, để rồi công đức bị coi là "hữu lậu", bị lơ là và đôi khi đến mức độ như coi thường, cho đó là tham lam và "không giải thoát"... Điều chính yếu vẫn là do chúng ta không phân biệt được rõ ràng đâu là công đức của Đạo và đâu là công đức của thế gian, và gốc gác sâu xa thì chính là ở chỗ chúng ta hoàn toàn mù mờ và không sao phân rõ được thế nào là Đại thừa, thế nào là Thanh Văn thừa và thế nào là Nhân Thiên thừa !

Thanh Văn thừa không mấy nhấn mạnh về công đức, tại sao vậy ? Vì Pháp này chỉ đặc biệt dành cho người xuất gia, mà là người xuất gia theo hướng triệt để viễn ly khỏi thế gian với mục tiêu là Niết Bàn giải thoát khỏi ba cõi luân hồi. Công đức vốn là nhân để đưa đến một quả báo trong đời sau, nhân quả hai đời như thế rõ ràng chỉ là luân hồi không hơn không kém, thế nên dù công đức có tốt đẹp đến đâu đi nữa, thì cũng vẫn bị "kiêng kị" và không được mấy "ưa" trong Pháp của Thanh Văn thừa. Một điểm nữa Pháp của Thanh Văn nhấn mạnh vào sự thành tựu Đạo cho riêng cá nhân, và lấy sự thành tựu nơi cá nhân ấy là cứu cánh của Đạo. Cá nhân mà thành tựu thì chính là thành tựu nơi bản tâm của mình : như thay vì kính trọng Phật, thì tôi hãy thành tựu sự giác ngộ ngay nơi tâm tôi đi ; thay vì bố thí cho mọi người, thì tôi hãy thành tựu sự xả bỏ tất cả ngay nơi tâm tôi đi ; thay vì ấn tống đọc tụng kinh điển, thì tôi hãy mở ra "pháp nhãn" ngay nơi tâm tôi đi ; thay vì xây dựng chùa chiền, thì tôi hãy thanh tịnh tâm tôi thoát khỏi tham sân si đi ; thay vì đảnh lễ cúng dường, thì tôi hãy hướng tâm về quán sát chân lý đi

Với tinh thần thành tựu cho cá nhân như thế, Thanh Văn thừa không muốn bàn nhiều gì đến mọi hoạt động liên hệ đến mọi người xung quanh ngay trong lòng thế gian này, và có nói đến thì cũng không bao giờ cho thấy các hoạt động ấy có gì khác hơn là phúc đức hữu lậu của luân hồi. Ngoài ra vấn đề chùa chiền, tháp, tượng..., các thứ vật chất vô tình làm biểu tượng cho Tam Bảo, lại càng bị "coi chừng" hơn nữa : Thanh Văn thừa không thể chấp nhận sự linh thiêng hay bất cứ năng lực vi diệu nào đó có nơi các pháp ấy được, sự liên hệ của cá nhân với các chỗ cao cả ấy qua các hành động chiêm ngưỡng, đảnh lễ, cúng dường, hay ngay cả xây dựng và duy trì tu bổ các nơi chốn ấy, thật sự làm phát sinh ra các công đức, song họ cho đó là do từ tâm của cá nhân phát sinh ra mà thôi, chứ không phải là từ các đối tượng linh thiêng kia mà ra, bởi các thứ vật chất vô tình ấy như chùa chiền và tháp tự chỉ là gạch đá, tượng Phật chỉ là đất gỗ v.v.. thì đâu có biết gì, đâu có thọ hưởng gì các sự cung kính và cúng dường của chúng ta, thì nói gì là ban cho chúng ta điều này hay điều kia. Như Câu Xá Luận coi sự cúng dường cho chùa tháp là một loại bố thí chỉ ích lợi cho chính mình chứ không ích gì cho đối tượng được thí, và cúng dường chùa tháp mà có được phúc đức, thì đó là do tâm xả đồ vật ra bố thí mà thành có phúc, chứ không phải do chùa tháp thọ hưởng gì các vật thí ấy mà thành có phúc.

