Home > Khai Thị Phật Học > Mo-Rong-Tam-Luong-Bao-Dung-Ke-Khac
Mở Rộng Tâm Lượng, Bao Dung Kẻ Khác
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Quyển hai của kinh Hoa Nghiêm vừa mở đầu liền hiện lên cảnh giới: ‘tâm bao trùm thái hư, lượng gồm thâu các cõi nhiều như cát’. Câu nói của Lão Tử: ‘Có bao dung thì mới rộng lớn, chẳng ham muốn thì sẽ mạnh mẽ’ cũng thể hiện trong đoạn kinh văn này. Trong kinh nói đến ‘đại nhẫn’ tức là chân nhẫn, là dùng chân tâm mà nhẫn, tâm lượng của chân tâm lớn, không có gì chẳng bao dung. Chỉ có hiểu rõ triệt để chân tướng sự thật thì mới có tâm lượng lớn như vậy. Cảnh giới đó là vốn có, chẳng phải là do học mà được, cũng chẳng phải có được dần dần, cho nên Phật mới nói ‘hết thảy chúng sanh vốn thành Phật’. Chúng ta vốn có đại nhẫn, vốn là Phật, giống y như Tỳ Lô Giá Na Phật, A Di Ðà Phật, hiện nay lại biến thành như vầy là vì đã mê mất tự tánh, chân tâm. Giáo học Phật giáo chẳng có gì khác ngoài sự giúp đỡ chúng sanh khôi phục bộ mặt vốn có mà thôi; ngoài chuyện này ra, Phật chẳng có một pháp gì để dạy chúng sanh. Cho nên thánh và phàm, Phật và chúng sanh khác nhau ở tại một niệm mê ngộ mà thôi. Phật thường than tiếc chúng sanh mê hoặc là ‘người đáng thương xót’, chỉ vì mê mất tự tánh nên tâm địa hẹp hòi, chẳng thể bao dung người khác, thậm chí hai người sống chung cũng có ý kiến bất đồng, chẳng thể hòa hợp, đúng là đáng thương xót đến mức cùng cực. Kinh Hoa Nghiêm vừa mở đầu liền triển hiện lên tận hư không trọn khắp pháp giới mọi chúng tạp thần, có thiện thần, có ác thần, có bát bộ quỷ thần trong thập pháp giới, còn có chư thiên, thiên vương, tổng cộng có hai trăm hai mươi tám đoàn thể chủng tộc khác nhau. Thiệt là chẳng gì chẳng bao gồm, dung chứa, tâm lượng như vậy quá lớn! Chúng ta cũng phải khôi phục lại tâm lượng lớn như vậy. Nếu chẳng thể dung nhẫn, kết oán cùng người, tạo thành oan oan tương báo, bạn gây chướng ngại cho người khác thì người khác sẽ chướng ngại bạn; bạn phá hoại kẻ khác thì kẻ khác sẽ phá hoại bạn, tạo ra nhân gì thì sẽ chịu quả báo đó, quả báo thông ba đời, rất đáng sợ. Cho nên khi bạn bao dung kẻ khác, thì kẻ khác bao dung bạn; bạn giúp đỡ người khác thì người khác giúp đỡ bạn, đây là chân lý vĩnh viễn chẳng biến. Ðây là trong kinh Hoa Nghiêm, Phật hiện thân thuyết pháp, biểu diễn cho chúng ta coi, để cho chúng ta thể hội.

Chỗ vĩ đại của Phật, Bồ Tát là ở chỗ chẳng đối địch với người, ngay cả đối với ác quỷ cực ác cũng cung kính, thương yêu che chở, vì biết [hết thảy đều] cùng một căn bản, cùng một tự tánh. Tào Thực nói: ‘Vốn cùng sanh một rễ, nấu nhau sao quá gấp?’, tận hư không trọn khắp pháp giới hết thảy chúng sanh đều cùng một cội rễ, cái cội rễ này chính là chân như tự tánh.

Một đoàn thể chủng tộc chẳng thể bao dung những chủng tộc khác thì sẽ có đấu tranh giữa các đoàn thể chủng tộc, một quốc gia chẳng thể bao dung quốc gia khác thì sẽ sanh khởi chiến tranh. Muốn giải quyết những vấn đề này thì tâm lượng nhất định phải lớn, khi khởi tâm động niệm đều nghĩ đến hết thảy chúng sanh, phải tôn trọng, kính ái, hợp tác lẫn nhau, thì mới tiêu trừ những sự hiểu lầm, mâu thuẫn, ngăn cách, kỳ thị, thế giới mới chân chánh đạt được hòa bình an định. Nếu niệm niệm đều vì lợi ích của mình, xem thường lợi ích của đối phương, xem thường lợi ích của toàn thể nhân loại, cho dù mỗi ngày đều hô hào thế giới hòa bình, thì đó cũng chỉ là một khẩu hiệu, chẳng thể thực hiện. Do đó người tâm lượng hẹp hòi chẳng có cách gì để giải quyết vấn đề. Các đoàn thể chủng tộc trên thế giới, người lãnh đạo quốc gia nhất định phải mở rộng tâm lượng, niệm niệm đều vì hết thảy chúng sanh khổ nạn trên thế giới, hòa bình an định mới có thể thực hiện.

