Home > Linh Cảm Ứng > Lao-Cu-Si-Lam-Khan-Tri-Vang-Sanh
Lão Cư Sĩ Lâm Khán Trị Vãng Sanh
Cư Sĩ Lâm Khán Trị | Sa Môn Thích Hoằng Chí, Việt Dịch


Kẻ hậu học Tây Liên hết lòng thành kính ghi lại. Thơ của Tuyết Lô lão nhân (Lý Bính Nam) tặng cư sĩ Lâm Khán Trị.

Dịch âm: 

Kim trì hạn đàm tứ biên khai
Hỷ thị Lâm quân thứ đệ tài
Thỉ tín Tây phương chư thượng thiện
Chơn năng thừa nguyện hóa thân lai.

Dịch giả tạm dịch:

Ao báu sen vàng rộ nở hoa
Đón mừng Khán Trị trở về nhà
Đồng hàng Bồ Tát ngôi thượng phẩm
Thừa nguyện hóa thân lại Ta bà.

Đại sư Ngẫu Ích nói: “Chư Phật vốn vì thương xót quần mê, tùy cơ ứng hóa, dầu là quy nguyên vô nhị, mà phương tiện thì có nhiều môn. Nhưng trong tất cả muôn phương tiện, muốn cầu môn phương tiện thẳng tắt nhất, viên đốn nhất, thì không gì bằng môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Lại ở trong tất cả pháp môn niệm Phật, muốn cầu môn giản dị, ổn đáng nhất, thì không gì bằng môn TÍN, NGUYỆN, CHUYÊN TRÌ DANH HIỆU. Pháp môn Tịnh độ, lợi ích sâu rộng, từ khi đại pháp (pháp Phật) ở phương Tây (Tây vực: Ấn Độ) truyền đến phương Đông này, đem những hàng phàm phu trơn (chỉ hạng người rất tầm thường) nương vào tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây phương, nhờ đó ra khỏi được cuộc đời ngũ trược mà lên được cửu phẩm liên hoa, nhiều không thể tính đếm. Trong đó có lão cư sĩ Lâm Khán Trị, vị liên hữu ở liên xã Đài Trung, tín nguyện kiên cố thật tâm niệm Phật, vào ngày 15 tháng 4 năm Dân quốc thứ 81 (13 tháng 3 năm Nhâm Thân ÂL) biết cả giờ đi, chánh niệm rõ ràng, vãng sanh nhẹ nhàng tốt đẹp, hưởng thọ được tám mươi sáu tuổi. Nay xin kính thuật lại sự tích vãng sanh của bà để lợi ích cho người có duyên, thấy người giỏi, suy nghĩ cố gắng sao cho bằng, đồng niệm A Di Đà, đồng sanh An Dưỡng, và cầu nguyện Lâm lão cư sĩ, sớm thừa nguyện trở lại, quảng độ chúng sanh mãn Bồ Đề nguyện.

Lão cư sĩ Lâm Khán Trị sinh tại trấn Lộc Cảng, huyện Chương Hóa, tỉnh Đài Loan vào ngày mùng 7 tháng 3, năm năm trước Dân quốc, tức năm 1906 (1911 5 = 1906) nhằm ngày 18 tháng 2 năm Đinh Mùi ÂL, cha là Lâm Luyện Công, mẹ họ Thái, thuộc gia đình có danh vọng, đáng tiếc cho Lâm lão cư sĩ tuổi nhỏ đã mất cha, kế tiếp lại mất mẹ, nếm đủ cái khổ vô thường của thế gian. Lâm lão cư sĩ từ lúc vỡ lòng ở tư thục đã có tâm ham học không biết mệt, học thuộc Tứ Thư Ngũ Kinh, nhờ đó mà đạt được nền móng tốt đẹp của Hán học, đối với việc học Phật sau này rất có ích.

