Ngựa Ô Đuôi Trắng
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Một người nọ thường cưỡi ngựa ô, trong một cuộc giao tranh, người này sợ chết, lấy máu bôi đầy mặt giả chết trong đám tử thi, khi quân địch rút đi mang theo ngựa ô, anh này cắt đuôi ngựa trắng lần về nhà, khoe với mọi người rằng “tôi xông pha chiến trận trở về, chết mất ngựa ô, nên đem đuôi ngựa theo làm kỉ niệm ”, mọi người thấy đuôi ngựa trắng liền hỏi “ngựa ô, sao đuôi lại trắng”, người này im lặng không đáp được, khiến mọi người cười chê… Người thế gian cũng vậy, tự cho là tốt lành, tu hành từ tâm, không dùng rượu thịt, song gây họa chúng sinh, làm các việc độc hại, mà vẫn tự cho là tốt, nhưng thực thì vô ác bất tác, như người nói láo ngựa chết.
 
Lời Bình :

Mặc tử nói “Thế tục chi quân tử, bần nhi vị chi phú tắc nộ. Vô nghĩa nhi vị chi hữu nghĩa tắc hỷ. Khải bất bội tai!”, (Quân tử nơi đời, nghèo mà nói họ giầu họ liền nổi giận. Bất nghĩa mà khen họ nghĩa họ liền vui mừng. Há chẳng trái lẽ lắm sao!)
 
Thế nhân đều thích tiếng tốt, đến ngay kẻ hung bạo, khi bị “thóa mạ” là hung tính phát khởi nổi giận ra tay giết người, điều này chứng tỏ phàm nhân đều sợ tiếng ác và thích tiếng tốt. Khi nghe tiếng tốt trong lòng vui thích, và khi nghe lời xấu tất nổi sát khí, do đó mọi lời khen đều thuộc tiếng tốt, mọi lời chê bai mắng chửi đều là lời xấu. Tuy bản tính thích được tiếng tốt nhưng thế nhân hiếm ai thích làm điều tốt, và dẫu sợ tiếng xấu nhưng không ít người ưa làm chuyện xấu, từ duyên cớ này sản sinh ra sự dối trá, thành ngụy đạo đức.
 
Về vấn đề thích tiếng tốt, ta có thể phân thế nhân làm 4 loại sau :
 
1. Hạng chỉ thích được tiếng mà không thích hành thiện.
 
Hạng này vì ích kỉ nên không ưa thích thiện pháp, vì cho rằng thiện pháp sẽ làm bản thân thiệt thòi, vì nặng tính toán sợ thiệt nên thích lợi, do đó có xu hướng thích cái lợi của tiếng tốt, ghét cái hại của hành thiện, nguyên do cũng từ vị kỉ tính toán hơn thua mà ra. Hạng này muốn khỏi hao tốn của cải và công sức hành thiện mà vẫn được tiếng tốt, nên thuộc loại tham sẻn ngụy quân tử, chẳng khác gì kẻ giả chết, nhưng muốn được tiếng anh hùng.

2. Hạng làm ác mà vẫn ưa được tiếng tốt.  

Ngay đến loại cùng hung cực ác cũng vẫn ưa tiếng tốt ghét tiếng xấu, bằng chứng giả như có người chê trách kẻ này là hung bạo côn đồ, tất sẽ khiến hắn giận dữ cho đó là phỉ báng, và phải trừng phạt người kia bằng sự chết hay bằng nỗi đau khổ nhục hình. Kẻ này đã ác lại thêm ngu, không nhận ra bản chất hung ác của mình, lại giết người “hạ nhục” ta bằng cách nói thật về ta. Gã không biết thủ phạm hạ nhục gã chính là gã, gã càng không sao nhận ra “hành động trừng phạt người phê bình hắn”, lại chính là sự xác nhận người kia nói không sai mảy may.

3. Hạng làm thiện vì thích được tiếng tốt.  

Nhiều người vì tiếng khen nên chịu hành thiện sự, nhưng nếu không được khen tất sẽ không hành thiện, nên hành thiện không vì đó là thiện, mà hành thiện để đổi lấy danh. Thí dụ như cúng dường tam bảo, in kinh ấn tống, xây chùa dựng tháp là việc thiện, thế nhưng phần đông tín đồ khi làm việc thiện này thường có nhu cầu phải ghi tên họ trên bảng công đức, hoặc giả phải được tuyên dương với mọi người, nếu được như ý thì càng phát tâm cúng, nếu không như ý thì chỉ một lần. Hoặc giả có người cúng bằng “của ít lòng nhiều” nhưng thêm vào “không cần phải ghi tên, vì tôi không thích danh”.

