Home > Khai Thị Phật Học
Những Câu Hỏi Về Ăn Chay
Đại Sư Đạo Nguyên | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Hỏi: Có kẻ ngoài những thực phẩm thông thường ra, nhất định phải ăn thịt chúng sanh, cho là những thứ ấy cần thiết để bổ dưỡng thân thể?

Đáp: Thời cổ, y dược chẳng phát triển. Nếu ai sanh bệnh, ăn uống không nổi, không dùng đôi chút thuốc bổ thì làm sao được? Hiện thời, y dược phát triển, thân thể thiếu thốn loại vitamin nào, đều có thể mua được, quý vị cần gì phải ăn thịt chúng sanh để bổ dưỡng thân thể? Thật ra, quý vị ăn thịt chúng sanh là vì cái tâm tham ăn, vì nghĩ thịt chúng sanh ăn ngon miệng. Nếu chúng ta chẳng học Phật pháp, chẳng phát tâm từ bi, tôi chẳng bàn những đạo lý này cùng quý vị. Nếu quý vị học Phật pháp, phát tâm từ bi, nhất định chẳng ăn thịt chúng sanh. Chúng ta hưởng thụ những thứ ngon lành, ăn thịt chúng sanh, chạm vào đầu lưỡi sanh ra vị ngon, ngỡ đó là một loại hưởng thụ. Nếu chẳng ăn thịt chúng sanh, chẳng thể duy trì sanh mạng thì còn có thể tha thứ được, vì phải ăn để cứu tánh mạng của quý vị. Do quý vị tham ăn thịt chúng sanh, chúng sanh hứng chịu đau khổ quá lớn, quý vị đạt được sự hưởng thụ quá ít. Nếu quý vị có tâm từ bi thương yêu, bảo vệ chúng sanh thì phải nên ăn chay.

Hỏi: Có kẻ tham ăn thịt chúng sanh, cho rằng thịt có hương vị rất thơm, ăn vào miệng mùi vị rất ngon?

Đáp: Thịt chúng sanh hoàn toàn chẳng phải là thật sự thơm tho. Ăn vào miệng thì hương vị cũng chẳng thật sự ngon lành! Phật giáo nói theo Lý, chẳng phải là đoán mò. Khi quý vị ăn mặn, ăn cải trắng, đậu hũ, vẫn là hương vị của cải trắng, đậu hũ. Tới khi quý vị ăn chay trường, lại ăn cải trắng, đậu hũ, hương vị vẫn chẳng thay đổi. Có thể thấy đó là chánh vị. Quý vị cảm giác đồ mặn có hương vị rất ngon, đấy là một thứ cảm giác sai lầm do thói quen. Quý vị vừa ăn chay, có người đút cho quý vị một miếng đồ mặn, vừa ngửi, sẽ cảm thấy tanh hôi, nhưng vẫn ăn được. Quý vị ăn chay ba tháng, lại bảo quý vị ăn thịt, ăn vào miệng, nuốt xuống chẳng nổi! Quý vị ăn chay hơn sáu tháng, trước kia ngửi đồ mặn, cảm thấy rất thơm, nay ngửi đồ mặn, sẽ là vị tanh hôi, cảm thấy muốn ọe ra, có thể thấy đó chẳng phải là hương vị tốt đẹp. Vì thế, hiện thời quý vị ăn mặn, ngỡ là hương vị thơm ngon, [thật ra] là cái tâm tham dục của quý vị làm hại quý vị dấy lên quan niệm sai lầm!

Hỏi: Có một thứ lý luận: “Tâm tốt cần gì phải ăn chay?”

Đáp: Điều này không chỉ là mê nơi Sự, mà còn mê nơi Lý. Kẻ chẳng phát tâm ăn chay, tâm chẳng kiên cố. Thoạt nghe lý luận “tưởng như là đúng, thật ra sai bét” ấy, ngỡ là đúng, trên thực tế, đó là một thứ tà tri kiến. Thương thiên, hại lý, không gì hơn chuyện muốn đòi mạng của chúng sanh. Mạng của chúng sanh duy nhất, chẳng hai; [mỗi chúng sanh] chỉ có một cái mạng, quý vị ham muốn cái mạng tôn quý nhất của chúng nó, ăn thịt chúng nó, cứ nói là tâm quý vị tốt lành! Phải như thế nào thì mới là cái tâm xấu xa vậy nhỉ?