Lâm lão cư sĩ căn lành đời trước sâu dày, năm 35 tuổi nghe được một cao tăng ở Đài Loan là pháp sư Bân Tông tuyên giảng Phật pháp, thể hội được cái khổ của luân hồi lục đạo, liền phát tâm học Phật, ăn chay, và bà đã từng quy y với pháp sư Vô Thượng, được pháp danh là Pháp Viên. Năm Dân Quốc thứ 38, nhờ lão cư sĩ Lại Luyện Lương giới thiệu được học với ân sư Tuyết Lô Lý Bính Nam, được ân sư ban cho tên tự là Huệ Trị, mùa đông năm Dân quốc thứ 41 vâng mệnh ân sư tham gia lần truyền giới đầu tiên kể từ sau khi Đài Loan được khôi phục ở chùa Đại Tiên ở Đài Nam, cầu thọ tại gia Bồ Tát giới với lão hòa thượng Khai Tham làm vị Ưu Bà Di Bồ Tát giới trọn đời. Từ đó thường đi theo thầy rộng kết pháp duyên, đến khắp nơi trong toàn tỉnh tuyên dương pháp môn Tịnh độ, phụ tá trợ giúp ân sư tạo dựng những đạo tràng hoằng pháp lợi sanh như liên xã của Phật giáo ở Đài Trung v.v… và do được nhiều người trọng vọng nên bà được suy cử làm hội trưởng Liên nghị của mấy chục ban niệm Phật (Hội liên nghị: liên kết hữu nghị giữa các ban), bà được hầu hết các liên hữu đều quen biết.

Điều may mắn tốt đẹp nhứt trong đời của Lâm lão cư sĩ là gặp được ân sư Tuyết Công, người bà luôn rất cung kính nhắc đến, người đã chỉ dạy cho bà pháp môn Tịnh độ. Bà thường tự than là phàm phu nghiệp chướng không thể nương nhờ được nguyện lực rộng lớn của Phật A Di Đà, quyết là khó trong đời này ra khỏi được luân hồi, cho nên đối với ân sâu nuôi lớn huệ mạng của ân sư, luôn ghi khắc trong lòng, xem ân sư như cha lành, thường nhắc đến lời dạy của ân sư: “Người tu theo Tịnh độ, quan trọng nơi thực tiễn, nếu như tu mà không có niệm Phật thì cũng đồng với nói ăn (không no được), đếm tiền (tiền của người ta), không có sự lợi ích thiết thật, nói một trượng vẫn không bằng làm một tấc”. Hằng lấy đây tự sách tấn và khuyên người. Và lấy lời dạy của ân sư: “Đạo tràng là nơi thành tựu đạo nghiệp cho chúng sanh” để thường tự nhắc nhở, bà chỉ biết lo dứ tác làm lành, không tham danh lợi, thật tâm niệm Phật, ngay đời này thành tựu được đạo nghiệp mới đủ để trên đền bốn ân nặng, dưới cứu ba đường khổ, cũng là không uổng công một đời học Phật của mình.