Ngoài ra Câu Xá còn xác định dứt khoát tâm của cá nhân làm công đức mới chính là nhân chủng và chính nhân ấy quyết định quả báo, chứ không phải do nơi "điền", ví như hạt giống ngọt nên sinh quả ngọt, cho dù gặp phải đất xấu đi nữa thì quả sinh ra vẫn ngọt. Thế nên với Thanh Văn thừa, chúng ta phải coi chừng không nên biến các hành động lễ lậy cúng dường ấy trở thành tôn thờ thần tượng một cách "mê tín", mà chỉ coi đó như một sự tưởng niệm tôn kính và tri ân Tam Bảo mà thôi.

Hơn nữa cho dù các sự lễ bái, cúng dường, xây dựng chùa tháp, chuông tượng v.v... có mang lại công đức vô lượng đi chăng nữa, thì đó cũng chỉ thuộc về "nhân thiên thừa", tức là con đường gieo nhân tốt để sinh lên cõi trời hay vào chốn quyền quý giầu có của thế gian luân hồi này mà thôi.

Đó là quan điểm của Thanh Văn thừa. Song với Đại thừa công đức rất quan trọng, mục tiêu của Đại thừa là thành Phật và độ sinh, mà nếu thiếu công đức thì không thể thành Phật được, dù vẫn có thể chứng Thanh Văn hay Duyên Giác quả được, và không thể cứu độ chúng sinh với vô vàn căn tính và khuynh hướng sai khác được. Thế nên, khác hẳn với Thanh Văn thừa, trong phạm vi công đức, "điền" là yếu tố quan trọng hơn hết, và là yếu tố tối quan trọng đối với con đường Đạo của Đại thừa :

Theo Thanh Văn thời Đạo là một nỗ lực của tâm cá nhân và Đạo thành tựu là thành tựu ngay nơi tâm cá nhân. Với Đại thừa, tâm cá nhân và nỗ lực của cá nhân vốn dĩ đã là một sai lầm nền tảng, tức vô minh chấp ngã là căn bản của tâm cá nhân và tham ái là động cơ gốc của mọi nỗ lực của tâm cá nhân, do đó sở dĩ mà cá nhân vào Đạo được là do "đức điền" hay "phúc điền", tức Tam Bảo, chứ không phải do tự lực của tâm cá nhân vô minh nọ. Nếu chúng ta làm công đức dựa trên các "khổ điền" hay "ân điền" thời quả báo của chúng ta chính là con đường trời người phú quý vinh hoa, và không mong gì có Đạo trong các thứ điền ấy. Nhưng nếu chúng ta làm công đức dựa trên "đức điền", như cúng dường, đảnh lễ, xây chùa thờ phụng Tam Bảo, thời tâm làm công đức đó của chúng ta sẽ chuyển thành tâm Đạo

