Home > Khai Thị Phật Học > Mo-Rong-Coi-Long-Vuot-Qua-Su-Rang-Buoc-Cua-Hoan-Canh
Mờ Rộng Cõi Lòng, Vượt Qua Sự Ràng Buộc Của Hoàn Cảnh
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Nhiều người thường cảm thấy công việc của mình thuận lợi, sự nghiệp thành đạt, đời sống vật chất thư thả, ổn định, nhưng về mặt tinh thần cũng như cách sống, hành vi và động tác dường như có điều gì đó hạn chế, gò bó, dường như có cái khung vô hình chụp lên đời sống, lên tinh thần mình làm mình không thể thoải mái, tự do được.

Tấm lòng rộng mở có thể được chia thành hai cấp bậc. cấp thứ nhất là cách nhìn rộng mở, tấm lòng quảng đại. Thông thường một người có cách sống lạc quan, khoáng đạt thường có tâm thế “vui theo tự nhiên” ngay cả trong môi trường cuộc sống hiện thực không được tốt đẹp. Những người như thế thường rất may mắn, bẩm tính họ thoáng, hào phóng. Thế nhưng những người này lại có tính thờ ơ, vô tình với mọi việc xung quanh, làm gì cũng được, thậm chí không có việc cũng không sao. Nếu cứ mãi như thế thì chắc chắn đời sống sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khác như sống thiếu ý nghĩa.

Cấp thứ hai của một tấm lòng rộng mở chỉ người có tâm thế vui tươi, hạnh phúc, vượt mọi giới hạn của thời gian, không gian, vượt lên lợi hại, được mất, thành bại thị phi. Những người có tâm thái vượt lên tất cả các chướng ngại kia mới đích thực là người có tấm lòng rộng mở.

Tôi có quen một doanh nhân khá thành đạt, nhưng sau đó công việc làm ăn cứ dần sa sút. Đứng trước cảnh công việc ngày càng thua lỗ đó, anh ta mất hết niềm tin.

Tôi khuyên: “Anh vốn là người như bao người khác, không phải là một doanh nhân thành đạt, dần dần mới trở thành ông chủ. Vì vậy, “doanh nhân” vốn không phải là vật sở hữu của anh. Bây giờ bất quá là anh đang trở về với chính anh trước đây. Vì thế, anh phải có đủ dũng khí để chấp nhận bản thân anh của trước đây chứ!”.

Anh ta nói: “Trước đây chưa kinh doanh còn được, nhưng công việc kinh doanh đang thuận lợi bỗng nhiên thua lỗ nặng. Trong một thời gian ngắn mà mất quá nhiều tiền, quả thực con không biết làm thế nào!”

Tôi an ủi: “Chúng ta sinh ra không mang theo việc kinh doanh mua bán, chết cũng không thể, mang đi, nên chỉ cần làm thật tốt những gì có thể còn những gì không thể thì hãy buông xuống... Những gì đang xảy ra với công việc làm ăn của anh chính là kết quả của nhiều nguyên nhân, yếu tố khách quan mang lại, dù anh có lao tâm lao lực đến mấy cũng chẳng có tác dụng gì!”

Anh ta nghe tôi nói thế liền bảo rằng: “Chẳng lẽ sự nghiệp làm ăn cứ thế ra đi?”

Tôi nói: “Ban đầu anh có sự nghiệp gì đâu. Hãy xem như mình chưa có gì để làm lại từ đầu xem sao, có được không?”

Anh ta nói: “Nhưng con không còn chút hi vọng nào nữa, thầy ạ”.

Tôi khuyên: “Không nên nghĩ như vậy. Nếu đời này anh không còn chút hy vọng nào thì đời sau cũng thế và mãi mãi muôn kiếp đều thế!”

Một người có tấm lòng rộng mở sẽ không bao giờ nghĩ rằng tất cả mọi việc đều “đã chấm dứt”, họ chỉ nghĩ rằng khi cần nỗ lực hết mình sẽ nỗ lực hết mình, khi cần né tránh sẽ né tránh, khi cần xử lí sẽ xử lí. Nếu không còn biện pháp nào, không còn cách nào để xoay chuyển cục diện thì ít nhất vẫn còn dũng khí để chấp nhận sự thực, chờ thời cơ mới, cơ hội mới sẽ làm lại từ đầu. Đây là thái độ sống đúng, biết cương biết nhu, biết co biết duỗi, như người xưa từng nói “quân tử an bần đạt nhân tri mạng” (bậc quân tử yên với phận nghèo, thực hiện điều nhân và hài lòng với những gì vốn không thể thay đổi được). Nên nếu điều kiện ngoại tại lúc đó không cho phếp mình thực hiện mong ước thì hãy buông xuống, đấy cũng là một việc làm trí tuệ.

Một lần nọ, khi hay tin mưa bão về, tôi sợ mưa sẽ làm ngập những vật dụng để ở chỗ thấp trong Bắc Đầu Nông Thiền Tự nên cho người dọn tất cả các vật dụng ở chỗ thấp lên cao, nhưng cuối cùng vẫn bị ngập trong nước, các vật dụng hư hỏng nặng. Trước tình hình đó, thấy mình đã làm hết khả năng có thể nhưng vẫn không thể cứu được thì thôi, điều quan trọng là mình đã tận lực, có thành công hay không không còn là vấn đề nữa. Điều quan trọng trong trường hợp này là làm thế nào để đối diện, xử lí tốt nhất khi sự việc đã xảy ra.

Sở dĩ có được thái độ như thế là vì tôi đã hiểu được luật nhân quả, có cái nhìn đúng đắn theo tinh thần nhân duyên, nhân quả.

Nếu bạn hiểu đúng theo tinh thần nhân duyên, nhân quả thì sẽ vượt qua giới hạn của hoàn cảnh ngoại tại, vượt lên quan niệm được mất, lợi hại, thành bại; đạt đến trình độ này mới được xem là người có tấm lòng rộng mở.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Mờ Rộng Cõi Lòng, Vượt Qua Sự Ràng Buộc Của Hoàn Cảnh