Hỏi: Có kẻ biết ăn chay là tốt, cũng biết ăn mặn chẳng đúng, nhưng [cảm thấy] ăn chay thì quá đáng tiếc?

Đáp: Phải biết đấy là thói quen. Nay quý vị không ăn chay nổi là vì quý vị chẳng quan sát nỗi đau khổ của chúng sanh. Nếu quý vị nghĩ chúng sanh bị giết chóc rất đau khổ, sẽ chẳng nhẫn tâm ăn! Dần dần, quý vị sẽ dưỡng thành thói quen ăn chay, lại bảo quý vị ăn mặn, quý vị sẽ nuốt chẳng nổi!

Hỏi: Tôi đã sớm muốn phát tâm ăn chay, bất quá khó tránh khỏi chuyện thù tạc trong xã hội. Chẳng uống chút rượu, chẳng ăn chút thịt, làm việc trong xã hội chẳng phải là sẽ không làm nổi ư?

Đáp: Nhất định cần phải thù tạc thì trước đó, quý vị có thể cho đối phương biết quý vị ăn chay. Trong mâm cỗ, bày một ít rau dưa, trong chén rượu của quý vị, hãy rót trà vào. Khi thù tạc, họ ăn thịt của họ, quý vị ăn đồ chay của chính mình, họ uống rượu của họ, quý vị uống trà của chính mình. Đấy là phương tiện quyền xảo trong thù tạc, quý vị đừng biến nó thành chuyện thật. Quý vị phải nên biết: Thù tạc nhằm đôi bên đều đạt được lợi ích. Chỉ cần họ có thể đạt được lợi ích từ bản thân quý vị, quý vị chẳng bồi tiếp họ uống rượu, ăn thịt vẫn được. Do vậy, cổ nhân nói: “Bần cư náo thị vô nhân vấn, phú tại thâm sơn hữu viễn thân” (Nghèo giữa chợ đông, chẳng ai hỏi, giàu lánh núi sâu, có khách xa). Quý vị có chuyện thù tạc là vì hiện thời quý vị có của cải, có địa vị, mọi người bận lòng toan tính, mong tìm được lợi ích từ bản thân quý vị. Nếu quý vị nghèo túng, chẳng có địa vị, mọi người chẳng đạt được lợi ích từ trên thân quý vị, quý vị đứng giữa ngã tư cũng chẳng có ai hỏi đến. Ai còn bồi tiếp quý vị ăn thịt, uống rượu nữa ư? Một khi quý vị giàu có, không chỉ là ở tại đô thị có nhiều thân thích bằng hữu, mà ở trong núi thẳm, họ hàng xa lắc xa lơ đều tìm đến thăm hỏi. Vì mọi người đều mong đạt được lợi ích từ nơi thân quý vị.

Quý vị tham ăn thịt chúng sanh, một người sát hại sanh mạng, tội lỗi vẫn chưa kể là lớn nhất, nhưng vì quý vị muốn thù tạc, thân thích bằng hữu đông đảo, mọi người đều muốn ăn thịt chúng sanh, hôm nay quý vị mời năm bảy bàn tiệc. Hãy xem đi, quý vị đã sát hại bao nhiêu sanh mạng? Đấy mới là tội lỗi to lớn. Tu hành phải đoạn phiền não, phiền não do ăn uống khó đoạn nhất. Vì chẳng ăn, sẽ chẳng thể sống sót. Trước hết, đừng nên sát hại sanh mạng, quý vị hãy ăn chay, từ từ tu hành. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, ngay cả đồ chay cũng chẳng cần ăn, mắt nhìn, mũi ngửi, liền no nê. Lại tiến thêm bước nữa, nghe Phật pháp, pháp hỷ làm thức ăn; tĩnh tọa thì Thiền duyệt làm thức ăn, ngay cả nhìn cũng chẳng cần phải nhìn, ngửi cũng chẳng cần phải ngửi, vẫn có thể sống y hệt.

