Home > Khai Thị Phật Học > Bat-Trom-Ly-Nguu
Bắt Trộm Ly Ngưu
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Dân một làng nọ bắt trộm ly ngưu, cùng nhau ăn thịt, khi người chủ ly ngưu tìm theo dấu vết đến làng hỏi “ly ngưu của tôi có đến làng này không?”. Dân làng đáp “ở đây không có làng”. Hỏi “trong làng có ao, các người ăn thịt ly ngưu tại bờ ao phải không?”. Đáp “ở đây không có ao”. Hỏi “bên bờ ao có cây phải không?” Đáp “không có cây”. Hỏi “các người bắt bò ở phía đông làng phải không?”. Đáp “không có phía đông”. Hỏi “các người trộm bò vào giữa trưa phải không?”. Đáp “không có giữa trưa”. Lại hỏi “cho dù không có làng, không có cây, nhưng trong thiên hạ làm sao không có phương đông cũng như không có thời gian, nghe lời nói các người làm sao tin được, các người ăn thịt ly ngưu phải không?”. Bấy giờ dân làng không còn đường chối cãi mới thừa nhận “ thật đã ăn rồi”.

Người phá giới cũng vậy, đã không phát lồ sám hối lại còn che đậy, chết xuống địa ngục, dưới thiên nhãn của thiên thần, không còn dùng lời lẽ chối bỏ và che đậy được nữa.

Lời Bình:

Câu chuyện này giống Kẻ trộm bảo y thứ 8, nhưng bàn về sự che đậy của người phá giới, còn câu chuyện thứ 8 kẻ trộm bảo y nhấn mạnh về khía cạnh ngoại đạo trộm Phật pháp.

Người ngu vì vọng tưởng khởi tham dục, do tham dục gây tội, như dân làng vì tham ăn, nên gây tội trộm cắp và sát sinh, do muốn trốn tội trộm nên gây tội nói láo, và cứ thế từ một tội sinh ra biết bao tội, phàm nhân không hề biết từ một tội nhỏ năng sinh ra vô số tội, nên tội nhỏ cũng thành tội lớn, như đức Phật dậy, trong kinh Pháp cú, phẩm ác, Chớ khinh điều ác nhỏ, cho rằng chưa tới mình, như giọt nước nhỏ dần, lâu ngày cũng đầy bình, người ngu si cũng vậy, dần dà ác nghiệp đầy.

Người tham ăn chỉ thấy cái ngon mà không thấy cái độc hại của miếng ăn. Bệnh tùng khẩu nhập, bệnh do ăn mà thành, như những căn bệnh do làm việc đầu óc gây ra như bắp thị, hay gân bị cứng làm đau, giải thích theo duy tâm thì do ít vận động tay chân chỉ ngồi yên sử dụng đầu óc nên gân và bắp thịt bị cứng, nhưng cũng do vì ăn uống chất đường mỡ nhiều nên gây ứ đọng trong cơ và gân. Đa số bệnh tật theo thức ăn xâm nhập cơ thể, ngoài ra như câu chuyện này tham ăn đưa đến gây tội từ trộm cắp sát sinh cho đến nói dối, che đậy…

Người tham dục do truy cầu dục, nên mờ mắt chỉ thấy cái lợi, mà không thấy cái hại, như người tham ăn chỉ thấy ngon mà không thấy hại. Khi hại chưa xẩy ra thì vẫn thừa thắng xông lên hành theo ý dục, đợi đến quả khổ xẩy ra, lúc đó mới hối hận thì đã quá muộn màng. Như đức Phật dậy trong kinh Pháp cú phẩm ác, ác nghiệp chưa thuần thục, người ác vẫn thấy vui, ác nghiệp thuần thục rồi, người ác mới thấy khổ.

Do vậy tham dục đồng nghĩa với vô minh. Không chỉ ở điểm chỉ thấy lợi mà không thấy hại, mà còn ở chỗ gây ác để được quả hạnh phúc như ý, mà không hiểu rằng, tạo ác tất phải chịu ác báo, và hơn nữa phải tự thấy rằng ta là người ác, vì mọi sự như ý của ta đều phát sinh từ ác pháp, nếu không ác pháp ắt ta phiền não vì không như ý.