Bởi Đại thừa không thấy Đạo chỉ là một thành tựu siêu thoát trong tâm của một cá nhân, mà Đạo chính là cái chân lý bất biến phổ biến khắp tất cả các pháp, nhờ có chân lý này mà cá nhân mới thành tựu được sự siêu thoát trong tâm mình. Song cho dù cá nhân tâm tôi có thành Đạo hay không thành Đạo, thì Đạo luôn luôn vẫn có đó không tăng không giảm. Để làm thể hiện ra cái Đạo mà là chân lý bản thể của tất cả các pháp này, chứ không phải chỉ là sự thành tựu nơi tâm một cá nhân, tôi phải có một hoạt động trong "liên hệ", như bố thí vật này vật nọ cho người này người kia, chứ không thể chỉ bằng một hành động tách lìa tất cả như ngồi thiền trong rừng vắng. Và hoạt động liên hệ ấy phải tương ưng với chân lý bản thể này, như thí theo lý "tam luân không tịch", tức cả chủ, tài và điền đều là KHÔNG. Có vậy thì hoạt động bố thí của tôi mới làm hiển lộ ra chân lý bản thể phổ biến khắp tất cả các pháp : từ tôi đến vật thí và đến người nhận thí, mọi liên hệ mọi khía cạnh sống của xã hội của thế gian, sẽ theo đó mà bộc lộ ra toàn thân chân thật của chúng, sáng ngời và giải thoát. Tâm giác ngộ của Đại thừa như thế là một "Tâm" chân thật, vốn là chân lý sẵn có biến mãn khắp tất cả các pháp bao la vô biên vô cùng tận, chứ không phải chỉ là tâm thanh tịnh của cá nhân. Thế nên để thực hành Đạo Đại thừa này, chúng ta cần phải thực hành các pháp môn "trong liên hệ" với tất cả mọi người và tất cả các pháp. Sự thành tựu Đạo nơi cá nhân, với Đại thừa, cũng chỉ là một phương tiện để giúp cho Đạo "liên hệ" thêm đắc lực, thí dụ như tôi ái ngữ để kéo người ta theo Đạo, và nếu tâm cá nhân tôi thanh tịnh và giải thoát thì cũng chỉ là để thêm năng lực cho ái ngữ và tăng thêm tin tưởng cho người nghe, chứ không phải để lánh riêng ra mà hưởng riêng sự thanh tịnh và giải thoát nọ.

Nói tóm lại, Bồ Tát thành Đạo cho cá nhân mình là để dành hết vào sự nỗ lực cứu độ vô tận chúng sinh, do đó hoạt động thành Đạo "cá nhân" không phải là mục tiêu chính, mà hoạt động "liên hệ" cứu độ vô tận chúng sinh mới là mục tiêu chính của Bồ Tát Đạo, bởi vì chân lý không bao giờ lại chỉ hạn cuộc nơi cá nhân, mà chân lý đích thực nằm ở chỗ "liên hệ" tất cả các pháp vào với nhau, mà Đại thừa Trung Hoa thường gọi là "viên dung vô ngại" hay "pháp thân biến mãn, biến chiếu" v.v...

Hoạt động liên hệ của Đạo này được gọi là Công Đức trong Đại thừa. Thanh văn thừa mà nói đến hành Đạo là phải yên tĩnh một mình thanh vắng v.v.. trong khi Bồ Tát thừa nói đến hành Đạo là phải có toàn thể vô tận chúng sinh, vô tận cảnh giới, vô tận pháp môn phải học, vô tận thiện tri thức để phụng sự cúng dường học hỏi, vô lượng thế giới đồng hiện khởi lên và náo nhiệt hoạt động bộc lộ toàn thể bản chất của mình ra, từ vô lượng quốc độ chư Phật cho đến bất tận muôn vẻ cảnh giới đau khổ của Địa ngục...

Một con đường Đạo bất khả tư nghì như thế, tâm cá nhân vô minh chấp ngã và tham ái của chúng ta làm sao thâm nhập vào nổi đây ? Đại thừa dạy cho chúng ta thực hành Công Đức, tức thực hành Đạo trong liên hệ. Nhờ có liên hệ mà chúng ta có thể được chuyển biến. Như một đứa bé nghèo cùng khốn khổ, nhờ ông vua nhận làm con nuôi nên trở thành một hoàng tử. Đứa bé nghèo kia làm sao trở thành hoàng tử được, song chỉ vì nhờ có "liên hệ" làm con nuôi với ông vua mà trở thành hoàng tử. Cũng thế nhờ có liên hệ của Công Đức mà tâm vô minh tham ái của chúng ta trở thành tâm Đạo : tức nhờ có Công Đức quy y "liên hệ" với Tam Bảo mà chúng ta trở thành "con" của Phật, rồi nhờ có Công Đức cúng dường ủng hộ "liên hệ" với Tam Bảo mà chúng ta được thừa hưởng phúc đức Đạo Pháp của chư Phật để lại cho chúng ta..

