Một nguời nọ tranh chấp với tha nhân, khởi tâm phiền não, ưu sầu không vui, người bạn thấy vậy hỏi lý do, người này nói “gã kia mắng tôi, sức tôi không mạnh bằng nó, nên không biết làm sao để báo thù, vì vậy rất phiền muộn”, người bạn bầy “chỉ có chú Tỳ đa la hại được nó, nhưng có điều bạn phải chịu tai họa trước khi hại nó”. Người này nghe nói vui mừng bảo “hãy chỉ dậy cho tôi, dù có phải chịu tổn hại đến mấy cũng được, miễn sao hại nó là được”.
Thế gian cũng vậy, vì sân hận muốn được chú Tỳ đa la, để hại người, song chưa hại người, ta đã phải chịu sân khuể não hại trước, khiến đọa tam ác đạo, như người ngu sân hận kia.
Lời Bình:
Chuyện thứ 67 Vợ chồng tranh bánh, nêu lên tính tham, còn chuyện này nói về tính sân. Bất luận là tham hay sân đều đưa đến kết quả tồi tệ, đó là si. Nhìn theo thức phân biệt thì tam độc tham sân si là ba yếu tố độc lập khác nhau, nhưng nhìn theo trí thì cả ba thứ này là một, đều là ngã sở pháp, do ngã mà có, như loài thủy tộc nương biển mà tồn tại, cây cỏ nương đất mà sinh trưởng, tam độc nương ngã mà hiện hữu.
Thoạt nhìn câu chuyện, chỉ thấy cái độc và hại của sân hận, nhưng nếu xét tận gốc, sân từ đâu khởi tất sẽ nhận ra phát sinh từ tham, do tham khởi tranh mới phát sân, rồi si duy trì sân và giúp sân trả thù bằng cách hại mình hại người, như bọn khủng bố. Sở dĩ chỉ muốn đối phương đau khổ để ta được như ý, mà bất kể đến nỗi thiệt hại và mất mát to lớn mà ta phải hứng chịu, lý do cũng giống như câu chuyện “Vợ chồng tranh bánh”. Vợ chồng kia tranh bánh để thỏa mãn bản ngã háo thắng, gã sân này cũng mong muốn thỏa mãn cái bản ngã sân khuể. Cả hai bản ngã tham và sân đều ngu si vô cùng, chịu mất hết mọi thứ để chỉ được thỏa mãn bản ngã tham sân nhất thời. Không chỉ mất mọi thứ vĩnh viễn mà còn tạo tác bao si nghiệp, chiêu cảm khổ quả, từ si này phát khởi si khác trong bao đời không có ngày ra, khi nghiệp si đủ mạnh khuất lấp hết mọi trí huệ thì thành kiếp súc sinh. Do vậy mới biết tham sân từ si khởi, trở lại làm duyên tăng thượng cho si lực.
Song si hoạt động trong ý tưởng và hành động như thế nào?. Khi tâm phan duyên tức bị sự sinh tâm và khống chế tâm, phàm nhân không còn biết gì khác hơn duyên đang phan, và quyết định thực hiện với bất cứ giá nào. Như thế có nghĩa một khi tâm bị sự vật làm phan duyên tức bị khống chế thì ngay đó chính là si, chúng sinh phan duyên trong mọi thứ, đồng nghĩa với si trong từng giây phút, và trong từng sự vật, cũng do nghĩa này mà kinh Địa Tạng dậy “Chúng sinh Nam diêm phù đề cử chỉ động niệm vô phi thị nghiệp vô bất thị tội”, bởi cử chỉ động niệm đều phan duyên, nên đều là si nghiệp, đã là nghiệp si mê tất nhiên là tội là nghiệp. Thậm chí chúng sinh hành thiện hay học Phật đều trong vòng phan duyên, gặp hoàn cảnh thiện thì thiện, gặp hoàn cảnh ác lại khởi ác, gặp cảnh học Phật thì học Phật, gặp cảnh ái nhiễm lại khởi ái nhiễm, chính do học Phật hành thiện vì phan duyên nên không thường hành thường học được, mà lúc học lúc không, lúc thiện lúc không thiện. Nếu không chạy theo duyên tất thường hành thường học, “thường” đó là định. Nhờ vào lực định này mà bất luận duyên học hay duyên không học, duyên thiện hay duyên bất thiện, cũng đều học Phật hành thiện, Không nhiễm duyên tức chẳng phan duyên là huệ, luôn học Phật hành thiện là giới. Nhờ vào giới định huệ mà mặc cho mọi duyên thuận nghịch, thiện ác đến đi vẫn bất động vô nhiễm, ba nghiệp thanh tịnh, lợi người lợi ta, đây chính là hình thức “tọa” thiền của Tổ sư thiền, qua lời huấn thị của Thiền tông Lục tổ “Ngoại ư nhất thiết thiện ác cảnh giới tâm niệm bất khởi, danh vi tọa. Nội kiến tự tính bất động, danh vi thiền”. Tọa theo Lục tổ không phải riêng chỉ cho ngồi, ngồi chỉ là pháp cơ bản ban đầu, tu tập thiền định cho đến mức đi đứng nằm, thân tướng có khác với ngồi, nhưng tâm vẫn bất động như khi ngồi, đó là chân chính tọa thiền. Một khi tất cả cảnh giới thiện ác không làm tâm động khởi, thì không phải chỉ có ngồi mà đi đứng nằm tâm này đều bất động chuyển, như thế mới tự tại nơi tam muội.