Giả sử mọi người đều nghĩ đến lợi ích của hết thảy chúng sanh trên trái đất, vấn đề vẫn chẳng thể giải quyết y như cũ vì tâm lượng này vẫn còn quá nhỏ. Chúng ta chỉ thương yêu quả đất này, chẳng thương yêu những tinh cầu khác thì tương lai chiến tranh giữa các tinh cầu vẫn có thể xảy ra. Thế nên tâm lượng phải mở rộng, phải học Phật, Bồ Tát khi khởi tâm động niệm phải quan tâm đến tận hư không, trọn khắp pháp giới, chẳng buông bỏ một chúng sanh nào hết. Nếu chưa có tâm lượng lớn như vậy thì làm sao mới làm được câu ‘chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’? Nếu tâm lượng nhỏ bé chẳng thể dung nạp một người nào, mỗi ngày phát nguyện [như vậy] thì chẳng phải là tự sỉ nhục hay sao, lừa gạt Phật, Bồ Tát hay sao? Ðó là nói dối. Nói nghe rất hay, nhưng làm toàn những chuyện phản đạo, đều là tạo nghiệp, nên cổ đức thường nói: ‘Trước cửa địa ngục, tăng đạo nhiều’, nguyên nhân người học Phật vẫn còn đọa địa ngục là ở tại chỗ này.

Người chẳng nghiên cứu giáo lý làm sai thì còn tha thứ được; chúng ta mỗi ngày đều nghiên cứu Phật lý, chẳng tìm hiểu rõ ràng những đạo lý này, vẫn còn mê trong danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, việc này ngay cả mình cũng chẳng tha thứ mình được. Nếu từ chỗ này chúng ta có thể tỉnh ngộ thì đó là sự giác ngộ chân chánh. Lúc đó đọc kinh Hoa Nghiêm mới có thọ dụng chân thật, quan niệm tư tưởng mới chuyển biến được, sẽ ‘nhập tri kiến Phật’. Hiểu rõ y báo, chánh báo trang nghiêm của thập pháp giới vốn có cùng một gốc rễ, đó tức là tri kiến Phật.

Trong cuốn ‘Ðịa Tạng Kinh Luân Quán’ Thanh Liên pháp sư giảng: ‘Không tướng không tên, dứt bặt suy nghĩ”, đây tức là nghĩa lý và tinh hoa của kinh Kim Cang, đây là chân tướng sự thật. Nếu chúng ta thể hội đến ý nghĩa chân thật của câu này thì quan niệm tư tưởng, ngôn ngữ hành vi sẽ chuyển biến, chuyển phàm thành thánh. Hiểu được một phần thì chuyển biến một phần; hiểu được hai phần thì chuyển biến hai phần; mức độ chuyển biến bao lớn đi đôi với mức độ lý giải sâu hay cạn. Ðây cũng có thể dùng làm phương pháp đo lường công phu tu học của mình, nếu có chỗ tiến bộ thì tâm địa sẽ ngày càng thanh tịnh, trí huệ ngày càng tăng trưởng, phiền não cũng sẽ ngày càng giảm bớt. Ðến lúc phiền não nhẹ, trí huệ tăng thì những kinh luận thế gian và xuất thế gian bày ra trước mặt, vô lượng vô biên nghĩa thú tự nhiên sẽ tuôn trào ra. Thế nên chân tu tức là làm một sự chuyển biến to lớn trên quan niệm và tâm lý.

Chúng ta là chúng sanh mê hoặc, chỗ nương dựa duy nhất để chuyển biến là thánh giáo, dựa vào phương hướng và mục tiêu của thánh giáo chỉ đạo, hết lòng làm việc chuyển biến, chuyển thức thành trí, chuyển phiền não thành Bồ Ðề, chuyển sanh tử thành Niết Bàn, chuyển mê thành ngộ, siêu phàm nhập thánh, chúng ta phải làm công tác này. Ðối với chúng sanh có duyên cũng phải hết lòng, hết sức giúp đỡ họ chuyển biến; tuy giúp đỡ chúng sanh nhưng tâm địa vẫn giữ thanh tịnh như cũ, tuyệt chẳng chấp tướng; chấp tướng sẽ sanh phiền não, tâm sẽ bị ô nhiễm. Phật, Bồ Tát dạy dỗ hết thảy chúng sanh có thể giữ gìn tâm thanh tịnh, chẳng bị ô nhiễm, nếu chúng sanh có thể chuyển biến tư tưởng quan niệm, thì tán thán hoan hỷ; nếu chẳng thể chuyển biến thì tâm địa của Phật, Bồ Tát cũng vẫn thanh tịnh, chẳng lưu lại dấu vết, đây chính là ‘tam luân thể không’ nói trong kinh Bát Nhã, thế nên Phật, Bồ Tát vĩnh viễn tự tại, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển, đạo lý là ở tại chỗ này.

Chúng ta tu học tiến bộ ít, thoái lui nhiều là vì niệm niệm đều bị ô nhiễm. Khi chỉ dạy người ta, nếu họ chịu tiếp nhận thì sanh tâm hoan hỷ, vậy là bị hoan hỷ ô nhiễm rồi; ngược lại khi người ta không chịu tiếp nhận hoặc chẳng thể làm được, thậm chí những gì họ làm đều trái ngược với lời dạy thì sanh phiền não, vậy là bị phiền não ô nhiễm rồi, bị ô nhiễm thì sẽ thoái chuyển. Nếu có thể làm được như lời dạy trong kinh Kim Cang: ‘chẳng chấp vào tướng, như như chẳng động’, tâm chẳng bị ô nhiễm thì sẽ chẳng thoái chuyển.

Những gì Phật dạy chúng ta câu nào cũng là lời chân thật, phải dựa vào lời dạy của Phật, tự tìm cầu nhiều phước đức. Phước đức chân thật là giúp đỡ hết thảy chúng sanh, tức là hết lòng nỗ lực tu bố thí tài vật, bố thí pháp, bố thí vô úy, đây là những người biết tìm cầu nhiều phước đức, hy vọng mọi người lưu ý thêm những lời dạy trong Ðại Kinh, được vậy thì sự thọ dụng trong đời này sẽ vô cùng tận.