Lâm lão cư sĩ do vì đầy đủ cả nền tảng Phật và Nho, cho nên ngài Tuyết Công gởi gắm hy vọng rất nhiều vào bà, trông mong có thể cùng nắm tay hoằng dương pháp môn Tịnh độ thù thắng, do đó mà cố gắng dạy và giao cho nhiều trách nhiệm quan trọng hơn. Ngài Tuyết Công dạy: “Một kinh thông rồi các kinh đều thông”. Trước khi học giảng phải có sự chuẩn bị dồi dào đầy đủ (hiểu rõ giáo lý cơ bản) trước khi giảng, tự viết bài nháp, những điều nói ra phải có căn cứ, nên theo các bản các Tổ đã chú giải, không được nói bừa bãi ý riêng của mình, nên theo khuôn phép của việc học giảng, phải rất cẩn thận và có tinh thần trách nhiệm, mới không trái với nhân quả. Lâm lão cư sĩ phát tâm học giảng “Kinh Phật thuyết A Di Đà”. Tuyết Công đề cập kinh này là kinh sâu nhất, khó giảng nhất, có được danh xưng tốt là “Kinh Hoa Nghiêm tiểu bản”. Lâm lão cư sĩ từng có lần đang lúc học giảng có chỗ lệch lạc, lúc đó Tuyết Công ân sư quát cho một tiếng và thuận tay lấy cây quạt xếp ở trong tay gõ lên đỉnh đầu một cái, lúc đó Lâm lão cư sĩ xấu hổ đến nước mắt chảy dài, do đó mà cố công học tập. Qua mấy ngày sau cuối cùng bỗng nhiên hiểu rõ cái đoạn kinh văn khó hiểu kia, các vị liên hữu cười nói: “Đây là ân sư giúp cho chị tiêu nghiệp chướng, khai phát trí huệ đó!”. Lâm lão cư sĩ thì càng cảm nhận sự quan trọng của việc học Phật ắt phải có sự truyền thừa của thầy.

Lâm lão cư sĩ nhờ được sự chăm sóc dạy bảo nghiêm khắc của ân sư, hơn nữa tự bản thân có tâm từ bi tha thiết, thể hình cao lớn (thể lực tốt), âm thanh to rõ, biện tài vô ngại, cho nên từ năm Dân quốc thứ 40 lúc liên xã thành lập hai đoàn hoằng pháp của hai chúng nam và nữ, bà trở thành một nữ kiện tướng hoằng pháp khéo giỏi thuyết pháp độ chúng. Lúc bà thuyết pháp, nắm chắc và chú trọng về nhân quả và hai nguyên tắc lớn về lợi ích của niệm Phật, không nói những lời huyền hoặc, lạ kỳ, chú trọng vào việc làm thực tế và sự hành trì chân thật. Mặc dù vì chúng sanh căn tánh không đồng, cho nên rộng thuyết các kinh pháp, nhưng nhứt định tuân theo lời dạy của thầy, các chỗ giảng dạy đều quy nạp về Tịnh độ để hiển bày cái chỗ thù thắng của pháp môn niệm Phật, nhưng chúng sanh chủng loại muôn ngàn sai khác, trên đường thuyết pháp cũng có khi gặp phải những nhà chuyên môn (các tông phái khác) đến vấn nạn. Như có một lần nọ lúc thuyết pháp ở Ngọc Lý, có một người không tin Tịnh độ đến vặn hỏi rằng: “Bà nói người niệm Phật sau khi mạng chung, thì thần thức vãng sanh Tây phương, thần thức hình dạng ra sao đem đây cho tôi xem!”. Bà đáp: “Những lời ông vừa nói đó, hình dạng ra sao đem đây cho tôi xem!”. Người kia ngậm miệng không nói được, bà lại đáp thêm: “Nói cho rõ một chút, như ban đêm ông nằm mộng thấy cái này cái kia, đó là thần thức vậy”. Người kia do đó mà trở lại phát tâm dẫn người đến nghe pháp, những việc độ người học Phật giống như thế, được nghe nói luôn”.

Lâm lão cư sĩ thường đề xướng kiến lập “Phật hóa gia đình” (cả gia đình đều theo Phật, học Phật – lời dịch giả) nghĩa là cư sĩ tại gia đã có gia quyến nên phải cảm hóa cả nhà cùng học Phật để giảm bớt chướng ngại của học Phật và vãng sanh. Điều bà vui thích nhất là khi có liên hữu nào khuyên được song thân niệm Phật thành tựu cho song thân vãng sanh Tây phương, bà khen điều đại hiếu rất mực của con người là ở chỗ này (có thể làm được như thế). Lâm lão cư sĩ khéo nói những lời tốt đẹp thường vào những dịp hôn lễ theo đạo Phật của các liên hữu, bà chúc cho gia đình sẽ thành Phật hóa gia đình. Bà nói “Phật hóa gia đình là nguồn động lực để xã hội được an định”. Lâm lão cư sĩ trong việc hoằng pháp cũng đặc biệt quan tâm đến đạo nghiệp của các liên hữu và gia quyến, từ mùa Xuân năm Dân quốc thứ 44, bà cúng ngôi nhà của mình để thiết lập cơ sở hoằng pháp và nhờ ân sư đặt tên là cơ sở hoằng pháp Luân Tự. Đó là cơ sở hoằng pháp sáng lập đầu tiên của Liên xã, Lâm lão cư sĩ tự đảm nhiệm làm chủ giảng, lãnh chúng niệm Phật và nghiên cứu Phật pháp. Mãi đến trước khi vãng sanh, hơn ba mươi năm thuyết pháp không ngớt, các liên hữu, những bà con hàng xóm, con cháu quyến thuộc… được nhờ lợi ích không ít. Lâm lão cư sĩ từ năm Dân quốc thứ 25, kết hôn với lão sư sĩ Lý Cư, vợ chồng rất tôn trọng kính nhường nhau, năm năm mươi lăm tuổi có được ba con vừa trai vừa gái, cháu chắt có hơn ba mươi người, cả nhà tài giỏi, thành đạt, an vui, xứng đáng làm điển hình cho “Phật hóa gia đình”. Những công đức về ngôn giáo và thân giáo của Lâm lão cư sĩ không thể kể hết. Vào tháng 2 năm Dân quốc thứ 80, ông Lý chồng của bà mệnh chung an lành và tốt đẹp tại nhà cao, thọ chín mươi lăm tuổi, toàn thể con cháu hết sức vâng lời của Lâm lão cư sĩ y theo Phật dạy như pháp trợ niệm và tiết kiệm, xử lý tốt những việc còn lại, bà con hàng xóm và các liên hữu đều kính phục vô cùng.

Lâm lão cư sĩ ngoài việc tự tu và hóa độ người, lại còn có quyển “Những Truyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe” mà bà đã thâu thập ghi chép rất cần mẫn không mệt mỏi, được nhờ ân sư Tuyết Công viết chữ kỷ niệm và ban cho lời tựa (lời đầu sách), từ tháng 8 Dân quốc thứ 58, xuất bản lần đầu là 5.100 quyển, đến trước khi vãng sanh, tổng cộng xuất bản 56 lần, số sách hơn trăm ngàn quyển, còn các nơi khác ấn hành kết duyên cũng không tính đếm được, nội dung trong sách này cũng có được mấy truyện được sát nhập vào quyển “Tịnh độ Thánh hiền lục”, đồng thời có người nương theo nội dung sách này mà chế tác ra băng cát sét và phát thanh trên đài truyền thanh, có thể nói là rộng kết nhân duyên với Tây phương được hàng vạn người và những người đọc sách này mà phát tâm niệm Phật cũng nghe thấy rất nhiều, thậm chí có người ở ngoài nước xa xôi cũng nhân xem đọc sách này mà riêng đến Đài Loan cầu kiến sách này cảm hóa người rất sâu, từ đây mà ta có thể thấy một phần, những sách còn lại của bà để lại còn có: “Phật thuyết A Di Đà Kinh Khẩn thuyết”, “Khuyến tu niệm Phật pháp môn thiển giảng”, v.v…