Hỏi: “Thiền duyệt làm thức ăn, pháp hỷ ngập tràn”, nói như vậy quá cao, chúng tôi còn chưa sanh về Tây Phương, còn chưa đạt đến cảnh giới ấy! Có thể nêu ra một trường hợp nhằm chứng tỏ cảnh giới ấy là như thế nào hay chăng?

Đáp: Nay tôi chứng minh đôi chút. Quý vị mong đến nghe Vãng Sanh Luận, ban ngày phải đi làm; nếu tan sở, về nhà ăn tối rồi mới tới đây nghe kinh, sẽ chẳng kịp thời gian. Quý vị ôm bụng đói đến nghe kinh, do có tâm ưa thích cầu pháp mà đến. Nếu quý vị nghe nội dung lời giảng của tôi, cảm thấy chẳng thể nào hoan hỷ nổi, vọng tưởng dấy lên, nghĩ buổi tối còn chưa ăn tối, ngồi chẳng yên, càng nghe càng đói nẫu ruột, dẫu nghe pháp mà chẳng đạt được pháp hỷ. Trái lại, nếu quý vị cảm thấy tôi giảng rất hay, nghe hết sức hoan hỷ, sẽ nghĩ thầm: “Pháp sư Đạo Nguyên giảng hay quá, giảng đã quá”. Đạt được pháp hỷ, chẳng đói bụng, đến khi về nhà, quên khuấy bữa tối, vì quý vị đã dùng pháp hỷ làm thức ăn.

“Thiền duyệt làm thức ăn” là chẳng hạn như sáng sớm mỗi ngày quý vị có công khóa nhất định, phải tĩnh tọa một giờ hoặc nửa giờ. Tĩnh tọa xong, ăn điểm tâm rồi đi làm. Nếu hôm nay quý vị chẳng tĩnh tọa tốt đẹp, dấy vọng tưởng, vọng tưởng dẫn dắt vọng tưởng, tâm chẳng tĩnh được. Thân thể ngồi chẳng nổi, đùi đau, eo nhức, toàn thân khó chịu, cảm thấy bụng đói, vốn dự định tĩnh tọa nửa tiếng rồi mới đứng dậy ăn sáng. Khi ấy, ngồi mấy phút vẫn chẳng được, nhất định phải đứng lên ăn gì đó. Đấy là quý vị chẳng đạt được Thiền duyệt. Nếu hôm nay quý vị tĩnh tọa bèn nhập Định, thông thường ngồi một tiếng đồng hồ cảm thấy thời gian rất dài. Hôm nay, cả tiếng đồng hồ mà giống như một sát-na trôi qua, toàn thân thoải mái, chẳng ăn sáng, cũng chẳng cảm thấy đói. Đấy là đạt được một loại pháp hỷ trong Thiền Định, [dùng] Thiền duyệt làm thức ăn. Thế giới Sa Bà có pháp hỷ là trùng hợp mà gặp, chẳng phải là công phu dài lâu. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, hằng ngày đều có pháp hỷ và Thiền duyệt. Đấy là chỗ tốt đẹp do sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới.

Hỏi: Động vật có sanh mạng, chúng ta chớ nên ăn; thực vật cũng có sanh mạng, vì sao có thể ăn?

Đáp: Lý tưởng cao nhất trong Phật giáo là “Thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn”. Tây Phương Cực Lạc thế giới hằng ngày dùng Thiền duyệt làm thức ăn, nhưng ở trong thế giới Sa Bà thì chẳng làm được. Chẳng ăn uống sẽ không thể sống nổi, tu hành bằng cách nào đây? Chúng ta cảm nhận nỗi thống khổ của động vật khi chúng bị giết chóc. Quý vị giết lợn, nó rống thật to. Quý vị giết gà, gà cũng kêu thảm thiết rất lớn tiếng. Chúng ta nghe chúng nó kêu thảm thiết, sao đành nhẫn tâm ăn thịt chúng nó? Khi thực vật bị giết, chúng ta chẳng cảm nhận nỗi đau khổ của chúng. Do vậy, chẳng phải là không biết thực vật cũng có sanh mạng, vì bất đắc dĩ mới ăn chúng nó!

