Tại xứ Càn đà vệ có gánh hát, do sinh kế nên thường xuyên di chuyển khắp nơi, một lần nọ khi dừng chân dưới núi Bà la tân, nơi đây vốn nổi tiếng có La sát ăn thịt người, cả gánh đốt lửa ngủ qua đêm. Bấy giờ có người sợ lạnh, nên đem bộ y phục đóng giả La sát mặc vào ngồi ngủ bên đống lửa, nửa đêm một kẻ thức giấc nhác thấy có La sát nằm gần, gã khiếp sợ không kịp nhìn kĩ, liền bỏ chạy, gây kinh động những người khác, lần luợt cả bọn nhốn nháo tháo chạy, cuối cùng gã mặc áo quỷ cũng bị tỉnh giấc thấy mọi người chạy trốn, gã không hiểu vì sao, nhưng cũng vội vã cắm đầu chạy theo, cả đám thấy La sát truy sát đằng sau, càng kinh hoàng, băng đồi vượt suối, bất kể thương tích, chẳng dám ngừng nghỉ, cho đến trời sáng mới phát giác kẻ chạy sau mình không phải là quỷ.
Phàm phu cũng vậy vì nghèo cùng thiện pháp thường chịu phiền não, nên đi xa cầu món ăn thường lạc ngã tịnh. Từ nơi 5 ấm vọng tưởng là ngã, do ngã kiến mà trôi chẩy trong sinh tử, bị phiền não truy bắt, không được tự tại, rơi vào hầm tam ác đạo. Cho đến trời sáng, dụ cho sinh tử đã tận, trí huệ soi chiếu, mới biết ngũ ấm thật không có chân ngã.
Lời Bình:
Phàm phu vì vọng nhận ngũ uẩn là ngã nên đói khát niềm an lạc, chịu biết bao khổ não, đi tìm đạo sư học pháp thường lạc ngã tịnh, như gánh hát vì kế sinh nhai phải tha phương cầu thực. Song trong quá trình học đạo vẫn dùng huyễn ngã tu hành, tưởng rằng học pháp thường lạc ngã tịnh, để huyễn ngã này đắc được 4 đức đó, mà không hay biết rằng chỉ khi nào trừ được huyễn ngã thì mới thành 4 đức.
Vì nhận huyễn ngã nên đánh mất chân ngã, lại do huyễn ngã nên có sinh tử vô thường làm mất tính thường, do vô thường nên khổ, do khổ nên cấu nhiễm mất tịnh. Như đoàn hát này, do vọng thức người kia là quỷ nên vọng thọ sợ hãi, nơi không có quỷ để sợ, chạy trốn bất kể gian nan thương tích. Cho đến khi trời sáng mới nhận chân được do vọng thức, nên mới khổ sở loạn động như vậy trong cái vô nhất vật.
Người học đạo dùng huyễn ngã tu hành, càng tu huyễn càng bám sát và phát triển, nhìn mọi thứ đều thành vọng, như gánh hát thấy quỷ. Lại càng huyễn thì càng lắm phiền não, càng dùng huyễn ngã trốn chạy, huyễn cảnh càng theo sát một bên, như những người trong gánh hát vọng thấy quỷ đuổi sát bên mình. Cho đến khi nào bình tâm quán sát, khởi trí nhận ra thức vốn hư vọng, tất bao nhiêu vọng thọ vọng tưởng đều tiêu diệt, bấy giờ mới được thảnh thơi an lạc, không còn lao nhọc trốn chạy nữa, như gánh hát chờ đến trời sáng (trí chiếu) mới nhận ra quỷ kia chỉ là vọng thức sinh vọng tưởng, rồi vọng thọ sợ hãi mà chạy trốn trối chết. Từ chỗ bất động không quỷ, không có nỗi sợ hãi, không có sự trốn chạy, không có sự mỏi mệt…, chỉ do một niệm vọng thức mà “vô trung sinh hữu” (trong cái “không” tự làm cái “có” sinh), để phải lao nhọc thâu đêm hàm nghĩa chịu phiền não trong bao đời vô minh; cho đến trời sáng mới tỉnh ngộ, hàm nghĩa chỉ có trí huệ mới chấm dứt được cái đêm đầy sợ hãi và khổ não của vọng thức. Trí huệ chính là năng lực chiếu thấu được chỗ hư vọng của thức, một thứ mang đầy tính phân biệt “nhận biết giữa ta và người”. Thức là công cụ phân biệt nhận biết của ngã, nên là vọng. Trí là năng lực nhận diện được vọng thức nhờ vậy trừ được vọng ngã, nên là chân. Do vậy trong cả kinh Bát Niết bàn và Phật Báo ân đức Thế Tôn đều ân cần dặn bảo phải y trí mà không nên y thức, hàm nghĩa xả vọng quy chân.
