Home > Khai Thị Phật Học
Trị Bệnh Gù Lưng
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Có người gù, đến nhờ thầy thuốc chữa trị, thầy thuốc lấy dầu thoa trên lưng gù, sau đó dùng hai tấm ván, cột chặt trước ngực và lưng người gù, để nằm dưói đất dùng sức ép cho lưng thẳng lại, người gù đau đớn đến lòi cả mắt.

Người ngu ở đời cũng vậy, vì cầu phúc cho mình, dùng mọi thủ đoạn phi pháp buôn bán trục lợi để được thành tựu như ý. Tuy nhiên lợi bất cập hại, tương lai trả báo địa ngục, như lòi cặp mắt. 

Lời Bình:

Đại ý câu chuyện nêu lên phương pháp trị bệnh ngu muội, chẳng những bệnh không thuyên giảm mà còn hành xác, thống khổ vô cùng đến lòi cả cặp mắt. Người gù vô trí đi chữa trị dị tật bẩm sinh, tìm đến thầy lang cũng vô trí, nên kết quả thảm hại vô cùng.

Trong chúng ta có cả người gù lẫn thầy lang. Chúng sinh “dữ dục câu sinh”, có nghĩa chúng sinh và dục là anh em sinh đôi, cùng sinh ra một lần. Dục là tật bẩm sinh của nhất thiết chúng sinh, như lưng của người gù. Dị tật dục này gây nhiều phiền não, vì dục có đa phương diện, nên có nhiều nhu cầu, chỉ cần một nhu cầu không như ý, cũng đủ cho dục dầy vò tâm ý, đứng ngồi không yên, nên tâm ý phải trăm mưu ngàn kế, bất trạch thủ đoạn, để thân xác bất quản an nguy thành tựu cho được điều dục đòi hỏi. Song sự đòi hỏi này bất tận, nên thân tâm này không ngừng phục vụ cho dục. Càng phục vụ dục, tâm ý càng có kinh nghiệm rằng, mỗi khi bị dục dầy vò, chỉ có một cách để an tâm, hết bị dầy vò, chính là thỏa mãn sự đòi hỏi của dục với bất cứ giá nào. Với kinh nghiệm khôn một cách tai hại và ngu ngốc này, đã khiến cho thân tâm đó phải chịu đựng một cách trị bệnh như cách trị bệnh gù của câu chuyện. Vì khác nào người nghiện ma túy, mỗi khi bị cơn nghiện hành, thì chỉ thỏa mãn cơn ghiền bằng cung cấp chất độc cho cơn ghiền, và rồi lấy đó là kinh nghiệm thiết thực, cho rằng chỉ thỏa mãn cơn nghiện là yên thân, mà chẳng hề chữa trị cơn ghiền, như vậy sẽ làm nghiện thêm nặng, khó cai khó bỏ. Người này không biết pháp trị bệnh chân chính là trị dứt bệnh không còn bị bệnh hành, mà không phải là chỉ đáp ứng cơn hành của bệnh, như người nghiện đáp ứng cơn ghiền.

Thầy thuốc suy nghĩ cứ dùng gỗ ván ép mọi thứ thì nó sẽ thẳng, nên cũng vác người gù đi ép như ép chuối, khiến người gù chỉ thêm thống khổ. Chúng ta cũng tư duy, trải qua những lần bị dục hành hạ, ta chỉ được an sau khi thỏa mãn dục, vì vậy suốt đời phải thỏa mãn cho dục vô đáy, vọng nghiệp thêm tăng, khổ quả thêm nặng, hủy diệt mắt huệ như lòi đôi mắt.

Thế nhân cầu phúc bằng mọi thủ đoạn, buôn bán gian manh, để có phúc. Phúc đó đồng nghĩa với ngũ dục. Họ không biết rằng người có phúc là người cho được mọi người, và giúp đỡ được mọi người như ý. Việc này đối với thế nhân thực khó làm, vì họ không tin rằng làm như vậy là có phúc, mà ngược lại tổn phúc vì hao tài tốn của, tiền của mới là phúc. Thế nhân lại cho rằng phúc là cướp được mối lợi của người, và được mọi người cung dưỡng. Nếu quả như vậy thì đối với kẻ đó thế gian này sẽ hạnh phúc, khi không còn một ai có phúc nữa, ai cũng vô phúc thì thế giới này mới thật hạnh phúc. Vì vậy kinh Trung bổn khởi dậy, ác hành nguy thân, ngu vị vi dị, thiện tối an thân, ngu nhân vi nan (việc ác nguy thân, ngu nói dễ làm, thiện an bậc nhất, ngu nói khó làm).