Trong giới luật của bậc xuất gia: “Thanh tịnh tỳ-kheo cập chư Bồ Tát, ư kỹ lộ hành, bất đạp sanh thảo, huống dĩ thủ bạt?” (Bậc tỳ-kheo thanh tịnh và các vị Bồ Tát đi nơi ngõ rẽ, chẳng đạp lên cỏ tươi, huống hồ dùng tay nhổ lên?) Không cho phép quý vị cắt đứt một nhánh cỏ tươi, cỏ có mầm sống. Không chỉ là chẳng thể đoạn diệt mầm sống của nó, mà cũng chẳng được phép đại, tiểu tiện lên cỏ tươi. Quý vị đạp lên cỏ tươi là phạm giới, vì gây trở ngại cho sanh mạng của chúng. Phật giáo nói theo đạo lý, cảnh giới cao nhất là “hữu tình và vô tình cùng viên thành Chủng Trí, vô tình có thể thuyết pháp. Vô tình cũng có thể thành Phật giống hệt [như hữu tình]”. Vô tình hoàn toàn chẳng phải là không có sanh mạng.

Hỏi: Chính mình phát tâm muốn ăn chay, những người khác trong gia đình chẳng ăn chay, hoàn cảnh chẳng cho phép thì làm như thế nào?

Đáp: Trước hết, hãy kiêng giết. Ăn ba thứ “tịnh nhục”, [tức là thịt của những con vật mà] ta không thấy [chúng nó bị] giết, chẳng nghe nó bị giết, chẳng vì ta mà nó bị giết. “Chẳng thấy giết” là khi chúng sanh bị giết, mắt quý vị chẳng trông thấy. “Chẳng nghe nó bị giết”: Khi chúng sanh bị giết, quý vị không nghe thấy. “Vì ta mà giết”: Chúng sanh bị giết chẳng phải là do ta mà giết. Đó là thịt bán ngoài chợ, vì mọi người mà giết. Đấy là tiến bộ từ từ, tiếp cận với Phật pháp.

Hỏi: Khuyên kẻ khác quy y, có phải là cũng nên khuyên kẻ đó sau khi quy y hãy ăn chay?

Đáp: Trước hết, quý vị khuyên kẻ đó quy y là được rồi, chẳng khuyên kẻ đó ăn chay trường. Đấy là phương tiện quyền xảo. Vì quý vị khuyên kẻ đó sau khi đã quy y phải ăn chay, nếu kẻ đó tính quy y, nhưng do chẳng thể ăn chay trường, sẽ chẳng dám quy y! Đức Phật dạy, đối với chúng sanh phải ứng cơ thuyết pháp, phương tiện quyền xảo.
Trích từ: Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá Nguyện Sanh Kệ Giảng Ký


Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Kinh Bồ Tát Di Lặc Hỏi Đức Phật Về Bổn Nguyện, Thượng Tọa Thích Chánh Lạc, Việt Dịch
2.    Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Tam Tạng Sa Môn Thật Xoa Nan Đà | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
3.    Phật Giáo Và Cuộc Sống, Đại Sư Thích Ấn Thuận | Thượng Tọa Thích Hạnh Bình, Việt Dịch
4.    Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
5.    Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Lưu Thừa Phù Ghi Chép | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
6.    Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Tam Tạng Cương Lương Da Xá Gốc Người Tây Vực | Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Việt Dịch
8.    Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Lão cư sĩ Từ Tỉnh Dân | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
9.    Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Pháp Sư Thích Khoan Nghiêm Ghi | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
10.    Vãng Sanh Tịnh Ðộ Luận Giảng Ký, Đại Sư Thích Ấn Thuận | Hòa Thượng Thích Nhất Chân, Việt Dịch
11.    Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Chú Giải Giảng Nghĩa, Dân Quốc Tịnh Luật Tự sa-môn Tánh Phạm | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch