Home > Khai Thị Phật Học
Căn Bản Làm Người Trước Tiên Phải Làm Tròn Chữ Hiếu
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch


Phàm làm người, nếu chúng ta không làm một con người tốt thì không thể nào thành Phật, cho nên phải xây nền tảng làm người. Nền tảng làm người là gì ? Nền tảng làm người là hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Căn bản làm người dựa trên tám điều này, cho nên đức Khổng Tử có nói rằng: "Quân tử vụ bổn, bổn lập nhi đạo sanh; hiếu, đễ dã giả, kỳ vi nhơn chi bổn dã." (Bậc quân tử chú trọng đến cái gốc, vì một khi gốc đã vững thì Ðạo theo đó sinh ra. Lòng hiếu thảo, và tình huynh đệ chính là gốc của con người vậy.) Như vậy căn bản làm người trước nhứt phải làm tròn đạo hiếu, kính lão trọng hiền; trông thấy người già cả xem như cha mẹ của ta,với bậc trung niên xem như anh chị, với hàng thiếu niên xem như con cái. Nếu có cái nhìn như vậy thì mới gọi là biết làm người. Cho nên người xưa dạy rằng: "Phụng sự tận tình bậc trưởng bối của kẻ khác cũng như phụng sự tận tình người lớn tuổi trưởng thượng trong nhà mình. Săn sóc hết lòng con em của kẻ khác cũng như săn sóc hết lòng con em nhà mình." Căn bản đạo làm người là kính mến bậc trưởng bối, tôn trọng bậc hiền đức, cung kính người tu đạo.

Trong chương Lễ Vận Ðại Ðồng của Ðức Khổng Tử có nói: "...Cho nên người ta không phải chỉ lấy họ hàng mình làm người thân thích mà thôi, cũng không xem chỉ có con cái là con của mình mà thôi. Họ làm cho người già có chỗ an dưỡng cuối cùng, khiến người trẻ được hữu dụng, khiến cho trẻ thơ được phát triển. Những kẻ goá chồng, goá vợ, con côi, kẻ già không con nuôi, người tàn phế, hay tật nguyền đều được lo lắng săn sóc." Các vì vua, thánh hiền, các đấng minh quân biết đạo từ ngàn xưa đều trị lý thiên hạ như thế. Khi vua Văn Vương chấp chánh thi ân cho thiên hạ, trước nhứt Ngài lo chẩn tế khắp nơi bốn hạng người : goá chồng, goá vợ, con côi, kẻ già không con nuôi; do đó nhân dân trong đời nhà Châu ai nấy đều hưởng cuộc sống thanh bình an lạc. Bởi vì vua Văn Vương xem thiên hạ như một nhà, thế giới như một thể, nên không hề có sự phân biệt kẻ thân người sơ, kẻ xa người gần. Ðó chính là sự khởi đầu của thế giới đại đồng. Mình phải bắt chước tinh thần như vậy khi học Phật. Nếu bạn đem tâm lượng và chí nguyện như vậy ra học Phật thì đức Phật nhất định sẽ hộ trì bạn. Ngược lại nếu bạn không noi theo gương đó, tuy niệm Phật, lễ Phật song tối ngày cứ sân giận tức tối, thì chẳng xong đâu, và bạn hẳn chẳng được ích gì trong đạo Phật.

Tôi không biết nói chuyện cao siêu, chỉ hy vọng các bạn hãy đem bố thí lòng sân giân nóng nảy của mình đi. Ðược vậy bạn đúng là chân chính bố thí. Nếu bạn chẳng thể bố thí đặng tính nóng giận thì bạn sẽ không tương ưng với Phật đạo.

Tôi không nhiều lời nữa, lời quá nhiều thì các bạn nhớ không hết và cũng chẳng ích chi. Ít lời,nhưng các bạn nhớ đặng, dù môt câu, rồi thật sự áp dụng nó: nếu các bạn thật sự thật hành các đức hiếu thảo, tình huynh đệ, trung thành, tín nhiệm, lễ mạo, nghĩa khí, liêm khiết, biết hổ thẹn, kèm theo đức không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ, thì là các bạn đã bước cái bước đầu tiên trên con đường của Phật dạy. Bước thứ hai cần bạn phải nỗ lực dũng mãnh tinh tấn hơn. Chúc các bạn mau thành Phật đạo!

(Giảng ngày 4 tháng giêng năm 1993 tại Pháp Giới Phật Giáo Ấn Kinh Hội, Ðài Loan).

Trích từ: Bồ Đề Hải