Người tham dục vô minh ưa quả phúc nhưng lại sợ và kỵ gây nhân phúc, thích gieo nhân ác nhưng lại sợ và muốn tránh quả ác. Như kinh Trung bổn khởi dậy, Ác hành nguy thân, ngu vị vi dị, thiện tối an thân, ngu nhân vị nan (hành ác nguy thân, kẻ ngu nói dễ làm, thiện pháp an thân bậc nhất, kẻ ngu nói khó làm). Khi quả ác thành thục, không biết sám hối hồi đầu, sửa lại nhân, lại làm ác khác để tránh quả ác, chung cục đang nhẹ tội biến thành trọng tội, đó là bản chất vô minh của tham dục. Kẻ ác này chỉ biết dùng ác pháp để hành mọi sự, gieo nhân ác cầu hạnh phúc, quả vô phúc đến lại gieo ác để trốn quả. Do vậy mà ác phát triển không ngừng. khi ác càng lớn thì càng khó hồi đầu. Vì thế Như lai dậy, Khổ hải thao thao, hồi đầu thị ngạn (Bể khổ mông mêng, quay đầu là bến) . Nếu tiếp tục không hồi đầu, mà cứ thẳng tiến trên ác đạo tất sẽ chỉ thấy ác nghiệp bao la không ngằn mé, chỉ bằng hồi đầu mới chấm dứt ác nghiệp, và thiện nghiệp nhờ vậy khai mở, ác quả do đó sẽ khô kiệt, và thiện quả phát sinh, nên Thế tôn trong kinh Niết bàn khen ngợi là người trí, vì có tội mà biết sám hối. Biết tội đồng nghĩa biết cái ác và vô minh hiện tại làm chủ thân tâm ta, biết sám hối là biết quay đầu cải tà quy chính. Hồi đầu như vậy là chân sám hối, vì pháp sám này đưa đến tội diệt phúc sinh. Hồi đầu là quy y tam bảo, vì sự hồi đầu này giúp ta xả vô minh hướng giác ngộ, bội trần hợp giác, gọi là quy y Phật. Lìa tà pháp tham dục hướng đến chính nghĩa vô dục, gọi là quy y pháp. Dừng các hành động tà ngụy hại mình lợi người, quay về thực hành các pháp lợi mình lợi người, gọi là quy y tăng.

Người không tham dục tất không có gì để dối gian hay che đậy, không sợ lỗi sinh, hay bị chê trách nhờ không tham tất vô lỗi, vì vậy được Phật khen là người trí tối thắng ở thế gian, như phẩm Cao Quý Đức Vương bồ tát trong kinh Bát Niết Bàn dậy “Trí giả hữu nhị, Nhất giả bất tạo chư ác, nhị giả tạo dĩ sám hối” (có hai loại người trí, thứ nhất không tạo mọi ác, thứ hai tạo rồi biết sám hối). Người tham dục tất vô trí, vì chỉ thấy lợi mà không thấy hại, người vô dục ắt có trí vì thấy cả họa lẫn lợi. Người tham dục hành sự vì lợi, mong được và sợ ta thất lợi, người vô dục hành sự vì chính nghĩa, người vô dục không sợ thất lợi chỉ sợ mất chính pháp. Người tham dục thăng trầm với lợi, do tâm vô chủ, tâm vô chủ là vọng tâm, người vô dục thăng trầm với chính pháp. do tâm có chủ, tâm có chủ là chân tâm. Lợi không mang đi được, chỉ là thứ nhất thời, và là họa muôn đời, chính pháp mang đi được và là lợi vĩnh hằng, nhờ vô họa.

Một khía cạnh quan trọng trong câu chuyện là sự chối bỏ mọi sự thật để che đậy tội lỗi, Mọi sự thật đó như ngôi làng, ao hồ, cây cối, phương đông và giữa trưa…Như những kẻ tham dục thường bác bỏ một sự thật là nhân quả. Nhân quả có mặt ở khắp mọi phương, ở khắp mọi thời gian, sáng hay tối, trưa hay chiều, ở khắp mọi nơi từ hồ ao, vườn làng, không một nơi không có mặt nhân quả. Người tham dục cho rằng làm ở chỗ này hay chỗ nọ, lúc này hay lúc kia thời không có nhân quả, nên nhân quả sẽ không xẩy đến. Hoặc cho rằng đời này ta làm, đời sau một thân xác khác không phải là ta hiện thời sẽ chịu quả, mà cái ta hiện tại không phải chịu nên mạnh dạn tạo ác. Đó là một hình thức bác nhân quả, và như thế không có nhân quả với cái ngã tham dục hiện tại, đồng với tạo tác vô tội vạ. Khác nào dân trong làng này bác bỏ mọi thứ thật có, vì cho rằng những thứ đó không có thì ta không có tội, như không có ao, thì không có chỗ giết…và không giết thì không tội, chỉ phủ nhận mọi sự thật mà không phủ nhận được tội trộm. Họ không nhìn nhận mọi cái thật sự hiện hữu, nhưng ta không có tội, tựa như ngoại đạo không nhận ta có tội, mà chỉ lo bài xích nhân quả, hay phàm phu không né tránh tội, chỉ ưa né tránh nhân quả.