Hai vợ chồng nọ chia nhau ba cái bánh, mỗi người ăn mỗi cái, còn dư một cái, cả hai ước định, người nào khai khẩu nói trước thì sẽ không được hưởng cái bánh thứ ba này. Vì vậy cả hai im hơi lặng tiếng, không dám nói lời nào, đến nửa đêm có trộm vào nhà, lấy hết tài bảo, thấy hai vợ chồng đều không kêu cướp, kẻ trộm liền sàm sỡ người vợ trước mặt người chồng, người chồng vẫn im lặng, bấy giờ người vợ mới la lên “đồ ngu si, chỉ vì cái bánh thấy trộm vào nhà mà không lên tiếng”. Lúc dó người chồng reo lên “này con ở kia, ta đã được bánh rồi, và sẽ không chia đâu nhé”. Nghe câu chuyện ai nấy đều cười chê.
Phàm phu cũng vậy vì tiểu danh lợi, giả làm vẻ thâm trầm, bị phiền não khuấy động, cùng đủ mọi giặc ác xâm tổn, mất hết thiện pháp, đọa lạc tam đồ, mà không biết kinh sợ cầu pháp xuất thế, vẫn ngủ say trong ngũ dục, chấp cho là lạc, dù bị bao khổ não, cũng chưa từng cho đó là họa hoạn, khác nào người ngu muốn được bánh.
Lời Bình:
Thế gian lấy thắng bại làm sinh hoạt thường nhật chính yếu, thắng bại trong hàng ngày, trong hàng tháng và trong cả đời. Thắng bại với mọi người quanh ta, với kẻ địch lẫn người thân, với kẻ ác lẫn người thiện, giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh em và xóm giềng, từ sự thắng bại giữa ta và người lan rộng đến thắng bại giữa xứ này với xứ nọ, giữa chủng tộc hay giai cấp này với chủng tộc và giai cấp kia…có thể nói thời thời khắc khắc phàm nhân sống trong thắng bại. Do đời sống là một trường thắng bại bất tận mà con người và thế giới phải chịu bất an. Càng bất an càng tranh giành thắng bại, càng tranh thắng bại càng bất an, cứ vậy mà luẩn quẩn trong nỗi bất an của đấu tranh giành thắng bại.
Xét cho cùng sở dĩ thế nhân không ra khỏi trường đấu tranh thắng bại, cũng do nơi ngã chấp, quã thật không có đấu tranh nào nằm ngoài ngã, không ngã tất không đấu tranh.
Ta có thể phân đấu tranh thắng bại làm hai thứ chính, đó là đấu tranh thắng bại theo thế gian và theo xuất thế gian.
A. Thắng bại theo nghĩa thế gian.
Thế gian thắng bại là sự tương tranh giành ngũ dục (tài sắc danh thực thùy), những thứ này là mục tiêu mong muốn có được của thế nhân. Khi bản ngã nhắm đến mục đích nào, tất phải đạt cho bằng được, song ngũ dục thì ít, người tranh lại nhiều, bởi hết thẩy phàm nhân đều mong ước ngũ dục, coi đó là lợi lớn của cuộc đời, vì thế ta có thể gọi tắt các món dục là “lợi” thế gian. Vì lợi sinh tranh chấp, nhỏ là sự đấu đá giữa cá nhân với cá nhân, lớn là chiến tranh giữa các xứ sở, giai cấp và chủng tộc…
Phàm nhân đối trước tha nhân, sự vật hay hoàn cảnh đều khởi tâm tranh. Tranh người, tranh sự vật và tranh hoàn cảnh, không thứ gì không khởi tranh. Tựu chung cảnh giới của mỗi chúng sinh đều là cảnh giới tranh giành, hợp chung các cảnh giới của mọi chúng sinh lại thành một thế giới đầy chiến tranh bất ổn, tranh danh đoạt lợi, không ngừng xâu xé, Phật pháp gọi đó là thế giới kham nhẫn (Ta bà). Bất luận sự vật, người hay hoàn cảnh nào chúng sinh tham muốn đều cho đó là lợi cần phải đoạt cho được, đoạt tất cần phải thắng những kẻ cùng tranh.
Ban sơ vì lợi “dục” khởi đấu tranh, song khi tranh chấp đến hồi quyết liệt, thì lợi chính là sự thỏa mãn bản ngã, khi đó họ hy sinh hết mọi thứ để được thắng lợi tức thỏa mãn bản ngã, như cặp vợ chồng này thật sự không hề coi chiếc bánh hơn tài sản bị trộm, nhưng họ sẵn sàng hy sinh mọi thứ để thắng nhau, chẳng qua chiếc bánh chỉ là biểu trưng cho cái thắng lợi của sự thỏa mãn bản ngã. Thế mới biết bản tính chấp ngã là cội gốc phát sinh tranh chấp của phàm phu, một thứ tranh chấp đầy mất mát và thất lợi vì đánh mất mọi thứ, để chỉ được cái ảo tưởng “thoả mãn” cho bản ngã nhất thời, như anh chồng sẵn lòng mất tài sản, mất vợ để được cái bánh tượng trưng cho thắng lợi của sự thỏa mãn bản ngã trong chốc lát.
Cặp vợ chồng này tiêu biểu cho quan niệm cầu lợi của thế gian. Như Dương Quảng vì coi ngai vàng là lợi, nên hại anh là Dương Dõng để tiếm ngôi Thái tử, sau đó đầu độc cha là Tùy Văn đế, và lên ngôi vua. Để được thắng lợi, Dương Quảng mất anh, mất cha, mất lòng quần thần và mất dân chúng, mất thiện pháp, mất lương tâm đạo đức, những mất mát này dẫn đến sự khởi binh của Lý Uyên, chấm dứt triều đại nhà Tùy. Tùy Dương đế tức Dương Quảng bị phế truất và phải chịu mất đầu. Để “được”, Dương Quảng chịu “mất tất cả”, cho đến cả mạng sống, và rồi phải chịu tiếng xấu muôn đời. Không phải Dương Quảng coi ngai vàng hơn mạng sống, chẳng qua cũng giống như anh chồng, khi mong muốn được cái lợi thỏa mãn bản ngã đã chịu mọi cái bất lợi. Chung quy “lợi” đó thật sự là “bất lợi”, song phàm phu u mê vẫn lao vào mối “lợi” bất lợi nói trên, khác nào thiêu thân gieo mình vào lửa song vẫn ngỡ đó là lợi.
Chuyện con giết cha, không phải chỉ vì ngai vàng, mà còn vì tâm thắng bại trong đời sống, vì chút tự ái của bản ngã, cũng có thể đưa đến huynh đệ tương tàn cha con sát hại lẫn nhau, điều này chúng ta có thể thấy từ quá khứ trong đến ngay trong đời sống này. Lại cũng vì bản ngã cảm thấy bị va chạm, phàm phu chẳng quản đối phương là ai, cha mẹ hay sư trưởng, bất kể thủ đoạn, dùng lời lẽ hay hành động thấp hèn, thóa mạ hay hành hung tha nhân cho bõ tức, một hình thức thỏa mãn bản ngã, nhưng đổi lại, bản ngã này bị coi là một thứ ngã côn đồ không tư cách, và bị tha nhân khinh thị. Do đó mới biết ngu nhân thường vì bản ngã mà đánh mất tất cả kể cả giá trị đạo đức của tự thân, thất bại như vậy, song vẫn ngỡ là thắng lợi, thực điên đảo vô minh.
Mọi thắng bại của thế gian đều mang chất “đại thất bại” như trên, song thế nhân từ đời này sang đời nọ đều lao vào vòng thắng bại chỉ có bại này, nên kết quả ngàn đời vô minh, và luôn thất bại trước mọi nỗi khổ, cũng như sự cầu hạnh phúc hay thoát khổ.
