Home > Khai Thị Phật Học
Căn Nhà Có Quỷ
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Có một ngôi nhà ai cũng cho là có quỷ nên bỏ hoang phế. Bấy giờ có người muốn khoe mình can đảm nên nói với mọi người “tôi sẽ ở qua đêm trong căn nhà ma đó”. Người này đến ở lại nhà ma. Dè đâu cũng có một kẻ tự hào không hề sợ ma, cũng nói với bạn bè “tôi sẽ đến đó ngủ đêm”. Khi gã đến trước ngôi nhà, định xô cửa vào nhà, kẻ đến trước ngỡ là quỷ, nên chặn cửa không cho vào. Gã bên ngoài ngỡ quỷ ở bên trong cản ngăn, nên hai bên kháng cự kịch liệt, người xô kẻ chặn, cho đến trời sáng, mới phát giác đối phương chẳng phải quỷ.

Thế nhân cũng vậy, nhân duyên tạm thời tụ hội, không có chủ tể, phân tích từng chi tiết, cái gì là ngã đây? Ấy mà chúng sinh vọng kế thị phi, khởi mọi tranh luận, không khác nào hai người kia.

Lời Bình:

Câu chuyện này tương tự câu chuyện Sợ chiếc áo quỷ. Tất cả đều do vọng thức khởi thị phi nhân ngã. Ma dụ cho các pháp ngoài ngã. Do ngã kiến chấp thấy ngã là chân lý, ngoài ngã là ma, có nghĩa sai quấy, như người này thấy người kia là ma, người kia lại thấy người này là ma. Ngã nào quán sát các pháp cũng đều lấy ngã làm trung tâm của chân lý, hễ nghịch với ngã thì là ác, còn thuận thì là thiện, do vậy chúng sinh không phân biệt được các pháp một cách đúng thật, vọng nhận thiện ác. Ngã tự cho mình là thước đo chân lý, do vọng thức chấp ngã sinh mọi thứ như ái tắng thuận nghịch, dụ như kẻ cùng phe phái thì ái, kẻ nghịch lại thì tắng, hay như hai người bạn thân, nay vì tranh quyển đoạt lợi, vọng thấy bạn thành thù, vì đe dọa đến sự như ý của ngã.

Khi đã cho ngã là chân lý, tất nhiên mỗi ngã là mỗi chân lý. Điều này khiến chúng ta nhận chân được những điểm sau.

Thứ nhất bản chất của ngã là vọng, lại nhận ngã là thật, thành thử lấy vọng lảm chân, gọi là vọng thượng gia vọng (trên vọng thêm vọng) .

Thứ hai nếu lấy “chân lý vọng” này đo lường chân lý nơi mọi sự vật, tất nhiên mọi chân lý đó đều thành vọng, hơn nữa khi dùng “chân lý vọng” đo lường mọi sự vật sẽ năng sinh ra nhiều chân lý, như tắng ái thủ xả, dẫn đến điên đảo mê muội.

Thứ ba chân lý chỉ có một, không thể có nhiều thứ, vọng thì vô lưọng. Dụ như mỗi người có chân lý hư vọng riêng, vậy thì biết cái nào là chân lý chân thật, nhờ trí quán thấy rõ chân lý của mỗi chúng sinh đều phát sinh từ gốc vọng, vì vây có bao nhiêu chúng sinh tất có bấy nhiêu chân lý vọng, phải biết nguồn gốc của sự thấy nhiều chân lý đó là vọng.

Thứ tư từ vọng thức phát sinh ra vọng chấp, từ vọng chấp mới khởi đấu tránh, như hai người trong căn nhà ma vì vọng thức, tưởng nhau là ma, nên đấu tranh suốt đêm.

Thứ năm thức có tính phân biệt, nên hay biến kế mọi duyên và cảnh, mà nẩy sinh tham ái, muốn thủ xả đắc thất, do vậy mà lao nhọc truy tìm ngũ dục như gã mò váng đáy ao, chạy trốn nghiệp báo như đám gánh hát, hay tranh giành như hai người trong căn nhà ma. Trong cả ba trường hợp trên đều là tác phẩm của vọng thức, mang tính “vô trung sinh hữu”, nên ngoài gian khổ nhọc nhằn bao đời, tạo tác thêm nghiệp vô minh, còn thì “vô nhất vật khả đắc”. Lao tâm lao lực suốt đêm không nghỉ ngơi cho đến khi trời sáng, mới biết là vọng, nên toi công (trời sáng mới biết sự thật hàm ý chỉ khi nào trí chiếu mới nhận ra chân lý). Nhìn theo thức thì ba trường hợp này khác nhau và thật có, nhìn theo trí thì cả ba trường hợp này đều vô sai biệt, vì đều mất hết thời gian vào nhọc nhằn phiền nhiễu, và cũng cùng vô nhất vật khả đắc ngoài vọng nghiệp. Chính bởi lẽ này Như lai dậy “nhân sinh thị khổ”. Khổ không do thiếu ngũ dục, mà khổ vì thời gian của chúng sinh chỉ để lao lự mà không để hưởng, và kết cục là tăng thêm vọng nghiệp.

Vọng tượng trưng cho vô minh tức trời tối, trí tiêu biểu cho trời sáng nhận rõ mọi sự. Như vậy trí chính là sự nhận ra cái hư ngụy của vọng. Tu học chỉ trau dồi kiến thức, mà không tập trí quán nhận vọng tất nhiên chỉ có kiến thức phan duyên cóp nhặt, một thứ phế vật vô dụng, vì vẫn chỉ là kiến thức của vọng, lấy vọng thức phân biệt làm nền tảng tư duy, không sao hiểu được chân diệu pháp của Như lai, tức nhất thật pháp. Vọng thức luôn duyên vào cảnh mà sinh tâm phân biệt, khi học Phật thì phan duyên với pháp Phật, khi lìa học quay sang cảnh đời lại phan duyên với đời, nên học Phật mà không quán sát nhận chân được cái học phan duyên này chẳng giúp ta mảy may viễn ly phiền não, vì nó chỉ làm tăng trưởng vọng hoặc, như thế ắt cả đời tu học cũng không thành quả, thậm chí bị nghiệp quật ngã, mất hết thiện pháp, như Thiền tông Ngũ tổ Hoằng nhẫn dậy “bất thức bản tâm, học pháp vô ích, nhược ngôn hạ thức tự bản tâm, kiến tự bản tính, tức danh trượng phu thiên nhân” (không nhận ra bản tâm, học đạo vô ích, nếu nơi lời dậy, nhận được bản tâm, thấy được bản tính, thì mới là bậc đại trượng phu của nhân thiên).

Chúng sinh nhận vọng thức làm tâm, lấy phân biệt làm tính, dùng tâm tính này học pháp giải thoát, nên không sao thức tâm kiến tính được, mà chỉ đưa đến hai trường hợp, không hiểu nổi và không hành nổi. Bởi làm sao dùng vọng thức phân biệt này nhận được pháp “nhất thật”, làm sao dùng thủ xả để hành được pháp “bình đẳng bất động”.

Vì lấy vọng thức làm tâm, nên chúng sinh cử chỉ động niệm đều bội giác hợp trần, tu hành để được miễn luân hồi sinh tử phiền não cho tâm vọng này, thay vì trừ diệt vọng tâm để chấm dứt bóng đêm, nhận chân được sự thật, viễn ly mọi khổ ách, vì vậy tu hành cũng bình đẳng với thế gian ái nhiễm, như gã mò vàng và hai kẻ chống ma.

Hai người trong câu chuyện này, đều bị vọng thức dối gạt, cho đối phương thật sự là ma, nên quyết tử chiến, họ không chiến đấu nhau, chỉ muốn chống lại ma, nên nhọc nhằn chống đối nhau suốt đêm, đến trời sáng mới nhận ra cái lầm của ta, tức chính là cái lầm của vọng thức mà chịu hậu quả mệt mỏi cho cả ta lẫn người cả đêm. Thực không có ma bên ngoài, chỉ có ma trong vọng tâm. Ma ở ngay trong tâm phàm nhân, ma này khiến ta và người luân hồi sinh tử, trầm luân không có ngày ra, chỉ khi nào trí chiếu soi tỏ được con ma vọng thức này bấy giờ mới được an dưỡng trong cảnh không ma, không đấu tranh gọi đó là cõi tịnh.

Song thế nào là vọng tâm? Theo thức phân biệt khởi là vọng tâm. Thế nào là vọng thức? Từ thức chấp ngã phân biệt ta và người, khởi mọi thủ xả đắc thất, lợi suy khổ lạc, đấu tranh không biết chán mệt, như kẻ mò vàng, như gánh hát trốn quỷ, như hai kẻ trong nhà ma… Tính phân biệt của vọng thức luôn dẫn đến sự thị phi nhân ngã, đấu tranh không ngơi nghỉ, và dĩ nhiên mọi sự tranh đấu đều không hề đưa đến bất kì kết quả tốt đẹp nào ngoài sự lao lự và tạo tác thêm ác nghiệp. Chỉ bao giờ bóng tối vô minh của vọng thức này được ánh sáng của trí chiếu, bấy giờ phàm phu mới chấm dứt mối lao lự nơi nghiệp sinh tử từ vô thủy.

Liên quan đến vấn đề này, hai vị Tăng do vọng thức khởi tranh cãi về phướn động hay gío động, chẳng ai chịu nhường ai, như 2 kẻ trong nhà ma, do mỗi người có chân lý hư vọng riêng, khi ấy đại sư Huệ Năng xuất hiện khai thị “chẳng phải phướn động cũng chẳng phải gío động mà là tâm động”. Tâm động chỉ cho vọng tâm bị vọng thức khởi động, bỏ vọng tâm ắt tâm bất động tất chẳng có thứ gì động cả. Người tu học Phật trên văn tự thì tranh luận pháp “gío” hay pháp “phướn” cao, người có trí huệ thì thấy pháp nào cũng bản giác, nên bình đẳng bất động. Buông bỏ vọng thức hay tâm động đó xuống tất nhận ra phướn hay gío cũng như các pháp chẳng động chẳng tĩnh, chỉ có duyên động duyên tĩnh, và rồi thức động tĩnh theo duyên, thành hiện tượng “chu hành ngạn di” (thuyền trôi ngỡ bờ chạy).

Do vậy sự tu học chân chính là chuyển thức thành trí, khởi huyễn trí quán vọng thức nhận ra sự hư ngụy của vọng thức, như những câu chuyện ngu này là phương tiện thiện xảo để chỉ bầy cho chúng ta chỗ hư ngụy của vọng thức.

Qua ba câu chuyện chỉ ra chỗ vọng của thức ta nhận thấy, “Vớt vàng dưới ao” là cách tìm hạnh phúc của vọng thức, “Sợ chiếc áo quỷ” là pháp trốn họa, và “căn nhà có quỷ” là sự đấu tranh của vọng thức, Tất cả đều bắt nguồn từ vọng và chung quy đều quy về vọng.