Home > Khai Thị Phật Học > Tram-Dau-Lac-Da
Trảm Đầu Lạc Đà
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Một người nọ làm hũ đựng thức ăn trong đó, để lạc đà chui đầu vào ăn, nhưng sau đó lạc đà không rút đầu ra được, người chủ áo não vô cùng, khi đó có một ông lão đến bầy « chú không cần phải phiền muộn, tôi bầy cho cách lấy đầu lạc đà ra, chú cứ nghe lời tôi, chặt đầu lạc đà, thì lạc đà sẽ thoát khỏi cái hũ ». Người chủ nghe theo chặt hết đầu lạc đà, sau đó đập phá mấy cái hũ để lấy đầu lạc đà ra, ai nghe cũng chê cười.

Phàm phu ngu nhân cũng vậy, phát tâm bồ đề, chí cầu tam thừa, trì giữ cấm giới phòng hộ các ác. Song bị ngũ dục hủy phá tịnh giới, đã phạm cấm kị, xả li tam thừa, phóng tâm theo ý, tạo đủ mọi ác, tam thừa và tịnh giới đều bị xả bỏ, như người ngu này mất cả lạc đà lẫn hũ (ung, weng).

Lời Bình:

Lạc đà tượng trưng cho huệ mạng, hũ là phương tiện chứa đựng thiện pháp nuôi dưỡng huệ mạng. Một khi phương tiện chứa thiện pháp xu hướng mê muội, tham dục, thì phương tiện này trở thành cái hũ chật vì lạc đà không rút đầu ra được, điều này chỉ cho khi chúng sinh tham ái vô minh, thì huệ mạng bị che mờ, nhốt kín trong cái phương tiện tà mạng, như phiền não tạng che khuất chân tính. Người tu một khi bị tham dục lôi cuốn, tất cả mọi phương tiện thiện pháp đều hồi hướng đến ngũ dục của ngã ái, thay vì hồi hướng đến quả giải thoát, vì vậy trí huệ bị che mờ, tự nhốt thân tâm trong dục lạc, không còn tư tưởng thoát ly, chỉ mong được mãi trong hũ dục lạc, khác nào lạc đà không rút đầu ra khỏi hũ được. Không chỉ dừng ở chỗ tự nhốt trong cảnh giới dục lạc, vì tham đắm ngũ dục, mà tệ hơn nữa là sự tà tư duy tham ái đó còn đưa đến sự việc chém đầu lạc đà, và đập vỡ hũ, đánh mất hết phương tiện thiện xảo và thiện căn.

Do vì phương tiện thiện pháp trở thành công cụ tìm kiếm ngũ dục cho cá nhân, nên huệ mạng và phương tiện thiện pháp đều bị chém chết và đập vỡ, nếu phương tiện thiện pháp hồi hướng đến bồ đề quả tất lạc đà tự tại với các hũ thức ăn, điều này chứng minh « vong thất bồ đề tâm tu chư thiện nghiệp thị danh ma nghiệp », dù hành các thiện nghiệp nhưng không hồi hướng đến bồ đề quả, đều thành nghiệp của ma. Như vậy điều cốt yếu của sự tu hành không phải chỉ hành thiện nghiệp mà chính là phải phát bồ đề tâm, cầu thành bồ đề quả.

Ông lão tượng trưng cho tà huệ vọng tưởng, vọng hành. Do tà tư duy nên chém chết huệ mạng, đập vỡ phương tiện thiện xảo. Ông lão còn biểu trưng cho tà sư chỉ bầy cho chúng sinh tà pháp giết hại huệ mạng và phá bỏ thiện pháp. Phàm phu đều giống người nuôi lạc đà trong câu chuyện, do mê muội nên thường thấy lời dậy của tà sư là hợp lý, vì vậy mà sinh tà hành phải chịu nghiệp khổ. Thời mạt pháp tà sư chỉ bầy chúng sinh không cần hành thiện pháp, chỉ tu theo tà sư là đủ giải thoát, thậm chí khuyên dậy chúng sinh không nên phát bồ đề tâm, vì đây là nan hành, chờ vãng sinh hay đắc đạo rồi mới phát cho chắc. Chúng sinh bản tính vốn tham, nên ham dễ sợ khó do vậy nghe theo tà thuyết, tự mình không phát tâm lại khuyên người khác không nên phát tâm, mà quên đi lời cảnh cáo trong kinh Hoa Nghiêm « quên phát tâm bồ đề, dù có tu thiện nghiệp, chung quy cũng thành ma nghiệp », thế mới hay không phát tâm bồ đề thẩy đều là tâm ma.

Đức Phật sau khi thành đạo, tư duy rằng « đạo ta là đạo ly dục, chúng sinh là chúng tham dục, nay ta đem pháp ly dục nói với những kẻ tham dục, sẽ khiến những kẻ này sinh tâm phỉ báng mà tạo thêm nghiệp tội ». Nên ngài quyết định nhập bát niết bàn, song vì Loa Kế Phạn vương ba lần cầu thỉnh, nên ngài nhận lời, ở lại nơi đời độ hóa chúng sinh. Điều này chứng tỏ bản tính chúng sinh vốn sẵn tính tham dục, trừ bỏ tham dục tất chẳng còn được gọi là chúng sinh, mà gọi là thánh, thánh đồng nghĩa với chúng sinh vô tham dục. Vì vậy tu hành nhất thời quên đi bồ đề tâm, ham thích cái ngũ dục đạt được do tu thiện pháp, lập tức trở thành nghiệp của ma.