Tóm lại thắng bại khởi từ bản ngã luôn đưa đến kết quả thảm bại cho cả bản thân lẫn đối phương như cặp vợ chồng tranh bánh, chung cục mất rất nhiều, được quá ít, được nhất thời, mất muôn niên. Do thế nhân lấy sự thắng bại này làm sinh hoạt chính yếu, mà thế gian biến thành ác thế, nhân loại trở thành phàm phu.
B. Thắng bại theo nghĩa xuất thế gian.
Xuất thế gian thắng bại là sự đấu tranh giữa chân lý và mê muội, mà không hề là sự đấu tranh giữa ta và người. Dưới ánh sáng chân lý mọi sự đấu tranh thắng bại giữa ta và người đều là mê muội. Để được cái thắng theo đúng chân lý, phàm nhân như chúng ta cần chiến đấu với bản ngã mang tính đa dục và chấp trước, một thứ chủ nhân ông sai sử ta và nhất thiết chúng sinh lao vào các cuộc tương tranh, khiến tâm loạn, thân nhọc, thế giới bất ổn.
Cuộc chiến thắng bại này không có đối thủ là người, nói đúng hơn là chiến đấu với bản ngã của chính mình. Không có bất kì một vị Phật, Bồ tát hay hiền thánh nào không hề thành tựu cuộc chiến với bản ngã này. Chiến thắng được bản ngã là chiến thắng tối thượng, như lời Phật dậy “Dầu tại bãi chiến trường, thắng hàng ngàn kẻ địch, không bằng tự thắng mình, thực chiến thắng tối thượng”. Lão tử cũng tán đồng “Thắng nhân giả lực, tự thắng giả cường” (thắng người chỉ là sức lực, tự thắng mới thật là mạnh). Người tự thắng tất thành đại lực, và không một ai trên đời thắng được người này, như đức Phật dậy “Dầu thiên thần thát bà, ma vương hay Phạm thiên, không ai chiến thắng nổi, người tự thắng như vậy”.
Chiến thắng cuộc chiến này mới thật sự là đại lợi, vì nhờ chân lý soi sáng sự ngu tối bao đời, nên chấm dứt được vĩnh viễn mọi sự đấu tranh đầy thất lợi của thế gian, nhờ vậy được trụ trong cảnh giới an bình tịnh lạc như lời Phật dậy “Thắng lợi sinh thù oán, thất bại chịu khổ đau, bỏ sau mọi thắng bại, sống an bình tịnh lạc”. Thế gian thắng bại được đức Thế Tôn miêu tả hoặc chịu khổ đau, hoặc bị thù oán, và dĩ nhiên phải sống trong sự bất an, ô nhiễm và khổ thống. Người trí một đời tự chiến đấu, kết quả được an bình tịnh lạc, kẻ ngu bao đời tranh thắng bại với nhau, kết quả muôn đời cùng nhau trầm luân trong ác nghiệp. Âu cũng do nơi chúng sinh chạy theo thức tình ngã chấp, trí giả thường y trí bất y thức, nên không chấp thức làm ngã phát khởi mọi mê muội đảo điên.
Đối diện với những người, sự vật và cảnh tạo nên sự đấu tranh, thái độ của Phật pháp được thể hiện như sau:
Đối trước một kẻ thế gian khởi tâm đấu tranh với người trí, bậc trí thường trụ tâm trong bất động, giữ gìn tư cách cao thượng không để cho tâm bị nhiễm ác của thế gian, mà kẻ ngu đang gieo, tượng như người đi đường gặp chó dữ nhe răng sủa dọa, cũng vẫn bất động, không phản ứng hung tợn lại với chó dữ, điềm nhiên bỏ qua. Chính nhờ tinh thần bất động này, nên Phật giáo luôn đấu tranh trong tinh thần bất bạo động, tức không hận thù, không ác tâm và không bản ngã, bởi kẻ thù khiến ta và chúng sinh sát hại làm khổ lẫn nhau bao đời không phải là ai khác hơn “ngã chấp”, một thứ năng sinh hận thù, ác hại, vì thế bậc trí không thể dung cho những thứ này có chỗ trong ba nghiệp. nên chỉ đấu tranh bằng sự bất động an tĩnh của tâm hồn, coi mọi nghịch cảnh là thử thách để tiến tu, nên cảm ơn nghịch cảnh, cảm ơn kẻ phá hoại. Nhờ vậy trí giả sống an bình bất động nơi mọi tranh chấp trong biển ác nghiệp động loạn của chúng sinh.