Trong một Công Đức của Đạo như thế, "điền", tức Tam Bảo, luôn luôn là quan trọng bậc nhất, bởi nhờ Tam Bảo điền mà tâm chúng ta chuyển thành Đạo vậy. Do đó tạo lập chùa chiền để duy trì và củng cố ngôi Tam Bảo là một Công Đức siêu việt thù thắng của Đạo cho mọi người, chứ không phải chỉ là chuyện tốt của thế gian hay chuyện riêng tư của bất cứ ai. Vì vậy các quan điểm về công đức như là pháp hữu lậu, như pháp thế gian, còn tham đắm chưa giải thoát v.v.. với Đại thừa, chỉ là các ngộ nhận đầy tai hại mà thôi. Thế nên chúng ta không khỏi cũng cần phải lưu ý đến câu chuyện mà chúng ta không mấy ai không biết về Công Đức xây chùa của vua Lương Vũ Đế, vẫn bị bác bỏ và coi thường trong truyền thống của Thiền tông như sau:

Theo truyền thuyết của Thiền tông thì lần đầu vua Lương Vũ Đế tiếp kiến Tổ Bồ Đề Đạt Ma, nhà vua hỏi về công đức xây chùa tạo tượng, cúng dường độ tăng, mà nhà vua thường làm. Tổ trả lời là không có công đức gì hết. Tại sao ? Vì đó chỉ là các công đức "hữu lậu" triêu cảm các quả báo nhân thiên trong luân hồi mà thôi. Đến khi vua quay sang hỏi về chân lý cứu cánh gọi là "thánh đế đệ nhất nghĩa", thời Tổ cũng trả lời là "trống rỗng chẳng có thánh gì hết". Tại sao vậy ? Vua muốn biết nên hỏi "vậy thì đứng trước trẫm là ai vậy ?". Ý vua hỏi nếu không có thánh gì hết thì ngài là gì vậy ? Không phải ngài là bậc thánh đó hay sao ? Vậy tại sao lại nói là không có thánh ? Tổ trả lời là "không biết !". Thiền tông cho rằng đến đó, thời vua Lương Vũ Đế không còn biết vin vào đâu để mà lãnh hội được ý chỉ của Tổ nữa. Thế nên Tổ bỏ đi, vượt sông sang Thiếu Thất ngồi nhập định liền chín năm.

Câu chuyện thiền đưa lại cho chúng ta một cảm tưởng là vua Lương Vũ Đế tuy là một vị vua rất thuần thành, tạo rất nhiều công đức đối với Tam Bảo và am hiểu rất sâu xa về Phật Pháp, song chỉ là thế gian đạo mà thôi, và tất cả mọi hoạt động "Đạo" hay mọi Công Đức ấy của vua đều không đưa đến giác ngộ, đều không làm cho vua nhập Đạo chân chính được.

Song với quan điểm của Đại thừa về Công Đức "liên hệ" mà chúng ta đã bàn ở trên, thì cho dù câu chuyện ấy là có thật đi nữa, thì chưa chắc là vua Lương Vũ Đế không hiểu gì về lập trường của Tổ Đạt Ma, mà chỉ vì là hai chí hướng khác nhau mà thôi. Cả hai đều là hai đại Bồ Tát, song Tổ Bồ Đề thì muốn truyền đạt tâm Đạo một cách trực tiếp và muốn cho mọi người trực nhận ra được Đạo ngay nơi bản tâm vô minh và phiền não của cá nhân mình ; trong khi vua Lương Vũ Đế thì thấy Đạo nằm ngay trong cuộc sống này qua các công đức xây dựng chùa chiền và ủng hộ Tam Bảo vững chắc ở giữa thế gian tối mù và đầy nguy hiểm này. Từ bi của Tổ Bồ Đề là ở chỗ nhẫn nại chín năm ròng chỉ để truyền lại cho một người pháp môn đốn ngộ mà lợi ích chúng sinh ; trong khi từ bi của vua Lương Vũ Đế là ra công xây dựng ngôi Tam Bảo, ấn hành kinh điển, để cho chúng sinh có nơi nương tựa và được cứu độ theo đúng trình độ căn tính của mình. Tổ Bồ Đề Đạt Ma muốn ích lợi cho một số người có căn tính đặc biệt ngoại lệ, trong khi vua Lương Vũ Đế là làm lợi ích cho đại đa số quần chúng. Tổ Bồ Đề truyền đạo qua tâm và qua cá nhân, vua Lương Vũ Đế truyền đạo không phải chỉ qua tâm mà còn qua tất cả các vật vô tình như gạch ngói gỗ đá được biến thành chùa chiền thờ phượng ngôi Tam Bảo và đồng đất được biến thành tượng Phật cho mọi người có nơi nương tựa và có phúc điền để mà đảnh lễ cúng dường tạo công đức. Tổ Bồ Đề lọc lựa căn cơ đặc biệt mà truyền Đạo, vua Lương Vũ Đế phổ tế mọi căn cơ.