Do tư tưởng điên đảo, bội giác hợp trần này mà lưu chuyển trong lục đạo chịu đủ khổ nạn lòi mắt cũng vì cầu phúc, càng cầu phúc họa càng gần, phúc càng xa, như thầy lang càng trị bệnh, bệnh càng đau đớn, tựa như người Sàigòn nhắm hướng nam để tới Huế. Do hiểu dục là phúc nên từ căn bản đã ngộ nhận, vì vậy cầu phúc thành cầu dục. Dục thì dùng mọi thủ đoạn bất lương để đắc, tuy đắc được dục, nhưng phải chịu quả khổ của dục, khi hưởng dục thì rất mãn nguyện và cho đó là sự thành công của ta, nhưng đến khi quả dục trổ thì vô phương chống đỡ, chạy đông chạy tây đi cầu nguyện, mà không nhận ra sự vô minh cầu dục của ta để sám hối hồi đầu, không thấy sự tự hào mãn nguyện khi được dục là vô trí, thành công đắc dục là đại họa, nếu không nhận chân, làm sao hồi đầu sám hối. Quả khổ đời này còn kéo qua nhiều đời sau nữa cho đến khi nào hồi đầu mới chấm dứt được.

Truy cầu dục thấy có thành quả đắc dục, nên càng đắm nhiễm dục hơn, nhưng khi chịu quả khổ của dục lại không biết xả bỏ dục nhiễm, vì vậy vọng nghiệp chồng chất chịu khổ bao đời trôi lăn trong lục đạo để trả quả, đó là cách chữa bệnh dị tật dục của chúng sinh. Do vậy, chương 30 trong kinh 42 chương dậy “người hành đạo như mặc áo cỏ khô, lửa đến phải tránh, người tu thấy dục cần lánh xa”.

Chúng sinh là người gù, tham dục là khối gù trên lưng, thầy lang là vọng thức. Chúng sinh từ vọng thức tư duy cách trị quả khổ, thực hiện nhân gây khổ, nên cách thực hành liệu pháp càng đau đớn không thuyên giảm, như thầy lang chữa bệnh.

Xét dưới khía cạnh khác của câu chuyện, thầy lang như một tà sư, chỉ dậy cho thế gian cách trị liệu quả khổ đeo bám nơi thân tâm chúng sinh như khối u trên lưng người gù, mà ai ai cũng muốn vất bỏ. Song thay vì quả đã sinh, nghiệp đã thành, nay phải trị liệu bằng cách diệt cái nghiệp khối u đó bằng cách phát nguyện hành thiện cứu hộ nhất thiết chúng sinh, tà sư lại chỉ bầy phương pháp giết vật cầu cho mình, hay làm các việc sai trái nhưng có lợi cho bản thân vì vậy chung cục nghiệp không những chẳng dứt mà còn trầm trọng đến độ lòi cả mắt huệ, đồng với thống khổ đến độ chẳng còn đủ sức phân biệt được gì nữa.

Hình thức thầy lang hàm nghĩa người tu hành biết cách giải cứu thống khổ cho chúng sinh (trị bệnh khổ), song vô trí không biết thực pháp tức phương pháp trị liệu, nên khiến bệnh nhân thêm nặng. Mỗi một chúng sinh đều có hai lực tự và tha, nói cách khác là nội sư và ngoại sư (xem bài này đã gửi trước kia) đó là thầy lang trong đời chúng ta. Nếu được một trong hai thầy lang là lương y thì bệnh khả dĩ trị liệu, hay tối thiểu cũng không đến nỗi chịu cái khổ bệnh tăng, như câu chuyện chữa bệnh gù này.