Không phan duyên còn gọi là vô nhiễm hay Thiền tông Lục tổ gọi là “ngoại ly tướng”, Đức Sơn thiền sư gọi là “ư sự vô tâm”. Phàm “ngoại ly tướng” tức không phan duyên, ắt “nội tâm bất loạn” hay “ư tâm vô sự” tức tâm bất động. Huệ Năng đại sư dậy “ngoại ly tướng tức thiền, nội bất loạn tức định. Ngoại thiền nội định, thị vi thiền định”. Tâm định tất không phan duyên hay nhiễm duyên, không nhiễm duyên tức huệ. Niệm Phật “nhất tâm bất loạn” cũng chính là niệm Phật đạt đến công phu không nhiễm duyên, bất luận khổ lạc, thuận nghịch các duyên đều không lay động tâm niệm
Phật, như thế niệm Phật “nhất tâm bất loạn” là một thứ thiền định gọi là “niệm Phật tam muội”, buông bỏ hết mọi duyên, chỉ còn duy nhất một niệm “Phật”, do buông bỏ hết mọi nhiễm duyên nên sinh huệ và giới. Lìa hết mọi nhiễm duyên là xa lìa 2 đế khổ tập, thành tựu giới định huệ tức thành tựu 2 đế diệt đạo. Diệt đạo thành tựu tức được cảnh giới Niết bàn tịch tĩnh của định huệ, lại niệm Phật A Di Đà nên cảnh Niết bàn này có Phật Di Đà, có 48 nguyện độ sinh, có sự tiếp dẫn, nên là cảnh giới Niết bàn của chư Phật, mà không hề là Niết bàn của La Hán, đó chính là Vô trụ Niết bàn hay Thường Tịch Quang tịnh độ. Đây là điểm dung thông giữa thiền và tịnh. Người niệm Phật cần ý thức, để thành tựu một niệm “nhất tâm bất loạn”, hành giả phải trải qua sự tu tập niệm hằng triệu niệm, cho đến khi câu niệm Phật lìa hết mọi duyên thuận nghịch khổ lạc, không chút nhiễm trước. Pháp trì chú cũng không ngoài lệ này.
Cần lưu ý trên phương diện thật nghĩa thì thiền tịnh hay mật vốn “thù đồ nhi đồng quy” (khác đường nhưng cùng chỗ đến), nhưng trên thực hành hoặc phương tiện thì có khác, tuy khác phương tiện nhưng chung cứu cánh thì vẫn đồng. Như 2 người cùng đến Huế, một người đi bằng xe lửa, một người đi bằng xe đò, cả 2 tranh luận cái thấy khác trên con đường, rồi kết luận là Huế của 2 người khác nhau, thì thật là mê muội. Phương tiện pháp không phải là chân lý cứu cánh, nên không thể so cái thấy khác nhau về phương tiện mà kết luận cứu cánh khác hay đồng, mà trái lại mục tiêu là chân lý cứu cánh nên dùng cứu cánh xét phương tiện để biết là đồng hay khác. Như vậy nếu cứu cánh khác mà phương tiện có đồng đi nữa vẫn là khác biệt, ngược lại nếu đồng cứu cánh mà phương tiện có khác thì vẫn đồng. Thí dụ như cùng dùng xe hơi nhưng chỗ đến khác thì không gọi là đồng được, còn như người dùng xe kẻ dùng thuyền, nhưng đều đến một đích, tất vẫn là đồng.
Trở lại câu chuyện gã sân do nhiễm (phan) duyên nghịch nên khởi sân, vì vậy ngoài chấp duyên nghịch, nội tâm liền động loạn, động loạn rồi thì ngu muội, không còn đủ trí để suy xét lợi hại, chỉ muốn thỏa mãn bản ngã sân hận nên chấp nhận thà cùng đối phương đau khổ, còn hơn cùng đối phương yên ổn, nên sẵn sàng dùng chú tỳ đà la, để tự hại mình trước rồi hại người sau, có nghĩa ta phải hứng chịu sân hành khổ, u uất bực dọc, nghĩ cách hại người, mà không thể để tâm sân hận mất, bởi sân hận mất thì không còn ý chí trả thù, thế nên càng nuôi tâm trả thù càng phải duy trì sự khó chịu khổ sở như lửa thiêu đốt tâm can của cơn giận dữ trong lòng, đó chính là sự hại mình trước đã, rồi mới hại người được. Đức Phật chê trách hạng người này “Người ngu si thiếu trí, tự ngã thành kẻ thù, làm các nghiệp bất thiện, chịu quả báo khổ đau”.
