Home > Khai Thị Phật Học
Trên Đường Cầu Thầy Học Đạo
Đại Sư Tông Bổn | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch


Tông Bổn tôi sanh ở nhà họ Trần nơi xứ Tứ Minh, nhờ ơn cha mẹ nuôi dưỡng và rước thầy dạy dỗ từ nhỏ. Đến lúc vào trường đèn sách, cha nghiêm huấn, thầy chỉ bảo, nên cũng hiểu thông được văn chương lễ nghĩa.

Năm 15 tuổi, có người anh họ là Hủ Mộc, nhân có bệnh nhẹ mà qua đời, thi thể còn đặt nơi nhà trống. Tôi đi ngang qua cửa, thấy cái thân tứ đại của anh mình thì sợ sệt, lo buồn, tự than rằng:

“Ôi! Hình tướng ở đời không hề bền chắc, mạng sống chỉ như ngọn đèn trước gió. Vô thường xảy tới, trốn tránh khó thay!” Liền muốn xuất gia học đạo, cầu được siêu thoát luân hồi.

Nhưng chẳng biết khởi sự tu hành như thế nào, nên lòng còn do dự. Liền đến ngôi chùa nhỏ trong vùng mà lễ Phật. Bỗng gặp một vị tăng đang ngồi thẳng lưng dáng vẻ uy nghi, tôi liền cúi đầu làm lễ thưa hỏi rằng: “Đại đức là ai?”

Vị tăng Đáp: “Tôi là người tu thiền đi du phương.”

Tôi nghe được lời ấy, mừng khôn kể xiết. Tức thì thỉnh vị tăng ấy về nhà, sắm đủ hương hoa và các thứ vật thực cúng dường.

Lễ cúng dường đã xong, tôi quỳ lạy thiền sư mà thưa hỏi rằng: “Đệ tử muốn thoát khỏi vòng sanh tử, chưa biết nên tu theo pháp gì?”

Thiền sư liền hỏi rõ họ tên và tuổi tác. Tông Bổn này thưa rằng: “Đệ tử họ Trần, tên là Tĩnh Tu, năm nay được mười lăm tuổi.”

Thiền sư khen ngợi rằng: “Tuổi còn nhỏ mà phát tâm cao, thật là ít có trong đời! Này thiện nam tử họ Trần, hãy giữ một lòng tịch tĩnh mà nghe ta nói đây: Duy có một pháp tu thẳng tắt là chỉ cần niệm đức Phật A di đà mà thôi.”

Tông Bổn này hỏi lại: “Niệm Phật A di đà có thể vượt thoát được sanh tử hay sao?

Thiền sư Đáp: “Cứ tin theo lời Phật dạy thì trong các pháp tu thoát khổ, chẳng pháp nào bằng niệm Phật. Nếu chẳng niệm Phật, khó mà vượt thoát được sanh tử.”

Tông Bổn lại Hỏi: “Pháp môn niệm Phật này do đâu mà có?”

Thiền sư Đáp: “Pháp môn niệm Phật chẳng phải chỉ có dạy trong một kinh mà thôi. Trong vô số kinh điển, không có kinh nào lại chẳng nói đủ về pháp môn niệm Phật. Nếu y theo phép này mà tu, chắc chắn sẽ được vãng sanh về Tịnh độ.”

Lại Hỏi: “Công đức niệm Phật được bao nhiêu mà có thể vãng sanh về Tịnh độ?”

Đáp rằng: “Nếu có người đem bảy món báu trong bốn cõi thiên hạ mà cúng dường chư Phật, Bồ Tát, Duyên giác, Thanh văn, La hán, phước đức rất nhiều. Như có người khuyên người khác niệm Phật một tiếng, phước đức lại còn nhiều hơn thế nữa.”

Lại Hỏi: “Niệm Phật một tiếng, làm sao phước đức lại có thể nhiều hơn?”

Thiền sư Đáp: “Sách Vạn thiện đồng quy dẫn lời trong Trí luận nói rằng: ‘Ví như có người vừa sanh ra rơi xuống đất đã có thể đi được mỗi ngày ngàn dặm, đi như vậy trọn ngàn năm, dùng hết thảy bảy món báu trong các cõi thế giới mình đã đi qua mà dâng cúng Phật, cũng không bằng có người ở đời ác trược về sau xưng niệm được một câu Nam mô A di đà Phật. Phước của người niệm Phật còn hơn cả phước của người kia. Tự mình niệm Phật còn được như thế, huống chi còn khuyên người khác niệm?”

Lại Hỏi: “Tuy biết là đức độ của Phật lớn lao như thế, nhưng kẻ phàm phu nghiệp ác vốn đã nhiều, làm sao chỉ niệm Phật trong một đời mà có thể vãng sanh về Tịnh độ?”

Đáp: “Kinh Thập lục quán nói: “Chí tâm niệm một tiếng Nam mô A di đà Phật có thể diệt được tội nặng trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Có người trọn đời tạo năm tội nghịch, làm mười điều ác, nhưng lúc lâm chung niệm được mười câu Nam mô A di đà Phật còn được vãng sanh. Huống chi người trọn đời ăn chay, giữ giới và niệm Phật?”

Tông Bổn lại Hỏi: “Do đâu mà đức Phật A di đà lại có công đức và hạnh nguyện rộng lớn như vậy?”

Đáp: “Long Thư Tăng Quảng Tịnh độ văn có dẫn kinh Đại A di đà nói rằng: ‘Một ngày nọ, đức Phật Thích ca dung nhan khác thường. Thị giả là A nan lấy làm lạ, bèn thưa hỏi. Phật dạy rằng:

‘Lành thay câu hỏi của nhà ngươi, còn hơn là cúng dường cho các vị Thanh văn và Duyên giác trong một cõi thiên hạ, cùng là bố thí cho chư thiên, nhân dân, cho đến những loài chúng sanh nhỏ bé nhất. Dầu cho trải qua rất nhiều kiếp cúng dường và bố thí như vậy, lại đem công đức ấy nhân lên gấp trăm, ngàn, muôn, ức lần, cũng chẳng bằng công đức của câu hỏi này. Tại sao vậy? Bởi vì chư thiên, vua chúa, nhân dân, cho đến những loài chúng sanh nhỏ bé nhất đều sẽ do nơi câu hỏi này mà được độ thoát.’

“Theo đó suy ra, đây chính là lúc Phật Thích ca muốn khởi thuyết về đức Phật A di đà. Ngài vừa khởi lên điều ấy trong tâm, mà đã hiện ra vẻ mặt khác với ngày thường, thì mối giao cảm của đức Phật A di đà đối với chư Phật đã là phi thường, huống chi là chỗ giao cảm với hết thảy chúng sanh.

“Vì sao vậy? Xét theo lời phát nguyện ban sơ của đức Phật A di đà có nói rằng:

Nguyện khi ta thành Phật.
Danh vang khắp mười phương.
Trời, người vui được nghe.
Cùng sanh về nước Phật.
Địa ngục, quỷ, súc sanh.
Cũng sanh về nước Phật.

“Theo đó thì đã có thể biết rằng hết thảy những chúng sanh đang luân hồi trong ba cõi, sáu đường, không một ai mà ngài chẳng muốn cứu độ. Đức Phật A di đà hiện ở tại thế giới Cực Lạc bên phương tây và các cõi thế giới trong mười phương mà giáo hóa hàng trời, người số đông không kể xiết, cho đến những loài chúng sanh nhỏ bé nhất. Như đến các loài chúng sanh nhỏ bé nhất mà Phật còn hóa độ, huống chi là loài người!

“Đức Phật A di đà lại có phát nguyện như thế này: ‘Như ai niệm danh hiệu ta, ắt sanh về cõi Phật của ta. Nếu chẳng được như vậy, ta thề không làm Phật.’ Do đó mà ngài rộng độ khắp chúng sanh, không có giới hạn. Người phát tâm quy y chỉ trong một niệm, rốt lại cũng được sanh về cõi Phật của ngài. Theo đó mà suy ra, công đức niệm Phật thật không thể nghĩ bàn hết được.

“Đức Phật A di đà lại có dạy rằng: Nếu chúng sanh nào muốn sanh về cõi Phật của ta vào hàng thượng phẩm, thì nên tu tập hạnh từ bi, không giết hại, thương xót che chở hết thảy mọi sanh linh, giữ tròn giới hạnh, đọc tụng kinh điển Đại thừa, hiểu thấu nghĩa chân thật, rõ thông lý sâu xa, cúng dường Tam bảo, hiếu kính mẹ cha, thương xót những kẻ nghèo khổ, giáo hóa hết thảy hữu tình, ăn uống giữ theo đúng pháp, rộng làm việc bố thí cho quỉ thần, không làm các điều ác, thường làm các việc lành. Nếu ai niệm Phật được như vậy, chắc chắn vãng sanh vào hàng Thượng phẩm thượng sanh, thẳng đến quả vị Phật.

“Còn như chưa đủ sức làm như vậy, tự mình hãy bền chí ăn chay giữ giới, nhất tâm niệm Phật. Nếu có thể nhất tâm niệm Phật không gián đoạn, thì cũng có thể vãng sanh ở vào hàng Trung phẩm.

“Pháp niệm Phật này chẳng phân biệt kẻ hiền người ngu, kẻ sang người hèn, kẻ giàu người nghèo, cũng chẳng phân biệt nam nữ, già trẻ, tăng tục, chẳng kể xa gần, hết thảy đều có thể niệm Phật.

“Phương thức niệm Phật cũng chẳng có chi bó buộc: hoặc niệm lớn tiếng, hoặc niệm nhỏ tiếng, hoặc niệm liên tục như nước chảy, hoặc niệm khi đảnh lễ, hoặc nhiếp tâm mà niệm, tham cứu mà niệm, quán tưởng mà niệm, hoặc lần chuỗi hạt niệm, hoặc đi nhiễu quanh điện Phật mà niệm, hoặc đứng thẳng niệm, hoặc ngồi yên niệm, hoặc nằm nghiêng mà niệm, hoặc niệm thầm hay niệm rõ tiếng, hoặc niệm ngàn lần, muôn lần, thảy đều là một niệm. Điều quan trọng nhất là phải có lòng tin chắc quyết và cầu sanh

Tịnh độ. Nếu hành trì được như vậy, cần gì phải cầu tìm bậc tri thức khác?

“Như vậy có thể nói là:

Thuyền đi quyết định do người lái, Nước Phật đón người rõ phép tu.

Tông Bổn lại hỏi rằng: “Thế gian có nhiều người thường nói rằng: Việc nhà bận rộn, việc đời vướng vít, đợi lúc tuổi già rồi sẽ lo niệm Phật. Xin thầy nói cho nghe về hạng người ấy.”

Thiền sư đáp rằng: “Khổ thay! Khổ thay! Lời nói ấy thật ngu muội, sai lầm biết bao! Chẳng nghe thiền sư Tử Tâm nói đó sao? Những người thế gian có của báu như núi, thê thiếp đầy nhà, ngày đêm vui thỏa, há lại chẳng muốn sống hoài ở đời hay sao? Nhưng ngặt nỗi đời sống có giới hạn, cái chết luôn chờ chực, mạng dứt phải đi, chẳng thể trì hoãn được. Diêm vương chẳng thuận tình người, quỷ vô thường chợt đến có ai thấy mặt?

“Hãy cứ xét nơi những việc mắt thấy tai nghe của hết thảy mọi người: đường trước ngõ sau, họ hàng thân thích, bạn hữu anh em, có biết bao người chết vào độ tuổi xuân cường tráng! Chẳng nghe người xưa đã nói sao:

Chớ đợi tuổi già theo học đạo, Mồ hoang bao kẻ mái đầu xanh!

“Từ những năm tuổi trẻ, vất vả bon chen để nuôi dưỡng vợ con, tạo lập nhà cửa, nếm đủ muôn cay ngàn đắng. Chợt khi hơi dứt mạng vong, cũng chưa thể nhất thời dứt sạch. Nếu như con cháu hiếu thuận, biết lo thỉnh thầy làm chay, tụng kinh siêu độ, lại giữ lệ mùa xuân tháng ba, mùa thu tháng chín, vọng cúng vài chén cơm canh, khóc thương mấy tiếng, cũng gọi là thương cha nhớ mẹ. Nếu gặp phải đứa con ngỗ nghịch thì cha mẹ vừa mới qua đời, xương đầu còn ấm nó đã phá tan tài sản, bán sạch ruộng vườn, thỏa ý ăn chơi.

“Lấy đó mà suy ra thì việc tu niệm cần phải gấp rút, khẩn thiết biết bao! Con cháu vốn tự có nghiệp báo thiện ác riêng của chúng, chẳng cần phải vì chúng mà lo xa tính toán.

“Cổ đức có thơ rằng:
Đáng cười lão nhà giàu.
Đời bon chen hối hả.
Gạo trong bồ sanh mọt.
Tiền để mục trong kho.
Ngày cân đong đo đếm.
Tối chong đèn tính sổ.
Thân gầy mòn ốm yếu,
Khư khư giữ nết cũ.

“Thiền sư Tử Tâm đã hết lòng khuyên dạy như thế, há lại có thể cho rằng nên đắm mê thế tục, đợi đến lúc già mới niệm Phật hay sao? Phải thường suy xét rằng, đời sống con người thật chẳng được bao lâu, chỉ thoáng qua như nháng lửa, như điện xẹt, vừa chớp mắt đã qua rồi! Vậy nên phải nhân khi tuổi già chưa đến, còn đang độ thanh xuân tráng kiện mà phấn phát thân tâm, dẹp bỏ việc đời. Được sáng suốt một ngày thì niệm Phật một ngày, được công phu một lúc thì tu nghiệp lành một lúc. Cho dù lúc phút lâm chung có lành hay dữ, chỉ quan trọng nhất là hành trang đã chuẩn bị được đầy đủ, thì con đường sắp tới chắc chắn được yên ổn. Nếu chẳng lo liệu từ trước, sau ăn năn chẳng kịp, hãy suy ngẫm cho kỹ điều đó!

“Đáng mừng là, Di đà rất dễ niệm, Tịnh độ rất dễ vãng sanh! Tuy rằng làm người rất khó tránh khỏi những lo toan tính toán việc nhà, nhưng cũng nên sớm chiều đốt hương niệm Phật.

“Pháp môn niệm Phật này, ai ai cũng có thể làm theo. Ví như căn nhà tăm tối lâu năm, chỉ cần một ngọn đèn thắp lên liền sáng tỏ; dầu là những người giết bò mổ heo, buông dao xuống liền có thể tu tập.

“Phép tu này không khó, lại cũng không ngăn trở những sự nghiệp của người ta trong thế sự. Người làm quan niệm Phật cũng không trở ngại cho chức nghiệp, hàng trí thức niệm Phật cũng không trở ngại việc học hỏi, người thương gia niệm Phật cũng không trở ngại việc buôn bán, người nông dân niệm Phật cũng không trở ngại việc cấy trồng. Người phụ nữ niệm Phật cũng không trở ngại bổn phận trong gia đình. Nơi cơ quan Nhà nước, niệm Phật không làm trở ngại việc vâng lệnh cấp trên. Nơi chùa chiền, niệm Phật không làm trở ngại việc tham thiền.

“Nói chung, người tu theo pháp niệm Phật thì hết thảy mọi công việc đều không ngăn trở. Hoặc có thể lễ bái niệm Phật vào lúc sáng sớm hoặc chiều hôm, hoặc cũng có thể trong lúc đang làm việc, dù là gấp rút hay chậm rãi đều có thể niệm Phật. Mỗi ngày hoặc niệm trăm ngàn tiếng, hoặc niệm năm ba trăm tiếng, hoặc niệm mười tiếng… Cốt yếu là phải phát nguyện hướng về việc vãng sanh Tây phương. Nếu được lòng thành như vậy, việc vãng sanh có thể xem như chắc chắn.

“Này thiện nam tử họ Trần! Nếu như ngươi ăn chay giữ giới tinh nghiêm, một lòng niệm Phật mà chẳng sanh về Tịnh độ, thì ta đây ắt phải đọa vào Địa ngục rút lưỡi.”

Tôi thấy thiền sư phát lời thề rất nặng nên sợ hãi quì lạy, cảm tạ ơn ngài đã mở mang chỉ bảo cho pháp môn niệm Phật.

Thiền sư dạy rằng: “Nếu nói về pháp môn Tịnh độ, cho dầu có nói trong trăm ngàn kiếp cũng chẳng cùng. Cho nên ta chỉ lược nói ra đây những điều cơ bản nhất mà thôi.

“Người xưa nói rằng:
Kẻ trí một lòng tin chắc.
Mọi việc tức thì hiểu rõ.
Người ngu chẳng dứt mối nghi.
Nghe nhiều lại càng thêm nghi.
Lời ấy đúng thật biết bao!

Những ai đã thật lòng tin chắc tu hành, muốn được vãng sanh Tây phương Tịnh độ, chẳng thể chỉ nói suông rồi bỏ qua. Cần phải ôm ấp trong lòng như việc lớn của một đời, quyết chí phải làm cho được!

Như có thể phát khởi được lòng tin, thì từ nay trở đi phải hết sức dũng mãnh, hết sức tinh tấn, chẳng cần lưu tâm đến việc biết hay là chẳng biết, thấy tánh hay không thấy tánh, chỉ bền giữ trong lòng một câu Nam mô A di đà Phật mà thôi, như dựa vào ngọn núi Tu di, dù có bị quấy rối hay lay chuyển cũng vẫn giữ yên chẳng động. Chỉ một niệm ấy là vị thầy dắt dẫn. Chỉ một niệm ấy là đức Phật hóa thân. Chỉ một niệm ấy là vị tướng mạnh mẽ phá tan địa ngục. Chỉ một niệm ấy là lưỡi gươm báu chém lũ tà ma. Chỉ một niệm ấy là ngọn đèn sáng soi vào chỗ tối. Chỉ một niệm ấy là con thuyền lớn vượt qua biển khổ. Chỉ một niệm ấy là vị thuốc hay cứu thoát sanh tử. Chỉ một niệm ấy là con đường tắt ra khỏi Ba cõi. Chỉ một niệm ấy là Phật A di đà trong tự tánh. Chỉ một niệm ấy là cõi Tịnh độ ngay trong tâm mình.

Cốt yếu là phải luôn nghĩ nhớ đến một câu A di đà Phật, chẳng lúc nào xao lãng. Lúc nào cũng duy trì niệm ấy, lúc nào cũng có niệm ấy trong tâm. Lúc vô sự cũng niệm như vậy, lúc hữu sự cũng niệm như vậy, lúc yên vui cũng niệm như vậy, lúc đau khổ cũng niệm như vậy, lúc đang sống cũng niệm như vậy, lúc sắp chết cũng niệm như vậy. Một niệm sáng suốt rõ ràng như vậy, cần gì phải hỏi thăm đường về ở nơi người khác?

Như vậy có thể nói là:

Một niệm Di đà không xen tạp, Thảnh thơi phút chốc đến Tây phương.

Thiền sư lại dặn kỹ rằng: “Này thiện nam tử họ Trần! Nay ta đem pháp môn nói về mười pháp giới mà truyền giao cho ngươi, ngươi phải dùng pháp môn này mà mở mang chỉ bảo cho người sau, cùng nhau tinh tấn tu hành cho đến khi thành tựu quả Phật.”

Tông Bổn thưa rằng: “Con xin mang pháp ấy giảng rộng cho người sau, mong rằng sẽ mang lại lợi ích trong tương lai.”

Thiền sư dạy rằng: “Lành thay, lành thay! Mười pháp giới ấy là: pháp giới của chư Phật, pháp giới của các vị Bồ Tát, pháp giới của hàng Duyên giác, pháp giới của hàng Thinh văn, pháp giới của chư thiên, pháp giới của loài người, pháp giới của loài atu la, pháp giới của loài ngạ quỉ, pháp giới súc sanh và pháp giới địa ngục.

“Mười pháp giới ấy, trong tâm mỗi người đều có đủ. Tùy nơi chỗ đã tạo ra mà tự thọ nhận lấy, nhân nào quả nấy không sai chạy. Việc làm lành, làm dữ là nhân thế gian, mà ba cõi, sáu đường là quả thế gian vậy. Việc giữ giới, niệm Phật là nhân ra khỏi thế gian, mà cõi Tịnh độ, được thành Phật, đó là quả ra khỏi thế gian.

Trong cõi trời người, việc tu phước là nên làm trước nhất. Trong biển khổ sanh tử, việc niệm Phật là hơn hết. Như muốn hưởng sự khoái lạc trong cõi trời người mà không tu phước, muốn ra khỏi biển khổ sanh tử mà không niệm Phật, chẳng khác nào chim không cánh mà muốn bay, cây không rễ mà muốn được tươi tốt, há có thể được sao?

Cho nên, điều cốt yếu là phải lấy việc niệm Phật gieo trồng nhân chính, lấy việc tu phước làm pháp hỗ trợ. Phước đức và trí huệ đều cùng tu mới có thể thành bậc Chánh đẳng Chánh giác. Đó chính là nhân tạo thành quả, quả hoàn toàn phụ thuộc ở nhân; nhân quả không sai khác, trước sau chẳng hề nhầm lẫn. Vì sao vậy? Hình thẳng thì bóng ngay, âm thanh hài hòa thì tiếng vang dễ nghe. Nên biết rằng nhân chân thật thì quả không hư dối. Như cuộc sống thường ngày là nhân, phút lâm chung là quả. Thường ngày làm việc ác, khi lâm chung cảnh ác hiện ra trước mắt; thường ngày niệm Phật, khi lâm chung cõi Phật tự nhiên hiện đến. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng:

Nếu ai muốn rõ biết, Ba đời, mười phương Phật, Nên thấy tánh pháp giới, Thảy đều do tâm tạo. Chính là nói lên nghĩa ấy đó.

Tông Bổn hỏi rằng: “Bạch thầy, tu theo pháp nào thì được quả Phật?”

Thiền sư Đáp: “Nên biết rằng chúng sanh trong sáu đường đều sẵn có chân như Phật tánh, bình đẳng như nhau. Đối với hết thảy chúng sanh đều quán xét rằng đó là chư Phật, đó là các bậc cha mẹ của mình. Không phân biệt oán thù hay thân thích, đều nguyện cứu độ hết thảy. Từ nay mãi mãi về sau luôn thực hiện theo hạnh nguyện của đức Bồ Tát Phổ hiền. Nếu tu hành được như vậy là có thể ngang bằng với chư Phật.”

Lại Hỏi: “Bạch thầy, tu theo pháp nào có thể đạt đến pháp giới của các vị Bồ Tát?”

Thiền sư dạy: “Tu theo hạnh bố thí trừ được lòng tham lam, bủn xỉn; giữ theo giới hạnh trừ được sự hủy phạm; thực hành nhẫn nhục trừ được lòng sân nhuế; nỗ lực tinh tấn trừ được sự giải đãi, lười nhác; thực hành thiền định trừ được sự hôn mê, tán loạn; tu dưỡng trí huệ trừ được ngu si. Nếu tu hành được như vậy là có thể ngang bằng với các vị Bồ Tát.”

Lại Hỏi: “Bạch thầy, tu theo pháp nào chỉ có thể đạt đến pháp giới của hàng Duyên giác?”

Thiền sư dạy: “Những người trong hạng Trung thừa, vui thích cảnh tịch tĩnh một mình, tuy rõ biết nhân duyên các pháp nhưng chẳng thực hành việc cứu độ chúng sanh, cho nên chỉ có thể đạt đến pháp giới của hàng Duyên giác mà thôi.” Lại Hỏi: “Bạch thầy, tu theo pháp nào chỉ có thể đạt đến pháp giới của hàng Thanh văn?”

Thiền sư dạy: “Những người trong hạng Tiểu thừa, khiếp sợ sanh tử như loài hươu nai trốn chạy, chẳng dám ngó lại. Vì chỉ muốn mau mau ra khỏi Ba cõi, cầu lấy cảnh giới Niết bàn cho riêng mình, cho nên chỉ có thể đạt đến pháp giới của hàng Thanh văn, La hán mà thôi.”

Lại Hỏi: “Bạch thầy, tu theo pháp nào chỉ có thể được sanh lên cõi trời?”

Thiền sư dạy: “Tu theo Mười thiện nghiệp sẽ được sanh lên cõi trời.”

Lại Hỏi: “Bạch thầy, tu theo pháp nào chỉ có thể được sanh ở cõi người?”

Thiền sư dạy: “Tu theo Ngũ giới sẽ được sanh ở cõi người.”

Lại Hỏi: “Bạch thầy, tạo tội nghiệp gì phải đọa lạc vào cảnh giới của loài A tu la?”

Thiền sư dạy: “Những ai tu theo thiện nghiệp mà còn giữ lòng tranh chấp hơn thua, hờn giận, khinh ngạo kẻ khác, sẽ đọa vào cảnh giới của loài A tu la.”

Lại Hỏi: “Bạch thầy, tạo tội nghiệp gì phải đọa lạc vào cảnh giới của loài ngạ quỉ?”

Thiền sư dạy: “Những ai không xả bỏ được tâm tham lam, bỏn sẻn, khinh thường đại chúng, giành lấy miếng ăn cho riêng mình, sẽ đọa vào cảnh giới của loài ngạ quỷ.”

Lại Hỏi: “Bạch thầy, tạo tội nghiệp gì phải đọa lạc vào cảnh giới của loài súc sanh?”

Thiền sư dạy: “Những ai tạo các nghiệp ngu si, tà ngụy, độc ác, chắc chắn phải đọa vào cảnh giới của loài súc sanh.”

Lại Hỏi: “Bạch thầy, tạo tội nghiệp gì phải đọa lạc vào cảnh giới địa ngục?”

Thiền sư dạy: “Những ai chê bai phỉ báng Tam bảo, làm các điều dữ, nhất định sẽ đọa lạc vào cảnh giới địa ngục.

“Mười Pháp giới như vừa nói đó, thảy đều là do nơi việc làm và sự tu tập của mỗi người.”

Tông Bổn liền đảnh lễ, cảm tạ thầy và nói rằng: “Nếu chẳng phải duyên may từ đời trước, làm sao được gặp bậc minh sư mở mang chỉ bảo như thế này?”

Khi từ biệt, thiền sư lại còn dạy rằng: “Nếu như ngươi còn có điều gì nghi nan chưa dứt, nên tìm đọc những bộ sách như: Liên Tông Bảo Giám, Tịnh độ chỉ qui, Long Thư Tịnh độ văn, Vạn thiện đồng qui tập, Trí Giả Đại sư Thập nghi luận, Thiên Như Tắc Thiền sư hoặc vấn, Thần Thê An Dưỡng phú, Tịnh độ quyết nghi luận. Nói chung, hết thảy những kinh sách tán dương pháp môn
Tịnh độ đều nên tìm đọc.”

Tông Bổn thưa rằng: “Kính vâng lời thầy, con xin tin nhận và hết lòng làm theo như vậy.”