Đối trước sự vật, người trí nhận chân sự vật chỉ là những thứ giả có nhất thời, không khác các thứ trong nhà trọ, chỉ thuộc về khách trọ trong thời gian ở trọ, một khi rời nhà tro tất phải bỏ lại tất cả các thứ trên cho khách trọ khác đến tạm thời làm chủ. Nhà trọ với các sự vật trong đó luôn dối gạt bao lữ khách mê muội, ngỡ rằng chúng thuộc về mình, nhưng không lừa dối được người trí, bậc trí hiểu biết chúng không bao giờ thật sự thuộc về ta, nên chưa từng khởi một niệm mong cầu, hà huống tìm cách tranh đoạt. Do vậy trí giả bình thản bất động trước sự được mất nơi mọi sự vật.
Đối trước cảnh thuận nghịch, được mất, hơn thua, vinh nhục của thế gian, bậc trí nhận chân được cái hại lớn của những cảnh này, đó là thường làm tâm động loạn, đánh mất đi sự an tĩnh của nội tâm, mà đức Thế Tôn thường nhắc nhở “Không hạnh phúc nào sánh bằng sự an tĩnh của tâm hồn”. Chính vì vậy thay vì động loạn theo các cảnh này, trí giả giữ tâm bất động, đó là hạnh phúc tối thượng đầy an bình tịnh lạc. Do vậy chỗ thắng của bậc trí không phải là được, là thắng, hay là vinh…mà chính là an tĩnh bất động trước các cảnh này, và dĩ nhiên sự thua không phải là mất, là tổn, là nhục mà là động loạn theo các thứ đó. Nhờ vậy người trí sống an bình bất động trước các cảnh được mất, hơn thua, vinh nhục, khổ lạc….
Tóm lại sự đấu tranh của Phật pháp là một thứ không đấu tranh và không có đối thủ để hơn thua. Trước mọi thứ đấu tranh, người trí hiểu biết Phật pháp chỉ tự chiến đấu với chính mình, để được một chiến thắng tối thượng, đó là tự thắng mình, chiến thắng này đưa người trí ra khỏi các biến động đấu tranh tạo tác ác nghiệp trong đêm dài sinh tử, thành tựu đời sống “cư trần nhi bất nhiễm trần” nên gọi đó là cuộc chiến thắng bại của xuất thế gian.
Hai vợ chồng tranh bánh vẽ lên hình ảnh háo thắng vì bản ngã. Chúng sinh cho thắng là được cái đang tranh, mà quên đi cái mất mát to lớn quanh đó, như anh chồng tranh thắng, chịu mất hết tài sản, thậm chí đến cả vợ, song vẫn vui vì thắng được cái bánh, chẳng khác gì phàm nhân tranh thắng đánh mất hết lương tri và đạo đức, bị người khác cười chê, nhưng vẫn vui sướng vì cho là ta thắng. Chúng ta tu học Phật pháp nên chiêm nghiệm câu chuyện này để đừng bao giờ tranh một cái thắng ngu si đầy thất bại, và để luôn tự thắng mình trên mọi phương diện, đó là con đường xuất tam giới gia chân chính, hay còn gọi là sự chiến thắng đưa đến xuất thế gian.