Chú Tỳ đa la là tâm sân hận, dùng sân hận mới trả thù được, bởi lẽ không tâm sân hận tất không tâm trả thù, kẻ ngu sân hận tha nhân vì cho tha nhân làm mình giận dữ, nhưng quên đi kẻ kia làm ta giận dữ nhất thời, còn tâm sân hận của ta giúp sự giận dữ kéo dài, khiến trong lòng khó nguôi ngoai, phiền não buồn phiền, càng phiền não càng đổ cơn giận dữ vào tha nhân, đã không biết mình tự hại lại cho là người hại ta, vậy mới biết do sân khuể sinh ngu si, như vậy lỗi tự hại không lớn hơn lỗi người hại ta nhiều lắm ư? Lẽ ra theo công lý nên thù tâm sân hận hơn thù tha nhân, và giết giận đi để được an lạc như lời Phật dậy “Giết giận được an ổn”, lại vì trả cái thù “làm ta giận” mà tự duy trì cái “thù” giận dữ đó, để não loạn tâm ta và để tạo tác ác nghiệp. Như vậy kẻ giận dữ đồng với kẻ ngu si, nên tự làm khổ thân tâm và sinh sự hại người bằng ba nghiệp. Ý tưởng ác, miệng nói lời nhơ, thân làm chuyện xấu, để trả thù, thù vừa trả được, thì ác nghiệp đã kết thành, thế nên kẻ trả thù là kẻ tự hại mình. Vì vậy đức Thế Tôn khuyến giáo “Hạnh phúc thay nếu sống, không hận giữa hận thù, giữa những người thù hận, ta sống không hận thù”.
Khi ngã phan duyên nơi sự vật, sinh tâm tham dục muốn đoạt, nếu bị tha nhân chiếm mất, sinh tâm sân hận, nghĩ cách trả thù. Nhưng nếu nhận chân tam độc đều do ngã chấp phan duyên sinh ra, ngã này bao quát thân tâm, một thứ “tâm là nguồn ác, thân là gốc tội”, do ngã mà phải tu giới định huệ, nói cách khác tu giới định huệ là phải diệt ngã, ngã mất thì tam độc không còn môi trường để tồn tại, tam độc diệt rồi tâm được thanh tịnh an bình, tâm bình hà lao trì giới (tâm bình rồi cần gì phải trì giới). Tu hành chứng được vô ngã là trì giới ba la mật, thiền định ba la mật và trí huệ ba la mật. Do vậy muốn trừ diệt tham sân si phải dùng giới định huệ phong tỏa ngã, giới quyết không để tham của ngã được tự do, định không cho sân thoát ra ngoài, huệ soi sáng mọi cái mê của si, ngã không được làm chủ nữa mà như một tội phạm bị giam cầm, mất hết tự do, cho đến khi gục chết, thì tam vô lậu học thành tựu. Đức Phật biết chúng sinh không xả được ngã vì không đủ huệ để thấy ngã chẳng phải là ta, một thứ ngã vô thật ngã, nên phương tiện chế giới để giảm thiểu quyền lực của ngã, cho đến khi diệt được ngã thành được cứu cánh an lạc nhờ vô ngã.
Dựa vào trí huệ của giới định nhận chân ra sự độc hại của tam độc, như sân độc trong chuyện này, mà hành giả không để độc này hại mình hại người như Vĩnh gia dậy “bất nhân xán báng khởi oán thân, hà biểu vô sinh từ nhẫn lực” (nếu không nhân bị hủy báng sinh tâm oán hận, thì làm sao biểu hiện được lực từ nhẫn vô sinh này). Kinh Hoa nghiêm cũng dậy “nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai” (một niệm khởi tâm sân, trăm vạn sự chướng ngại mở bầy).
Đức Phật cũng nhấn mạnh đến sự ngu si và ác của sân độc, và đề cao pháp diệt trừ sân độc, như khi Thiên Đế thích bạch Phật “giết gì được an ổn, giết gì không hối hận, giết gì được Phật khen, vật gì gốc muôn độc”. Đức Phật đáp “giết giận được an ổn, giết giận không hối hận, giết giận được Phật khen, giận là gốc muôn độc”.
Tóm lại 2 câu chuyện “vợ chồng tranh bánh” và “hại mình hại người” cho chúng ta nhận ra dễ dàng cái ngu si của tham và sân. Người học Phật chân chính sinh hoạt trong cảnh giới đầy dẫy cái si của tham sân này, nên lấy 2 bài học này ứng sử, cũng như đáp lại cái ngu si từ tham sân của phàm phu bằng cách cho họ biết đến 2 chuyện ngu này.