Trần lao là cảnh giới của tham dục, hễ tham dục chi phối tâm, thì mọi tư duy và hành động đều hướng đến trần lao, gọi là bội giác hợp trần. Tuy trần lao khổ nhiều vui ít, họa đa phúc thiểu, nhưng vì chúng sinh huân tập tham dục lâu đời, thành thói quen khó bỏ, nên dù phải trả giá bằng muôn ngàn đau khổ, chúng sinh vẫn theo tham dục, chịu đựng trần lao, và cho điều này dễ làm hơn con đường “nghịch hành” bội trần hợp giác, của pháp ly dục. Chúng sinh bao đời chung thủy với tham dục, nay hồi đầu xả dục quy tịnh, quả là điều thiên nan vạn nan, dẫu rằng con đường ly dục thực sự an toàn, vô họa hoạn và đầy phúc báo. Thói quen tham dục bao đời của chúng sinh được gọi là vọng nghiệp, lực của vọng nghiệp này khống chế nhất thiết chúng sinh, khiến chúng sinh khó thoát khỏi được trần lao, cho đến như kinh 42 chương nói « đến niệm muốn ra còn không có, làm sao có ngày ra được ». Chẳng khác gì lạc đà bị kẹt đầu trong hũ không thoát ra được.

Lạc đà dụ cho tâm cầu đạo giải thoát, quy hướng đến tam thừa, hũ đựng thóc lúa dụ cho thiện giới, nuôi dưỡng tâm cầu đạo. Nhưng khi người tu hành bị ngũ dục mê hoặc, thì thiện giới trở thành công cụ của ngũ dục. Bất luận xuất gia hay tại gia đều nhìn nhận đạo Phật là đạo giải thoát, nhưng họ không đến với đạo Phật vì sự giải thoát đó, mà chỉ đến để dùng Phật pháp làm phương tiện cầu hay tu phúc ngũ dục, như đại đa số người tại gia đến chùa chỉ để cầu bồ tát ban bố cho mình các thứ ngũ dục, người xuất gia thì thờ Phật ăn oản, song tâm vẫn hướng đến oản hơn là giải thoát. Một khi thiện giới giải thoát của chư Phật được dùng làm công cụ tìm cầu ngũ dục, tất nhiên đưa đến hậu quả gây chướng ngại cho đạo tâm hướng đến tam thừa, chẳng còn biết nhắm hướng nào để đến tam thửa quả, như lạc đà bị cái hũ nuôi sống đó hại chết, che mất hai mắt, không còn tác dụng được nữa, trong lúc đạo tâm bị đui mù, vọng thức nói với ngã rằng hãy xả bỏ đạo tâm hướng giải thoát đó đi, để ung dung hành xử ngũ dục, về với trần lao quen thuộc xưa nay, như ông lão xuất hiện và dậy cho gã kia giết lạc đà. Và ngã vốn được hướng dẫn bởi vọng thức liền nghe theo, mà không hề quán sát theo thật đức năng, nên quay lại với đường xưa lối cũ ái thủ, bội giác hợp trần, vứt bỏ tam thừa quả và thiện giới đằng sau, như gã trảm đầu lạc đà, mất lạc đà và rồi mất luôn cả hũ vì đầu vẫn kẹt bên trong. Tà sư dậy chúng sinh đút đầu vào rọ, và giết chết đạo tâm ly dục cầu quả tam thừa, cùng với thiện giới. khác nào ông lão dậy chém đầu lạc đà.

Đức Phật dậy chúng sinh ly dục, thoát khỏi cái hũ đầy ngũ dục, bằng cách phát bồ đề tâm, khi tâm có bồ đề, tức tâm có giác làm chủ, như Hứa Hành dù đói khát vẫn nhẫn được một cách an nhẫn du như đại địa, nhờ tinh thần “tâm ta có chủ”. Chúng ta khi phát tâm cầu tam thừa chưa phát nổi bồ đề tâm, tâm này cần được nuôi dưỡng bằng thiện giới, nhưng nếu có ngũ dục trộn lẫn trong đó, thì ngoại tướng như sa môn nhưng bên trong thì mê mờ như phàm phu ngoại đạo, giống như lạc đà bị hũ chướng ngại, không thấy đường đi lối về. Như vậy thiện giới thay vì nuôi dưỡng lạc đà giờ là thứ pháp phược trói buộc và che mắt lạc đà, không còn biết phương hướng của tam thừa. Vì vậy cần quán sát các pháp trần lao, chỉ một niệm vong thất quán trần lao sẽ che mắt trí huệ như hũ che lạc đà. Và vọng thức sẽ theo mê mờ mà cắt đầu lạc đà, tức cắt mất tâm cầu đạo, và như thế trở lại với tâm trần lao, tức tam ác đạo, mất hết công phu tu thiện giới và tâm cầu bồ đề, như gã nuôi lạc đà không khác.