Chúng sinh khoác chiếc áo ngũ uẩn, vọng chấp là thật tướng của ngã, vì vậy mà bị vọng truy bức thành vọng nghiệp qua bao đời. Lại nhận vọng nghiệp đó là ngã, nghiệp và ngã đã thành một tất nhiên ngã đâu nghiệp đó, do vậy chúng sinh càng dùng ngã trốn nghiệp càng thấy nghiệp kề bên, như cả gánh hát bị vọng quỷ đuổi vậy.
Những người này khi nghe trong núi có La sát ăn thịt người, thì duyên nơi thanh trần sinh vọng thức, khi vọng thức vừa khởi, các pháp sở hữu của thức là thọ tưởng hành lập tức khởi tác dụng, sợ sệt, tưởng tượng khi quỷ đến, và đối phó thế nào. 4 uẩn hay tâm pháp này duy trì tác dụng đó cho đến khi, một người thức giấc, thấy dáng quỷ La sát, từ chiếc áo, vọng thức trước duyên sắc này, sinh vọng thức thật có La sát bên cạnh, nên chạy trối chết, những người kác cũng giống người này đều lần lượt bỏ chạy. Chỉ có người khoác áo quỷ không tự thấy mình, nên không hiểu vì sao đồng bạn bỏ chạy cả, tuy nhiên vì vọng thức trước nghe có quỷ, nên giờ duyên với sự tháo chạy của đồng bọn, nên cũng ngỡ có quỷ thật, và cắm đầu cắm cổ chạy theo sau đám bạn, khiến cả lũ kia càng thất kinh hồn vía, chạy đến bất kể thương tích, cho đến nhờ trời sáng mới nhận ra không phải là quỷ. Chỉ vì vọng thức mà lao đao một đêm, sống trong một thời gian đầy khủng bố, tự gây thương tích nơi thân, tự tạo loạn động nơi tâm. Nếu là người trí tất giác ngộ vọng thức là không đáng tin theo mà nên quán xét tâm thức, còn người vô trí thì sau cơn khổ não, cho là hạnh phúc, vọng thọ sung sướng. Nên không thấy lỗi của vọng thức.
Chúng sinh chỉ vì vọng thức mà bao đời lao nhọc, càng lúc càng tăng trưởng vọng nghiệp. Vọng thức tạo nên vọng cảnh, vọng cảnh lại là duyên cho vọng thức phan vào để tạo nhân. Mọi duyên đến cho tâm chúng sinh vin vào (phan) đều là duyên của vọng tâm đã tạo từ trước đó, nay thành duyên chiêu cảm, để vọng tâm tiếp tục tăng trưởng nhân duyên này, gọi là vọng nghiệp.
Người tu học Phật thường ngộ nhận, dùng vọng thức khởi tư duy tính toán cho huyễn ngã, mà nào hay rằng tư duy (tưởng) cho (huyễn) ngã, đó chính là vọng tưởng, rồi từ đó sinh ra vô số vọng thọ khổ lạc. Do đây càng tu càng gần vọng (thức) xa chân (trí), gọi đó là điên đảo mộng tưởng, một thứ y thức bất y trí. Họ không biết tu là chuyển thức thành trí, khiến huyễn ngã thành vô ngã, đó là con đường diệt đạo. Thức và ngã là tập và khổ. Trí và vô ngã là diệt và đạo.
Câu chuyện này cùng với chuyện mò vàng dưới ao, kết hợp lại cho ta thấy, phúc hay họa của thế gian đều là huyễn hoá, chính vì vậy luôn đưa đến kết quả không tương ưng, như dù cầu phúc như mò vàng dưới ao hay trốn họa La sát, đều có chung một kết quả là toàn bộ thời gian từ nhân đến quả chỉ là tán loạn, lao lự, phiền nhiễu, những gì đạt được chỉ là những thứ đã tạo tác là hưởng sự lao nhọc, cấu uế và khổ não, mà kết quả thật sự thì là hư huyễn, tức vô nhất vật khả đắc, đã không một vật để đắc tất nhiên cũng chẳng một vật để mất. Đắc thất chỉ là huyễn tưởng, như gánh hát sợ mất mạng, như người mò vớt dưới ao vì muốn được vàng, chung cục cả hai chỉ vì vọng mà tạo tác biết bao vọng hành.