4. Hạng làm thiện và chẳng màng tiếng tốt.  

Một thiểu số bản tính thiện lương, nên ưa thích hành thiện. Hành thiện là niềm vui của họ, nên hành thiện chẳng màng đến có tiếng tốt hay không. Nho gia miêu tả hạng người này “Tri chi giả bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả bất như lạc chi giả” có nghĩa biết không bằng thích, thích chẳng bằng vui với điều đó. Chương thứ 9 trong kinh Tứ thập nhị chương, đức Thế Tôn dậy “ Mến đạo nghe nhiều, khó hiểu được đạo, thủ chí hành đạo, đạo đó lớn nhất ”. Mến đạo nghe nhiều đồng với “hiếu chi giả”. Thủ chí hành đạo đồng với “lạc chi giả”. Đức Thế Tôn nhìn nhận người yêu đạo và nghe nhiều vẫn khó hiểu được đạo, chỉ có thủ chí hành đạo bất thối chuyển mới nhập đạo được, vì đó chính là đạo vậy. Đạo đồng với “đại hành” hay “hành nguyện”, đạo không hề là tình cảm yêu thích và chăm nghe nơi ta, và đạo cũng chẳng phải là đối tượng cho ta yêu mến và nghe như trẻ con mến nghe chuyện cổ tích. Đạo để hành, không chỉ để nghe và mến mộ. Chư Phật hóa thân ứng cơ, tùy nghi thuyết pháp, cũng chỉ để diễn bầy đạo (chân lý), đó là cứu cánh. Thế nên Phật thân và lời pháp đều là phương tiện để diễn dương đạo lý, hành theo lời dậy của Phật, đó mới thật là đạo. Vì vậy Phật thân và lời pháp không phải là đối tượng yêu mến và chăm nghe, mà chỉ có hành theo lời pháp phát sinh từ Phật thân mới thành tựu được đạo, chính xác hơn phải lìa Phật thân tướng và lời dậy bằng sự hành tất có thể ngộ nhập vào đạo tức Phật tri kiến, hiểu rõ thật tính của mọi pháp, và thật tướng của nhất thiết chư Phật và chúng sinh, thành quả chính giác, nếu như chỉ biết bo bo ôm Phật tượng, nghe pháp suông, tất không sao ngộ nhập được đạo quả, nên bị đức Thế Tôn quở mắng “nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai” (nếu thấy ta nơi sắc, cầu ta bằng âm thanh, người này hành tà đạo, không thấy được Như Lai). Do đó văn tất phải tư và tu, tư tu cần phải văn, hợp cả ba nhân tố này lại thành đạo, đó là tam huệ văn tư tu. Như vậy người hành đạo mới thực là người mến đạo nghe nhiều, từ mến đạo nghe nhiều mà thực hành không ngừng nghỉ, khác với người hành đạo vì mến danh, hành đạo nào có danh thì hành, đạo nào không danh thì không hành. Người mến đạo hành đạo, bất luận sự việc nào hễ thuộc đạo đều hành.
 
Tổng kết trong 4 loại thế nhân thì chỉ có hàng thứ 4 là có bản tính thiện lương, nên hành thiện vì đó là thiện, mà không hành để cầu tiếng tốt, hoặc không hành thiện mà vẫn mong được danh thơm. Bản tính thiện lương tất thích hành thiện, ngược lại nếu không ưa thích hành thiện hoặc hành thiện chỉ để mưu cầu tất nhiên không phải bản tính thiện lương. Vì vậy phàm hễ trọng thiện hơn trọng danh, hành thiện chỉ vì thiện tất hạng người này được coi là Thánh nhân. Đó là phạm vi thế gian.
 
Còn như hành nhất thiết thiện pháp cứu độ nhất thiết chúng sinh, thiện pháp hơn này siêu xuất mọi thứ được mất, danh thanh ở thế gian, nên phàm còn tham danh văn lợi dưỡng thế gian tất không thế nào hành nổi các thiện pháp siêu việt này, chỉ có chư Phật và Thánh Tăng mới hành được chính pháp thiện tối thắng này, do đó được tôn xưng là xuất thế gian bảo.
 