Lâm lão cư sĩ nhiều năm kinh nghiệm tu hành, bà cho là người có thể biết niệm Phật cầu sanh Tây phương, đó là căn lành phước báo lớn nhất trong đời người, bà thường nói: “Tu hành không có tu gì khác, chỉ cần biết được mối đường, nếu biết được mối đường thì việc sanh tử đồng thời dứt”. Và thường tán thán: “Pháp môn niệm Phật là vô thượng chí bảo”. Lão cư sĩ sớm đã tùy duyên thuyết pháp độ chúng, tuổi già càng thêm gắng sức công phu niệm Phật, tự nói tu hành nên nhân lúc trẻ, tự biết mình lúc tuổi trẻ may mắn nhờ ân sư chỉ đạo, đặt được nền móng niệm Phật, nếu không thì tuổi tác ngày càng cao, thể lực suy yếu dần, sẽ hay có cảm giác lực bất tòng tâm. Bà lại khuyên những người già càng nên gấp rút niệm Phật, cầu sanh Tây phương, nếu không thì số ngày còn lại không nhiều, nếu vô thường chợt đến thì là bỏ lỡ việc lớn vãng sanh, quả báo sau này không thể lường được!…

Lâm lão cư sĩ thường ở hộ trì tại Liên xã hơn bốn mươi năm, trong thời gian dài huân tập ở các hội giảng kinh thuyết pháp Phật và Nho, bà càng thể hội được sự quan trọng của hành giải tương ưng (hiểu biết và thực hành đi đôi – dịch giả chú), đến hai năm trước khi vãng sanh, thời khóa hàng ngày của bà đã sáu vạn câu Phật hiệu mỗi ngày, lúc tự tu, hai mắt khép lại, tay cầm chuỗi, tác kim cang niệm, lúc cùng tu thì niệm Phật ra tiếng theo chúng, gần như ngoài lúc ăn, ngủ ra, trọn ngày đều tắm gội trong danh hiệu Phật. Lâm lão cư sĩ thọ trì giới “không nói lỗi của tứ chúng”, bà cho rằng “Hòa là quý”, gặp việc nghịch ý phật lòng, đều là nghiệp chướng hiện tiền, càng phải niệm Phật mạnh hơn, cầu Phật gia bị. Bà thích nhất câu nói này của Ấn Quang tổ sư: “Phải nên phát nguyện nguyện vãng sanh, du sơn ngoạn thủy mặc người tham, Tịnh độ Cực lạc tự do mình không chịu về, nếu muốn về liền được, trăng gió của quê mình có ai tranh!”. (nguyên âm chữ Hán bài kệ này: “Ưng đương phát nguyện nguyện vãng sanh. khách lộ khê sơn nhậm bỉ luyến. Tự trị bất quy, quy tiện đắc. Cố hương phong nguyệt hữu thùy tranh”). Bà đặc biệt đặt bài kệ này ở đầu án thư để nhắc nhở mình, là làm khách ở Ta Bà, Cực lạc mới là quê hương. Và ở liêu phòng của bà, bốn vách chung quanh không có gì, chỉ có đặt bản viết của ẤÂn Quang đại sư đã viết: “Nhất tâm niệm Phật” để sách lệ tự thân tinh tấn niệm Phật, và bà đã hiểu sâu sắc câu nói của ân sư Tuyết Công trước khi vãng sanh đã nhiều lần nhắc nhở: “Ít nói một câu chuyện. Nhiều niệm một câu Phật. Đánh chết được vọng niệm. Pháp thân ngươi hiển lộ”. Thật là một minh chứng tu hành ở hoàn cảnh ác liệt trong thời mạt pháp này!