Nói về sự bí ẩn khó mà hiểu thấu nổi của Đạo, thì tổ Bồ Đề nổi bật hơn hẳn, song nói về công đức và phương tiện đại bi vì tất cả mọi chúng sinh của Đạo, thì vua Lương Vũ Đế rõ rệt hơn hết. đó, có thể là vua Lương Vũ Đế đã hiểu rõ được ý chỉ của Tổ, song hành nguyện của vua không đi theo hướng đó và nhà vua không giản dị cho các Công Đức đó là hữu lậu theo con mắt của Thanh Văn. Như Bồ Tát không đi thẳng vào Niết Bàn ngay mà phải trải qua ba vô số kiếp ích lợi cho biết bao chúng sinh, cho chính chúng ta, được vẹn toàn, rồi mới tính chuyện vào Niết Bàn. Nếu chúng ta không chê Bồ Tát là đã không vào Đạo ngay mà cứ vì chúng ta mà nấn ná mãi trong cõi "hữu lậu" này, trái lại chính vì thế mà chúng ta mới thấy vô vàn tri ân và hết lòng cảm phục công đức và dũng lực phi phàm ấy, thì chúng ta cũng khoan vội coi "nhẹ" vua Lương Vũ Đế. Nếu Tam Bảo còn đến ngày nay giữa lòng thế gian với bao nhiêu thế lực của bất tín, của ngoại đạo, của Ma vương và bao trùm hơn hết là của vô minh, để cho chúng ta biết đến đạo Phật mà được hưởng ân huệ của Tam Bảo, ấy là do Công Đức của biết bao vị Bồ Tát ra công ra sức hộ pháp qua các công việc Phật sự như in kinh, tạo tượng, đúc chuông, xây chùa, lập tháp. Ngồi một mình trong rừng núi chưa chắc đã khó hơn là lao mình vào trong chốn trược ác của chúng sinh mà vì họ thiết lập ngôi Tam Bảo. Thành Đạo một mình trong rừng sâu núi thẳm ngay trong hiện đời này làm sao khó cho bằng trải qua vô biên kiếp giúp cho mọi người có được một nhân duyên Đạo ngay giữa cuộc sống náo ồn đầy phiền não ràng buộc của chính họ...

Với cái nhìn của Đại thừa, Bồ Tát đã làm cho sự sống của thế gian này trở thành cao cả và linh thiêng. Bồ Tát đã biến cái thế gian mà các nhà Thanh Văn luôn chê bai là ô nhiễm, lao tù, xiềng xích, đọa đày, đau khổ, như mụn nhọt như mũi tên... và tìm cách xa lánh này, trở thành con đường Đạo viên mãn và tối thượng nhất. Tóm lại Bồ Tát với chân lý và hành nguyện của Đại thừa đã biến toàn thể cuộc sống của luân hồi trở thành một Công Đức chân thật bất khả tư nghì tràn đầy Từ Bi và Trí Huệ. Và Đại thừa không bao giờ còn thấy các Công Đức ấy là "hữu lậu", là "tham đắm" thế gian như một số người vẫn tự hào là mình theo đúng Đạo lầm tưởng nữa.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Công Đức Đại Thừa