Phần trên lược nói về vấn đề danh văn. Hết thẩy chúng sinh đều ưa thích danh, nhưng để có danh phải làm thiện, song thiện pháp khó hành, vì vậy từ những người sợ hành thiện pháp cho đó là nan hành, cho đến những kẻ ưa thích làm điều ác, ghét bỏ điều thiện cũng vẫn thích được tiếng tốt nên tất cả mọi hạng này đều cần phải dối trá, ngụy tạo mọi thứ hầu được hưởng tiếng tốt. Do đó câu chuyện này ngầm nhắc nhở người tu học, bất luận tại gia hay xuất gia nên trực tâm hành đạo, không nên siểm khúc tà vạy như kẻ cưỡi ngựa ô. Người xuất gia tu học để chiến đấu với nghiệp lực, ngựa ô như phương tiện huệ, nếu không đương cự nổi với nghiệp lực, buông xả theo nghiệp tức như gã kia giả chết, khiến phương tiện huệ thành tù binh của ác nghiệp, như ngựa ô bị bắt đi, nhưng lại dối gạt tha nhân là do chiến đấu với nghiệp nên mất ngựa ô nhưng chiến thắng trở về, và mang theo đuôi ngựa làm chứng, kẻ này cưỡi ngựa ô chiến đấu với nghiệp để xuất tam giới gia, nhưng lại vác đuôi ngựa trắng của ngũ dục, để dương danh nơi tam giới. Không thấy thành tích xuất thế gian chỉ thấy thành tích gầy dựng ngũ dục tam giới, chẳng khác nào mất ngựa ô, lại xách đuôi ngựa trắng về khoe, thực là tương phản, khiến người trí nhận ra đều chê cười.
 
Thời mạt pháp người tu học thường cưỡi ngựa ô chính pháp chiến đấu với Ma quân, để qua bờ sinh tử, nhưng đại đa số đều khiếp sợ Ma quân nên giả chết, đem ngựa ô chính pháp của chư Phật giao cho Ma quân đổi lại bằng cái đuôi ngựa tham ái của Ma vương, về làm “ thành tích ” chiến đấu, tu hành của bản thân.
 
Thời chính pháp đệ tử Phật bất luận tại hay xuất gia đều hiển bầy công đức bằng phát khởi nguyện lực tiêu diệt nghiệp lực cho ta và chúng sinh, thời mạt pháp đệ tử lại hiển bầy công đức bằng cách tích lũy càng nhiều “danh văn lợi dưỡng” bao nhiêu, càng hiển hách bấy nhiêu. Thậm chí một số tại gia tín đồ đối trước Phật bồ tát cầu xin ngũ dục không toại ý, liền chê trách Phật bồ tát không linh ứng, nên bỏ theo tôn giáo khác. Cũng vì lý lẽ này, hàng tín đồ nói trên chỉ thích đi chiêm bái thánh tích của Bồ tát để cầu xin, mà chẳng ngó ngàng đến thánh tích của chư Tổ su, bởi họ cho rằng Tổ sư không phải chỗ cho họ cầu xin ngũ dục, thậm chí đến một số các bồ tát như Phổ Hiền, Văn Thù… cũng ít người thờ phụng vì các vị đại bồ tát này chỉ cho họ trí huệ, hành nguyện là những thứ họ không cần, họ chỉ khát khao dục lạc, lại cho rằng bồ tát Quan Âm là chỗ mặc tình xin xỏ bất cứ thứ gì, từ giúp họ buôn may bán đắt, thi cử đậu đạt, hôn nhân như ý…nên chỉ tín ngưỡng Quan Âm.
 
Ngựa ô là loại ngựa chiến, mạnh khỏe nhanh nhẹn, chư Phật bồ tát và Tổ sư cho họ loại ngựa ô trí huệ, hành nguyện, song bản tính yếu hèn giả chết họ để mất đi ngựa ô, chỉ ôm theo cái đuôi ngựa trắng nhỏ bé hợp với bản tính yếu hèn. Ban sơ cưỡi ngựa ô ra chiến trường, trở về với đuôi ngựa trắng, khác nào ban đầu xuất gia lìa bỏ tham ái, cuối cùng gầy dựng nên một sự nghiệp tham ái đồ sộ ở thế gian. Mâu thuẫn lắm thay.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Bắt Trộm Ly Ngưu
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Giết Hết Đàn Bò
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Mài Đá Thành Trâu
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Giả Tiếng Uyên Ương
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