Lâm lão cư sĩ vào năm 60 tuổi đã chuẩn bị xong những công việc sau khi mất. Hai năm trước khi vãng sanh lại dặn dò các việc phải chú ý lúc lâm chung, một tuần lễ trước lúc vãng sanh liền hướng vào các liên hữu nói: “Tôi sắp về nhà rồi”. Lại liên tục khen rằng: “Thật sự là có thế giới Cực Lạc”. Hai ngày trước lúc vãng sanh, tự biết sức khỏe đã suy yếu, do con cháu thỉnh về nhà, các liên hữu và quyến thuộc niệm Phật đưa bà cùng về nhà. Sau giờ ngọ một ngày trước khi vãng sanh, bà nói với các liên hữu: “Đã thấy Phật A Di Đà, chắc chắn được nhờ Phật tiếp dẫn vãng sanh”. Cuối cùng, 7 giờ 20 phút sáng ngày hôm sau, ở tại nhà một mình, trong tiếng trợ niệm “A Di Đà Phật” của các liên hữu và quyến thuộc, bà chánh niệm rõ ràng, trong khoảnh khắc bà quy Tây một cách nhẹ nhàng và tốt đẹp, đến sau khi vãng sanh hai mươi bốn giờ, trong thời gian đó tiếng niệm Phật không ngớt, lúc thay y phục ai nấy đều rất vui nhìn thấy mặt mày bà tươi vui cũng như dung mạo hiền lành lúc còn sống, những người thấy nghe khen ngợi mãi, chúc mừng bà đã được như nguyện vãng sanh Cực Lạc. Lâm lão cư sĩ vào ngày 26 tháng 4 năm Dân quốc thứ 81 được cử hành lễ cáo biệt và trà tỳ, các liên hữu hẹn nhau đến niệm Phật đông đến đường sá bị tắt nghẽn, đủ thấy sự tu trì lúc bình thời của bà công phu không có uổng, sức cảm hóa người rất sâu. Sau khi hỏa táng lại được mấy trăm viên xá lợi. Đây cũng hiển lộ cho thấy công phu niệm Phật của bà rất sâu dầy, nhân quả không sai!

Đại sư Thiện Đạo nói: “Nếu luận về học hiểu, thì tất cả pháp môn đều phải học, nếu luận về tu trì, nên chọn lựa pháp khế lý, khế cơ, mới có lợi ích chân thật”. Một pháp niệm Phật nhân gồm quả hải, quả suốt nguồn nhân là khế lý khế cơ nhất, thật là bản hoài của Đức Thế Tôn xuất thế độ sanh khiến tất cả đều có thể ngay đời này dứt được sanh tử. Chúng ta từ sự tích thành kính niệm Phật của Lâm lão cư sĩ cuối cùng được vãng sanh Cực Lạc mà nghiệm ra, tin mà có chứng cứ. Khắp nguyện những ai thấy nghe rõ chân thật niệm Phật, đồng sanh Cực Lạc, đồng thành chánh giác, thì may mắn lắm vậy! Và Lâm lão cư sĩ với thân nữ tại gia lại được sự tự độ và độ người mấy mươi năm, cuối cùng vãng sanh Liên Bang một cách nhẹ nhàng và tốt đẹp. Đây cũng đồng với hai câu: “Thỉ tín Tây phương chư thượng thiện. Chơn năng thừa nguyện hóa thân lai” của Tuyết Lô lão nhân vậy! (xem bài thơ ở đầu bài này).

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
3.    Hương Thơm Niệm Phật, Thượng Tọa Thích Phổ Huân
4.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
5.    Những Truyện Cảm Ửng Về Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Lão Cư Sĩ Định Huệ | Diệu Tuyền, Việt Dịch
6.    Những Truyện Tích Triết Lý, Hòa Thượng Thích Hồng Tại (Đoàn Trung Còn), Việt Dịch
7.    Niệm Phật Căn Bản Cho Người Tại Gia, Thiện Phúc
8.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
9.    Niệm Phật Chỉ Nam, Mao Dịch Viên | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư, Pháp Sư Đạo Chứng | Thích Minh Quang, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Dẫn Đi Khỏi Luân Hồi, Lý Lâm Qúy | Mạt Nhân Đạo Quang, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
13.    Niệm Phật Kiếm, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Cư Sĩ Nguyễn Xuân Chiến, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Kính, Đại Sư Thiện Đạo Đời Đường | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
15.    Niệm Phật Luận, Pháp Sư Đàm Hư | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
16.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
17.    Niệm Phật Pháp Yếu, Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
18.    Niệm Phật Sám Pháp, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
19.    Niệm Phật Sinh Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thượng Tọa Thích Chân Tính, Việt Dịch
20.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch